MỞ ĐẦU

Chu kỳ mới trong chính sách đối ngoại của Nga 

Nước Nga bước vào năm 2018 khi thế giới đang trải qua những biến đổi nghiêm trọng, với nhiều nhân tố đan xen: xung đột quốc tế, đối đầu nội bộ, thực tiễn công nghệ mới, các vấn đề kinh tế, sự mất cân bằng xã hội. Chúng ta đang ở trong thời kỳ trật tự thế giới đang biến đổi sâu sắc. Đặc thù của thời điểm hiện nay là hệ thống quan hệ quốc tế không có khả năng phản ứng kịp thời ngay cả trước những tác động khủng hoảng ở mức tối thiểu nhất. Sự kiện tầm khu vực thường có âm hưởng không cân xứng. Quan hệ quốc tế ngày hôm nay có thể hình dung như dây điện trần hay khu rừng khô hạn. Bất kỳ một sự bất cẩn hay hành động vô tình nào cũng đều có thể dẫn đến chập điện hoặc cháy rừng. Rủi ro khủng hoảng được châm ngòi do hành động vô tình hoặc cố ý sẽ chỉ càng gia tăng trong năm 2018. Những điểm bất định trong quan hệ quốc tế đang mở ra cho nước Nga những cơ hội, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng các nguy cơ. 

Chính sách đối ngoại của Nga đòi hỏi phải có tính thực dụng và thận trọng, cần phải vượt qua rất nhiều vấn đề gai góc, tận dụng tối đa khả năng. Do tính chất mất cân bằng của quan hệ quốc tế, cơ hội chính cho nước Nga là nắm lấy vai trò lực lượng xây dựng, có khả năng giải quyết xung đột, tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu và quốc tế. Lợi ích đối ngoại chính của Nga là tạo điều kiện thuận lợi tối đa trên trường quốc tế để phát triển đất nước, giảm phí tổn do xung đột với các bên tham gia bên ngoài, đảm bảo an ninh cao với một chi phí tối ưu và hiệu quả. 

Năm 2018 sẽ mở ra chu kỳ mới trong chính sách đối ngoại của Nga. Cuộc bầu cử tổng thống chắc chắn sẽ làm gia tăng các tranh luận về vai trò và vị trí của nước Nga trên thế giới, về các lợi ích đối ngoại, các biện pháp, công cụ và ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước này. Các đối tác và đối thủ quốc tế của Nga đang chờ đợi Nga có những tư tưởng mới, quan niệm mới, cái nhìn mới về chính sách đối ngoại, cũng như xem xét lại kinh nghiệm đã có. Cuộc tranh luận xã hội và trong giới chuyên gia về các vấn đề đối ngoại năm 2018 là điều hữu ích và thậm chí cần thiết trong bối cảnh những thay đổi đang diễn ra trong tất cả các lĩnh vực của đời sống quốc tế. 

Chu kỳ đối ngoại mới của Nga dù thế nào cũng sẽ có liên quan đến công cuộc đổi mới chính sách đối ngoại của các đối tác. Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra những nhiệm vụ mới để định hướng và phát triển đất nước. Năm 2018 cũng sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 của ông Tập Cận Bình. Và về tổng thể, năm 2018 cũng sẽ là năm quyết định đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump – ông sẽ phải thể hiện được khả năng kiểm soát các mâu thuẫn trong nước và vượt qua cuộc đấu chính trị nội bộ gay go nhất. Bầu cử tại Pháp cho phép thử nghiệm các cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại trong năm 2018. Tình hình Đức bất định. Châu Âu gia tăng cuộc tranh luận về vai trò của đoàn kết trong các công việc quốc tế. Bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra vào năm 2019. 

Năm 2018, do cuộc bầu cử tổng thống, báo chí nước ngoài và các trung tâm nghiên cứu sẽ gia tăng chú ý đến Nga. Bầu cử ở Nga là cơ hội công bố cách tiếp cận của Nga đối với trật tự thế giới tương lai, định nghĩa những quan điểm chiến lược và ưu tiên cho 6 năm tới, giải thích rõ ràng với các đối tác quốc tế. 

Nguy cơ và rủi ro đối ngoại 

Năm 2018, những mối đe dọa và thách thức đến an ninh của Nga sẽ có thay đổi thứ tự, song vẫn cần chỉ ra những tiến trình đang tiếp diễn trong xu hướng quốc tế những năm gần đây. Bẻ gẫy những xu thế tiêu cực, đặt ra đường hướng phát triển mới là mục đích không thể đạt được trong vòng một năm. Quan hệ xấu đi với Mỹ và các đồng minh trong năm tới nhiều khả năng sẽ vẫn là trở ngại chính trong việc tạo ra môi trường thuận lợi để nước Nga có thể tập trung vào các nhiệm vụ trong nước. 

Trong năm 2018, Mỹ sẽ vẫn là nước tích cực nhất và có ảnh hưởng nhất trong việc gây sức ép lên nước Nga. Điều này kích động nhân tố Nga trong đấu tranh nội chính trị nội bộ, gia tăng kiềm giữ Nga về quân sự-chính trị, luật lệ và các biện pháp trừng phạt. Quan hệ với phương Tây không chắc trở thành xung đột công khai. Tuy nhiên sức ép ngoại giao và các biện pháp trừng phạt lên nước Nga sẽ gia tăng. Washington sẽ nỗ lực có được chính sách thống nhất với các đồng minh về Nga trong chính trị, kinh tế, thông tin và các lĩnh vực khác. Sức ép hợp nhất của quốc tế lên nước Nga là thách thức rất lớn đối với an ninh và phát triển. Trong bối cảnh bầu cử, sức ép hệ tư tưởng, âm mưu xóa nhòa tính chính thể của hệ thống chính trị Nga trong con mắt cộng đồng quốc tế cũng sẽ gia tăng. Chặn đứng tình trạng suy thoái trong quan hệ Nga-phương Tây trong năm 2018 sẽ không đơn giản ngay cả khi các nguyên thủ có ý chí chính trị. 

Hệ quả gián tiếp của việc suy giảm quan hệ với Mỹ sẽ là thu hẹp khả năng hợp tác chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Đối với Nga, đe dọa từ phía lực lượng cấp tiến vẫn là ưu tiên. Với các hoạt động thể thao lớn trong năm 2018, rủi ro khủng bố sẽ tăng. Việc khủng bố quốc tế bị đánh bại tại Syria có thể đưa về Nga một số lượng lớn công dân Nga, cũng như công dân các nước Trung Á, đi theo tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Hoạt động thông tin và tuyên truyền cho các phong trào cấp tiến, khủng bố bất hợp pháp lan tràn tại các nước Bắc Caucasus, các phần tử cấp tiến thâm nhập từ các nước Trung Á cùng tăng lên. Chủ nghĩa Hồi giáo cấp tiến sẽ nuôi dưỡng bất ổn ở Trung Đông. 

Năm 2018 sẽ tích lũy các thách thức trong lĩnh vực số. Ở đây có thể xảy ra tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng, đột nhập cơ sở dữ liệu, tội phạm mạng. Vùng nguy cơ bao gồm hạ tầng Vòng chung kế giải bóng đá thế giới và Thế vận hội mùa Đông. Nếu không khởi động được đối thoại Nga-Mỹ về vấn đề kỹ thuật số, nguy cơ khiêu khích từ lực lượng thứ ba sẽ tăng lên. Chúng có thể đẩy Moskva và Washington vào một vụ bê bối về mạng mới. Sự đối đầu ngấm ngầm Nga-Mỹ sẽ gia tăng trong lĩnh vực kỹ thuật số theo nguyên tắc “ăn miếng trả miếng”. Nếu không có được một quy định bền vững thì sự đối đầu này sẽ có thể gây ra hậu quả vô cùng tiêu cực. Trong xung đột mạng với Nga, EU cũng có thể tham gia. 

Rủi ro lớn cho nước Nga trong năm 2018 là bùng phát xung đột xung quanh chương trình hạt nhân-tên lửa của Triều Tiên. Ít song vẫn có khả năng xảy ra chiến dịch quân sự của Mỹ và đồng minh chống lại Triều Tiên. Khả năng lớn là việc quân sự hóa khu vực dưới cái cớ mối đe dọa Triều Tiên. Nga và an ninh quốc tế có thể chịu thiệt hại từ việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nhìn chung đề tài hạt nhân trong năm 2018 sẽ thu hút sự chú ý cao độ của các lãnh đạo các cường quốc. 

Nguy cơ ở không gian hậu Xôviết vẫn còn đó. Ở đây nguy cơ chính là phá băng xung đột ở Donbass, mà lại từ phía lực lượng mà cả Moskva lẫn Kiev đều không kiểm soát hoàn toàn. Lôgích “con lắc” trong xung đột Karabakh vẫn duy trì rủi ro bùng phát đối đầu giữa Yerevan và Baku. Cũng không thể loại trừ khả năng khủng hoảng chính trị tại một trong các quốc gia Trung Á. 

Là một trong những nước lớn nhất thế giới, Nga có thể hứng chịu hậu quả từ biến đổi khí hậu toàn cầu như hạn hán, lũ lụt... Hợp tác quốc tế yếu ớt làm tăng rủi ro khí hậu đối với nước Nga trong dài hạn. 

Tất cả những thách thức đó đang đứng trước những nhân tố tiêu cực thường trực – đó là tình trạng tụt hậu về kinh tế và công nghệ của Nga, nền kinh tế kém đa dạng, môi trường đầu tư, tham nhũng vẫn cao, tốc độ phát triển thấp. Chính sự tụt hậu cản trở nước Nga trên sân chơi đối ngoại, khiến Nga dễ bị tổn thương trước sức ép kinh tế và tài chính từ các nước phát triển, thu hẹp diện đồng minh tiềm năng. 

Những cơ hội cho chính sách đối ngoại 

Đồng thời trong năm mới, nước Nga cũng đứng trước rất nhiều cơ hội, một trong số đó là thúc đẩy giải quyết các xung đột quốc tế. Moskva sẽ đóng vai trò quan trọng trong giải quyết vấn đề hạt nhân-tên lửa của Triều Tiên, có thể thúc đẩy duy trì nguyên trạng về hồ sơ hạt nhân Iran. Vai trò của Nga cũng có thể rõ nét trong bình ổn tình hình Lybia. Cuối cùng, Nga là một trong những bên tham gia hàng đầu trong xung đột Syria. Chính quân đội Nga đã có đóng góp quyết định để đánh bại IS và các nhóm khủng bố khác ở Syria. Quan điểm của Nga trong các vấn đề này còn được tăng thêm qua vị trí ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Tính dễ tổn thương của Nga trước các mối đe dọa mạng dẫn đến nhu cầu phải thiết lập quy định trong lĩnh vực này. Điều này đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Trung Quốc và các bên có liên quan khác. Hợp tác trong lĩnh vực mạng có thể trở thành nhân tố giảm căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ về vấn đề an ninh mạng, và có nghĩa là mở ra cơ hội để tháo gỡ một trong những vấn đề “có hại” nhất trong quan hệ song phương. 

Bất chấp những rủi ro leo thang xung đột ở Donbass, năm 2018 vẫn có khả năng đạt bước tiến theo định hướng này. Cho dù hạn chế số lượng đến đâu thì Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng có ý nghĩa biểu tượng đáng kể. Bản thân việc giải tán phái bộ đã tạo cơ hội để tái khởi động sự hợp tác giữa Nga và EU. 

Cơ hội còn gồm có làm sâu sắc thêm hợp tác kinh tế và chính trị-quân sự toàn diện với Trung Quốc. Hai bên chỉ phải giải quyết vấn đề cân bằng giữa hợp tác kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, tầm quan trọng của hợp tác đang tăng lên. Ở đây có thể phát triển sáng kiến thành lập các bộ phận của một hệ thống tài chính mới, bảo vệ được cả Nga và Trung Quốc cùng các nước liên quan khác trước nguy cơ quan hệ tài chính toàn cầu bị lợi dụng cho mục đích chính trị. Hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc không loại trừ khả năng đối tác chiến lược ưu tiên của Nga với Ấn Độ, hợp tác với Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á. 

Quan hệ với EU trong khuôn khổ quan điểm “hợp tác có lựa chọn” có cơ hội phát triển. Cho đến nay quan điểm này vẫn không được định hình. 

Cơ hội còn là phát triển Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), làm sâu sắc hội nhập Á-Âu, thành lập các khu vực thương mại tự do với các đối tác của Liên minh, triển khai các dự án trong khuôn khổ kết nối EAEU và dự án “Vành đai và Con đường”. 

Điều kiện kinh tế phức tạp thúc đẩy Nga phải tìm kiếm những cơ hội mới nhằm đa dạng hóa xuất khẩu: mở rộng xuất khẩu thực phẩm, đa dạng hóa thị trường năng lượng, chính sách tích cực phát triển xuất khẩu dịch vụ giáo dục, tìm kiếm cơ hội mới trên thị trường thế giới. 

NGA VÀ PHƯƠNG TÂY

Quan hệ Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang ở vào giai đoạn suy thoái chậm. Năm 2018 khó có thể chờ đợi xu hướng này sẽ chấm dứt. Kịch bản xấu nhất đối với Nga là sức ép tập thể từ phía phương Tây, chính sách phối hợp tối đa của Mỹ và EU đối với Moskva trên nền quan điểm của Mỹ. Tuy nhiên, từ bây giờ đã có những biểu hiện khác biệt đáng kể trong cách tiếp cận của Mỹ và EU đối với Nga. Các đồng minh của Mỹ không sốt sắng lặp lại biện pháp cứng rắn đối với Nga do Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 8/2017. Hơn thế nữa, một loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ đang gây hại trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp châu Âu. Trong năm 2018 có thể hình thành xu hướng chế độ trừng phạt “nhiều tốc độ” đối với Nga, đặc biệt là nếu khác biệt trong quan điểm với Moskva còn chồng lên những sự phức tạp trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhất là quan hệ Mỹ-Đức. 

Trong năm mới đây sẽ xuất hiện các tiền lệ sử dụng luật trừng phạt của Mỹ. Gay cấn nhất năm là biện pháp trừng phạt Nga theo nguyên tắc ngoài lãnh thổ. Rơi vào khu vực rủi ro là các định chế tài chính và tập đoàn công nghiệp hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và hạ tầng. Nhiều khả năng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại đối tác của Nga ở nước ngoài sẽ mang tính chất đơn lẻ. Song kể cả tác động điểm như vậy cũng phát đi tín hiệu vô cùng tiêu cực cho các đối tác của Nga, tăng rủi ro, gây khó khăn cho các quyết định về dự án tương lai. 

Năm 2018 sẽ thử thách quan hệ Nga-Mỹ về Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Hai bên khó đi đến chỗ phá vỡ thỏa thuận. Tuy nhiên cả hai đều có thể đẩy tình hình đến chỗ rút khỏi hiệp ước, xây dựng hệ thống vũ khí và mặc kệ các chỉ trích lẫn nhau. Các lĩnh vực quan hệ song phương còn chưa chịu các biện pháp trừng phạt sẽ bị rơi vào tầm ngắm: hợp tác về vũ trụ, hợp tác công nghiệp trong xây dựng hàng không, hoạt động của báo chí. Và đòn đánh vào các lĩnh vực này có thể đến từ cả Mỹ lẫn Nga với tư cách là lời đáp trả. Bầu cử Quốc hội Mỹ nhiều khả năng trở thành cái cớ rất tiện để sử dụng “mối đe dọa Nga” nhằm tăng điểm chính trị trong chiến dịch tranh cử của cả hai phe. Nga sẽ giữ vị trí quan trọng trong cuộc đấu tranh nội bộ chính trị tại Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh cái gọi là cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào bầu cử ở Mỹ. 

Đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại và tìm ra đối thoại mang tính xây dựng với Mỹ ở đây có thể là sáng kiến của Nga hoặc của Mỹ về các bước đi chung trong quản lý không gian mạng và nâng cao tính dự báo trong không gian mạng. Tựu chung, nguy cơ phá vỡ ở đây là thấp. Năm 2018 Mỹ có thể có học thuyết mới về an ninh mạng. Phải tính đến xu thế chống Nga của Mỹ, vì điều đó khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn. 

Năm tới nhiệm vụ chiến lược của NATO đối với Nga có thể được điều chỉnh theo hướng tăng biện pháp kiềm chế. Trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Brussels ngày 11-12/7/2018 Nga sẽ đứng ở vị trí ưu tiên. Hội nghị sẽ thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ tăng chi phí quốc phòng của các thành viên. Có thể có quyết định về tăng cường hiện diện quân sự ở vùng Pribantik, dù sẽ chỉ quy về xây dựng hạ tầng và không chắc sẽ tăng quân thật sự. Hợp tác đối phó với các nguy cơ chung sẽ được nối lại. Bản thân nước Nga cũng không chắc sẽ là bên sáng kiến phát triển quan hệ. Ít khả năng xảy ra sự cố trong vùng giáp với trực tiếp giữa Nga và NATO. Thậm chí ở đây còn có thể có những tiến triển tích cực, đặc biệt là trong trường hợp triển khai thành công thỏa thuận về tránh đụng độ giữa Nga và Phần Lan. Tuy nhiên bất kỳ một vụ việc nào trên không hoặc trên biển đều có nguy cơ sẽ bị thổi phồng. Hội nghị sẽ nêu lên vấn đề hợp tác NATO và EU để chống lại Nga. Trong đó vai trò của EU sẽ mang tính chất lệ thuộc. Hội nghị NATO sẽ cho thấy những giới hạn của khả năng thực hiện chiến lược toàn cầu mới của EU. Nội dung được quan tâm nhất của hội nghị là định vị hợp tác quốc phòng của các nước EU. 

Trong quan hệ với EU, Nga sẽ bị hạn chế không gian. Tuy nhiên tiềm năng ở đây sẽ cao hơn nhiều so với quan hệ với Mỹ. Năm 2018 hai bên có thể thăm dò khả năng về một mô hình quan hệ mới thay cho hệ thống đối tác chiến lược cũ. Quan điểm “hợp tác có lựa chọn” do EU đề xuất cho đến nay chưa được tực hiện bằng các nội dung cụ thể. Song bản thân sự hiện diện của nó đã cho phép có cơ hội có một quan hệ khác với quan hệ với Mỹ. Cả hai bên đều có thể xem xét thực hiện quan điểm trên trong trung hạn và dài hạn. Thậm chí một tiến triển tối thiểu về vấn đề Ukraine cũng sẽ thúc đẩy đáng kể việc thành lập hệ thống hợp tác mới. Những diễn biến bên trong EU có thể tác động gián tiếp đến quan hệ với Nga. Trong năm 2018 Anh có thể hoàn toàn rời khỏi EU, cũng như xây dựng chính sách về chủ nghĩa ly khai tại một số quốc gia thành viên EU. 

Trong năm 2018 có thể có một sự trao đổi ý kiến cởi mở hơn về hợp tác giữa EU và EAEU. Các thành tố của hợp tác đã được giới chuyên gia cả hai bên nghiên cứu. Khi vấn đề Ukraine giảm mạnh, có thể chờ đợi có bước tiến trong tiếp xúc chính thức của hai tổ chức liên kết này. 

Vấn đề có thể phá hủy quan hệ giữa Nga và EU là an ninh mạng. Bất kỳ một ám chỉ nào đến hoạt động thông tin của Nga (kể cả ám chỉ từ bên ngoài) đều gây ra ảnh hưởng lớn. Ngày 25/5/2018, quy chế mới của EU về xử lý thông tin cá nhân sẽ có hiệu lực. Nó hoàn toàn có thể xung đột với “gói luật Yarovaia” (Nga, siết chặt chống khủng bố) có hiệu lực từ tháng 7. Năm 2018 trung tâm nghiên cứu và kỹ năng trong lĩnh vực an ninh mạng châu Âu có thể được thành lập theo sáng kiến của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker. Hoàn toàn có khả năng nó sẽ nhắm đến kiềm giữ Nga, dù nếu thuận lợi thì có thể trở thành kênh hợp tác với Moskva về an ninh mạng. Trong bối cảnh đó Nga sẽ dựa vào sáng kiến của chính mình tiến hành hội nghị nâng cao hiệu quả của OSCE trong bảo đảm an ninh thông tin quốc tế vào năm 2018. 

Nhiệm vụ trung tâm của Nga năm 2018 ở hướng phía Tây vẫn là giữ ổn định chung các quan hệ (kiểm soát đối đầu). Nhiệm vụ này bao gồm khôi phục đối thoại ở các cấp và các định dạng, tránh leo thang căng thẳng, bớt các giọng điệu thù địch từ cả hai bên, ngăn chặn leo thang chạy đua vũ trang và nâng cao tính dự báo của chính sách đối ngoại và đối nội của cả hai bên. Đồng thời cũng nên đẩy mạnh tìm kiếm các điểm tiếp xúc giữa Nga và phương Tây, trong đó có đánh giá các nguy cơ và thách thức chung. Không đặt mục tiêu đào sâu mâu thuẫn giữa Mỹ và đồng minh châu Âu, Nga phải xây dựng chính sách của mình có tính đến hết các mâu thuẫn đó và nhấn mạnh việc khôi phục đối thoại với các đối tác châu Âu.

NGA VÀ KHU VỰC TRUNG ĐÔNG

Năm 2018 nhiều khả năng quân đội Nga cùng với quân đội Chính phủ Syria và các đồng minh khác sẽ đánh bại IS ở Syria, dù tổ chức và hạ tầng của nó có thể tái sinh ở các khu vực khác. Nga sẽ duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria. 

Tổng thống Bassar al-Assad sẽ giữ được chức vụ của mình trong năm 2018. Tiến trình Geneva phần nhiều sẽ vẫn sa lầy, song được duy trì như cơ chế đàm phán. Có thể gia tăng khoảng cách giữa tiến trình Geneva và Astana. Đề xuất tiến hành Đại hội các dân tộc Syria của Nga có thể vượt qua khoảng cách đó, phần nhiều phụ thuộc vào thành phần tham dự Đại hội, cấp độ và tầm đại diện. Vấn đề người Kurd sẽ vẫn là một trong những vấn đề gay go nhất không được giải quyết. 

Nga sẽ tham gia tái thiết Syria, cũng như khai thác các mỏ khoáng sản trên lãnh thổ nước này. Năm 2018 sẽ quan trọng ở góc độ tìm kiếm hình thức hợp tác tối ưu giữa Nga, Mỹ, EU và các bên tham gia khác trong việc tái thiết Syria. Ít có khả năng Nga và Mỹ hợp tác chiến lược trong vấn đề Syria, một phần do các biện pháp trừng phạt chống Nga vì liên quan đến Syria. Mặc dù tiếp xúc giữa giới quân sự vẫn được duy trì, song có khả năng xảy ra va chạm của các bên ủy nhiệm trong tiến trình thực hiện các chiến dịch đặc biệt. 

Đối đầu Iran-Mỹ sẽ ảnh hưởng mạnh đến tình hình ổn định trong khu vực. Trong bối cảnh đó Moskva sẽ gia tăng hợp tác kinh tế-thương mại với Tehran – các dự án của Rosneft và NIOC của Iran, Gazprom khai thác mỏ Farrzad B, Lukoil khai thác mỏ Mansuri và Ab-Teimour, Rosatom tham gia xây dựng nhà máy điện Bushe... 

Iraq sẽ tổ chức bầu cử quốc hội. Thủ tướng Haider al-Abadi sẽ giữ được quyền lực. Tiếp xúc với Moskva trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự sẽ được triển khai. IS khó có khả năng trỗi dậy ở Iraq, song các vụ khủng bố sẽ tiếp diễn. 

Năm 2018 bầu cử ở Afghanistan sẽ diễn ra. Ở đây tình hình có thể leo thang và sự hiện diện của lực lượng Mỹ và NATO được tăng cường. Sự hợp tác giữa Nga và NATO về Afghanistan rất ít có khả năng được nối lại. 

Ai Cập cũng sẽ bầu cử tổng thống. Nhiều khả năng quyền lực của tổng thống Abdel Fattah al-Sisi sẽ tiếp tục được hợp nhất. Nga có cơ hội tốt để phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự và các dự án năng lượng, cụ thể là khai thác mỏ khí đốt Zohr, ký hợp đồng về nhà máy điện nguyên tử ở Ad-Dabaa. 

Tình hình ở Saudi Arabia sẽ ảnh hưởng mạnh đến sự ổn định trong khu vực. Rủi ro gia tăng do quyền lực tập trung vào tay Thái tử kế vị Mohammed bin Salman và sự chia rẽ trong giới tinh hoa chính trị. Nhiều khả năng Saudi Arabia sẽ tiếp tục phối hợp với Nga về giá dầu, điều này không hủy bỏ được cách tiếp cận khủng hoảng của Ryiadh với chính sách của Nga về Syria và quan hệ với Iran. 

Tình hình Yemen sẽ xấu đi, dù ảnh hưởng của khủng hoảng Yemen đến Nga là không đáng kể. 

Vào tháng 12/2017, Thỏa thuận chính trị về Lybia hết hạn. Có thể có nỗ lực giải quyết khủng hoảng Lybia bằng vũ lực. Trong trường hợp tình hình Lybia được cải thiện, Nga sẽ càng có cơ hội hợp tác với công ty dầu mỏ Lybia. 

Năm 2018, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan sẽ tới thăm Moskva, tạo thêm cơ hội để thảo luận quan hệ song phương và tình hình tại Syria. Tiến bộ trong việc khôi phục hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng được duy trì, dù đối thoại về Syria vẫn vô cùng khó khăn. 

Nhiệm vụ chính của Nga tại khu vực Trung Đông có thể là không để xảy ra xung đột vũ trang lớn giữa Iran với các đối thủ khu vực (Saudi Arabia, Israel) hay ngoài khu vực (Mỹ), thúc đẩy nền an ninh tập thể ở khu vực vùng Vịnh, duy trì và củng cố quan hệ thân thiện với các quốc gia chủ chốt trong khu vực, đấu tranh chống nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong khu vực, chống lại việc biến khu vực thành nơi huấn luyện và xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Với xung đột này thì nhiệm vụ chính của Nga là duy trì được vị thế chính trị tại Syria trong điều kiện chuyển từ chiến dịch quân sự sang chương trình tái thiết kinh tế-xã hội hậu xung đột. Trong việc giải quyết nhiệm vụ này thì tìm kiếm định hướng và cơ chế hợp tác hiệu quả giữa Nga và EU sẽ có ý nghĩa lớn. 

NGA VÀ KHU VƯC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG

Vấn đề hạt nhân-tên lửa của Triều Tiên sẽ là vấn đề trung tâm của nền an ninh khu vực này. Ít có khả năng xảy ra chiến dịch quân sự của Mỹ và đồng minh chống lại Triều Tiên. Tuy nhiên các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc không chắc đã buộc được lãnh đạo nước này phải lùi bước. Ở đây Triều Tiên rất có thể sẽ đạt được kết quả mới. Song Triều Tiên hoàn toàn có thể đến một lúc nào đó không khoe thành tích nữa để tránh sức ép. Tạm thời ngừng các vụ phóng thử qua lãnh thổ các nước khác sẽ được Triều Tiên nỗ lực coi là nhượng bộ từ phía mình, còn bản thân chương trình tên lửa-hạt nhân sẽ vẫn được tiếp tục. Triều Tiên không chắc là bên khởi xướng chiến tranh với Hàn Quốc, Mỹ hay Nhật Bản, vì họ hiểu rằng trong trường hợp đó sẽ làm mất đi sự ủng hộ của Trung Quốc mà không có nó Triều Tiên không thể đấu tranh đơn độc lâu dài. 

Có khả năng Trung Quốc và Nga sẽ thuyết phục được Triều Tiên ít nhất tạm thời ngừng hoạt động thử tên lửa để đổi lấy thu hẹp một phần hoạt động quân sự của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó Washington và đồng minh sẽ không thu hẹp nhiều kế hoạch tập trận và các hoạt động quốc phòng khác. Từ mọi phía, các nhượng bộ (mà cũng ít khả năng có) sẽ mang tính tượng trưng. Kế hoạch bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung của Mỹ tại Hàn Quốc may nhất thì sẽ được hoãn lại, song không bị hủy bỏ. Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của riêng mình. Các bên lúc nào cũng có thể đưa ra những tuyên bố gay gắt và phô trương sức mạnh đáp trả nhau. 

Trong việc giải quyết vấn đề tên lửa-hạt nhân của Triều Tiên, vai trò của Nga có nguy cơ bị đẩy ra bên lề, dù chính Moskva có thể giành lấy vị trí “nhà trung gian trung thực” của vấn đề. 

Năm 2018 xu thế củng cố quan hệ Nga-Trung vẫn sẽ tiếp tục. Nội dung chính trị sẽ nặng ký hơn nội dung kinh tế thương mại. Nga và Trung Quốc sẽ bày tỏ quan điểm chung về tương lai của trật tự thế giới và duy trì tình đoàn kết về các vấn đề toàn cầu và khu vực. Tuy nhiên, không nên chờ có đột phá quy mô ở định hướng này. Quan hệ chính trị đã đạt đến điểm cân bằng. Việc làm sâu sắc hơn nữa theo hướng liên minh chính trị-quân sự sẽ diễn ra chậm trong năm tới. 

Trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, nên chú ý đến phát triển hợp tác giữa Trung Quốc và EAEU. Ở đây có thể tiến về một khu vực thương mại tự do (dù rất thận trọng). Trong quan hệ kinh tế-thương mại song phương diễn biến sẽ tích cực nhờ tăng trưởng kinh tế vừa phải ở Nga. Tuy nhiên bước đột phá về chất cũng sẽ không diễn ra. Thế mất cân xứng trong hợp tác Nga-Trung sẽ tăng dần dần: Dự án và đầu tư của Trung Quốc ở Nga, chứ không phải ngược lại. Mặc dù vậy, thậm chí mô hình đó cũng quan trọng đối với Nga nếu xét đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến thương mại giữa Trung Quốc và Nga. 

Ít có nguy cơ Mỹ trừng phạt Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ thi hành biện pháp để phòng ngừa hành động này. Tuy nhiên chính khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt sẽ tạo tiền đề cho đối thoại Nga-Trung về phát triển hệ thống tài chính thay thế. Vấn đề này có thể được đưa ra ở khuôn khổ rộng hơn, ví dụ ở Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Johannesburg (Nam Phi). 
Năm 2018, biểu tượng cho quan hệ Nga-Trung sẽ là hoàn tất xây dựng cầu đường sắt vượt sông Amur ở khu vực Nizhneleninskoye-Đồng Giang. Điểm tăng trưởng cho hợp tác năm 2018 là hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ và khai thác Bắc Cực. 

Trong lĩnh vực mạng, Trung Quốc đang gần đến chỗ lập ra “bức tường lửa tuyệt đối”. Đến ngày 1/2/2018, Trung Quốc sẽ cấm các cá nhân được truy cập mạng cá nhân ảo (VPN). Trung Quốc là hình mẫu cho nhiều quốc gia có chính sách hạn chế lựa chọn truy cập thông tin. Trong trường hợp thành công, tiến trình “Balkan hóa” (khu vực hóa) mạng Internet sẽ được đẩy nhanh. Và vào năm 2018 có thể xuất hiện các phân khúc bị loại ra khỏi mạng Internet. 

Năm 2018 là năm trao đổi văn hóa Nga-Nhật, hơn 300 hoạt động sẽ được tổ chức. Dòng khách du lịch sẽ tăng nhờ các thỏa thuận ký năm 2017. Giữa các hòn đảo ở quần đảo Kuril và đảo Hokkaido, giao thông đường biển thường xuyên có thể được thiết lập. Có kế hoạch thành lập khu phát triển vượt trội “Nam Kuril”. 

Đồng thời, sẽ không có đột phá trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt khi Nga tăng cường hạ tầng quân sự (thành lập căn cứ hải quân…). Cũng khó chờ đợi đột phá trong thương mại và kinh tế. Thành công ở đây có thể tính là thực hiện một phần các thỏa thuận và dự định của năm 2017. 

Quan hệ với Ấn Độ vẫn giữ tiến độ tích cực. Dự định năm trao đổi du lịch sẽ diễn ra. Dự kiến, các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự (cung cấp máy bay trực thăng vận tải quân sự) sẽ được ký kết. Các thỏa thuận về nhà máy điện nguyên tử Kudankulam sẽ tiếp tục được triển khai. Các đối thoại về năng lượng, an ninh lương thực, khai phá vũ trụ, dự án hạ tầng “Bắc-Nam” sẽ được đẩy mạnh. Đồng thời, cũng như trong quan hệ với các đối tác khác ở châu Á, Nga sẽ phải vất vả giải quyết các khó khăn tồn đọng. Ví dụ như phản ứng lại những gia tăng cạnh tranh và nâng cao yêu cầu trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, thiết kế các kịch bản trong trường hợp Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ, tìm kiếm những khu vực mới để hợp tác, thảo luận các mối quan ngại của Ấn Độ về Afghanistan, về các dự án hạ tầng trên lãnh thổ Pakistan… Định hướng chung của công việc này là duy trì và phát triển quan hệ với Ấn Độ như là đối tác chủ chốt và nước lớn mà Nga hầu như không có xung đột. 

Nhìn chung sức ép gia tăng từ phía phương Tây (năm 2018 nó rất có thể sẽ lên tầm cao mới) buộc Nga phải vượt qua quan niệm coi châu Á như một định hướng phụ. Ở đây Nga sẽ buộc phải thực hiện “công việc dọn dẹp” lớn để triển khai các tiềm năng. 

Ưu tiên của chính sách của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2018 có thể tổng kết như sau. Thứ nhất, nâng cao chất lượng hợp tác Nga-Trung, trước hết trong lĩnh vực kinh tế, khoa học-kỹ thuật và nhân đạo. Thứ hai, đa dạng hóa tối đa quan hệ kinh tế và chính trị của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả tiểu khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Thứ ba, vượt qua những phức tạp trong quan hệ với Ấn Độ và không để xảy ra đối đầu Trung-Ấn ở châu Á và Ấn Độ Dương. Thứ tư, không để xảy ra xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên đồng thời duy trì được mục tiêu dài hạn biến bán đảo này thành khu vực không vũ khí hạt nhân. Thứ năm, đẩy mạnh tham gia vào các cơ chế đa phương và chế độ đảm bảo an ninh và phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

NGA VÀ CÁC NƯỚC LÁNG GIỀNG

Năm 2018 là giai đoạn khá thuận lợi để Liên minh kinh tế Á-Âu phát triển. Nga đang hướng đến tăng trưởng kinh tế, có thể tác động tích cực đến các đối tác trong liên minh vì tỷ trọng nền kinh tế Nga ở đây khá lớn. Kịch bản này rất khả thi khi các quan hệ thương mại được củng cố như hai năm qua. Năm 2018 là năm Nga giữ chức chủ tịch EAEU. Ưu tiên sẽ là xóa bỏ các ngoại lệ và hạn chế trong thương mại, hỗ trợ xuất khẩu và công nghệ mới. 

Định hướng có triển vọng hơn cả là nông nghiệp. Ở đây kết quả đạt được rất khả quan, bất chấp khủng hoảng hai năm qua. Định hướng năng động thứ hai là hình thành thị trường lao động chung. Khủng hoảng kinh tế làm gia tăng nhu cầu cần phải có một hệ thống lao động di cư trong EAEU. Chế độ dịch chuyển lao động nới lỏng và tăng giới hạn chuyển tiền trong EAEU sẽ giảm bớt tác hại của hậu quả khủng hoảng đối với các nước thành viên nhờ thị trường Nga, tạo nên các tiền đề để tiếp tục phát triển. Trong năm 2018, thỏa thuận về đảm bảo hưu trí sẽ có hiệu lực, có kế hoạch hoàn tất dự thảo quy định thương mại năng lượng điện trên thị trường chung, bắt đầu xây dựng điều kiện thị trường chung cho giao thông hàng không, triển khai kế hoạch hoạt động phối hợp chính sách giao thông. Một giai đoạn phát triển quan trọng của EAEU là bộ Luật hải quan mới có hiệu lực. Cũng có thể chờ đợi công luận tiêu cực của các nước thành viên về EAEU sẽ giảm, dù cuộc chiến thông tin xung quanh xung đột giữa Kyrgyzstan và Kazakhstan có thể tác động. Các kết quả nhanh của tiến trình hội nhập đã chấm dứt. Mỗi thành tựu mới sẽ đòi hỏi những nỗ lực lớn và hợp tác giữa các quốc gia. 

Cơ hội hợp tác quốc tế của EAEU vẫn để ngỏ. 2018 sẽ là năm quan trọng để đánh giá hiệu quả và triển vọng của khu vực thương mại tự do với Việt Nam, tiếp tục quá trình xây dựng FTA với Trung Quốc, xúc tiến chuẩn bị các FTA với Singapore, Ấn Độ, Ai Cập, Serbia, Israel. Tuy nhiên các sáng kiến chính trị tham vọng kết nối EAEU với “Vành đai và Con đường”, cũng như hợp tác EAEU với ASEAN sẽ tiến chậm. Đặc biệt là đối với các dự án hạ tầng đòi hỏi đầu tư tài chính lớn và những thảo luận kéo dài, khó có thể có đột phá. 

Năm 2018 trong EAEU sẽ đưa ra các sáng kiến về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Tạm thời chúng khó được ủng hộ ở cấp liên chính phủ do quan điểm của Kazakhstan. Tuy nhiên hoàn toàn có khả năng thực hiện sáng kiến của một số trường đại học về thành lập mạng lưới các chương trình chung về vấn đề hội nhập. Về mặt này, quan điểm của Kazakhstan có thể mềm dẻo hơn nhiều. Ngoài ra, xét đến khuynh hướng nghiêng về nền giáo dục tiếng Anh của Astana, các dự án thúc đẩy chung các trường đại học của EAEU ra thị trường giáo dục thế giới có khả năng ra đời. Dự án cũng có thể mang tính chất sáng kiến của riêng một bên. 

Năm 2018, SNG sẽ họp thượng đỉnh tại Dushanbe. Không nên chờ đợi nó có đột phá, song nó sẽ là công cụ quan trọng để các nước hậu Xôviết tiếp xúc với nhau. 

Theo tuyến hợp tác của Tổ chức an ninh tập thể (CSTO) trong năm 2018 các nhóm làm việc về Afghanistan và về an ninh thông tin sẽ đẩy mạnh hoạt động do tầm quan trọng của cả hai vấn đề này tăng lên, theo đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược an ninh tập thể CSTO đến năm 2025. Ở biên giới phía Tây của CSTO, cuộc tập trận lớn Trident Juncture của NATO sẽ diễn ra. Chúng đòi hỏi Nga và Belarus phải phối hợp chặt chẽ. Ngay tại CSTO cũng có kế hoạch tổ chức nhiều cuộc tập trận (“Tìm kiếm” ở Kazakhstan, “Phối hợp” ở Kyrgystan, v.v.). Nhưng chúng khó gây ảnh hưởng gì lớn ở phương Tây. Năm 2018 kỷ niệm 15 năm bản Điều lệ và thỏa thuận về quy chế pháp lý của CSTO có hiệu lực. Đây là lý do tốt để hiện thực hóa việc xem CSTO như tổ chức bảo đảm an ninh và ổn định ở lục địa Á-Âu. 

Vấn đề Ukraine giữ vị trí trung tâm. Hai nhân tố tạo nên cốt lõi của nó, đó là tình huống ở khu vực giáp ranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng vũ trang của các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk. Có thể xảy ra những điểm bùng phát tại chỗ, dù Kiev không chắc sẽ đi đến chiến dịch quân sự quy mô. Thứ hai là khả năng triển khai phái bộ gìn giữ hòa bình tại Donbass. Vấn đề này sẽ là đối tượng thương lượng gắt gao cho các nhà ngoại giao. Tuy nhiên ngay cả việc khởi động một phái bộ có quyền hạn hạn chế cũng có thể phát đi tín hiệu quan trọng. Nó cũng sẽ đánh giá mong muốn của đối tác phương Tây (trước hết là châu Âu) tận dụng thời điểm để thiết lập quan hệ với Nga. Nhìn chung, nguy cơ phá vỡ đàm phán rất cao trong bối cảnh Mỹ gia tăng biện pháp trừng phạt chống lại Nga dưới sức ép của Quốc hội. Tình hình trong nước Ukraine sẽ căng thẳng khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2019 đến gần. Tuy nhiên năm 2018, tình hình sẽ vẫn có kiểm soát. Kịch bản khủng hoảng ít có khả năng xảy ra. 

Vào tháng 3/2018, Armenia sẽ bầu cử tổng thống. Lần đầu tiên tổng thống được quốc hội bầu ra chứ không qua bỏ phiếu trực tiếp. Ông Serzh Sargsyan không có quyền tái tranh cử. 2018 sẽ là năm quan trọng để rà soát lại thỏa thuận với EU và Armenia là thành viên EAEU khi thỏa thuận này có hiệu lực. Nhiều khả năng Yerevan sẽ tìm ra được cách kết hợp tối ưu với cả hai tổ chức. Hợp tác tích cực với Moskva trong lĩnh vực an ninh trên cơ sở song phương và trong khuôn khổ CSTO sẽ hỗ trợ việc này. Trong bối cảnh bầu cử, hợp tác với Moskva có thể bị gia tăng chỉ trích. Trong số các vấn đề bị đưa ra chỉ trích là hợp tác năng lượng. Tuy nhiên ở đây những xung đột sẽ được nhẹ bớt nhờ hợp tác về gia hạn hoạt động của nhà máy điện nguyên tử Armenia (Chính phủ Nga cấp tín dụng và hỗ trợ cho hoạt động này). 

Mùa Thu năm 2018 sẽ diễn ra bầu cử tổng thống ở Azerbaijan. Quan hệ với Nga khó là đề tài trung tâm của bầu cử, kết quả bầu cử cũng không làm thay đổi mô hình hợp tác với Moskva. Ông Ilham Aliev có khả năng lớn giữ được chức vụ của mình. 

Sự kiện lớn nhất của năm sẽ là hội nghị thượng đỉnh Iran, Nga và Azerbaijan tại Moskva. 

Chiến dịch tranh cử tại cả hai nước ngoài Caucasus (Azerbaijan và Armenia) sẽ hiện thực hóa xung đột về Karabakh. Ở đây có thể có những điểm bùng phát. Chi tiêu quốc phòng của cả hai bên đều tăng. Lan truyền các kiến giải lịch sử liên quan đến 100 năm ra đời hai nước sẽ lan truyền. 

Năm 2018 Gruzia bầu cử tổng thống. Theo cải cách hiến pháp, cuộc bầu cử này là lần cuối cùng tổng thống được bầu trực tiếp, từ năm 2024 trở đi sẽ được bầu qua hội đồng cử tri. Chiến dịch tranh cử chắc chắn sẽ dẫn đến việc lên án mâu thuẫn với Nga và các vùng Abkhazia và Nam Ossetia không được Gruzia công nhận. Bùng phát quân sự tại biên giới sẽ không xảy ra. Tuy nhiên những bước tiến theo “đường chỉ đỏ” chính cũng sẽ không có. Có thể có tiến bộ về vấn đề thị thực với Nga. Nếu thuận lợi, thị thực sẽ được Nga bãi bỏ. Hợp tác Gruzia-NATO sẽ sâu sắc hơn. Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2018 sẽ ấn định bước tiến trong lĩnh vực này. 

Tình hình Trung Á sẽ giữ nguyên tình hình rủi ro như hiện nay. Năm 2018, ở đây không có chiến dịch tranh cử tổng thống nào. 

Tình hình sẽ đặc biệt ở Kyrgyzstan. Mùa Thu năm 2017 nước này có tổng thống mới sau bầu cử. Tổng thống hiện nay không nỗ lực để duy trì chức vụ trong nhiệm kỳ mới. Đây là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển chính trị và hình thành nên hệ thống thay đổi chính quyền. Tuy nhiên năm 2018 tổng thống mới sẽ đứng trước nhiệm vụ không đơn giản là tập hợp được quyền lực trên chính trường hiện hành. Trong quan hệ với Nga quan trọng là vấn đề căn cứ không quân ở Cante. 

Năm 2018 tiến trình các nước EU phê chuẩn Thỏa thuận về mở rộng đối tác và hợp tác EU và Kazakhstan sẽ hoàn tất. Năm này sẽ có ý nghĩa quan trọng ở khía cạnh hài hòa hóa hợp tác với EU và EAEU. 

Trong tháng 1/2018 Kazakhstan tiếp tục là chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nhiệm kỳ này, Kazakhstan sẽ dưa ra các vấn đề an ninh tại Trung Á, vấn đề tài nguyên nước, tình hình ở Afghanistan. Là một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng minh của Kazakhstan và thành viên quan trọng của các tiến trình khu vực, Nga có thể đóng góp cho thảo luận nhóm đề tài này và ủng hộ chương trình của Kazakhstan. 

Nhiệm vụ trung tâm chưa giải quyết được của Nga về các nước SNG là thành lập được một mô hình phát triển kinh tế-xã hội và chính trị hấp dẫn đối với các nước láng giềng và giảm bớt mong muốn gia nhập các cơ cấu địa chính trị hay địa kinh tế khác của các nước này. Nhiệm vụ này khó có thể được giải quyết trong năm 2018, nhưng nên chú ý đến nó khi xác định các thông số phát triển kinh tế-xã hội trong 6 năm tới. Không kém phần quan trọng là chống lại các tiến trình gây mất ổn định kinh tế-xã hội chính ở không gian hậu Xôviết, có khả năng động chạm trực tiếp đến an ninh của nước Nga. Rõ ràng trong việc giải quyết vấn đề này Nga sẽ phải hợp tác tích cực không chỉ với các nước SNG, mà còn với các bên thamgia bên ngoài nổi bật nhất, trong đó có Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, về một số vấn đề với EU và có thể với cả Mỹ.

Andrey Kortunov là tổng giám đốc Hội đồng Nga về các Vấn đề Quốc tế (RIAC). Ivan Timofeev, Tiến sĩ Khoa học Chính trị, Giám đốc các Chương trình RIAC, trưởng chương trình “Quốc gia Đương đại” tại Câu lạc bộ Thảo luận Valdai. Báo cáo được đăng trên RIAC.

Trần Quang (gt)