Mối quan hệ Mỹ-Trung là mối quan hệ song phương quan trọng nhất của thế giới trong những năm đầu thế kỷ 21. Mối quan hệ đó không những ảnh hưởng đến thực trạng của các mối quan hệ song phương khác mà còn tạo nên những diễn biến trật tự khu vực và đề ra chương trình của các tổ chức quốc tế. Không như các cường quốc khác, mối quan hệ Mỹ-Trung là mối quan hệ đa chiều, toàn diện, phức tạp và không thể trở thành con tin cho bất cứ vấn đề nào đó. Đây là hai nền kinh tế lớn nhất, hai nước tiêu thụ các nguồn tài nguyên lớn nhất và có lượng khí thải nhà kính CO2 lớn nhất thế giới. Nhưng hai nước cần đến nhau để đạt được thành công trong một nền kinh tế thế giới toàn cầu hóa. Hai nước chia sẻ trách nhiệm duy trì nền hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương – nơi được coi là có ý nghĩa sống còn của nền kinh tế cũng như chính trị thế giới trong thế kỷ 21. Là các đối tác thương mại lớn, Mỹ và Trung Quốc đều quan tâm giải quyết nhũng thách thức an ninh xuyên quốc gia phi truyền thống cũng như thách thức địa chính trị truyền thống. Trong hầu hết các vấn đề an ninh và kinh tế toàn cầu, trong đó có chủ nghĩa khủng bố, phổ biến hạt nhân, biến đổi khí hậu và trong hầu hết các tổ chức đa phương như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc thường hợp tác nhiều hơn chống lại Mỹ. Các lợi ích kinh tế của Mỹ với Trung Quốc chắc chắn lớn hơn nhiều so với ngược lại. Nhiều thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường chú trọng đến các thách thức và khó khăn trong nước. Hiện nay Mỹ cũng đang chú ý đến các vấn đề nội bộ khi Oasinhtơn đối mặt với tình trạng giảm sút kinh tế kéo dài, cơ sở hạ tầng xuống cấp và thâm hụt tài chính khổng lồ. Không ai phủ nhận một thực tế là mối quan hệ Mỹ-Trung đang tồn tại nhiều căng thẳng về vấn đề Đài Loan, nhân quyền, mất cân bằng thương mại, tiền tệ, không gian mạng, môi trường và hiện đại hóa quân đội. Hai nước cần xóa bỏ khoảng cách giữa những gì mà Oasinhtơn gọi là quản lý “Các vấn đề chung toàn cầu” và Trung Quốc coi đó là các lĩnh vực chiến lược. Nhưng cũng có nhiều nhân tố ổn định đã duy trì mối quan hệ song phương tiếp tục phát triển từ đầu những năm 1970. Trong mối quan hệ của hai nước, cạnh tranh và họp tác là hai mặt của một vấn đề. Đây là thực tế trong mối quan hệ giữa các cường quốc. Mỹ và Trung Quốc là các đối thủ cạnh tranh trên một số lĩnh vực và cũng là đối tác trong một số lĩnh vực khác.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Davos gần đây nhất, ông Diêm Học Thông, Giám đốc Viện quan hệ quốc tế hiện đại thuộc Đại học Thanh Hoa, Tổng Biên tập Báo chính trị thế giới của Trung Quốc, nhận định Mỹ và Trung Quốc là các đối tác kinh doanh chứ không phải bạn bè. Nhưng những người hiểu biết về văn hóa Trung Quốc hoặc quan hệ với các đối tác kinh doanh đều cho rằng Trung Quốc và Mỹ không thể là các đối tác kinh doanh nếu không phải là bạn bè. Từ khi xảy ra cuộc khùng hoàng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều người không tin sức mạnh lâu dài của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Nhận thức chung trước sự giảm sút của Mỹ và ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục khiến hai nước mất đi sự tin cậy lẫn nhau. Một số nhà phân tích có ảnh hưởng tại Trung Quốc mô tả Mỹ như một người khổng lồ mệt mỏi và già nua, trong khi Trung Quốc được coi là một thanh niên sung sức. Chuyên gia quân sự và bình luận viên trên vô tuyến truyền hình trung ương Trung Quốc Tống Hiểu Quân bác bổ việc họp tác quan trọng với Mỹ trong tương lai gần. Nhiều nhà nghiên cứu khác có xu hướng coi sự hiện diện lâu dài của quân đội Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương chủ yếu nhằm ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc. Nhưng từ quan điểm của Mỹ, đây là sự hiện diện quân sự phía trước đã từng đem lại nhiều lợi ích cho cả Trung Quốc cũng như khu vực và tạo thuận lợi cho việc tăng trưởng kinh tế không gián đoạn trong vài thập kỷ qua. Nhiều người Mỹ cho rằng sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ thổi bùng các mâu thuẫn Mỹ-Trung trong những năm tới. Ví dụ, ông Aaion Friedberg, cựu Phó Trợ lý các vấn đề an ninh quốc gia và Giám đốc hoạch định chính sách của Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ năm 2003- 2005, khẳng định hiện nay một số vấn đề đang khiến Mỹ và Trung Quốc mất lòng tin và cạnh tranh với nhau, nếu không nói là hướng tới một cuộc xung đột công khai. Một số nhà phân tích khác ở Trung Quốc thậm chí cho rằng từ quan điểm của Trung Quốc, kịch bản tốt nhất là Mỹ nên chấm dứt vị thế vượt trội trong các vấn đề của châu Á và hiểu Trung Quốc đúng như Anh đã làm với Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Điều này có nghĩa các nước bạn bè và đồng minh của Mỹ sẽ bị đưa xuống vị thế thấp hơn còn Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng nhau chia sẻ sức mạnh và quản lý các vấn đề toàn cầu. Nhưng quan điểm này được dựa trên cơ sở nhận thức sai tình hình chính trị của châu Á và lịch sử thế giới. Thực tế cho thấy hiểu biết nông cạn rất nguy hiểm. Chẳng hạn, do hiểu biết ít, một số bác sĩ hoặc các chuyên gia quân sự chẩn đoán bệnh sai hoặc đưa ra các chính sách sai lầm từ đó có thể phải trả giá bằng nhiều sinh mạng quý báu. Vì vậy thế giới đánh giá quá thấp sức mạnh và mục tiêu của Trung Quốc và việc Trung Quốc đánh giá quá cao sức mạnh của họ có thể dẫn đến nguy cơ tính toán sai lầm.

Nhận thấy các lợi ích an ninh và kinh tế sống còn ở châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đang thúc đẩy chiến lược sang châu Á, do đó khả năng Trung Quốc phát triển thành nước lãnh đạo toàn cầu hoặc một bá quyền dường như vẫn còn xa vời. Nhưng bất chấp tất cả các tuyên bố “trở lại châu Á”, thực tế Mỹ chưa bao giờ rời khỏi khu vực này. Là một cường quốc kinh tế và quân sự ở Thái Bình Dương, Mỹ không thể giảm bớt sự hiện diện của họ ở châu Á-Thái Bình Dương. Do tăng trưởng kinh tế sau Chiến tranh Lạnh diễn ra ở bên ngoài mạng lưới đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Á lục địa như Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ, nên Mỹ đang nỗ lực xây dựng các mối quan hệ đối tác khu vực để duy trì hòa bình, ổn định và góp phần bảo đảm mức tăng trưởng kinh tế bền vững. Hiện nay không nước nào trên thế giới đe dọa an ninh của Trung Quốc như Bắc Kinh tuyên bố. Đối với các nước khu vực, Trung Quốc là mối lo ngại, bởi vì diện tích, lịch sử, sự gần gũi, sức mạnh tiềm tàng của Trung Quốc và quan trọng hơn, do những bằng chứng của chế độ tàn bạo ở Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Bên cạnh đó, sự tồn tại của các bất đồng lãnh thổ trên bộ và trên biển cũng làm tăng thêm mối lo ngại của khu vực. Các mối quan hệ kinh tế ngày càng tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á đã tạo nên tư tưởng thất vọng và lệ thuộc. Mặc dù các nước láng giềng của Trung Quốc không lên tiếng phản đối sức mạnh và sự thịnh vượng của Trung Quốc, nhưng họ không hài lòng trước những gì đang xảy ra. Các nước không coi khuất phục như một sự lựa chọn chính sách trong quan hệ với Trung Quốc. Do đó, hiện nay các nước châu Á chi phí cho quân sự nhiều hơn các nước châu Âu để cố gắng cân bằng và tự vệ trước những sự phát triển và hành động ngày càng tỏ ra quyết đoán của Bắc Kinh. Thực tế, chi phí quốc phòng của Trung Quốc tăng từ 12-15% gần hai thập kỷ qua – một tỷ lệ cao hơn mức tăng trưởng kinh tế 10-12% của nước này. Cũng như Trung Quốc, các nước láng giềng châu Á sẽ áp dụng tất cả các biện pháp có thể để bảo vệ lợi ích của họ. Trong bối cảnh này, Mỹ sẽ tiếp tục là lựa chọn của nhiều nước. Điều này xem ra có vẻ nghịch lý, nhưng bất chấp sự suy giảm tường đối, Mỹ đang trở thành nguồn sức mạnh trong khu vực. Chừng nào các bất đồng lãnh thổ và trên biển của Trung Quốc chưa được giải quyết, việc thay đổi sức mạnh theo hướng có lợi cho Bắc Kinh không thể xảy ra. Rõ ràng, hội nhập kinh tế không thể thành công trong việc khắc phục những lo ngại địa chính trị.

Do tương lai các mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ sẽ được xác định bằng những hành động và thái độ của các nước đối với Trung Quốc trong khu vực then chốt này, những câu hỏi quan trọng đặt ra cho tương lai gồm: Khu vực châu Á-Thái Bình Dương muốn gì từ Trung Quốc và Mỹ? Các nước châu Á muốn sống trong kiểu trật tự khu vực nào trong những năm tới và những thập kỷ tiếp theo? Quan điểm trật tự khu vực của Trung Quốc là gì trong những năm và các thập kỷ tới? Quan trọng hơn, liệu quan điểm của Mỹ và Trung Quốc có phù hợp với các quan điểm của khu vực? Sự tương đồng và khác biệt là gì trong các quan điểm đó? Rõ ràng, nền hòa bình và ổn định sẽ phát triển nếu Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc khác ủng hộ và nỗ lực tạo nên một châu Á đa cực, trong đó có các tổ chức đa phương vững mạnh. Nhưng cạnh tranh và kình địch sẽ lại gây nên đơn cực hoặc lưỡng cực. Thực tế, khu vực châu Á-Thái Bình Dương lớn đến mức bất cứ một nước nào cũng không đủ sức thống trị nó nếu sự thống trị đó không có tác động trở lại ở cấp độ toàn cầu và khu vực. Xây dựng các mối quan hệ song phương dựa trên cơ sở an ninh để từ bỏ ý đồ thúc đẩy cân bằng sức mạnh có thể là một biện pháp tránh được tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Thực tế, chú trọng tăng trưởng kinh tế bền vững, tất cả các bên sẽ cùng quan tâm tránh cạnh tranh thù địch, đối đầu và xung đột. Tôn trọng “các lợi ích cơ bản” của mỗi bên là bước đi đầu tiên. Thực tế, nền hòa bình lâu dài và ổn định có thể đạt được nếu Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga liên kết lực lượng trong một tổ chức an ninh và kinh tế của các cường quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chủ nghĩa đa phương và đa cực nổi lên ở châu Á sẽ tạo ra các sáng kiến cho các cường quốc khu vực để thực hiện một chính sách đối ngoại hợp tác và ôn hòa, từ đó thúc đẩy ổn định và tăng trưởng kinh tế. Hy vọng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và hội nhập khu vực nổi lên trong các tổ chức đa phương sẽ làm thay đổi giọng điệu và tiến trình của các mối quan hệ giữa hai nước từ cạnh tranh và các trò chơi được mất ngang nhau sang hợp tác và cùng thắng.

Tác giả Mohan Malik là giáo sư về An ninh châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương, tại Honolulu.

Theo Chinausfocus (ngày 21/5)

Hương Trà (gt)