Sự leo thang tranh chấp Biển Đông thời gian qua khiến Trung Quốc phải dàn sức ra đối phó với các nước xung quanh. Mỹ cao giọng can thiệp vào tranh chấp Biển Đông chẳng qua chỉ là một chiêu thức nhằm kiềm chế Trung Quốc. Vấn đề khó khăn lớn nhất Mỹ đang phải đối mặt trong mấy năm gần đây chính là quốc lực đang khá suy thoái, tầm ảnh hưởng và sức kiểm soát đối với thế giới đang giảm sút; để ngăn ngừa các nước mới nổi xâm phạm quyền lực của mình, Mỹ đã vứt bỏ kế hoạch “xuất khẩu dân chủ” mà chính quyền Tổng thống George W.Bush hao tiền tốn của thực hiện, chuyển sang thắt chặt liên kết đồng minh, kiểm soát các vùng tài nguyên chủ yếu của thế giới. Chiến lược này cần có tiền đề là thúc đẩy ly tán hóa giữa các nước mạnh, cô lập hóa các nước lớn quan trọng.

Chiến lược này là thủ đoạn để Mỹ đối phó với Trung Quốc hiện nay, thông qua tăng cường đồng minh và bố trí quân sự, tăng cường sự bao vây quân sự đối với Trung Quốc, khơi dậy các mâu thuẫn giai cấp và sắc tộc trong nội bộ Trung Quốc để làm hao mòn tinh lực, đồng thời công khai khơi đậy những mâu thuẫn và xung đột giữa Trung Quốc với các nước xung quanh, thực hiện “lấy châu Á kiềm chế châu Á”.

Mỹ liên tiếp ra những đòn mạnh tay một cách hiếm thấy đối với Trung Quốc, vấn đề chủ yếu là do tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc liên tiếp vượt qua các nước công nghiệp truyền thống, đặc biệt là sau khi Trung Quốc vượt Nhật Bản chiếm vị trí thứ hai thế giới năm 2010. Mỹ do vậy đã coi Trung Quốc là đối tượng chủ yếu cần đề phòng, Mỹ luôn nghi ngờ và cảnh giác trước sự tăng trưởng không ngừng của một Trung Quốc đang trỗi dậy. Có thể dự đoán rằng, trong thời gian tương đối dài tới đây, áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không giảm, mà chỉ tăng.

Trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ rốt cuộc sợ điều gì? Mỹ không thể chấp nhận để mất vị trí số một thế giới, cũng như “sự lãnh đạo” đối với thế giới. Trong báo cáo trình trước Quốc hội năm 2010, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh rằng “tôi không chấp nhận Mỹ trở thành thứ hai thế giới”. Tại sao Mỹ nhất định phải là “số một thế giới” và duy trì bá quyền?

Một trong những nguyên nhân quan trọng đó là từ những năm 80 của thế kỷ trước, Mỹ đã từng bước rút khỏi lĩnh vực sản xuất vật chất, tỉ trọng thực thể kinh tế trong nền kinh tế quốc dân ngày càng giảm. Cùng với việc không ngừng nâng cao tỉ trọng ngành dịch vụ mà trong đó tài chính tiền tệ là quan trọng, Mỹ do đó buộc phải lấy bá quyền quân sự để duy trì bá quyền đồng USD, tức bá quyền tiền tệ, như vậy mới có thể bảo đảm cho Mỹ phát hành lượng USD khổng lồ nhằm duy trì kiểu sống Mỹ theo giá trị Mỹ.

Điều quan trọng hơn là sự nổi lên của Trung Quốc. Cùng với sự phát triển nhanh và khá đồng bộ của các thực thể kinh tế, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế khu vực, sức ảnh hưởng quốc tế của đồng Nhân dân tệ (NDT) không ngừng tăng, bước đầu đã trở thành đơn vị tiền tệ thanh toán, thậm chí dự trữ, đối với khu vực châu Á. Tiến trình nhất thể hóa châu Á và quốc tế hóa đồng NDT sẽ khiến nền kinh tế châu Á (với đa số là nước chậm phát triển) dần thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ, đây là mối đe dọa cực lớn đối với sự bá quyền của Mỹ.

Những việc Mỹ làm với các nước xung quanh Trung Quốc, nhất là cố ý kích thích những xung đột giữa Trung Quốc với các nước xung quanh, chính là nỗ lực lôi kéo các nước này rời xa Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không cổ vũ các nước này xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc mà chỉ hy vọng tạo ra được “sự bất ổn có thể kiểm soát”.

  Theo Tín báo

 Vũ Hiền (gt)