Mấy năm gần đây, tình hình quốc tế nảy sinh những thay đổi lớn, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ảnh hưởng sâu sắc đến toàn thế giới, các nước phát triển đứng trước những thách thức nghiêm trọng, các nước lớn hưng thịnh như Trung Quốc, Ấn Độ phát triển nhanh, tầm ảnh hưởng quốc tế tăng mạnh. Trong tình hình mới này, giới quyết sách và giới tư tưởng EU tranh luận, suy ngẫm, xem xét và xác định lại mối quan hệ Trung Quốc-EU. Từ đó, chúng ta có thể hiểu một cách tương đối rõ ràng những suy nghĩ, mong muốn và đòi hỏi của EU đối với Trung Quốc trong một thế giới thay đổi. 

I) 

Có thể nói, EU có bao nhiêu nước thành viên thì có bấy nhiêu chính sách đặc biệt đối với Trung Quốc, nhưng về tổng thể EU có một số nhận thức chung cơ bản đối với Trung Quốc. Một loạt báo cáo của EU về chính sách đối với Trung Quốc được công bố từ năm 1995 đến nay chính là sự đạt được nhận thức chung của chính phủ các nước thành viên và cơ quan quyết sách chủ yếu của EU đối với Trung Quốc trên cơ sở nhiều lần thương lượng. Trước tiên, đối xử như thế nào với Trung Quốc - nước đang phát triển? Cho dù Trung Quốc kiên trì là nước đang phát triển, nhưng ngày càng nhiều nước thành viên EU lại không coi Trung Quốc là nước đang phát triển trên ý nghĩa truyền thống. Lấy Anh và Đức làm ví dụ. Năm 2010, phụ trách các công việc khai thác phát triển quốc tế, viện trợ đối ngoại của Anh, Andrew Mitchell, công khai cho rằng Chính phủ Anh quyết định ngừng mọi viện trợ “không có đạo lý” cho Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai trên toàn cầu. Không chỉ như vậy, Anh còn yêu cầu EU cũng nên xem xét lại việc viện trợ cho nước lớn hưng thịnh như Trung Quốc. Ở Đức, các chính đảng cũng liên tiếp yêu cầu chính phủ xóa bỏ việc viện trợ phát triển đối với Trung Quốc. Trong một bản công báo của chính phủ năm 2007, Bộ trưởng hợp tác và phát triển Đức tuyên bố trọng điểm viện trợ phát triển của Đức đối với Trung Quốc đã chuyển sang bảo vệ môi trường, chứ không phải là “giúp đỡ Trung Quốc phát triển kinh tế”. 

Thứ hai, nhìn nhận như thế nào vị thế quốc tế của Trung Quốc? Văn kiện đầu tiên của EU công bố chính sách đối với Trung Quốc, xây dựng “mối quan hệ lâu dài” tích cực với Trung Quốc năm 1995 cho dù đã nhấn mạnh sự trỗi dậy của Trung Quốc là chưa từng có từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai, nhưng điều chủ yếu phải tính đến vẫn là sức ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc. Khi đó, chính sách của EU đối với Trung Quốc cũng chỉ là một phần quan trọng để xác định chiến lược mới của EU đối với châu Á. Hiện nay, EU và các nước thành viên phần lớn coi Trung Quốc là nước lớn hưng thịnh có sức ảnh hưởng, và nhấn mạnh không có sự tham gia của Trung Quốc, bất kỳ vấn đề toàn cầu nào đều không thể giải quyết hiệu quả. Năm 2009, Bộ Ngoại giao Anh lần đầu tiên công khai công bố bản báo cáo chính sách đối với Trung Quốc. Báo cáo này nêu rõ “Trung Quốc trở thành một sức mạnh kinh tế, chính trị mang tính toàn cầu có sự thay đổi quan trọng nhất trên thế giới hiện nay. Hợp tác với Trung Quốc để xóa đi những khó khăn, giải quyết xung đột trên toàn cầu và áp dụng các biện pháp kiềm chế một cách hiệu quả sự nóng lên của trái đất là điều tất yếu không thể thiếu”. Báo cáo này còn cho rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và EU sẽ quyết định phương hướng phát triển của thế giới 10 năm tới. 

Thứ ba, ý thức hệ phương Tây liệu còn có thể ảnh hưởng đến Trung Quốc không? Châu Âu luôn hy vọng có thể ảnh hưởng đến việc Trung Quốc thực hiện tự do hóa kinh tế và dân chủ hóa chính trị. Nhưng cùng với thực lực kinh tế và chính trị của Trung Quốc không ngừng lớn mạnh, các nhà phân tích châu Âu phát hiện phương Tây đã ngày càng khó có thể ảnh hưởng hoặc “tô tạo” Trung Quốc. Báo cáo nghiên cứu rất có sức ảnh hưởng do “Ủy ban quan hệ đối ngoại châu Âu” nổi tiếng của Anh (ECFR) năm 2009 công bố, nêu rõ người châu Âu luôn hy vọng có thể ảnh hưởng đến phương hướng phát triển của Trung Quốc, nhưng chính sách đối nội, đối ngoại của Trung Quốc lại phát triển theo hướng khác, không những không thèm để ý đến quan niệm giá trị của châu Âu, mà ngược lại không ngừng đối kháng, thậm chí phá hoại nó. Sau các vụ như Lưu Hiểu Ba bị tuyên phạt, Trung Quốc thi hành án tử hình tên buôn bán ma túy người Anh, Akmal Shaikh, dư luận EU không kiêng nể gì, chỉ trích Trung Quốc là kinh tế Trung Quốc đang phát triển, chính trị lại đang thụt lùi. Giám đốc Trung tâm cải cách châu Âu ở Luân Đôn có bài viết nêu rõ xu thế phát triển của phương Tây đối với Trung Quốc tồn tại hai ý kiến của phái lạc quan và bi quan, cho dù đến nay phái lạc quan chiếm thế thượng phong, phái này cho rằng Trung Quốc càng phát triển thì sẽ càng “Tây hóa”, nhưng chính sách của Trung Quốc hai năm gần đây dường như đã kiểm chứng hơn cách làm của phái bi quan, tức là sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ dẫn đến nền chính trị của Trung Quốc chuyên chế hơn, về kinh tế lại một lần nữa hoan nghênh nước ngoài đến đầu tư, về ngoại giao ngày càng không muốn thỏa hiệp với phương Tây. 

Cuối cùng, nhận thức mới của EU đối với Trung Quốc còn liên quan đến một vấn đề cũng có lẽ là quan trọng nhất đối với EU, tức là sự phát triển của Trung Quốc sẽ nảy sinh những ảnh hưởng như thế nào đối với châu Âu? Gần đây, vấn đề này gây tranh cãi rất gay gắt ở châu Âu. Giữa những năm 90 thế kỷ 20, ở châu Âu, sự phát triển của Trung Quốc được cho là có ý nghĩa rất tích cực đối với châu Âu. Nhưng bắt đầu từ năm 2005, các nước châu Âu đã xuất hiện ngày càng nhiều dư luận “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”. Những người giữ quan điểm này cho rằng sự phát triển của Trung Quốc đã cướp đi “cần câu cơm”, thị trường và tài nguyên của người châu Âu. Trong một văn kiện chính sách được thông qua năm 2006, EU nêu rõ: “đối với chính sách thương mại EU, Trung Quốc là một thách thức lớn nhất”. Từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay, hợp tác với Trung Quốc sẽ giúp châu Âu thoát khỏi “thuyết cơ hội của Trung Quốc” bị suy yếu nhưng lại một lần nữa nhận được sự ủng hộ. Nhưng “thuyết thách thức từ Trung Quốc” hoặc “thuyết cạnh tranh từ Trung Quốc” vẫn được lưu hành rộng rãi ở châu Âu. Tháng 12/2010, “Tổ chức khoa học và chính trị” của Đức (SWP) đã công bố một bản báo cáo nghiên cứu, phân tích toàn diện cho rằng Trung Quốc tạo thành thách thức kinh tế đối với châu Âu. Báo cáo này cho rằng kinh tế Trung Quốc là một con dao hai lưỡi. Một mặt, Trung Quốc luôn mong muốn và không ngừng tăng cường tham gia các hoạt động kinh tế thương mại quốc tế, đòi hỏi lớn nhất của nước này đối với hàng hóa và dịch vụ là đem lại thị trường rộng lớn và công ăn việc làm cho các đối tác thương mại. Về khách quan, điều này đã thúc đẩy kinh tế châu Âu tăng trưởng; mặt khác, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh cũng đem lại những thách thức to lớn: nguồn nhân công giá rẻ và nền sản xuất quy mô hóa của Trung Quốc khiến cho nước này rõ ràng chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh với châu Âu. Nhu cầu năng lượng và nguyên vật liệu không ngừng tăng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh châu Âu, ngoài ra do sự phát triển của Trung Quốc, môi trường sinh thái trong nước Trung Quốc không những bị xấu đi, mà còn sẽ ảnh hưởng đến khu vực khác của thế giới. Tổ chức này còn cho rằng kinh tế thương mại đối ngoại của Trung Quốc thực hiện “chủ nghĩa trọng thương”, chiến lược đầu tư ra nước ngoài của nước này cũng bị phê phán rộng rãi. 

II)

Quá trình EU nhận thức và xác định lại vị thế của Trung Quốc cũng là quá trình suy ngẫm và điều chỉnh chính sách đối với nước này. Một mặt, EU ngày càng nhận thức được tính tất yếu của việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc; mặt khác, nội bộ EU ngày càng lên tiếng đòi hỏi phải thay đổi phương thức kết bạn với Trung Quốc. Cùng với việc EU nhận định Trung Quốc từ một nước lớn mang tính khu vực trỗi dậy thành nước lớn toàn cầu, EU ngày càng có khuynh hướng coi mối quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-EU là công cụ ngoại giao có sức mạnh thúc đẩy lợi ích EU. Nếu như nói một vài năm trước khi Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác chiến lược Trung Quốc-EU, châu Âu vẫn bán tín bán nghi, vậy thì cùng với vai trò của Trung Quốc được thể hiện rõ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như châu Âu lún sâu vào nợ nần và kinh tế khó khăn, các nhà chính trị châu Âu ngày càng xác định rõ ý nghĩa chiến lược của việc hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và EU. Năm 2010 có thể nói là “năm nước lớn hưng thịnh” của châu Âu, các nhà lãnh đạo EU tổ chức hội nghị nhiều một cách bất thường, các chuyên ngành nghiên cứu, soạn ra chiến lược đối với các nước lớn hưng thịnh như Trung Quốc trong thời kỳ mới. Tại hội nghị ngày 16,17/12/2010 do cơ quan quyết sách tối cao EU - Hội đồng châu Âu tổ chức, lãnh đạo các nước thành viên đã thảo luận báo cáo về mối quan hệ đối tác chiến lược với EU do đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại chung EU, Catherine Margaret Ashton, trình lên. Từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay, nhằm vào sức mạnh chiến lược toàn cầu nảy sinh những thay đổi, đặc biệt là trong tình hình mới các nước lớn hưng thịnh trỗi dậy nhanh chóng, đây là lần đầu tiên EU xem xét và xác định lại một cách toàn diện tất cả mối quan hệ đối tác chiến lược của mình. 

Từ quan hệ Trung Quốc-EU, “Báo cáo Ashton” có đặc điểm sau: một là, đã xác định rõ 5 mục tiêu lợi ích đại chiến lược của việc tăng cường mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc trong tình hình mới, tức là việc tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách tự do và công bằng hơn; hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn để đối phó với mối đe dọa an ninh và thách thức toàn cầu; phát triển mối quan hệ đối tác giữa các nước để giảm bớt lượng khí thải cácbon; tăng cường quản lý toàn cầu lấy quy tắc làm nền tảng; thúc đẩy việc xử lý, quản lý và nhân quyền một cách dân chủ. Hai là, nâng cao hơn nữa vị thế của Trung Quốc trong đối tác chiến lược EU. Đối tác chiến lược của EU được xếp theo thứ tự trong báo cáo: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Braxin, Nhật Bản, Canađa, Mêhicô, Nam Phi. Báo cáo này đề nghị EU nên cùng Mỹ, Trung Quốc xây dựng cơ chế đối thoại ba bên. Ba là, báo cáo sẽ xếp việc “tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách tự do, công bằng hơn” vào hàng đầu lợi ích chiến lược của EU đối với Trung Quốc. Điều này cho thấy tính thiết thực trong chính sách của EU đối với Trung Quốc ngày càng tăng mạnh. EU đòi hỏi việc “tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách tự do, công bằng hơn” chủ yếu bao gồm: Trung Quốc đem lại một môi trường cạnh tranh công bằng, cải thiện điều kiện và môi trường tiếp cận đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hơn nữa đảm bảo chắc chắn việc cung cấp nguyên vật liệu v.v... Bốn là, báo cáo này sẽ coi việc cùng nhau đối phó với những thách thức toàn cầu, tăng cường quản lý toàn cầu là trọng điểm ưu tiên của hợp tác song phương, nhấn mạnh việc Trung Quốc, EU tăng cường hợp tác trong cơ cấu đa phương và tầng nấc toàn cầu; đem lại hàm nghĩa cụ thể cho mối quan hệ chiến lược Trung Quốc-EU, giải đáp những thắc mắc của một số nhà phân tích châu Âu về ý nghĩa thực chất của mối quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-EU trong những năm gần đây. 

Bên cạnh việc tăng cường nhận thức rõ tầm quan trọng của việc hợp tác đối với Trung Quốc, EU tích cực tìm tòi phương thức và biện pháp mới hiệu quả hơn để kết thân với Trung Quốc. Trên thực tế, gần đây cơ quan quyết sách EU cũng như chính phủ các nước thành viên luôn đứng trước sức ép to lớn đòi hỏi phải thay đổi, trong đó sự phê phán gay gắt nhất đến từ “Ủy ban quan hệ đối ngoại châu Âu”. Ủy ban này cơ bản đã phủ định việc thực thi chính sách “tiếp xúc vô điều kiện” của EU đối với Trung Quốc trong mấy năm gần đây. Báo cáo nghiên cứu được công bố năm 2009 viết rằng: “Đối với EU, chính sách này hiệu quả thấp, cho dù là về mặt theo đuổi lợi ích trực tiếp, hay là có ý đồ khiến cho mục tiêu và quan niệm giá trị của Trung Quốc phải dựa vào EU nhiều hơn”. Ngoài ra, dường như tất cả các giới tinh hoa của châu Âu đều thúc giục các nước thành viên EU từ bỏ các biện pháp một mực làm theo ý mình khi kết thân với Trung Quốc. 

Một điểm nổi bật nhất trong việc điều chỉnh chính sách của EU đối với Trung Quốc: chủ nghĩa thực dụng được chấp nhận rộng rãi là nguyên tắc quan trọng của việc kết thân với Trung Quốc. Tư tưởng chính trong báo cáo chính sách của EU đối với Trung Quốc năm 2006 đó là muốn “cùng có lợi”, điểm này luôn là nhân tố quan trọng trong chính sách của EU đối với Trung Quốc, và dần dần trở thành cái gọi là “lợi ích thay thế ngoại giao”. Khái niệm “lợi ích thay thế” nêu rõ thực chất là sự phủ định đối với cái gọi là chính sách “tiếp xúc vô điều kiện” trước đây của EU. Điều này cũng có nghĩa là từ nay về sau, nếu Trung Quốc muốn được cái gì từ EU thì cần phải báo đáp EU, tức là phải trao đổi lợi ích. Ví dụ, EU yêu cầu Trung Quốc phải đưa ra những nhượng bộ thực sự về vấn đề hàng rào thương mại, EU mới có thể dành cho Trung Quốc vị thế kinh tế thị trường; nếu Trung Quốc muốn có được kỹ thuật của châu Âu thì cần phải mở cửa hơn; Trung Quốc cần đưa ra những phản ứng tích cực đối với những vấn đề an ninh quốc tế mà châu Âu quan tâm như vấn đề phổ biến hạt nhân, hạt nhân Iran, EU mới có thể xóa đi lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc v.v... Hiện nay, tư tưởng “lợi ích thay thế” đã được các quan chức EU chấp nhận. 

Bên cạnh việc thực thi “lợi ích thay thế ngoại giao”, EU còn ra sức thúc đẩy 27 nước thành viên đạt được sự điều tiết và thống nhất hiệu quả trong chính sách đối với Trung Quốc, tránh bị Trung Quốc “chia ra để trị”, đánh bại. “Hiệp ước Lisbon ” đã đem lại sự bảo đảm về cơ chế và động lực chính trị cho EU thay đổi “sự yếu kém” về ngoại giao của mình. Từ lịch trình phát triển của EU cho thấy mỗi bước đi của EU đều giành được những thành quả quan trọng. “Hiệp ước Rôma” đánh dấu việc xây dựng khối châu Âu, “Hiệp ước Maastricht ” đã tuyên bố sự ra đời của EU. “Hiệp ước Lisbon ” có hiệu lực ngày 1/12/2009, cho dù từ ý nghĩa nghiêm túc, hiệp ước này chỉ là đã đưa ra sự điều chỉnh đối với hai hiệp ước nêu trên. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự thống nhất và điều chỉnh chính sách đối ngoại của EU. 

Căn cứ vào những quy định mới của “Hiệp ước Lisbon ”, Hội đồng châu Âu trước tiên đã thông qua đa số phương thức đặc biệt để bầu ra cựu Thủ tướng Bỉ Herman Van Rompuy là chủ tịch Hội đồng châu Âu đầu tiên với nhiệm kỳ 2 năm rưỡi, và có thể liên nhiệm lần nữa. Quyết định này đã thay đổi “cơ chế thường trực luân phiên chủ tịch nhiệm kỳ nửa năm” trước đây, có lợi cho việc duy trì tính liên tục của chính sách EU. Thành phần chủ chốt của ngoại giao EU vừa có 27 nước thành viên, lại có các cơ quan vượt quốc gia như Ủy ban châu Âu, Hội đồng EU. Giữa các nước thành viên có sự bất đồng, giữa các cơ quan và các nước thành viên cũng thiếu sự điều tiết. Nhằm vào tình hình này, EU căn cứ vào “Hiệp ước Lisbon”, quyền xử lý các công việc bên ngoài của hai cơ quan lớn quan trọng nhất - Hội đồng EU và Ủy ban châu Âu tập trung vào người “đại diện cấp cao về chính sách ngoại giao và an ninh chung”. Hiện nay, Ashton đảm nhận chức vụ này, bà vừa là người chủ trì hội nghị ngoại trưởng hội đồng EU hàng tháng, vừa kiêm nhiệm chức phó chủ tịch Ủy ban châu Âu. Chính vì thế, bà có thể trực tiếp đẩy mạnh việc giao lưu với các nước thành viên, đồng thời còn có quyền điều tiết mọi công tác đối ngoại của ủy ban. Ngoài ra, để tăng cường sự thống nhất và dung hòa nền ngoại giao EU, EU đã mới thành lập “Cơ quan hành động đối ngoại EU”, cơ quan này cũng nghe theo chỉ thị của Ashton. Cơ quan này được thành lập vào ngày 1/12/2010, thành viên của nó vừa bao gồm các quan chức của cơ quan EU, vừa bao gồm các quan chức của Bộ ngoại giao các nước thành viên. Hiện nay, EU đã tính đến việc sẽ xếp mối quan hệ Trung Quốc-EU vào chương trình nghị sự cố định của Hội đồng ngoại trưởng EU trong tương lai. Trên thực tế, rất nhiều người châu Âu đã coi việc liệu EU có điều tiết hiệu quả chính sách đối với Trung Quốc trong tương lai hay không là thách thức lớn nhất đối với cơ chế mới của “Hiệp ước Lisbon”.

Sở dĩ EU theo đuổi việc đẩy mạnh tính thống nhất trong chính sách đối với Trung Quốc là vì muốn khiến cho Trung Quốc có thể nhận thức được “thực lực tập thể” của châu Âu, từ đó thực hiện một cách tốt hơn lợi ích của các nước EU. Vì vậy, ngoài lợi dụng đầy đủ cơ chế mới ra, EU còn có ý đồ coi hội nghị thượng đỉnh hàng năm Trung Quốc-EU là con đường quan trọng của việc điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc của các nước thành viên. Trước hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc-EU tổ chức vào tháng 10/2010, Herman Van Rompuy, chủ trì hội nghị đã thảo luận “chiến lược của EU trong một thế giới thay đổi nhanh chóng”, và đã xác lập mục tiêu ưu tiên của châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU cũng như Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu. Ngoại trưởng và lãnh đạo 27 nước đều đã tham gia hội nghị này. EU có kế hoạch khiến cho việc đối thoại giữa các nước thành viên hiện nay với Trung Quốc có thể thống nhất được với nhau. Còn đại diện EU tại Trung Quốc cũng được yêu cầu tập hợp sức mạnh của đại sứ quán các nước thành viên tại Trung Quốc lại với nhau. 

III)

Từ góc độ EU cho thấy, đến nay Trung Quốc đã không phải là Trung Quốc của những ngày trước đây; từ góc độ Trung Quốc cho thấy EU không phải EU trước đây, EU đã có thái độ hiện thực, tích cực hơn trong việc “nhất trí đối với Trung Quốc”. Quan hệ Trung Quốc-EU sẽ ra sao, điều này đáng được thảo luận. 

Về cơ bản cho thấy điều mà Trung Quốc lẫn EU thu hút đối phương vẫn chủ yếu là lợi ích kinh tế. Từ đó cho thấy từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay những đòi hỏi về kinh tế của châu Âu đối với Trung Quốc tăng mạnh hơn, đã đem lại động lực và thời cơ mới cho việc phát triển ổn định và tích cực mối quan hệ Trung Quốc-EU. Hiện nay, do đứng trước những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế, việc các nước lớn chủ yếu châu Âu đều mở rộng xuất khẩu, tăng cường hợp tác kinh tế đối với Trung Quốc là con đường quan trọng để các nước này thực hiện phục hồi nhanh chóng nền kinh tế. Bộ Ngoại giao Anh tỏ rõ 10 năm tới, Trung Quốc sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Anh hơn bất cứ các doanh nghiệp nước khác nào. Căn cứ vào nhận thức này, 1 trong 3 trụ cột lớn trong chính sách đối với Trung Quốc được Anh xác lập vào tháng 1/2009 là: “khiến cho Anh giành được vị thế tốt nhất từ sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc”. Các nước như Đức, Pháp cũng thể hiện rõ cách nhìn nhận tương tự. Các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha phải gánh chịu những khoản nợ của chính phủ càng mong chờ Trung Quốc giúp thoát khỏi cảnh khủng hoảng. Năm 2010, về tổng thể xu thế quan hệ Trung Quốc-EU ổn định và xuất hiện sự nồng ấm trở lại. Điều này hiển nhiên là chịu ảnh hưởng của cách nhìn nhận này. Đây cũng chính là những tính toán quan trọng nhất của EU trong việc coi Trung Quốc là đối tác chiến lược quan trọng của họ. Từ góc độ Trung Quốc cho thấy EU đã liên tục nhiều năm là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Cho dù một số nước châu Âu rơi vào cảnh khó khăn nợ nần chồng chất, vị trí quan trọng này của EU trong chiến lược đối ngoại Trung Quốc vẫn không thay đổi. Căn cứ vào thống kê của hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và EU năm 2010 là 479,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 16,14% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm của Trung Quốc. EU tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát đến nay, châu Âu cũng ngày càng trở thành mục tiêu quan trọng trong việc đầu tư của Trung Quốc. 

Quan hệ Trung Quốc-EU trước đây duy trì việc phát triển ổn định, chủ yếu là vì kinh tế song phương có tính bổ trợ cho nhau rất mạnh. Quan hệ Trung Quốc-EU liệu có phát triển thuận lợi không sẽ được quyết định bởi việc hai bên liệu có thể nắm vững thời cơ có lợi hiện nay, có ra sức duy trì tính bổ trợ nhau hay không. Do lợi ích kinh tế chiếm vị trí trọng tâm trong mối quan hệ Trung Quốc-EU, thách thức chủ yếu mà quan hệ hai nước trong tương lai gặp phải cũng là vấn đề kinh tế, đặc biệt là Trung Quốc làm thế nào để đáp trả một cách hiệu quả các vấn đề mà phía châu Âu đưa ra như “tính mất cân bằng” trong thương mại, “tính không cân bằng” trong cạnh tranh cũng như “tính không đối xứng” trong hợp tác. Cái gọi là “tính không cân bằng” trong thương mại là chỉ sự thâm hụt thương mại của EU đối với Trung Quốc; “tính không công bằng” trong cạnh tranh là chỉ các doanh nghiệp Trung Quốc nhận được sự trợ cấp, sự bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của chính phủ không đủ mạnh, đối xử không bình đẳng đối với các doanh nghiệp nước ngoài v.v...; “tính không đối xứng” trong hợp tác là chỉ các doanh nghiệp châu Âu không được hưởng cơ hội tiếp cận thị trường ở Trung Quốc như các doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Âu. 

Gustaaf Geeraerts, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc hiện đại tại Brúcxen cho rằng về mặt đối phó với những thách thức trong quan hệ kinh tế thương mại Trung Quốc-EU, biện pháp dự phòng tốt nhất mà Trung Quốc có thể áp dụng là phát triển thị trường trong nước, mở cửa đối ngoại ở mức lớn nhất. “Một thị trường trong nước to lớn và mở cửa sẽ đem lại cơ hội lớn cho việc xuất khẩu và đầu tư của châu Âu, và ở mức độ nhất định đã làm dịu đi vấn đề mang tính kết cấu của châu Âu. Quả thật, về mở rộng hợp tác thương mại, đặc biệt là mở rộng xuất khẩu của châu Âu sang Trung Quốc, hai bên vẫn có tiềm lực rất lớn có thể khai thác. Năm 2009, Trung Quốc đã nhiều lần cử đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại sang châu Âu để mở rộng việc xuất khẩu của các nước châu Âu sang Trung Quốc, thúc đẩy việc cân bằng thương mại song phương. Hiện nay, kế hoạch “5 năm lần thứ 12” của Trung Quốc là thúc đẩy việc điều chỉnh kết cấu kinh tế trong nước, mở rộng nhu cầu trong nước. Tháng 11/2010, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến thăm Pháp, lãnh đạo hai nước quyết định đến năm 2015, kim ngạch thương mại song phương tăng gấp đôi, tăng từ 40 tỷ USD năm 2010 lên 80 tỷ USD. Vào cuối năm 2010, Thủ tướng Anh David Cameron đến thăm Trung Quốc, hai nước Trung Quốc và Anh cũng đã bàn bạc và quyết định đến năm 2015 khiến cho mức thương mại song phương tăng gấp đôi, mỗi năm đạt 100 tỷ USD. 

Mở rộng lĩnh vực hợp tác kinh tế, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương chuyển đổi mô hình nâng cấp là điều quan trọng của việc mở rộng lợi ích kinh tế thương mại Trung Quốc-EU. Năm 2010, EU đã soạn ra kế hoạch phát triển kinh tế trong 10 năm tới, nhấn mạnh EU sẽ dồn sức vào phát triển nền kinh tế số lấy tri thức và đổi mới, sáng tạo làm chính, cũng như thông qua việc nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng để tăng cường sức cạnh tranh, thực hiện phát triển bền vững. Trên thực tế, EU vẫn luôn chiếm vị thế ưu thế trong lĩnh vực như kỹ thuật bảo vệ môi trường, nguồn năng lượng mới. Hợp tác giữa Trung Quốc và EU về mặt này cần bao gồm: tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường, nguồn năng lượng mới, nguyên vật liệu mới, thông tin v.v.... 

Cuối cùng, Trung Quốc cần mở cửa hơn nữa ngành dịch vụ. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ mở cửa hơn nữa ngành dịch vụ như tiền tệ, mở cửa ổn định ngành giáo dục, y tế, thể thao, dốc sức nâng cao mức độ quốc tế hóa ngành dịch vụ. Tháng 1/2011, Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường đến thăm Đức đã có bài trên báo “Suddeustche Zeitung”, ông bày tỏ hoan nghênh các công ty của Đức đến Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều vào ngành dịch vụ hiện đại, ngành dịch vụ mang tính sản xuất và ngành dịch vụ khác. 

Bên cạnh việc không ngừng mở rộng lợi ích kinh tế song phương, Trung Quốc và EU còn cần tìm ra con đường hợp tác quốc tế, khống chế hoặc giải quyết hiệu quả các vấn đề điểm nóng quốc tế hoặc cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu. Điều này cũng sẽ đóng vai trò tích cực đối với việc phát triển quan hệ song phương trong tương lai. Hiện nay, dưới bối cảnh lớn toàn cầu hóa phát triển nhanh chóng, các nước dựa vào nhau ngày càng sâu sắc, việc tạo dựng hệ thống hợp tác quốc tế kiểu mới, cùng nhau đối phó với nhiều thách thức và mối đe dọa như cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, biến đổi khí hậu đã trở thành nhận thức chung của cộng đồng quốc tế, đồng thời sự hợp tác này cũng phù hợp với lợi ích cơ bản của Trung Quốc và EU. Trung Quốc và EU là hai sức mạnh quốc tế quan trọng, tăng cường điều tiết và hợp tác có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy cải cách cơ cấu quốc tế thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính quốc tế, tăng cường quản lý toàn cầu, đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu. Lãnh đạo hai bên cũng đều nhận thức được điểm này, vì thế cho dù Trung Quốc và EU đều có khuynh hướng “hướng nội” rất mạnh, nhưng hai bên đều có kỳ vọng rất lớn vào việc tăng cường hợp tác quốc tế. Từ nay về sau, nếu muốn khiến cho hợp tác quốc tế giữa Trung Quốc và EU đạt được những thành quả thực sự, trước tiên hai bên cần có thái độ thiết thực và thỏa hiệp. Điều này nói lên bất cứ hiệp định nào muốn đạt được đều cần phải có sự cân bằng về lợi ích song phương. Thứ nữa, tăng cường hợp tác chiến lược quốc tế, có sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị cũng là điều không thể thiếu. Chính vì thế, EU cần vứt bỏ cách nhìn sai lệch về ý thức hệ đối với Trung Quốc, còn Trung Quốc cần bỏ ra công sức tiếp tục làm tốt công tác ngoại giao công cộng cũng như mở rộng giao lưu giữa con người với con người, tăng cường đối thoại giữa các công dân trong xã hội. Có như vậy, Trung Quốc và EU mới có thể khắc phục những trở ngại hiện nay, vượt qua mối quan hệ buôn bán, vượt qua hợp tác song phương, trở thành đối tác chiến lược thực sự./.

  Theo Tạp chí “Quan hệ quốc tế hiện đại” (Trung Quốc)

 Lê Sơn (gt)