Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối mặt với những thay đổi to lớn chưa từng có trong những lĩnh vực hợp tác, quy tắc trò chơi và bố trí chiến lược, xuất hiện đặc điểm “nhiều khuôn khổ cùng tồn tại, hợp tác mang tính cạnh tranh”. Các FTA của khu vực đan xen nhau, xuất hiện cục diện phức tạp theo kiểu “bát mì Italia”. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được một số nước trong khu vực thúc đẩy. Đến tháng 11/2009, Mỹ tuyên bố tham gia vào đàm phán TPP, khiến cho tầm quan trọng và mức độ nhạy cảm của TPP tăng lên. Cuối năm 2011, sau khi cân nhắc các nhân tố chính trị, kinh tế, ngoại giao v.v… Chính phủ Nhật Bản đã chính thức quyết định tham dự đàm phán TPP.

Về chiến lược TPP của Mỹ: Vào những năm 90 của thế kỷ 20, hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương cơ bản được thực hiện trong khuôn khổ APEC do Mỹ đóng vai trò chủ đạo. Cùng với trọng tâm của nền kinh tế thế giới từng bước chuyển dịch sang châu Á, thì ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực này cũng giảm đi. Các cơ chế hợp tác kinh tế khu vực như ASEAN, 10+1, 10+3, 10+6 hầu như không có sự tham gia của Mỹ. Đồng thời, sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc mấy năm gần đây tăng lên nhanh chóng cũng tạo ra những thách thức đối với chính trị và quân sự của Mỹ tại khu vực. Điều này khiến Mỹ phải nhanh chóng xác lập chiến lược châu Á - Thái Bình Dương mới với mô hình cạnh tranh đóng vai trò chủ đạo. Thứ nhất là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ áp dụng chiến lược mô hình tiến thủ, xác lập chỗ đứng cơ bản của Mỹ là “tương lai của Mỹ và tương lai của châu Á - Thái Bình Dương liên kết với nhau. Tương lai của khu vực này do Mỹ quyết định”. Mục tiêu là nhằm xác lập quyền lãnh đạo của Mỹ tại khu vực; thứ hai, thực hiện tiếp xúc nhiều tầng nấc và khuôn khổ tiếp xúc đa phương, tức là thông qua ba con đường gồm “các nước đồng minh, các nước đối tác mới nổi và các cơ chế hợp tác khu vực” để xây dựng khuôn khổ tiến xúc của Mỹ tại khu vực.

Mục đích mà Mỹ tham dự vào TPP có 3 điểm: Thứ nhất là nhu cầu cần cứu giúp nền kinh tế Mỹ. Sau cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2008, kinh tế Mỹ bị tác động tiêu cực, tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2011 cho thấy mức tăng trưởng GDP của Đông Á và khu vực Thái Bình Dương là 8,7%, được coi là khu vực có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Viễn cảnh thị trường rộng lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành lực đỡ mạnh mẽ cho thực hiện “kế hoạch tăng gấp đôi xuất khẩu” của Obama.

Trong đàm phán TPP, Mỹ chú trọng tới những lĩnh vực như năng lượng sạch, những ngành mới nổi, tăng cường xuất khẩu ngành chế tạo, nông nghiệp, dịch vụ và thúc đẩy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thứ hai là nhấn mạnh tới nhu cầu tăng cường quan hệ với các đồng minh của Mỹ. Chiến lược quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ mang đậm màu sắc chính trị. Mười năm qua, cục diện chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quan hệ giữa các nước đang từng bước tách xa mô hình Mỹ. Đặc biệt là vai trò của Trung Quốc tại khu vực Đông Á tăng lên, xâm hại nghiêm trọng tới vai trò lãnh đạo truyền thống của Mỹ tại khu vực. Các đồng minh của Mỹ và các đối tác phòng ngự của Mỹ tại khu vực bắt đầu nghi ngờ khả năng chiến lược của Mỹ tại khu vực này. Để bảo đảm cho “điểm cao chiến lược” của Mỹ tại khu vực và thúc đẩy quan hệ đồng minh và quan hệ “đối tác kiểu mới”, Mỹ cần dùng TPP để làm công cụ tăng quyền chủ đạo chính trị tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thứ ba, nhu cầu phá vỡ tiến trình nhất thể hóa kinh tế châu Á, hình thành nên cục diện cạnh tranh khu vực. Những nước mà Mỹ mời tham gia đàm phán gia nhập TPP hầu như đều là những nước láng giềng Trung Quốc, là những nền kinh tế có kế hoạch tiến tới nhất thể hóa với Trung Quốc, như một số nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đài Loan. Qua đó, Mỹ có thể nắm chắc quyền chủ đạo trong tiến trình nhất thể hóa khu vực.

Về chiến lược TPP của Nhật: Quan điểm của Nhật Bản trước đây thể hiện thái độ không ủng hộ đối với các hiệp định thương mại khu vực. Tuy vậy, trước Hội nghị APEC tháng 11/2010, Mỹ đã bày tỏ mong muốn Nhật Bản sớm tham gia TPP. Chính phủ Nhật Bản sau đó đã đưa ra Phương châm cơ bản về thúc đẩy hợp tác kinh tế tổng hợp, đề xuất “cùng với việc tăng cường điều chỉnh môi trường trong nước, bắt đầu tham gia đàm phán TPP với những nước liên quan”. Trong thời gian diễn ra APEC, phía Nhật Bản đã đề xuất tham gia TPP với Mỹ và hy vọng TPP có thể mang lại cơ hội mới cho phát triển kinh tế Nhật Bản gồm: (1) hy vọng TPP trở thành hợp tác kinh tế khu vực mở mức độ cao hơn; (2) giúp thúc đẩy xuất khẩu của Nhật Bản, kích thích tăng trưởng kinh tế của Nhật; (3) giúp tăng cường quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ. Tuy Chính phủ Nhật Bản lên tiếng ủng hộ tham gia vào TPP, nhưng những tiếng nói phản đối trong nội bộ Nhật vẫn rất nhiều, chủ yếu trong những ngành liên quan tới nông nghiệp.

Chiến lược khu mậu dịch tự do của Trung Quốc trong bối cảnh TPP: Hiện Trung Quốc vẫn chưa có thái độ rõ ràng, nhưng đã bày tỏ những mối quan tâm nhất định về tiến trình TPP. Trung Quốc cần nhìn nhận lại chiến lược nhất thể hóa kinh tế và khu mậu dịch của bản thân. Đồng thời áp dụng các biện pháp hữu hiệu để ứng phó với những thách thức do TPP đem lại, cụ thể:

+ (1) đột phá những quan niệm không gian về nhất thể hóa kinh tế khu vực truyền thống, xây dựng khái niệm mới hoàn toàn về nhất thể hóa kinh tế khu vực. CAFTA về ý nghĩa nào đó là nhất thể hóa kinh tế khu vực, nhưng chưa thoát khỏi tính chất địa lý chỉ trong phạm vi với khu vực láng giềng. Vì vậy, Trung Quốc cần chú trọng tới nghiên cứu về nhất thể hóa khu vực, tìm kiếm những đặc tính và tính chung của nhất thể hóa kinh tế khu vực. Đối với những thách thức mà TPP đem đến, Trung Quốc cần đứng ở tầm cao chiến lược quốc gia, thay đổi cách ứng phó tiêu cực với TPP, tăng cường nghiên cứu, đánh giá TPP. Đặc biệt là nếu như Nhật Bản tham gia TPP sẽ tạo ra những ảnh hưởng lớn gì tới kinh tế Trung - Nhật, quan hệ chính trị và tiến trình nhất thể hóa kinh tế Đông Á;

+ (2) có thể tính toán tích cực tham gia đàm phán TPP, coi đó là điểm đột phá và bước ngoặt chiến lược đối với nhất thể hóa kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn, dự trữ ngoại tệ lớn hàng đầu thế giới. Nhất thể hóa kinh tế khu vực là phù hợp với lợi ích quốc gia lớn nhất của Trung Quốc. Hiện nay, các thị trường của ngành chế tạo Trung Quốc chủ yếu vẫn là các nước phát triển Mỹ, EU, Nhật Bản. Nếu như gia nhập TPP, Trung Quốc sẽ được hưởng những ưu đãi thuế quan trong thương mại với Mỹ, trên thực tế là hình thành khu mậu dịch tự do riêng với Mỹ, làm giảm bớt chủ nghĩa bảo hộ và va chạm thương mại xuất hiện do tình trạng chênh lệch cán cân thương mại Trung - Mỹ gây ra. Đối với quan hệ Trung - Nhật, hai nước khó có thể tiến hành đàm phán FTA song phương hoặc khu mậu dịch tự do đa phương Đông Á, vì vậy thực hiện tự do thương mại Trung - Nhật trong khuôn khổ TPP có thể trở thành hiện thực. Dưới góc độ tiêu cực, nếu Trung Quốc tham gia TPP, ngành nông nghiệp Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức từ Mỹ, New Zealand, v.v…, ngành chế tạo cũng chịu ảnh hưởng từ những ngành chế tạo của Mỹ, Nhật Bản, v.v… Nhưng nhìn chung, gia nhập TPP đối với Trung Quốc vẫn có lợi hơn hại;

+ (3) tiến hành điều chỉnh cần thiết về thể chế và pháp trị. Nếu Trung Quốc tham gia TPP, các hệ thống luật pháp trong lĩnh vực như quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động vẫn còn yếu, sẽ khiến Trung Quốc phải cải thiện và điều chỉnh quy mô lớn về thể chế quản lý và chế độ pháp luật. Vì vậy, trước khi thể chế và các cơ chế luật pháp trong nước chưa được hoàn thiện điều chỉnh, những đánh giá và những luận chứng về ảnh hưởng của TPP đối với lĩnh vực kinh tế chưa được phân tích đầy đủ thì không thể tùy tiện khởi động những tiến trình liên quan.

Bài của các tác giả Phạm Lê Ba, Trịnh Vĩ, Trịnh Học Đảng, Đăng trên Tạp chí Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc số 12/2012

Quốc Trung (gt)