Câu trả lời là không. Chính sách ngăn chặn mở rộng của Mỹ chủ yếu gắn với mối quan hệ đồng minh của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên khi mà đường biên giới các nước này đang bị đặt trong tình trạng thách thức nghiêm trọng thì cần phải có sự cải thiện cơ chế hợp tác và phối hợp giữa các đồng minh.

Chính sách ngăn chặn mở rộng (NCMR – extended deterrence) được phát triển từ chính sách ngăn chặn. Ngăn chặn có nghĩa là ngăn không để cho chiến tranh xâm lược xảy ra hay các mối đe dọa xâm phạm đến lợi ích sống còn của một quốc gia bằng cách đánh trả hay trừng phạt kẻ thù; mặc dù chính sách này chủ yếu được thực hiện thông qua răn đe hạt nhân, thì đến nay các biện pháp phi hạt nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, vũ khí phản lực và các loại vũ khí quy ước tối tân. NCMR hiểu theo nghĩa đơn thuần là cung cấp khả năng bảo vệ cho một đồng minh tương ứng với mức độ răn đe mà nước đó bị đe dọa. Do đó, để phát huy hiệu quả, NCMR đòi hỏi Mỹ phải ngăn chặn được kẻ thù của các đồng minh và đảm bảo cho các đồng minh đủ khả năng và sẵn sàng làm được như vậy. Đó là lí do tại sao lại nói chính sách NCMR bao gồm hai nhiệm vụ, một là ngăn chặn và hai là đảm bảo.

Thành công trong việc ngăn chặn kẻ thù có thể chỉ được xem xét ở khía cạnh tiêu cực: chính sách ngăn chặn phát huy hiệu quả khi lợi ích sống còn đối với các đồng minh của Mỹ được đảm bảo, nghĩa là không bị tấn công, gây hấn hay xâm phạm. Còn thành công trong việc đảm bảo cho đồng minh lại khó đo lường được bởi vì nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, chìa khóa cho thành công ở đây là các nước đồng minh phải sẵn sàng với những khả năng nhất định, đặc biệt là vũ khí hạt nhân thay vì hoàn toàn trông chờ Mỹ cung cấp mọi thứ.

Một vài ý kiến cho rằng việc Bắc Triều Tiên phát triển hạt nhân và tên lửa đồng nghĩa với chính sách ngăn chặn Bình Nhưỡng đang thất bại. Họ đưa ra bằng chứng cho rằng  những hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên vào năm 2010, đáng chú ý là sự kiện tàu Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm và việc Bắc Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc.

Đây là một sự nhầm lẫn và đang gây hiểu lầm bởi vì kể từ khi Hiệp định đình chiến liên Triều năm 1953 về chấm dứt chiến sự trên bán đảo Triều Tiên được ký thì Bắc Triều Tiên đã không tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam. Như vậy cho đến nay chính sách NCMR vẫn tỏ ra thành công khi không để cho một cuộc tấn công xâm lược bất ngờ nào xảy ra. Giới lãnh đạo Bình Nhưỡng cũng biết rằng việc triển khai một cuộc chiến tranh tổng lực hay dùng vũ khí hạt nhân nhằm vào Seoul hay Tokyo cũng sẽ là hành động tự sát. Một lần nữa chính sách NCMR sẽ giúp Bình Nhưỡng thận trọng hơn trong hành động.

Phải thừa nhận rằng chính sách NCMR đã không ngăn được những hành động khiêu khích vào năm 2010 (và những năm trước đó) nên khó có thể hi vọng rằng chính sách này sẽ ngăn chặn được những cuộc tấn công quy mô nhỏ trong thời gian tới. Nhưng phải nhớ rằng, NCMR có nghĩa là ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào các lợi ích sống còn của các nước đồng minh. Có một nguy cơ rõ ràng có thể nhìn thấy là khi khả năng hạt nhân và tên lửa được nâng lên thì Bình Nhưỡng sẽ cảm thấy tự tin vào việc có thể tiến hành những cuộc tấn công quy mô nhỏ và kiềm chế leo thang chiến tranh. Điều này sẽ càng làm phức tạp thêm vấn đề bởi vì kiềm chế leo thang không thể bảo đảm là không có những nghi kị hay tính toán sai lầm. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì chính điều này lại chứng tỏ rằng NCMR đang thực sự phát huy tác dụng. Mặc dù đường biên giới có thể bị đe dọa nhưng chính sách này vẫn ngăn chặn được các xung đột chủ yếu nhằm vào các lợi ích sống còn của các nước đồng minh của Mỹ.

Liệu chúng ta có nên hiểu cuộc phiêu lưu quân sự của Trung Quốc trên biển Hoa Đông theo cách tương tự? Liệu những nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí quy ước và hạt nhân của Trung Quốc, đặc biệt là sự phát triển khả năng chống tiếp cận của nước này có đang làm xói mòn chính sách NCMR? Hay chúng chỉ đơn thuần đang tạo ra các cuộc xung đột quy mô nhỏ trong giới hạn của chính sách NCMR?

Cho đến nay, mặc cho căng thẳng gia tăng thì vẫn chưa có cuộc xung đột nào xảy ra. Trong bối cảnh Bắc Triều Tiên hiện nay thì thái độ thăm dò của Trung Quốc là một phép thử cho chính sách NCMR. Tuy các cuộc xung đột quy mô nhỏ là điều hoàn toàn có thể xảy ra nhưng chính sách NCMR vẫn có thể có hiệu quả bởi vì Bắc Kinh biết rằng việc giành lại Senkaku/Điều Ngư mà Nhật Bản đang quản lý sẽ tạo cái cớ cho Washington có hành động can thiệp theo Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật.

Phân tích này đưa đến một kết luận quan trọng: nhìn chung thì nhiệm vụ ngăn chặn trong chính sách NCMR đang phát huy tác dụng ở Đông Bắc Á. Tuy nhiên có một nghịch lý là những bảo đảm dành cho các đồng minh của Mỹ dường như đang lung lay.

Cả Seoul và Tokyo đều hoài nghi về tính thực tế của chính sách NCMR. Đáp lại, hai nước đề ra các học thuyết tương ứng là “Chủ Động Ngăn Chặn” và “Phòng Vệ Năng Động” nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, và câu hỏi được đặt ra là bằng cách nào những học thuyết này có thể hợp nhất với chính sách NCMR. Hơn thế nữa, sau những cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng thời gian gần đây thì cả hai nước này đều đưa ra phản ứng gay gắt đòi tiến hành tấn công hoặc đánh đòn phủ đầu nhằm xóa sổ kho vũ khí của Miền Bắc. Tại Hàn Quốc, học thuyết này góp phần kêu gọi tăng cường thêm khả năng vũ khí hạt nhân trong nước; một số khác cũng dùng lý lẽ này để ủng hộ cho việc một lần nữa đưa vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ trở lại bán đảo Triều Tiên.

Nhật Bản cũng rất quan tâm đến việc Trung Quốc quyết đoán trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, nước này nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang thách thức liên minh Mỹ-Nhật. Trong cuộc Đối thoại Chiến lược Mỹ-Nhật hàng năm trong khuôn khổ Diễn đàn Châu Á tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ quốc tế (CSIS) gần đây, Nhật Bản đã dẫn ra rằng thất bại trong đối phó lần này có thể tạo tiền lệ xấu cho những tranh chấp lãnh thổ trên biến Đông.

Nói chung, mặc dù Mỹ đã “xoay trục” sang châu Á và đưa ra những cam kết tăng cường chính sách NCMR thì Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn giữ thái độ ngờ vực về mức độ tin cậy và tính bền vững của nó bởi những điều kiện ràng buộc tài chính cũng như những cam kết khác của Mỹ ở khắp nơi trên thế giới. Một vấn đề cũng gây tranh cãi là việc Mỹ quyết định giảm vai trò cũng như hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia, điều khiến cả Seoul lẫn Tokyo quan ngại và đặt câu hỏi cho đến khi nào Mỹ mới thực thi chính sách NCMR.

Hàn Quốc và Nhật Bản ngay lúc này cần nhận được sự bảo đảm nhiều hơn. Ngoài những lời tuyên bố trước công chúng về những cam kết của Mỹ đối với việc phòng thủ dành cho những nước này (đã được Tổng thống Barack Obama phát biểu) thì Mỹ cần hành động thông qua cơ chế tham vấn chính sách NCMR song phương mà nước này đã thiết lập với Hàn Quốc và Nhật Bản.Việc này sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác và điều phối giữa các đồng minh và xóa bỏ tham vọng tăng cường khả năng hạt nhân của hai nước này. Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều những cuộc tấn công quy mô nhỏ hay những hành động khiêu khích, câu hỏi cấp thiết cần trả lời là vai trò, nhiệm vụ và khả năng của Mỹ và các đồng minh trong việc ngăn chặn và đối phó với một cuộc xung đột nếu xảy ra, đặc biệt khi nó leo thang tới mức độ cao hơn cho đến khi chính sách NCMR có thể đóng góp được gì đó. Mỹ cũng cần thảo luận với các đồng minh của mình về phạm vi của chính sách NCMR và việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp nào.

Các đồng minh của Mỹ cũng kêu gọi Washington có những cam kết cụ thể cũng như chia sẻ các kế hoạch chi tiết về cách đối phó với các tính huống bất ngờ có thể xảy ra. Đến tháng 12 năm 2015, Mỹ sẽ phải chuyển giao xong quyền tác chiến cho Hàn Quốc vì vậy càng trao đổi nhiều sẽ càng giúp các nước đồng minh cảm thấy yên tâm hơn. Tuy nhiên sẽ là phi lý nếu như các nước đồng minh chỉ vì lo lắng khả năng ứng phó kém linh hoạt của Mỹ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng mà yêu cầu nước này xóa bỏ tất cả mọi mơ hồ.

Do đó, tham vấn và đối thoại ở cả hai cấp độ, chính trị và quân sự và thông qua các cuộc tập trận là cách tốt nhất để tăng cường quan hệ phối hợp giữa các đồng minh. Cả hai quá trình này đều rất quan trọng bởi bắt tay cùng làm việc sẽ giúp các nước tăng cường hiểu biết lẫn nhau, qua đó những mục tiêu ưu tiên, đòi hỏi hay cả những khó khăn đều sẽ được chia sẻ. Đối với trường hợp của Bắc Triều Tiên, Washington đã làm rõ với các nước đồng minh cũng như thế giới rằng Mỹ sẽ quyết tâm hơn nữa trong việc ngăn chặn Bình Nhưỡng và đã chuẩn bị cho cả những bất ngờ có thể xảy ra. Điều này không có nghĩa là Mỹ từ bỏ mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Không chấp nhận một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân chính là chìa khóa để các đồng minh yên tâm hơn là những cam kết của Mỹ đối với an ninh của các nước này, mặc cho họ mạnh yếu thế nào.

Cuối cùng, không sớm thì muộn, sự phối hợp chính sách giữa ba nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ trớ thành vấn đề then chốt bởi cả Seoul và Tokyo đều có những mong đợi khác nhau đối với Washington. Cả hai nước đều quan ngại sâu sắc về Bắc Triều Tiên và những kì vọng của họ vào Washington có thể (chú ý là ở đây dùng từ “có thể”) ngẫu nhiên trùng khớp trong một trường hợp nào đó. Nhưng họ lại có những quan điểm hoàn toàn khác nhau về những đe dọa Trung Quốc. Cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là mối quan tâm chủ yếu của Nhật Bản; còn Hàn Quốc thì khác, họ chỉ quan tâm khi nó liên quan tới tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Takeshima/Dokdo. Điều này cho thấy, nếu thực sự có cuộc xung đột xảy ra, Tokyo sẽ mong muốn Mỹ có biện pháp ứng phó còn Seoul thì không hoan nghênh điều này, do đó điều cần thiết là phải có sự phối hợp hơn nữa giữa ba nước.

Những vấn đề lịch sử và lãnh thổ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản là rào cản lớn nhất cho sự phát triển đối thoại toàn diện giữa ba bên. Tuy nhiên, hợp tác ba bên “thực dụng” trong khuôn khổ chính sách NCMR vẫn sẽ được coi trọng bởi nó có khả năng tăng cường bảo đảm an ninh cho cả hai nước này.

Vào những năm cuối thập niên 1960, Bộ trưởng quốc phòng Anh Denis Healey từng nổi tiếng với tuyên bố “chỉ cần 5 phần trăm tin vào việc Mỹ trả đũa để ngăn chặn Nga nhưng cần tới 95 phần trăm niềm tin như thế để trấn an châu Âu” Thậm chí những mối đe dọa hiện nay không đáng lo ngại như thời Chiến tranh lạnh thì “Học thuyết Healey” vẫn còn nguyên giá trị: những thách thức đối với niềm tin còn lớn hơn nhiều những thách thức đối với việc ngăn chặn. Tuy nhiên, nếu như Mỹ và các đồng minh của mình giữ được cái đầu lạnh và cùng nhau giải quyết mọi việc trên cơ sở tăng cường quan hệ hợp tác và điều phối cấp cao thì các bên sẽ tìm được sự đồng thuận.

David Santoro là chuyên viên cao cấp về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và giải trừ quân bị tại Diễn đàn Thái Bình Dương, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế CSIS. Bài viết được đăng trên trang CSIS.

Trần Quang (dịch)