Shinzo_Abe6.jpg

Sau hơn 20 năm bị cấm vận và ở vị thế thấp trên trường quốc tế, Myanmar đã bắt đầu thoát khỏi “sự ghẻ lạnh” của cộng đồng quốc tế. Việc Myanmar tiến hành cuộc bầu cử năm 2010, bầu ra một tổng thống “dân sự” mới cho đến các cuộc bầu cử đầu năm 2012 đã thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng chuyển đổi dân chủ ở đất nước này đang được thực hiện một cách tích cực. Một loạt hoạt động ngoại giao tiếp theo đối với Myanmar đã dẫn đến hầu hết các biện pháp trừng phạt được gỡ bỏ. Việc can dự trở lại của cộng đồng quốc tế với Myanmar dường như được khởi xướng bởi Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barrack Obama.

Mặc dù điều này là hoàn toàn đúng, nhưng chúng ta không nên bỏ qua vai trò quan trọng của Nhật Bản. Nhật Bản luôn có cách tiếp cận riêng đối với Myanmar, biện pháp “cây gậy và củ cà rốt” được áp dụng trong suốt những năm 1990 và năm 2000. "Cà rốt" ở đây là lời hứa của công chúng Nhật Bản và đầu tư tư nhân để khuyến khích cải cách chính trị và kinh tế.

Đối với Nhật Bản, cạnh tranh địa chiến lược với Trung Quốc và hỗ trợ cho ASEAN, kết hợp với những lợi ích kinh tế của mình, là những yếu tố chính thúc đẩy can dự của nước này với Myanmar. Nhật Bản đã đầu tư mạnh vào Myanmar kể từ ngày độc lập của nước này và giờ là lúc gặt hái những lợi ích. Đầu tư của Nhật Bản vào Myanmar được đánh dấu bằng thỏa thuận bồi thường năm 1954 khi Nhật Bản bắt đầu cung cấp một nửa viện trợ phát triển cho Myanmar. Viện trợ của Nhật Bản cho đất nước này tiếp tục trong suốt giai đoạn cấm vận thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh nhưng với viện trợ từng phần trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.

Điều quan trọng, do sự không tương thích giữa “Con đường Myanmar đi đến Chủ nghĩa xã hội” và chính sách kinh tế đối ngoại của Nhật Bản Keizai kyōryoku (hợp tác kinh tế) - thông qua đó các chủ thể tư nhân sử dụng công quỹ để trợ cấp cho các khoản đầu tư của họ - các mối quan hệ kinh tế đã trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA). Nhưng do suy giảm kinh tế dài hạn của Myanmar trong thời gian cấm vận của cuộc Chiến tranh Lạnh và hậu Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đã không nhận được bất kỳ lợi nhuận nào từ khoản đầu tư của mình.

Đến năm 1999, Chính phủ Nhật Bản đã hứa hẹn cho Myanmar vay tiền nếu nước này đạt được sự tiến bộ về dân chủ. Và như vậy vào năm 2012, khi bà Aung San Suu Kyi giành chiếc ghế trong quốc hội, Chính phủ Nhật Bản nhanh chóng xóa một phần nợ lớn cho Myanmar. Một năm sau đó, Nhật Bản tiếp tục xóa một khoản nợ khác cho Myanmar, đưa tổng số nợ được xóa lên đến 3,8 tỷ USD. Năm 2012, Nhật Bản cũng tích cực trong xóa nợ của Myanmar đối với các tổ chức tài chính quốc tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để Nhật Bản can dự trở lại với Chính phủ Myanmar.

Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản như Nihon Koei, Marubeni, Tập đoàn Itochu, Mitsubishi và Sumitomo được tham gia vào các dự án tài trợ ODA ở Myanmar kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Đặc khu kinh tế (SEZ) Thilawa, hiện đang được phát triển chung giữa Nhật Bản và Myanmar, là một ví dụ điển hình. Đặc khu kinh tế này được khởi động năm 2011 đã trở thành một điểm đến quan trọng cho đầu tư công và tư nhân của Nhật Bản. Đến năm 2013, Nhật Bản cam kết khoản tài chính công đáng kể cho SEZ Thilawa, và Thủ tướng Shinzo Abe đã đến thăm cùng với nhóm doanh nhân Nhật Bản nhằm thể hiện sự ủng hộ của Tokyo.

Có phải Nhật Bản đang quay trở lại chính sách kinh tế đối ngoại Keizai kyōryoku có từ thời Chiến tranh Lạnh? Tất nhiên, các tập đoàn công và tư đã hợp tác ở một mức độ cao, và đã rất chủ động để “mở cửa” Myanmar. Chính sách đó chưa bao giờ thực sự biến mất và giờ đây nó đang hoạt động trong một môi trường thuận lợi hơn. Hoặc có lẽ, nhu cầu địa chính trị nhằm chống lại sự nổi lên của Trung Quốc buộc Nhật Bản trở lại với những chiến lược từ thời Chiến tranh Lạnh. Cái chắc chắn đúng ở đây là nhiều cổ đông Nhật Bản cảm thấy rằng Nhật Bản có “quyền” đối với Myanmar vì những khoản đầu tư từ rất lâu của mình vào đất nước này.

Bất kể lý do là gì, hoạt động kinh tế của Nhật Bản tại Myanmar chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới. Chỉ tính riêng trong năm 2015, Nhật Bản đã đồng ý các khoản vay mới cho Myanmar với tổng trị giá khoảng 1 tỷ USD, và đầu năm 2016, giới truyền thông đưa tin sân bay quốc tế Yangon mới trị giá 1,5 tỷ USD sẽ có sự đóng góp tài trợ lên tới 49% của Nhật Bản. Thông qua các phương pháp như vậy, Nhật Bản cuối cùng cũng sẽ thấy những khoản lợi nhuận khi đầu tư vào Myanmar.

Tác giả Patrick Strafford là Phó Giáo sư tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Kyoto Sangyo. Bài viết đăng trên trang"Diễn đàn Đông Á".

Nhật Linh (gt)