Các cuộc thăm dò dư luận do các tổ chức uy tín tại Mỹ thực hiện tiếp tục cho thấy các vấn đề trong nước Mỹ vẫn quan trọng hơn nhiều. Do đó, vấn đề chính sách đối ngoại không quyết định nhiều đến kết quả bầu cử của các ứng cử viên. Nhưng với Mỹ, một nước từng có ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống quốc tế trong thế kỷ 20, vấn đề chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử đóng vai trò quan trọng hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Mỹ có nhiều lợi ích quan trọng ở một số khu vực liên quan đến chính sách đối ngoại, trong đó đặc biệt là làn sóng dân chủ đang nổi lên trong thế giới Arập, tham vọng hạt nhân của Iran, quản lý sự phát triển của Trung Quốc, chấm dứt chiến tranh tại Ápganixtan, Bắc Triều Tiên hậu Kim Châng In, và cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng của Liên minh châu Âu (EU). Và một số nước trên thế giới, trong đó có các nước đồng minh hoặc một số nuớc muốn trở thành đồng minh của Mỹ, hay một nước như Ấn Độ... muốn duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược trong một liên minh chính thức, chính sách đối ngoại của Mỹ không thể không chú ý đến các vấn đề đó. Hơn nữa, một số lượng lớn người di cư tại Mỹ thường xuyên vận động ở trong và ngoài Quốc hội chắc chắn sẽ biến các vấn đề đối ngoại trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó, không ít quốc gia trên thế giới muốn biết các ứng cử viên Tổng thống Mỹ sẽ đề cập những gì trong chiến dịch vận động tranh cử của họ và những dự định chính sách đối ngoại của đại diện hai đảng của Mỹ sẽ tập trung bảo vệ lợi ích của Mỹ ở trong và ngoài nước ra sao.

Tổng thống đương nhiệm Barack Obama sẽ tìm cách nhấn mạnh các quyết định chính sách đối ngoại (đặc biệt lực lượng đặc nhiệm Seal đã tiêu diệt thủ lĩnh al Qaeda Osama Bin Laden) để khẳng định ông là một chỉ huy tối cao tin cậy và xứng đáng là Tổng thống Mỹ một nhiệm kỳ nữa.

Iran sẽ tiếp tục là một nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng và ngày càng được quan tâm khi cuộc bầu cử tổng thống đến gần. Khi bước vào Nhà Trắng, ông Obama cam kết tổ chức một cuộc đối thoại vô điều kiện với Iran . Nhưng những bất đồng liên quan đến chương trình hạt nhân kèm theo các vấn đề nhân quyền của Iran buộc Obama thay đổi lập trường và kể từ đó đã theo đuổi chính sách bao vây cô lập Iran bằng cách áp đặt các biện pháp cấm vận trừng phạt mới, đồng thời thắt chặt các biện pháp cấm vận hiện hành. Mặc dù nhấn mạnh một giải pháp ngoại giao, nhưng Obama cũng đe dọa Nhà Trắng vẫn sẵn sàng sử dụng giải pháp quân sự. Thực tế, sở dĩ phản ứng của Mỹ đối với Iran chiếm vị trí quan trọng trong bầu không khí chính trị bầu cử Mỹ là do nhân tố Ixraen. Ten Avíp, đồng minh tin cận nhất của Mỹ ở Trung Đông, coi chế độ của Iran như kẻ thù và không thể chấp nhận một nước Iran có hạt nhân bằng bất cứ giá nào. Ixraen thường đe dọa đánh bom các cơ sở hạt nhân của Iran , và những mối đe dọa đó tiếp tục gây căng thẳng trong giới hoạch định chính sách của Oasinhtơn.

Từ trước đến nay, không tổng thống hoặc ứng cử viên nào của Mỹ có thể coi nhẹ ảnh hưởng của các cuộc vận động hành lang của người Do Thái và chính sách của Mỹ đối với Trung Đông hết sức chú trọng đến an ninh và bảo vệ Ixraen. Nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Obama chứng kiến một số căng thẳng giữa Oasinhtơn và Ten Avíp, do Obama tuyên bố ủng hộ một giải pháp hai nhà nước nhằm giải quyết các cuộc xung đột Ixraen-Palextin trên cơ sở đường biên giới năm 1967. Nhưng Chính quyền Obama cũng bác bỏ đề nghị thành lập một nhà nước Palextin tại Liên hợp quốc và quyết định viện trợ quân sự 3 tỷ USD cho Ixraen năm 2011, mức cao nhất kể từ năm 2003.

Phản ứng của Mỹ trước phong trào dân chủ trong thế giới Arập rất quan trọng. Bởi vì trách nhiệm bảo vệ và can dự tới mức nào đó của Mỹ có thể tạo nên những thay đổi ở một nước khác. Trong cuộc khủng hoảng Xyri hiện nay, các nước phương Tây, kể cả Mỹ, đang bị mắc kẹt do một số bất đồng lớn với Nga và Trung Quốc. Tổng thống Obama phần lớn ủng hộ tiến trình phát triển dân chủ ở Trung Đông nhưng cũng bị chỉ trích không quan tâm nhiều đến phản ứng nặng tay của chế độ đối với các cuộc biểu tình ở Baranh, một đồng minh khu vực - nơi có căn cứ hạm đội 5 của Mỹ. Với Libi, Obama ủng hộ và tham gia liên minh NATO để hỗ trợ lực lượng nổi dậy lật đổ chế độ tài Muammar Gaddafi. Tại Xyri, Obama chủ trương tăng cường các biện pháp cấm vận kinh tế chống chế độ Xyri, muốn nhà lãnh đạo Xyri Bashar Al-Assad từ chức, và ủng hộ phe đối lập bằng cách cung cấp các trang thiết bị quân sự không gây chết người như: các phương tiện thông tin liên lạc, tin tức tình báo... cho phe đối lập Xyri. Cái khó của Obama là xử lý thế nào những bất đồng của Mỹ với hai nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Nga và Trung Quốc. Hơn nữa, sự nổi lên của các đảng Hồi giáo và các đối thủ chính trị tại Ai Cập và Tuynidi sẽ tăng thêm tầm quan trọng trong bức tranh chính trị đang thay đổi ở Trung Đông và phản ứng của Mỹ trước những phát triển đó.

Chính sách Trung Quốc cũng là một trong những vấn đề nổi bật trong chính sách đối ngoại sắp tới của Mỹ. Bởi vì cạnh tranh kinh tế và ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc đang thách thức Mỹ. Tác động của Trung Quốc đối với cơ cấu an ninh toàn cầu biến Trung Quốc trở thành vấn đề quan trọng trong các diễn văn tranh cử của các ứng cử viên. Ngoài mối quan tâm chiến lược, quan hệ kinh tế Mỹ-Trung Quốc và các thách thức đang đòi hỏi các ứng cử viên tổng thống quan tâm nhiều hơn. Hơn nữa, chiến lược tái cân bằng mới hướng về châu Á-Thái Bình Dương của Obama sẽ đòi hỏi các ứng cử viên nỗ lực quản lý sự phát triển của Trung Quốc. Khi chiến dịch tranh cử được thúc đẩy, chỉ trích Trung Quốc ngày càng tăng sẽ trở thành một đặc điểm quan trọng của cả hai ứng cử viên. Tổng thống Obama công khai chỉ trích chính sách thương mại, vi phạm nhân quyền (trường hợp của nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc bị mù Trần Quang Thành gần như trở thành một trận chiến ngoại giao giữa hai nước gần đây) và hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Vấn đề ngân sách quốc phòng cũng sẽ là vấn đề nổi lên trong cuộc tranh luận gay gắt giữa hai ứng cử viên của hai đảng trong thời điểm khi Mỹ đang gặp khó khăn kinh tế do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây nên. Người Mỹ có cảm giác chung là cam kết chính sách đối ngoại của Mỹ trên thế giới những năm gần đây thiếu tập trung và các cuộc chiến tranh mất lòng dân như Irắc và Ápganixtan biến vấn đề cắt giảm quốc phòng trở thành một cuộc tranh luận chính sách quan trọng. Tổng thống Obama rất chú trọng giảm bớt chi phí cho các cuộc chiến ở Irắc và Ápganixtan, chú trọng chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương và các cam kết an ninh với các đồng minh và đối tác quan trọng trong khu vực.

Mỹ chuẩn bị rút khỏi Ápganixtan và chuyển giao trách nhiệm cho các lực lượng Ápganixtan vào năm 2014, do đó vấn đề Ápganixtan sẽ trở thành điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của cuộc bầu cử năm 2012. Thực tế, trong những năm qua, cuộc chiến tranh Ápganixtan đã trở thành thước đo uy tín của Obama. Khi bước vào Nhà Trắng, Obama là một trong những tổng thống Mỹ được ưa chuộng nhất, nhưng cuộc chiến Ápganixtan và các khó khăn kinh tế ở trong nước đã làm mất uy tín và trở thành những vấn đề đau đầu của Obama, đặc biệt khi ông ta chuẩn bị tranh cử nhiệm kỳ hai. Chiến lược Ápganixtan-Pakixtan và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ không thể làm thay đổi tình hình của cuộc chiến Ápganixtan và với một đồng minh hai mặt như Pakixtan, Mỹ vẫn đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan trong khu vực.

Bất chấp các dự báo lạc quan và các tuyên bố chính thức, thực tế là Mỹ và đồng minh không thể đánh bại Taliban về quân sự, do đó chắc chắn Mỹ phải áp dụng một số hình thức hòa giải nào đó với lực lượng này để bảo đảm Ápganixtan trở lại ổn định trước khi Mỹ và phương Tây rút khỏi đây.

Pakixtan sẽ trở thành yếu tố then chốt của cuộc nổi dậy tại Ápganixtan, và không giải pháp nào có thể đạt được nếu không có sự ủng hộ của Pakixtan.

Qua các đường biên giới của Pakixtan với Ápganixtan, và qua các mối quan hệ lâu đời của Pakixtan với các thủ lĩnh chiến binh đang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn bên trong lãnh thổ Pakixtan, Ixlamabát có khả năng gây mất ổn định và mất an ninh trong khu vực. Hiện nay, cả Ápganixtan lẫn Mỹ đều không hài lòng với Pakixtan vì nhiều lý do, nhưng Mỹ vẫn phải tiếp tục nỗ lực cải thiện quan hệ để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ.

Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Obama đã giành được uy tín tại châu Âu và tăng sự lạc quan mới về mối quan hệ hai bờ Đại Tây Dương sau kỷ nguyên Bush không được ưa chuộng. Châu Âu đánh giá cao bài phát biểu của Tổng thống Obama tại Praha về việc ủng hộ thế giới không có vũ khí hạt nhân và hoan nghênh quyết định của ông rút quân khỏi Irắc và Ápganixtan. Nhưng cùng lúc đó, cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro đe dọa làm suy yếu hệ thống tài chính EU khiến cho tương lai của mối quan hệ hai bờ Đại Tây Dương trở nên không chắc chắn hơn. Cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ ở EU sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu của Mỹ và gây trở ngại lớn cho triển vọng tái cử của Obama. Ngoài ra, Chính quyền Obama chỉ trích châu Âu quá lệ thuộc vào Mỹ trong việc duy trì NATO và không cam kết đầy đủ trong việc chia sẻ gánh nặng an ninh. Hơn nữa, do Mỹ ngày càng chú trọng tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương và coi đây như một chiến trường tương lai, các mối quan hệ Mỹ-châu Âu đang được đánh giá lại. Gần đây Bộ Ngoại giao Mỹ gửi một bức thư cho bà Catherine Ashton, Cao Ủy phụ trách Chính sách đối ngoại của EU có tiêu đề "Tăng cường đối thoại và can dự của Mỹ-EU ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương", trong đó đề nghị EU và Mỹ đẩy mạnh hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, quan hệ Mỹ-châu Âu đòi hỏi hai bên quan tâm nhiều vấn đề trong những ngày tới.

Việc thay đổi lãnh đạo ở Bắc Triều Tiên và việc kế vị của ông Kim Châng Un đã làm tăng tình hình không chắc chắn trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi thế giới tìm cách đánh giá nhà lãnh đạo trẻ ở một trong những nước khó hiểu nhất trên thế giới, chính sách Bắc Triều Tiên của Oasinhtơn trở nên quan trọng hơn. Khi bước vào nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Obama tán thành một chính sách ngoại giao can dự trực tiếp với Bắc Triều Tiên, nhưng do Bình Nhưỡng tiếp tục sử dụng vị thế vũ khí hạt nhân làm một công cụ thương lượng và không có dấu hiệu giảm bớt hành động hiếu chiến đối với Hàn Quốc, Obama trở nên cứng rắn hơn trong cách tiếp cận chính sách Bắc Triều Tiên. Obama từ bỏ cam kết cung cấp khoản viện trợ lương thực mới sau vụ thử vệ tinh thất bại của Bình Nhưỡng tháng 4/2012 và hành động đó cho thấy Bắc Triều Tiên không hề có kế hoạch thay đổi.

Theo dự đoán, vấn đề chính sách đối ngoại có thể không ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử, nhưng nhiều nước, kể cả Ấn Độ, cho rằng các dự án chính sách đối ngoại của các ứng cử viên rất quan trọng. Bên cạnh đó, trong một thế giới toàn cầu hóa, các vấn đề như kinh tế hoặc nhập cư chủ yếu được coi là vấn đề nội bộ nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chính sách đối ngoại. Hơn nữa, chính sách đối ngoại là một trong những lĩnh vực cho phép Tổng thống Mỹ sử dụng đặc quyền. Thực tế, tất cả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy vấn đề chính sách đối ngoại rất quan trọng và nhiều tổng thống Mỹ đã vấp phải khó khăn về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ của họ để đạt được vị thế trong lịch sử. Ví dụ, Tổng thống Roosevelt và cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II; Tổng thống Truman và Eisenhower - liên quan đến việc thúc đẩy hơn nữa chiến lược ngăn chặn trên toàn cầu; Kennedy và cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba; Johnson và Chiến tranh Việt Nam; Carter và Iran; Reagan và sự leo thang của Chiến tranh Lạnh ở Ápganixtan, vụ bê bối Iran-Contra và Chiến tranh Lạnh kết thúc; H.W Bush và chiến tranh vùng Vịnh; Clinton và cuộc khủng hoảng Bancăng; W. Bush và các cuộc chiến tranh Ápganixtan và Irắc. Tóm lại, cho dù các vấn đề trong nước quan trọng đến đâu, các ứng cử viên tổng thống không thể coi nhẹ vấn đề chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào tháng 11/2012.

Theo Eurasia Review

Trần Quang (gt)