Ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (Nguồn: Reuters) 

Đến thăm Washington trong những ngày nóng đỉnh điểm của mùa hè Bắc Mỹ luôn là trải nghiệm không hề bình thường. Thời tiết ở đây nóng và ẩm ướt không thể chịu đựng nổi. Nhìn chung thành phố thủ đô của nước Mỹ khá yên tĩnh và vắng vẻ. Quốc hội đang trong giai đoạn ngừng họp, các chính trị gia rời khỏi thành phố, công chức đang tận hưởng kỳ nghỉ hàng năm. Trong khi đó, các nhà hàng nổi tiếng trong thành phố đang phải vật lộn để thu hút khách du lịch thay vì từ túi tiền của các nhà ngoại giao hay chính khách giàu có.

Tuy nhiên, đây sẽ là mùa hè yên tĩnh cuối cùng của thủ đô nước Mỹ. Vào giờ này năm sau, Washington sẽ là trung tâm của chiến dịch vận động tranh cử tổng thống mà chắc chắn sẽ đầy giông bão và căng thẳng cho mỗi cá nhân tranh cử ở đây. Hầu như không có ai dám dự đoán kết quả của cuộc bầu cử tổng thống này; chỉ những người căm thù ông Donald Trump dựa vào niềm tin chứ không phải thực tế mới cho rằng Tổng thống Trump sẽ thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới. Có một câu hỏi đang ngày càng ám ảnh giới tinh hoa chính trị Mỹ: Liệu đất nước của họ có thể đảo ngược tiến trình và quay trở lại hoạt động chính trị “bình thường” nếu Trump trở thành tổng thống một nhiệm kỳ nữa hay không?

Một tổng thống thời hậu Trump có thể sẽ rất khác. Không có chính quyền Mỹ nào là có thể dự đoán được. Tuy nhiên, hãy nhớ lại quyết định vào phút chót của Tổng thống Barack Obama cho hủy bỏ chiến dịch quân sự đã được lên kế hoạch của Mỹ ở Syria mà không tham khảo ý kiến các đồng minh của mình hay thậm chí cả các viên tư lệnh của chính ông. Điều này giống như một sự thừa nhận rằng Trump không phải là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên hành động một cách bốc đồng như vậy.

Tuy nhiên, trong lịch sử hầu như không có gì giống với tình trạng vô cùng hỗn loạn của chính quyền Mỹ hiện nay, khi mà các bộ trưởng và quan chức cấp cao bị thay thế và không nhận được sự ủng hộ mà không có lý do rõ ràng, nơi các kẻ thù của Mỹ đột nhiên trở thành những người bạn thân của Tổng thống trong khi các đồng minh lâu đời bị gạt bỏ chỉ vì làm cho Tổng thống khó chịu.

Ông Trump lên cầm quyền với tuyên bố rằng “kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên “đã qua đi” và Mỹ “không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt toàn bộ” đất nước này nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên không từ bỏ vũ khí hạt nhân. Dù “người tên lửa bé nhỏ” - tên gọi mà ông Trump đặt cho Kim Jong-un - đã không có nhượng bộ thực chất nào về vấn đề hạt nhân, nhưng Tổng thống Trump giờ đây khẳng định rằng cả hai người đang có tình cảm tốt đẹp.

Trong khi đó, ông Trump đã không bỏ lỡ cơ hội công kích Đức, đối tác châu Âu quan trọng nhất của Mỹ, trước công chúng và thường với những lời lẽ làm bẽ mặt nhất. Dù vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) gần đây, ông Trump lại đột nhiên tìm cách “nịnh bợ” Thủ tướng Đức Angela Merkel bằng việc khẳng định rằng “nước Đức có trong dòng máu” của ông.

Những cách hành xử riêng như vậy của Donald Trump chắc chắn sẽ biến mất cùng với ông. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là dường như chắc chắn vị tổng thống Mỹ tương lai sẽ không chia sẻ quan điểm của Trump về thế giới như một cuộc chơi được mất ngang nhau giữa kẻ thắng-người thua mà trong đó Mỹ bị cáo buộc là không có bạn bè mà chỉ có đối thủ, một thế giới trong đó chính sách bên miệng hố chiến tranh, leo thang căng thẳng và những mối đe dọa là công cụ quyền lực chủ chốt.

Chắc chắn là bất kỳ ai thay thế Donald Trump cũng nhận ra rằng giá trị của bạn bè và các đồng minh sẽ giúp gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ lên nhiều lần, và lấy việc khôi phục ngoại giao làm công cụ chính sách đối ngoại chủ yếu. Ý nghĩa của những sự thay đổi như vậy không nên bị đánh giá thấp, nhưng cũng không nên đánh giá quá cao vì nhiều chính sách và ưu tiên mà Chính quyền Trump hiện đang thực hiện có khả năng sẽ được tiếp tục nếu Donald Trump dù cho ông không tái đắc cử trong nhiệm kỳ tới.

Chủ nghĩa đa phương

Thứ nhất là sự thiếu tin tưởng cố hữu của Mỹ đối với các thể chế và cơ cấu đa phương. Sự thiếu tin tưởng này tồn tại từ trước thời của tổng thống Trump. Thế hệ các nhà lãnh đạo Mỹ hiện nay – và đặc biệt là phía đảng Dân chủ - đều nhận thức rõ hơn những người tiền nhiệm về sự dễ tổn thương và suy giảm tiềm tàng của Mỹ với tư cách là một siêu cường thế giới. Nhưng cũng không loại trừ khả năng điều này sẽ trở thành một mối quan tâm đối với Liên hợp quốc. Trong khi các nước nhỏ hay bậc trung coi các tổ chức quốc tế là sự thiết yếu vì những lý do rõ ràng; các nước lớn coi những tổ chức này là bất đắc dĩ. Quốc hội Mỹ có khả năng vẫn duy trì quan điểm này. Bên cạnh đó, một vị tổng thống khác của Mỹ cũng không thể giải quyết được dứt điểm các vấn đề quân sự trực tiếp nhất của Mỹ với Triều Tiên, Iran hay Nga.

Trừ phi một thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên sớm đạt được – và điều này khó có khả năng xảy ra – nếu không nhà lãnh đạo sắp tới của Mỹ sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn mà Tổng thống Trump đã cố tránh: Hoặc chấp nhận Triều Tiên là nhà nước hạt nhân và định hình chính sách răn đe hạt nhân chiến lược của Mỹ một cách phù hợp, hoặc đối đầu với Bình Nhưỡng với tất cả những rủi ro kéo theo.

Điều tương tự cũng diễn ra với Iran. Ngay cả khi vị tổng thống mới của Mỹ nhậm chức tin rằng việc Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tổng thống Obama đã ký kết với Iran là sai lầm, thì người đó cũng sẽ nhận ra rằng không thể quay ngược kim đồng hồ bằng việc đưa Mỹ quay trở lại một thỏa thuận đang hấp hối và chắc chắn sẽ chết vào thời điểm này năm sau. Một cuộc đàm phán mới với Iran sẽ được yêu cầu, tuy nhiên sẽ không có khả năng Mỹ đồng ý dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran trước khi cuộc đàm phán này mang lại thành quả. Các cuộc đàm phán được nối lại này có thể thành công, nhưng điều có khả năng xảy ra hơn là tình trạng đối đầu quân sự sẽ vẫn tiếp tục và trở nên nguy hiểm hơn.

Sau đó là vấn đề với Nga. Thực tế đáng buồn là bởi Trump bị cáo buộc là được lợi từ việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 nên Tổng thống đã tỏ ra bất lực trong việc tiến hành bất kỳ chính sách có ý nghĩa nào đối với Nga. Và điều đó đưa đến những hậu quả là: Phần lớn các cơ chế về hiệp ước và kiểm chứng giải trừ quân bị, được đưa ra kể từ những năm 1970 bao gồm mọi thứ từ vũ khí hạt nhân cho đến vũ khí thông thường, hiện đang sụp đổ. Vị tổng thống mới của Mỹ sẽ phải thiết lập lại cơ chế kiểm soát vũ khí này từ vạch xuất phát. Tuy nhiên, vị tổng thống mới cũng sẽ chịu áp lực khi phải có thái độ cứng rắn hơn với Nga để bù đắp cho cái được cho là sự khoan dung của Donald Trump đối với Mát-xcơ-va.

Trung Quốc và thương mại

Người dân Mỹ không nên bỏ qua rằng sự thay đổi trong lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc diễn ra không phải dưới thời của Donald Trump, mà nó đã diễn ra trong những năm cuối thời Chính quyền Obama, khi các quan chức cấp cao đều kết luận rằng tất cả các giả định của Mỹ về Trung Quốc – kể cả việc hi vọng thương mại tự do sẽ mở cửa nền kinh tế Trung Quốc và việc Trung Quốc tham gia hệ thống toàn cầu có thể kiềm chế hành vi chiến lược của Bắc Kinh – đều cho thấy sai lầm. Và những phản ứng dữ dội chống lại các điều khoản về thương mại với Trung Quốc không phải được thúc đẩy bởi các nhà tư tưởng trong Nhà Trắng, mà bởi cộng đồng doanh nghiệp đã ngày càng không còn hứng thú với các điều kiện kinh doanh mà Trung Quốc đưa ra.

Có khả năng vị tổng thống mới của Mỹ sẽ áp đặt ít thuế quan và biện pháp trừng phạt hơn, nhưng rất khó để người đó từ bỏ việc yêu cầu Trung Quốc cần phải có sự thay đổi sâu sắc trong hành vi thương mại của mình, hay cũng khó có khả năng Mỹ sẽ dỡ bỏ những hàng rào thuế quan hiện tại mà không nhận được những nhượng bộ lớn từ Trung Quốc. Sự tách biệt về kinh tế có khả năng sẽ vẫn là ưu tiên của bất kỳ ông chủ Nhà Trắng nào. Quả thực, có thể lập luận rằng tổng thống mới của Mỹ sẽ tập trung vào ưu tiên này thậm chí còn cao hơn nữa. Chính quyền Trump hiện nay dường như có ý định tự mình thực hiện chính sách với Trung Quốc mà không cần nhiều sự ủng hộ từ các đồng minh chủ chốt của Mỹ. Vị tổng thống mới có thể thay đổi hoàn toàn điều này bằng việc yêu cầu châu Âu và các đồng minh của Mỹ ở châu Á tham gia chính sách phối hợp để đối đầu Trung Quốc.

Người kế nhiệm Donald Trump có thể không đối xử với Trung Quốc theo cách như chính quyền hiện nay đang làm. Nhưng việc Mỹ bổ sung thêm nhiều sắc thái vào chính sách với Trung Quốc quả thật có thể kéo theo nhiều sức ép hơn đối với Bắc Kinh. Một chính quyền của Đảng Dân chủ cũng có khả năng lại đưa ra những xem xét về vấn đề nhân quyền trong các cuộc giao thiệp với Trung Quốc.

Và sau đó là thương mại. Nếu Donald Trump không tái đắc cử, chính quyền tiếp theo sẽ có cơ hội đảo ngược nhiều chính sách thương mại của chính quyền tiền nhiệm, sửa chữa lại mối quan hệ với các đối tác, gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và có thể đưa Washington cam kết trở lại với Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Nhưng không chắc là chính quyền mới sẽ cam kết quay lại với việc khôi phục hệ thống thương mại toàn cầu như chúng ta đã biết vì một lý do cơ bản: Toàn cầu hóa không còn được coi là đề xuất cùng thắng đối với các xã hội công nghiệp hóa phương Tây. Quả thực, nhiều nghị sỹ đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ hiện đang ủng hộ các chính sách theo xu hướng bảo hộ. Những chính sách này thậm chí còn đi xa hơn những gì mà Donald Trump hiện đang thực hiện.

Không điều nào trong những phân tích trên cho thấy một sự thay đổi quyền lực tiềm tàng ở Washington là không thích hợp. Các tổng thống Mỹ đều sẽ luôn bị thử thách bởi những xung đột mà họ không mong đợi, và cách thức họ xử lý những xung đột này sẽ quyết định thành tích lịch sử của họ. Bởi vậy, tính cách có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu coi Donald Trump là người ngoài cuộc. Đối với nhiều khía cạnh, ông thể hiện sự tiếp nối chứ không phải những thay đổi trong chính sách của Mỹ. Và nhiều mảnh ghép về Trung Quốc mà ông đang xé ra ngày hôm nay có thể không bao giờ gắn lại được với nhau nữa./.

Jonathan Eyal là tiến sỹ chuyên ngành luật và quan hệ quốc tế, từng giảng dạy tại Đại học Oxford sau đó giữ chức vụ Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia Anh và hiện là phóng viên châu Âu của tòa soạn The Straits Times. Bài viết được đăng trên tờ The Straits Times.

Nam Thái (gt)