Mỹ đang củng cố quyền lực của mình tại Ôxtrâylia và Xingapo và có những kế hoạch hỗ trợ quân sự cho các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong đối đầu với Trung Quốc, Mỹ hiện có ít nhất 3 tuyến răn đe chiến lược, đều nằm ở Thái Bình Dương. Tuyến thứ nhất gần sát lãnh thổ Trung Quốc, dựa vào các căn cứ và cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Mỹ đang thương thuyết để lập lại căn cứ hải quân Mỹ tại Vịnh Subic của Philíppin. Có tin Mỹ và Việt Nam đã bắt đầu các cuộc đàm phán không chính thức về việc thuê một căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại Vịnh Cam Ranh. Nếu kẻ một đường giữa tất cả các nước này, người ta sẽ thấy vòng kiềm chế Trung Quốc đầu tiên của Mỹ, ngăn chặn hiệu quả việc Trung Quốc trở thành một cường quốc hàng hải. Hiện nay, Mỹ đang kiểm soát việc tiếp cận các vùng biển quốc tế của Hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ còn có tuyến răn đe thứ hai, đặt tại Guam và Hawaii, và tuyến thứ ba, có căn cứ tại California và Alaska. Theo một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng, Trung Quốc hiện bị giới chính trị Mỹ coi là nguy cơ lớn nhất đối với các lợi ích của Mỹ về lâu dài, vì vậy Oasinhtơn tin rằng họ nên bắt đầu kiểm soát Trung Quốc. Nhưng Mỹ sẽ không một mình kiểm soát Trung Quốc. Mỹ đang tìm cách "tập hợp" càng nhiều đồng minh càng tốt. Các đồng minh này có thể được chia thành một số nhóm. Nhóm đầu tiên gồm những nước và vùng lãnh thổ phụ thuộc nặng nề vào Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Những nước này sẽ ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào của Mỹ nhằm chống Trung Quốc. Tình hình phức tạp hơn đối với các nước khác. Mỹ, trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, đang thành lập một hệ thống nhằm cho phép họ làm gián đoạn việc cung cấp các mặt hàng năng lượng cho kinh tế Trung Quốc vào bất kỳ lúc nào. Để thực hiện mục tiêu này, việc quan trọng là phải đóng cửa được các tuyến đường vận chuyển phía bắc và phía nam. 

Tuyến đường vận chuyển phía nam, đi qua Eo biển chiến lược Malắcca, là quan trọng đối với Trung Quốc. Nếu tuyến đường này bị đóng lại, kinh tế Trung Quốc khó có khả năng tồn tại, dù chỉ một tháng. Đó cũng chính là lý do Mỹ đang lập một nhóm tàu chiến thường trực, sẽ được đặt tại Xingapo. Cùng với các lực lượng Mỹ hiện đang có mặt tại Ôxtrâylia và Philíppin, Oasinhtơn có thể dễ dàng phong tỏa Eo biển Malắcca. Tình hình phần nào phức tạp hơn với tuyến đường vận chuyển phía bắc. Trong vài tháng gần đây, Mỹ đã thực hiện các cuộc thương thuyết với Nga nhằm giành được sự ủng hộ của Nga trong vấn đề kiềm chế Trung Quốc, nhưng vẫn chưa thành công. Để giành được sự hỗ trợ của Nga, Mỹ đang muốn đưa ra một số nhượng bộ, trong đó có các vấn đề lá chắn tên lửa, tài chính và kinh tế. Các nhà lãnh đạo Mỹ nhận thức được rằng sự hỗ trợ của Nga có thể là yếu tố quyết định trong việc kiềm chế Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ tiếp tục tổ chức một cuộc đối thoại với Ấn Độ về cách thức chống Trung Quốc. Trong những năm gần đây, các quan hệ Trung-Ấn không quá xấu, nhưng những bất đồng lớn đã từng nổi lên giữa Bắc Kinh và Niu Đêli. Đó là lý do Ấn Độ có thể tham gia việc kiềm chế Trung Quốc. Việc thành lập một liên minh chống Trung Quốc, bao gồm Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia và Đông Nam Á sẽ đẩy Trung Quốc vào một tình thế tuyệt vọng. Chính phủ Trung Quốc cũng nhận thức được nguy cơ này và đang tìm cách thiết lập một hạm đội hùng mạnh, có khả năng hoạt động xa bờ biển Trung Quốc trong thời gian dài, có thể trực tiếp đe dọa Mỹ, cũng như củng cố các quan hệ với Nga - quốc gia không muốn kiềm chế Trung Quốc. Người ta chưa rõ Mỹ định đi xa đến đâu trong chiến lược chống Trung Quốc. Nhưng các dấu hiệu từ Nhà Trắng đang là đáng lo ngại. Đó là lý do tại sao các quan hệ quốc tế trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 có thể tái xuất hiện các học thuyết "kiềm chế", "tự do" và "trả đũa".

Theo Globalresearch (ngày 16/4)

Vũ Hiền (gt)