Tác giả Santiago Fisher, thuộc Ủy ban Công lý và Hòa bình của Bỉ, mới đây có bài phân tích chính sách đối ngoại của Ôxtrâylia đối với Trung Quốc, nội dung như sau: 

Sự trỗi dậy của Trung Quốc làm các nước láng giềng và khu vực không thể thờ ơ, nhất là Ôxtrâylia. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không thể không nghi ngờ khi chứng kiến một tốc độ tăng trưởng kinh tế và quân sự không ngừng của Trung Quốc. Mối lo ngại một nước Trung Quốc tham vọng bá quyền trong khu vực đang gây ra một thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh bởi tương quan lực lượng tại khu vực đã thay đổi. Mỹ không còn nắm giữ vị trí thủ lĩnh khu vực như trước trong khi tầm quan trọng chiến lược của khu vực này đã được chứng minh. Do đó, châu Á – Thái Bình Dương có xu hướng trở thành trung tâm bất ổn của thế giới xét về yếu tố dân số, kinh tế cũng như chính trị. Từ đó, một câu hỏi quan trọng được đặt ra là liệu Trung Quốc có phát triển một cách hòa bình? Ôxtrâylia đã lựa chọn mối quan hệ thông qua một quan điểm thực dụng và hòa giải đối với gã khổng lồ Trung Quốc, minh chứng là quan hệ kinh tế đặc biệt được duy trì từ nhiều năm nay giữa hai nước.

Là đồng minh chiến lược của Mỹ trong khu vực nên Ôxtrâylia không phát triển quan hệ vững chắc với Trung Quốc, mà chỉ dựa trên mối quan hệ trao đổi kinh tế năng động. Nhà phân tích Bruno Hellendorf nhận xét: “Giai đoạn 2009-2010, Trung Quốc-đối tác kinh tế hàng đầu của Ôxtrâylia-chiếm 17,6% tổng thương mại của Ôxtrâylia, xếp trước Nhật Bản và Mỹ”. Mối quan hệ trên góp phần bổ sung và làm hài lòng cả hai phía. Trong khi Ôxtrâylia được coi như một đối tác cung cấp nguyên liệu ưu tiên của Trung Quốc và giá trị xuất khẩu của Ôxtrâylia không ngừng tăng cao thì Trung Quốc cũng xuất khẩu các sản phẩm chế biến và đầu tư ồ ạt vào Ôxtrâylia.

Mối quan hệ thương mại dựa trên sự tương đồng hoàn toàn với chính sách “phát triển hòa bình” mà Trung Quốc ca tụng. Trước tiên, đó là duy trì mối quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng và bảo đảm rằng không có căng thẳng có thể dẫn đến những nguy cơ xung đột. Vì điều này, Trung Quốc chú ý đặc biệt đến mối quan hệ song phương và đa phương (Trung Quốc ngày càng tham gia tích cực vào các diễn đàn khu vực như ASEAN+3, ARF, APEC, EAS).

Ổn định khu vực là một ưu tiên và vì điều này, nên trở thành một “nước láng giềng tốt và một đối tác thế giới có trách nhiệm”. Đối với Trung Quốc, một thế giới đa cực còn xa mới đạt được và trước tiên cần phải tránh hoàn toàn bị các cường quốc khác, như Mỹ, Nhật Bản và Inđônêxia, bao vây khu vực. Chính sách hợp tác trên đang cho phép thắt chặt quan hệ thương mại đầy lợi ích và đảm bảo an toàn con đường vận chuyển nguyên liệu (năng lượng và tài nguyên mỏ, như sắt, chì, kẽm, bôxít, urani…), điều kiện để Trung Quốc tiếp tục bảo đảm sức tăng trưởng kinh tế hết mức, là mục tiêu số một trong chính sách đối ngoại. 

Mặc dù có những thái độ trấn an được minh chứng qua quan hệ thương mại theo kiểu “cùng thắng”, Trung Quốc vẫn tiếp tục là một mối đe dọa đối với Ôxtrâylia. Trung Quốc tiếp tục phát triển kho vũ khí quân sự một cách mạnh mẽ, ngay cả khi nước này tuyên bố điều đó chỉ nhằm mục đích duy nhất là phòng thủ. Đối với Trung Quốc, đó là nhằm bảo vệ vị trí trước những cường quốc thế giới khác, song cũng nhằm khẳng định an ninh của nước này trước các nước láng giềng luôn muốn liên minh lại với nhau chống Trung Quốc một khi mối đe dọa bá quyền của Bắc Kinh ngày một tăng lên. Đối với Ôxtrâylia, không thể không cảm thấy bị đe dọa nếu xét đến khoảng cách địa lý và những nguồn lực ấn tượng từ phía Trung Quốc. 

Để bảo vệ mình, Ôxtrâylia có thể dựa vào đồng minh lịch sử là Mỹ. Khung cảnh của Hiệp ước an ninh chiến lược (ANZUS, được ký kết năm 1951 và được gia hạn mới đây giữa Niu Dilân, Ôxtrâylia và Mỹ) đang bảo đảm cho Ôxtrâylia một sự bảo vệ tối ưu trong một môi trường khu vực trở nên bị đe dọa cũng như sức mạnh đang nghiêng về những vấn đề khu vực. Đối với Ôxtrâylia, liên minh với Mỹ vẫn là một ưu tiên bởi “dựa vào những giá trị và lợi ích chia sẻ”. Cuộc chiến chung chống khủng bố sau năm 2001 đã củng cố tình hữu nghị giữa hai đối tác trên. Năm 2005, một hiệp định mậu dịch tự do Ôxtrâylia-Mỹ đã được hai nước phê chuẩn, mở ra một tầm cao mới về kinh tế và thương mại cho quan hệ hai nước. 

Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Ôxtrâylia không chỉ đem lại lợi ích cho phía Ôxtrâylia. Trung Quốc đang sử dụng cùng một mô hình thương mại với Ôxtrâylia để áp dụng với các nước thuộc thế giới thứ 3 tại châu Phi và khu vực Mỹ Latinh. Trung Quốc coi Ôxtrâylia không chỉ là nước xuất khẩu nguyên liệu mà còn ngăn cản nước này phát triển bộ máy công nghiệp. Theo đó, quan hệ trong tương lai giữa hai nước sẽ trở nên mâu thuẫn, điều này buộc Ôxtrâylia phải duy trì quan hệ tốt với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ hiện không còn là siêu cường số 1 nên từ nay Ôxtrâylia cũng phải đa dạng hóa quan hệ với các đối tác khác. Điều này trước tiên được thực hiện thông qua việc hội nhập khu vực tốt hơn. Đối với Ôxtrâylia, cần thiết phải chứng minh cho toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương thấy rằng Ôxtrâylia mong muốn hội nhập về chính trị và kinh tế. Trước đây bị chia cách bởi mối quan hệ đặc biệt của mình với Mỹ, Ôxtrâylia đang ngày càng tham gia các diễn đàn khu vực để phá thế cô lập. Về mặt chiến lược, Ôxtrâylia nhìn nhận không nên để bị cô lập và có thể trở thành thành viên thiết lập các tiêu chuẩn hành động cho khu vực. 

Đối với Trung Quốc, Ôxtrâylia đang thông qua một chính sách thực dụng và hiện đại. Ngoài những trao đổi thương mại nở rộ, Ôxtrâylia không tách rời liên minh chiến lược với Mỹ và mong muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Nếu những bước tiến chiến lược và chính trị vẫn còn nhỏ bé thì trước tiên bởi mối quan hệ hiện nay chủ yếu dựa vào thương mại. Do đó, lập trường của Ôxtrâylia là không tham gia một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Đài Loan, Mỹ và Trung Quốc. Quyết định trên minh chứng thiện chí của Ôxtrâylia là tiếp tục làm hài lòng Trung Quốc và được chứng minh bởi định đề mà hiệp ước ANZUS nêu rõ. Theo đó, các nước phải đảm bảo một sự hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp chiến tranh, song không tham gia một cuộc chiến mà bên bị xâm chiếm là Đài Loan… 

Đối với Ôxtrâylia, cơ sở nền tảng cho chính sách đối ngoại của nước này là không lựa chọn đứng về bên nào giữa Trung Quốc và Mỹ. Ôxtrâylia hưởng lợi ích kinh tế từ mối quan hệ với Trung Quốc trong khi việc liên minh với Mỹ mang lại cho nước này những lợi ích địa chính trị và quân sự đáng kể. Ôxtrâylia cũng tự đặt mình trong khu vực với vai trò trung gian hòa giải giữa các cường quốc và mong muốn bảo đảm sự cân bằng của hệ thống. Ý thức được những hạn chế của mình, Ôxtrâylia đang tự xếp mình vào vị trí cường quốc tầm trung bình để bảo đảm an ninh và thực hiện các lợi ích đề ra. Như một số nhóm cố vấn cao cấp của Mỹ đánh giá, Ôxtrâylia đang thực hiện một chính sách “ngăn chặn-can dự” đối với Trung Quốc. Như chuyên gia Cécile Pajon nhận xét: “Ôxtrâylia tận dụng mọi cơ hội kinh tế và thương mại khi kìm nén thái độ chỉ trích, nhất là với chính sách nhân quyền của Trung Quốc”. Trong khi đó, Ôxtrâylia bảo vệ mọi giá trị phương Tây của mình và không đặt chúng bên cạnh mối quan hệ với Trung Quốc. Cần phải nhận thấy là mặc dù bày tỏ thiện chí ưu tiên cho các cơ quan đa phương và các vấn đề thương mại, song song với đó, Ôxtrâylia đang theo đuổi một nỗ lực tăng cường và hiện đại hóa kho vũ khí quân sự. Ngân sách quốc phòng của Ôxtrâylia hiện chiếm 1,9% GDP và sẽ tăng lên 3% vào giai đoạn 2015-2016. Mục đích của chính sách này nhằm có thể đáp ứng trước những mối đe dọa có khả năng gây ra bởi vị trí vùng đệm của Ôxtrâylia giữa hai cường quốc và bởi sự cách ly của nước này với khu vực. Điều này trước tiên nhằm “xây dựng một lực lượng quân đội hùng mạnh và triển khai linh hoạt trên các mặt trận xa hơn”, nhằm bảo vệ các công dân của mình ngoài lãnh thổ và vùng biển nước này… 

Đến lượt mình, Trung Quốc có thể cảm thấy bị đe dọa bởi sự lớn mạnh của quân đội Ôxtrâylia. Vì vậy, Bắc Kinh đang điều chỉnh lại chiến lược bảo vệ các tuyến đường hàng hải cung cấp nguyên liệu như một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Nếu Ôxtrâylia đang tăng cường triển khai lực lượng hải quân ở phía Bắc thì chính các tuyến giao thông hàng hải của Trung Quốc sẽ có thể bị đe dọa. Do đó, Trung Quốc bắt buộc phải duy trì một lực lượng trong khu vực và để bao vây một lực lượng hải quân Ôxtrâylia hùng mạnh có thể nổi lên. 

Thái độ của Ôxtrâylia vẫn phải giảm nhẹ chỉ trích tham vọng bá quyền của Trung Quốc khi trấn an nước này về các dự định của mình, ngay cả bản sắc phương Tây và hệ thống liên minh được thiết lập với Nhật Bản và Mỹ đôi khi trở nên không cần thiết do bị nghi ngờ. Trung Quốc hơn nữa có lợi ích khi biến Ôxtrâylia thành một đối tác vững chắc để đảm bảo một tình hữu nghị không có xung đột, cho phép bảo đảm “sự phát triển hòa bình” của Trung Quốc trong thế kỷ 21.

Theo Ủy ban Công lý và Hòa bình (Bỉ)

Hương Lan (gt)