Trong tạp chí "Chính sách Đối ngoại" của Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định: “Thế kỷ 21 là Thế kỷ Thái Bình Dương mới của Mỹ”. Điều đó có nghĩa Mỹ chủ yếu hiện diện ở Đại Tây Dương trong thế kỷ qua. Mặc dù châu Á-Thái Bình Dương không phải khu vực trọng điểm của Mỹ trước đây, nhưng thực tế Cuộc Chiến tranh Lạnh mở đầu bằng các cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Triều Tiên. Vì vậy thực tiễn lịch sử cho thấy Châu Á-Thái Bình Dương luôn quan trọng với Mỹ và Mỹ thường đóng vai trò nổi bật ở châu Á-Thái Bình Dương. Trong thập kỷ qua, sự xuất hiện của các cường quốc mới nổi tại châu Á-Thái Bình Dương càng thu hút hơn nữa sự chú ý của Mỹ đối với khu vực. Trong giai đoạn tiếp theo, lộ trình của Mỹ sẽ là đẩy mạnh vai trò của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương để buộc các cường quốc mới nổi tuân theo các quy tắc của Mỹ. 

Trước đây, Chính quyền Mỹ tuyên bố đóng vai trò trung lập trong các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng hiện nay quan điểm này của Mỹ đã thay đổi. Oasinhtơn đang nỗ lực thắt chặt quan hệ với các nước châu Á-Thái Bình Dương bằng cách thể hiện ý đồ tăng cường các khoản đầu tư mới, tham gia các thỏa thuận thương mại tự do, nâng cao vai trò trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và nhấn mạnh hợp tác Xuyên Thái Bình Dương. Ngoài ra, Mỹ cũng tăng cường sức mạnh mềm thông qua các chương trình cứu trợ thảm họa thiên tai ở các nước khu vực. Rõ ràng, Mỹ đang thực hiện ý đồ phối hợp các nhân tố sức mạnh mềm với sức mạnh quân sự để tăng ảnh hưởng khắp khu vực. 

Sắp tới Mỹ sẽ viện trợ quân sự cho Inđônêxia, Philíppin và Ấn Độ, tăng quân số tại Nhật Bản và thiết lập căn cứ quân sự mới tại Darwin của Ôxtrâylia. Như Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường vai trò ở châu Á-Thái Bình Dương và chương trình cắt giảm ngân sách không ảnh hưởng đến vai trò cũng như quân số của Mỹ trong khu vực. Một trong những kế hoạch đầu tiên để triển khai chiến lược của Mỹ là tìm kiếm sức mạnh tương đương với Trung Quốc để duy trì cân bằng sức mạnh trong khu vực. Trong bối cảnh đó, hai quốc gia sẽ ở tuyến đầu là Ấn Độ và Inđônêxia. Mặc dù sắp tới Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đối mặt với nhau trên một số lĩnh vực, nhưng Ấn Độ vẫn kém xa Trung Quốc về kinh tế, khoa học và công nghệ cũng như quân sự. Kế hoạch thứ hai trong chiến lược cô lập Trung Quốc (nếu Bắc Kinh không thuân thủ các quy tắc của Mỹ) là Oasinhtơn sẽ ký thỏa thuận với các nước châu Á-Thái Bình Dương để duy trì cân bằng trong khu vực. 

Ngoài ra, Oasinhtơn đang nỗ lực xây dựng lại các mối quan hệ với các nước đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và Ôxtrâylia để phát triển một cơ sở mới cho các mối quan hệ Mỹ-Trung. Mỹ cũng đang nỗ lực cải thiện quan hệ với Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay Mỹ đang vấp phải nhiều khó khăn do Trung Quốc cũng đang tìm cách thực thi những chính sách của họ, trong đó ASEAN + 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) là một trong những chính sách mới trên lĩnh vực này. Các nhà phân tích cho rằng các chính sách tương đối linh hoạt của Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho các nước khu vực nhiều hơn so với các chính sách của Mỹ. Mặc dù Mỹ đang cố gắng đẩy Trung Quốc vào góc tường, nhưng chính Mỹ cũng đang đẩy các nước Thái Bình Dương về phía Trung Quốc. Trong khi Mỹ đang tìm cách can dự các tranh chấp trên Biển Đông, Trung Quốc cũng đang cố gắng thắt chặt mối quan hệ với các nước bằng cách cung cấp hơn nữa các khoản đầu tư và các khoản vay lãi suất thấp.

Theo "Tạp chí Á-Âu" (ngày 9/1)

Mỹ Anh (gt)