1a.jpg

Con gái của Tướng Aung San, người đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của đất nước này giành độc lập khỏi sự cai trị thuộc địa của Anh, Daw Suu, bà Aung San Suu Kyi hay còn gọi là “Quý bà” như bà thường được gọi vậy, đã trở thành nhà lãnh đạo một cuộc nổi dậy vào năm 1988 chống lại hơn hai thập kỷ của sự cai trị của chế dộ quân sự tẻ nhạt. Đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD), đã giành một thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử do quân đội tổ chức diễn ra vào năm 1990, nhưng quân đội đã từ chối nhường lại quyền lực và Daw Suu đã chịu gần 20 năm tiếp theo cảnh bị giam giữ tại nhà.

Sự xuất hiện của bà hiện nay với tư cách là nhà lãnh đạo quốc gia không phải kết quả của một cuộc nổi dậy khác mà là một sự chuyển giao quyền lực được đạo diễn cẩn trọng bởi giới cầm quyền quân sự trong 13 năm qua. Những bước then chốt trong quá trình này là việc thông qua một hiến pháp mới trong một cuộc trưng cầu dân ý gian lận năm 2008, một cuộc bầu cử gian lận tương tự vào năm 2010 đã đưa chính quyền gần như dân sự do cựu tướng Thein Sein làm Tổng thống lên cầm quyền, và cuộc bầu cử tự do và công bằng đáng chú ý vào tháng 11/2015 mà NLD đã giành một thắng lợi lớn nữa.

Tuy nhiên, bất chấp việc là nhà lãnh đạo của đảng cầm quyền, Daw Suu không phải là tổng thống trong chính quyền mới bởi vì một điều khoản trong Hiến pháp 2008 – rõ ràng được đề ra để loại bà khỏi vị trí này – cấm bất cứ ai có con cái có hộ chiếu nước ngoài lên làm tổng thống. (Bà có hai người con trai sinh ra ở Anh từ cuộc hôn nhân với một học giả người Anh, ông đã chết vào năm 1999). Vị tổng thống mới tuyên thệ vào ngày 30/3 là U Htin Kyaw, một nhà lãnh đạo từ lâu của NLD được Daw Shuu lựa chọn cho vị trí này. Thảm kịch cơ bản của Myanmar là cuộc nội chiến đã diễn ra liên tục kể từ khi độc lập vào năm 1948 giữa đa số người theo đạo Phật sinh sống ở những vùng đất thấp trung tâm và 12 sắc tộc thiểu số chính đang sinh sống ở các vùng biên giới địa hình núi của đất nước. Thảm kịch này bị một giai đoạn cầm quyền theo đường lối chủ nghĩa xã hội – chủ nghĩa biệt lập của nước này làm trầm trọng thêm mà đã đưa đất nước này từ cấp bậc cao trong các nước châu Á tính theo thu nhập bình quân đầu người xuống hàng thấp nhất vào những năm 1980.

Chiến thắng của Chính quyền NLD làm tăng kỳ vọng của những người dân Myanmar và các nước bạn bè trên thế giới mong muốn thấy nước này nổi lên như một “ngọn hải đăng dân chủ” ở châu Á. Khó có thể tin rằng Chính quyền NLD sẽ có thể đáp ứng được những mong đợi này trong nhiệm kỳ 5 năm.

Có 5 điều để xem xét từ nay đến kết thúc năm 2016 nhằm đánh giá sự tiến bộ của chính phủ này:

1. Các mối quan hệ với các lực lượng vũ trang và tiến trình hòa bình: Kể từ chiến thắng của NLD vào tháng 11/2015, Daw Suu đã nỗ lực làm việc để giành được sự ủng hộ từ bộ máy quân đội đối với nghị trình chính sách của NLD. Theo những thông tin thu thập được, bà đã vấp phải sự phản đối kịch liệt và phải chấp nhận nhiều sự thỏa hiệp rắc rối, nhỏ nhặt như nơi tuyên thệ của Tổng thống Htin Kyaw diễn ra vào ngày 30/3. Nhưng quân đội đóng vai trò quan trọng để duy trì hòa bình trong nước. Việc này sẽ không đến một cách dễ dàng. Nhiều vòng đàm phán do Trung tâm Hòa bình Myanmar, mà chính phủ hậu thuẫn, tổ chức đã đạt được một thỏa thuận cục bộ vào tháng 10/2015, nhưng tiếp tục chịu các công kích của cả hai phía. Không có việc chìa tay ra với cộng đồng thiểu số Rohingya và không một người Hồi giáo nào được đưa vào chính phủ mới. Hòa bình cuối cùng phụ thuộc vào việc tạo ra một cấu trúc liên bang có ý nghĩa, dựa vào những sửa đổi Hiến pháp 2008. Báo chí địa phương phần lớn không bị kiểm soát và sẽ nhanh chóng đưa tin về bất cứ dấu hiệu nào cho thấy quân đội có ít hay nhiều sự hợp tác với Chính quyền Daw Suu.

2. Các mối quan hệ giữa chính phủ và quốc hội: Quốc hội lưỡng viện được cho là một cơ quan kiểu “nghị gật” của chính phủ tiền nhiệm bởi vì nó bị chi phối bởi đảng cầm quyền mà quân đội ủng hộ. Ngạc nhiên là quốc hội nổi lên như một sức mạnh đối chọi lại mạnh mẽ, trong đó những nhóm lợi ích chống cải cách có ảnh hưởng đáng kể. Không khó để hình dung một Quốc hội do NLD chi phối ít bị Daw Suu kiểm soát hơn so với bà muốn. Sự ủng hộ đối với các biện pháp dân túy không bền vững khó có thể bị phản đối bởi các thành viên mới được bầu của quốc hội.

3. Bộ máy quan liêu: Về lịch sử, hầu hết các quan chức và nhân viên chính phủ quan tâm đến quyền của họ (trục lợi) hơn là cung cấp các dịch vụ cho dân chúng. Về mặt văn hóa, họ quen với việc hoạt động trong một hệ thống bảo trợ với trật tự từ trên xuống và hầu như không phải chịu trách nhiệm về các kết quả. Bộ máy quan liêu ngày nay khác xa chế độ nhân tài mà Myanmar kế thừa từ những thập kỷ nước này là thuộc địa của Anh. Việc xem xét khu vực doanh nghiệp kinh tế nhà nước đồ sộ được quản lý như thế nào là đặc biệt thú vị. Nó vận hành như một công cụ của người giàu và đầy quyền lực trong 25 năm qua và là trở ngại chính đối với sự tiến bộ về kinh tế.

4. Lời nguyền về tài nguyên: Tài nguyên thiên nhiên dồi dào - khí đốt, gỗ, ngọc bích, đồng, thủy điện, v.v… - giống một lời nguyền hơn là một phước lành trong 25 năm qua. Việc kiểm soát những nguồn tài nguyên này nằm ở trung tâm cuộc chiến giữa sắc tộc đa số Bamar (dân tộc Miến) và các sắc tộc thiểu số. Khí đốt tự nhiên và thủy điện được xuất khẩu sang Thái Lan và Trung Quốc trong khi người dân Myanmar đang thèm khát năng lượng điện. Trong một trong những động thái cải cách ngoạn mục nhất của ông, Tổng thống Thein Sein sắp mãn nhiệm đã đình chỉ hoạt động xây dựng một con đập lớn ngăn con sông chính của nước này (Ayeyarwaddy) trong cả nhiệm kỳ 5 năm của ông. Đó là một dự án được Trung Quốc tài trợ để xuất khẩu điện sang Trung Quốc và việc ngừng xây dựng con đập đã thực sự tác động đến mối quan hệ quan trọng của Myamar. Quyết định của Daw Suu về việc nên tiếp tục việc hoãn xây dựng, bắt đầu lại việc xây dựng hay hoàn thành dự án này có thể là quyết sách quan trọng nhất duy nhất mà bà phải đưa ra vào năm nay.

5. Lĩnh vực nông nghiệp: 70% dân số Myanmar kiếm sống dựa hoạt động nông nghiệp. Người ta có thể cho rằng thất bại lớn nhất của chính phủ sắp mãn nhiệm là đã xao lãng lĩnh vực này. Tất cả các nước ở Đông Á chuyển dịch từ thu nhập thấp trở thành thu nhập trung bình trong 50 năm qua bắt đầu bằng việc tăng thu nhập hộ gia đình ở dân số ở vùng nông thôn. Nền tảng chiến dịch của NLD định ra ưu tiên cao đối với những cải cách trong lĩnh vực này. Nếu không thấy được những cải cách có ý nghĩa vào cuối năm nay, Chính quyền NLD có thể đối mặt với sự suy giảm đáng lo ngại về sự ủng hộ của dân chúng.

Những dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ

Không khó để đề cập đến một danh sách dài hơn các lĩnh vực chính sách có thể đóng vai trò như biện pháp thúc đẩy sự tiến bộ của chính phủ mới, nhưng ngay cả danh sách ngắn ngủi này cũng không nên được xem là ủng hộ quan điểm bi quan về tương lai của Myanmar. Có nhiều yếu tố có lợi cho sự quá độ thành công sang chế độ cầm quyền dân chủ và quản trị tốt hơn. Đã có những dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ. Chẳng hạn, dịch vụ điện thoại di động 4G đang được phủ sóng rộng khắp đất nước với tốc độ mà nhiều nước trên thế giới không dễ bắt kịp. Chỉ riêng hiện tượng này cũng góp phần vào sự quá độ thành công hơn bất cứ cải cách chính sách đơn lẻ nào khác.

Tác giả Lex Rieffel là chuyên gia về vấn đề Đông Nam Á, các thể chế tài chính quốc tế. Ông nguyên là nhà kinh tế thuộc Bộ Tài chính Mỹ và quan chức cao cấp tại Viện Tài Chính Quốc tế. Bài viết đăng trên trang “Brookings” (ngày 30/3).

Mỹ Anh (gt)