"Chính trị là nghệ thuật của sự có thể." Tuân theo câu nói này của Otto von Bismarck chúng ta nên so sánh hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn với đánh giá tỉnh táo về hiện tại nghiệt ngã. Vì vậy, cần bỏ ngay những mong ước hấp dẫn, nhưng rất ít thực tế, về chính sách đối ngoại của Nga. Trong năm tới khó mà kết thúc được với chủ nghĩa khủng bố quốc tế hay khôi phục "sự tái khởi động" với Mỹ, đưa đồng ruble thành đồng tiền dự trữ quốc tế hoặc áp dụng chế độ miễn thị thực với Liên minh châu Âu.

Thực tế là, Nga bước vào một năm nữa đầy thách thức; quán tính mạnh của xu hướng tiêu cực hiện nay sẽ kiềm chế khả năng phát triển tích cực. Tuy nhiên, khả năng là luôn luôn có - ngay cả trong điều kiện khó khăn nhất và bất lợi nhất. Điều gì có thể được coi là thành công đối ngoại của Nga trong năm tới? Điều gì sẽ cho chúng ta cơ sở sau 12 tháng nữa kết luận rằng năm 2016 là một thành công đối với nước Nga?

Ukraine

Hầu như không có ai hy vọng rằng năm 2016 sẽ có thể giải quyết xong cuộc khủng hoảng Ukraine. Các vấn đề về quy chế chính trị của Donbass, cải cách hiến pháp, khôi phục kinh tế-xã hội đất nước, xác định vị trí của Ukraine trong cấu trúc an ninh châu Âu thậm chí trong hoàn cảnh tốt nhất sẽ đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Và thật khó để giả định rằng trong năm tới sẽ có một số điều chỉnh chiến lược đáng kể của Kiev, ngay cả khi chính phủ hiện tại của Thủ tướng Yatsenyuk từ chức. Có thể coi là thành công cho nước Nga nếu có thể ngăn chặn một đợt bùng phát xung đột quân sự nữa ở Donetsk và Lugansk, tiếp tục tiến trình Minsk (có thể thay đổi định dạng), giảm thiểu những tác động tiêu cực của khu vực thương mại tự do giữa Ukraine và EU đối với quan hệ kinh tế-thương mại song phương Nga-Ukraine.

Biện pháp trừng phạt của phương Tây

Rõ ràng là trong năm tới sẽ không thể làm gì với các gói trừng phạt Crimea của phương Tây. Nhưng còn gói trừng phạt liên quan đến các sự kiện ở miền Đông Ukraine, trong những hoàn cảnh nhất định có thể được xem xét lại. Những người lạc quan cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ được bãi bỏ vào mùa Hè năm 2016, ít nhất là biện pháp của EU. Khó đánh giá được xác suất cơ hội này. Nhưng thậm chí nếu điều này không thể đạt được, bất kỳ sự thay đổi chính sách nào của phương Tây - từ chối gia tăng hơn nữa biện pháp trừng phạt, giảm nhẹ một phần hoặc làm rõ các cơ chế trừng phạt – cũng sẽ là thắng lợi lớn cho ngoại giao Nga. Tất nhiên, Nga có thể coi việc triển khai dự án "Dòng chảy Phương Bắc 2" bất chấp những lời chỉ trích gay gắt của một số nước EU là một chiến thắng.

Chủ nghĩa khủng bố quốc tế

Năm qua là một năm các mối đe dọa khủng bố toàn cầu gia tăng chưa từng có, và không khó để dự đoán rằng trong năm 2016, thế giới sẽ chứng kiến những cuộc tấn công khủng bố lớn mới, mà không may, Nga cũng không thể tránh khỏi. Khủng bố - vấn đề lâu dài đòi hỏi phải có những nỗ lực kiên trì và nhất quán của toàn bộ cộng đồng quốc tế. Nga rất muốn trong năm 2016 ít nhất là đặt được nền tảng để hình thành một liên minh chống khủng bố toàn cầu, bao gồm sự tương tác tích cực của các cơ quan đặc nhiệm, phối hợp chiến lược di cư, trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng chống chủ nghĩa cực đoan chính trị và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, thúc đẩy đối thoại liên tôn giáo…

Syria

Cuộc khủng hoảng Syria, cũng như Ukraine, không có giải pháp dễ dàng và nhanh chóng. Trong 5 năm qua, tình hình ở Syria và xung quanh Syria chỉ càng trở nên trầm trọng, thêm phức tạp hơn mỗi năm. 2016 có thể là năm bước ngoặt khi có thể chuyển từ tích tụ các vấn đề sang giải quyết chúng. Điều này ngụ ý không chỉ là chiến thắng quân sự trước Nhà nước Hồi giáo (IS), mà còn ngăn chặn sự sụp đổ của nhà nước Syria, cũng như khởi đầu quá trình chuyển đổi chính trị tại Syria, bao gồm việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp liên minh, cải cách hiến pháp và chuẩn bị bầu cử. Nhiều khả năng, ông Bashar al-Assad sẽ đón năm 2017 trên ghế tổng thống, tuy nhiên bức tranh tương lai Syria vào cuối năm 2016 sẽ rõ ràng hơn so với ngày nay. Tất nhiên, Nga có thể và phải trở thành một trong những bên chủ chốt trong việc giải quyết vấn đề Syria.

Trung Đông

Các sự kiện bi thảm ở Syria đã phản ánh những vấn đề sâu sắc và đa chiều của khu vực Trung Đông và Bắc Phi rộng lớn. Trong năm 2016, không thể loại trừ tình hình ở Yemen, Libya, Iraq, Liban, và thậm chí cả ở Ai Cập và các nước Arập đang ổn định khác, sẽ còn tiếp tục căng thẳng hơn nữa. Nhiệm vụ xây dựng một hệ thống an ninh tập thể mới trong khu vực, có khả năng đảo ngược quá trình phân tách cực kỳ nguy hiểm, đã chín muồi. Tất nhiên, nhiệm vụ khó khăn này sẽ không được giải quyết trong năm 2016, nhưng Nga có khả năng chuyển nhiệm vụ này từ định dạng thảo luận lý thuyết trừu tượng thành định dạng tư vấn chính trị thực tế.

Thổ Nhĩ Kỳ

Cuộc khủng hoảng trầm trọng trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là một trong những bất ngờ khó chịu nhất của năm 2015. Quan hệ giữa hai nước bạn bè truyền thống đã bị hủy hoại nghiêm trọng và lâu dài. Và dù có vấn đề gì xảy ra trong năm 2016, quan hệ đối tác trước đây sẽ không thể quay trở lại. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016 sẽ trở thành hàng xóm của Nga có tác động đáng kể đến tình hình Trung Đông, khu vực Biển Đen và vùng Caucasus. Lợi ích kinh tế lẫn nhau của hai nước cũng sẽ vẫn còn rất đáng kể. Trong điều kiện đó, chính sách của Nga trong năm tới rất quan trọng để tìm ra sự cân bằng bền vững giữa nguyên tắc và chủ nghĩa thực dụng, công cụ tác động tích cực và tiêu cực đến Ankara và, tất nhiên, phải tính đến những khác biệt đáng kể giữa nhà lãnh đạo hiện tại Recep Tayyip Erdogan và xã hội Thổ Nhĩ Kỳ nói chung.

Mỹ

Năm 2016 sẽ không mang ý nghĩa thay đổi số phận cho mối quan hệ giữa Moskva và Washington: Mỹ đã bắt đầu cuộc đua bầu cử tổng thống, chính quyền của ông Obama ngày càng ít cơ hội đưa ra những sáng kiến đối ngoại mới, và việc giải quyết nghiêm túc "hồ sơ Nga" là nhiệm vụ của người chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11. Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nếu không cố gắng trong năm 2016 khôi phục các cơ chế cơ bản của hợp tác Nga-Mỹ, bị phá hủy trong những năm gần đây. Điều này đặc biệt liên quan đến hợp tác quân sự-chính trị và quân sự-kỹ thuật, tham vấn và đàm phán, ít nhất là ở mức độ hợp tác Liên Xô-Mỹ trong Chiến tranh Lạnh.

Liên minh châu Âu

Các kế hoạch và dự án đầu tư xây dựng Đại châu Âu từ Lisbon đến Vladivostok sẽ không được quan tâm ở Moskva hay Brussels trong năm 2016. Nhưng nền ngoại giao năng động và công kích của Nga hoàn toàn có khả năng đặt nền móng cho một mối quan hệ thực dụng mới với EU. Một mặt, cần phải bảo tồn các lĩnh vực quan hệ, bị chính trị hóa ít nhất - hợp tác trong giáo dục, khoa học và văn hóa, hợp tác biên giới, hợp tác khu vực. Mặt khác, điều không kém phần quan trọng là tìm ra những điểm tăng trưởng mới trong quan hệ - quản lý di cư, khí hậu toàn cầu, cuộc chiến chống buôn bán ma túy, thành lập các hành lang giao thông xuyên lục địa.

Liên minh Á-Âu

Vào thời điểm, khi theo hướng Tây, Nga sẽ tiếp tục phải đối mặt với những hạn chế rất nghiêm trọng, vai trò của vector hội nhập Á-Âu trở nên quan trọng hơn. Thông điệp mới đây của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker với Tổng thống Vladimir Putin nói rằng tạm thời không thể hy vọng vào mối tương tác hữu cơ và công bằng giữa EU và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU): dù thế nào thì nó không phải là viễn cảnh của năm 2016. Nhưng đối với những nước tham gia EAEU, 2016 có thể là năm quyết định để phác thảo nên những tổ chức và các cơ chế được thành lập, và tìm kiếm mô hình hợp tác kinh tế mới. Nếu các thành viên của EAEU năm 2016 thể hiện được sự phát triển kinh tế tích cực dù khiêm tốn, thì đó đã có thể được coi là một thành tựu lớn. Nếu các nước này tiếp tục rơi vào khủng hoảng, mối đe dọa của những khuynh hướng ly tâm sẽ gia tăng, mà các công cụ ngoại giao không dễ chống lại.

Trung Quốc

Năm qua khiến những người lãng mạn tỉnh táo lại, thuyết phục bản thân và những người khác về khả năng của Nga dễ dàng và nhanh chóng thay thế phương Tây bằng Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại lớn và nguồn đầu tư chính và công nghệ mới. Đối thoại Nga-Trung đã trở nên khá sâu sắc trong suốt năm qua ở phương diện kinh tế. Nhiệm vụ chính của năm 2016, nhiều khả năng phải là tăng mạnh hợp tác về chất, bao gồm không chỉ các thành phần kinh tế, mà còn cả các lĩnh vực như khoa học và công nghệ, giáo dục, văn hóa và nhân đạo.

Theo Рос Бизнес Консалтинг (Nga)

Thúy Bình (gt)