Việc Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991 và bình minh của một kỷ nguyên mới trên vũ đài chính trị toàn cầu đã có tác động tới Việt Nam và cách tiếp cận chính sách đối ngoại của nước này. Trong khi những thập niên trước đó chứng kiến một loạt cuộc xung đột thì những năm 1990 lại chứng kiến Việt Nam can dự với nhiều bên quốc tế hơn và trở thành thành viên của nhiều tổ chức đa phương như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các tổ chức khác. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Trung Quốc trong năm 1991 và đạt được một hiệp định phân định biên giới trên đất liền vào năm 1999 sau khi trải qua một cuộc chiến với Trung Quốc năm 1979.

Ban lãnh đạo chính trị của Việt Nam và cơ quan ngoại giao nước này đã thừa nhận hòa bình và ổn định cũng như mối quan hệ cân bằng với các thành viên của cộng đồng quốc tế là có tính cấp bách để theo đuổi các mục tiêu quốc gia của mình. Những năm 1990 đã đưa đến những xu hướng phát triển, hội nhập kinh tế và chú trọng đến các lĩnh vực phi truyền thống của an ninh mặc dù nhiều cuộc xung đột và hành động khủng bố vẫn còn phổ biến. Trong một thế giới ngày càng liên kết và toàn cầu hóa với sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau ngày càng tăng, Việt Nam cần phải theo đuổi các chính sách thực dụng và định hình các mối quan hệ đối ngoại theo hướng đạt được kết quả tối ưu.

Việt Nam không chỉ khôi phục các chính sách đối nội của mình, đặc biệt là những cải cách kinh tế trong những năm 1990 dẫn tới thu hút đầu tư nước ngoài mà nước này còn bắt đầu hội nhập với nền kinh tế khu vực và toàn cầu bằng cách tham gia nhiều tổ chức quốc tế. Bắt đầu với việc gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên của Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương vào năm 1998. Năm 2005, Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á đầu tiên. Nước này cũng trở thành thành viên của các thể chế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO) – tất cả đều nhằm hội nhập với trật tự kinh tế thế giới mới.

Mục tiêu tổng thể của ban lãnh đạo Việt Nam là xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam trong các văn kiện và tuyên bố của mình đều nhấn mạnh đến việc theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, cởi mở, đa phương hóa và hội nhập tích cực với cộng đồng quốc tế.

Với sự ổn định chính trị và xã hội như hai trụ cột thế mạnh, thế kỷ 21 đã mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức. Trong khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là đáng khen ngợi thì nước này vẫn tụt lại sau một số nước trong khu vực và trên thế giới xét về mặt kinh tế. Nạn tham nhũng, quan liêu và những diễn tiến phức tạp trên vũ đài an ninh được nhìn nhận là một số thách thức chủ yếu.

Do sự can dự chủ động với các nước trong và ngoài khu vực, Việt Nam đã ký một số hiệp định góp phần cho hòa bình và ổn định. Ví dụ như, một số hiệp định quan trọng được ký kết trong những năm gần đây là Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Mỹ, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hiệp định về phân định ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia. Những hiệp định này đã đi một chặng đường dài trong việc tạo lập và duy trì một môi trường có lợi cho quá trình xây dựng đất nước.

Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 do Việt Nam đăng cai kết thúc thành công tốt đẹp cho thấy nước này đã lớn mạnh về mặt ngoại giao và hội nhập tốt vào hệ thống quốc tế. Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới diễn ra ở Hà Nội đã lấy chủ đề chính là “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”.

Các đại diện của Việt Nam đã kêu gọi các nước cam kết mạnh mẽ hơn để tránh phải sử dụng chiến tranh mạng, đồng thời hối thúc Liên hợp quốc (LHQ) xây dựng một công ước quốc tế đảm bảo an ninh và an toàn không gian mạng. Những vụ tấn công khủng bố gần đây ở Paris và các tổ chức khủng bố tuyển dụng nhân sự thông qua tuyên truyền trên mạng cho thấy an ninh mạng là tối quan trọng cho cộng đồng quốc tế. Hơn thế nữa, đóng góp của các đại diện Việt Nam cho việc thông qua nghị quyết dự thảo về luật pháp quốc tế liên quan tới chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và nhân quyền là rất quan trọng. Điều này cũng hài hòa với các mục tiêu đã nêu trong cách tiếp cận của Việt Nam đối với các chính sách đối ngoại và an ninh của mình. Chắc chắn, sự kiện trên đã góp phần tăng cường quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và các quốc hội nước khác.

Trước đó, vai trò tích cực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã được thừa nhận và được nhiều nước đánh giá cao khi nước này đảm nhận vai trò ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

Cho đến nay, việc Việt Nam hợp tác với Trung Quốc cũng được nhiều người quan tâm. Nước này đã và đang cố gắng theo đuổi mối quan hệ cân bằng và hợp tác với Trung Quốc bất chấp những tuyên bố quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông. Là một phần của những nỗ lực hợp tác này, chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 4/2015 của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là nhằm cải thiện mối quan hệ song phương đang căng thẳng. Chuyến thăm gần đây của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội cho thấy cách tiếp cận linh hoạt của ban lãnh đạo Việt Nam trong các chính sách đối ngoại và an ninh của mình. Tuy nhiên, hồi tháng 5/2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 tới vùng lãnh thổ mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền với mục đích thăm dò dầu mỏ và vụ việc này đã tạo ra một tình huống xung đột. Sau đó, Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông, một động thái đã bị cộng đồng quốc tế lên án.

Trong chuyến thăm tới Việt Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ “cố gắng cùng với Việt Nam kiểm soát tốt mọi bất đồng trên biển và duy trì mối quan hệ Việt-Trung toàn diện cũng như hòa bình và ổn định” ở Biển Đông. Tuy nhiên, thông qua quan điểm mà nhiều người hiểu rõ Bắc Kinh về vấn đề này và các hoạt động cưỡng ép của họ tại Biển Đông, rất khó có thể có giải pháp cho vấn đề này trong tương lai gần. Mặc dù vậy, Việt Nam và Trung Quốc đã ký một số thỏa thuận hợp tác liên quan tới mối quan hệ hai đảng, đầu tư, cơ sở hạ tầng, văn hóa và một khoản vay trị giá 200 triệu USD của Ngân hàng phát triển Trung Quốc dành cho Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam. Hơn thế nữa, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với thương mại song phương đã vượt mức 58 tỷ USD.

Trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại đa phương của mình, Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác với nhiều cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga. Trước hết, chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong năm nay đã tăng cường mối quan hệ chính trị và an ninh đang phát triển với Mỹ. Việt Nam hiện cũng là một thành viên trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sự kiện có ý nghĩa chiến lược ngoài yếu tố mang tính kinh tế. Tương tự như vậy, Hà Nội cũng đang tham gia các cuộc thương lượng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được nhiều người nhìn nhận do Trung Quốc lãnh đạo.

Vì vậy, trong trật tự thế giới đang nổi và bối cảnh kinh tế, an ninh khu vực phức tạp, Việt Nam quyết đi theo các chính sách đảm bảo được lợi ích quốc gia của mình với hòa bình, ổn định và phát triển là mục tiêu hàng đầu của mình.

Theo Quỹ Quốc tế Vivekananda

Văn Cường (gt)