13/06/2012
“Báo Độc lập” (Nga) đăng bài phân tích, tổng kết những kết quả thực hiện chính sách của Nga trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Dmitry Medvedev ở hướng Đông và gợi ý một số giải pháp cho Nga ở khu vực Thái Bình Dương trong thời gian tới.
Mới đây, các chuyên gia Nga đã tổng kết nhiệm kỳ tổng thống của ông Dmitry Medvedev. Trên các phương tiện truyền thông, hàng ngày luôn xuất hiện những bài bình luận về “sự cài đặt lại ” quan hệ Nga - Mỹ, về quan hệ Nga và Liên minh châu Âu (EU) và về địa vị của Mátxcơva tại các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương (TBD) ít được đề cập hơn. Các nhà nghiên cứu chính trị chỉ nói đến chính sách của Nga tại khu vực Thái Bình Dương chủ yếu trong bối cảnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra tại Vladivostok (1 – 9/9/2012).
Bốn năm qua là thời kỳ hoạt động sôi động đối với ngành Ngoại giao Nga ở khu vực Thái Bình Dương. Về số lượng các sáng kiến, hướng này không thua kém gì hướng châu Âu. Như chúng ta đều biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi mình là "Tổng thống Mỹ đầu tiên hoạt động mạnh ở khu vực Thái Bình Dương". Liệu về phía Nga, ông Medvedev có thể xứng đáng với danh hiệu như vậy?
Chiến lược mới
Trong những năm 2000, trọng tâm của ngành Ngoại giao Nga ở khu vực châu Á-TBD vẫn là quan hệ với Trung Quốc. Cơ chế hợp tác Nga – Trung được tạo ra bởi Hiệp ước song phương về quan hệ láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác, được ký kết vào năm 2001. Văn kiện gồm ba nhóm điều khoản: những cơ sở chính trị của sự hợp tác; những cam kết gần như quan hệ đồng minh và tham vấn về việc hình thành lập trường chính trị chung. Trong tương lai, Nga định đa dạng hóa chính sách ở TBD thông qua đối thoại với Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, những ý định của Nga chưa đạt được kết quả như mong muốn. (Cần nhấn mạnh rằng Nga đã không ký kết được Hiệp định về khu vực thương mại tự do với bất kỳ quốc gia nào ở khu vực Thái Bình Dương).
Khi ông Medvedev còn là Tổng thống, Mátxcơva đã chọn chiến thuật khác - không dựa vào việc ký kết các tuyên bố long trọng với các nước trong khu vực, và thay vào đó, Nga bắt đầu triển khai các nguồn lực ở Thái Bình Dương bằng cách giải quyết các nhiệm vụ cụ thể.
Trước hết, Nga phát triển cơ sở hạ tầng xuất khẩu các nguồn năng lượng trong khu vực, tiếp tục xây dựng hệ thống dẫn khí đốt Đông Xibêri - Thái Bình Dương (VSTO). Năm 2010 Nga đã khánh thành nhánh đường ống dẫn khí đốt Skovorodino - Đại Khánh tới Trung Quốc, tiếp theo sẽ là nhánh đường ống Iakutia – Khabarovsk - Vladivostok . Phía Nga đang tiến hành đàm phán về khả năng xây dựng đường ống dẫn khí đốt tới Hàn Quốc và Nhật Bản. Các cuộc tư vấn giữa Nga và Nhật Bản về xây dựng ở Vladivostok xí nghiệp liên doanh sản xuất khí hoá lỏng thứ hai (sau Nam Sakhalin) đang được tiến hành.
Thứ hai, Nga đã mở rộng cơ quan đại diện tại khu vực này. Mười năm trước, Mátxcơva chỉ tham gia APEC. Hiện nay, Nga đã tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN, xuất hiện từ năm 2004 trên cơ sở tham vấn "ASEAN + 6". Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Cuala Lămpơ ngày 13/12/2005, Nga đã không thành công trong việc trở thành nước thành viên chính thức tham dự Hội nghị thượng đỉnh, nhưng năm 2010, Nga (cũng như Mỹ) đã được tham dự. Hệ thống "ASEAN + 6" đã biến thành "ASEAN + 8".
Thứ ba, Mátxcơva định xây dựng một mô hình tương tác mới với Nhật Bản. Từ năm 1982, Tôkyô đã thực hiện "Học thuyết Nakasone": đề cập tới vấn đề "vùng lãnh thổ phía Bắc" trong bất kỳ cuộc tiếp xúc nào với Mátxcơva. Sau đó, Chính quyền Taro Aso (2008-2009) và đặc biệt là Chính quyền Yukio Hatoyama (2009-2010) đã đề nghị Nga phát triển quan hệ kinh tế tách riêng vấn đề tranh cãi về lãnh thổ. Chính quyền Naoto Kan (2010-2011) đã đóng băng các cuộc đối thoại với Mátxcơva. Nhưng mùa Xuân năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Yosihika Noda đã phát tín hiệu sẵn sàng quay trở lại "đường lối của Thủ tướng Hatoyama”.
Thứ tư, Nga đã bắt đầu đàm phán với Niu Dilân về khả năng ký kết hiệp định về thương mại tự do. Ngày 11/1/2012, Thủ tướng Niu Dilân John Key đã tuyên bố ý định kết thúc các cuộc đàm phán trước tháng 9/2012. Oenlingtơn đang thảo luận phương án ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh thuế quan Nga, Bêlarút và Cadắcxtan.
Thứ năm, Nga đã áp dụng những giải pháp nhằm trở lại Đông Nam Á. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Hiệp ước Hữu nghị Xô -Việt năm 1978, cơ sở của sự hiện diện của Liên Xô ở Đông Dương, đã hết hiệu lực. Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Putin từ ngày 28/2 – 2/3/2001, Nga và Việt Nam đã ký kết: 1) Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược, 2) Biên bản liên chính phủ về đăng ký cơ sở hiệp định - pháp lý và hiệu lực của những thỏa thuận song phương; 3) Các văn kiện về mở rộng sự hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu khí. Từ năm 2007, hai bên bắt đầu thông qua Danh mục kiểm tra các nhiệm vụ ưu tiên. Sự tham gia của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nga (Rosatom) trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam rõ ràng là dự án thương mại trọng điểm.
Sự hợp tác của Nga với các nước ASEAN khác phát triển kém năng động hơn. Hợp tác với Inđônêxia, Malaixia, Thái Lan chỉ giới hạn trong các dự án trong lĩnh vực công nghệ tên lửa - vũ trụ. Chương trình phóng vệ tinh "Sự bắt đầu trong không gian " (Vozdushnyi start) với Inđônêxia đang được thực hiện; với Malaixia và Thái Lan - là chương trình đưa vệ tinh của 2 nước này vào quỹ đạo bằng tên lửa của Nga. Lào và Brunây có thể tham gia hình thức hợp tác này.
Thứ sáu, Nga đã bắt đầu tham vấn về vấn đề quan hệ kinh tế với Mỹ. Từ đầu những năm 1990, ở Nga đã xuất hiện các dự án "Sakhalin-1" và "Sakhalin-2" nhằm khai thác dầu mỏ và khí đốt trên thềm lục địa đảo Sakhalin. Năm 1995, Ủy ban liên chính phủ Gore-Chernomyrdin đã hoan nghênh dự án thành lập "Cầu Bering". Nhưng trong những năm 2000, việc thực hiện các dự án chung đã tạm dừng lại. Phương án thành lập “Cầu năng lượng” giữa Nga và Mỹ đã được thảo luận trong những năm 2003 – 2004, tỏ ra không có căn cứ.
Chính quyền Obama đã thể hiện sự quan tâm tới việc khôi phục những dự án này. Trong khuôn khổ chính sách “cài đặt lại” các mối quan hệ, ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã diễn ra một loạt hội nghị bàn tròn về những vấn đề tương tác Nga – Mỹ. Trong năm 2010, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Brookings đã nghiên cứu dự án "Khả năng thay thế ở phía Bắc của ASEAN". Ở đây đang nói về việc thành lập một cộng đồng kinh tế mới, có thể bao gồm Nga, Canađa, Mỹ, Hàn Quốc và cả Nhật Bản. Trong chuyến thăm Mátxcơva tháng 3/2011, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, không phải tất cả các dự án được đưa ra đều có tiềm năng để thực hiện. Tuy nhiên, tất cả “những việc đã chuẩn bị cho tương lai" trong quan hệ Nga - Mỹ ở khu vực châu Á-TBD đã xuất hiện.
Trò chơi của người khác
Sự hoạt động tích cực của Nga ở khu vực châu Á-TBD có một giới hạn tự nhiên. Trong 20 năm trở lại đây, ở khu vực Thái Bình Dương đã diễn ra sự ganh đua giữa hai dự án liên kết.
Dự án thứ nhất là sự liên kết mang tính khu vực ở Đông Á trên cơ sở Trung Quốc xích lại gần ASEAN; xu hướng này được đẩy mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, vốn làm suy yếu vị trí của các đồng minh chính của Mỹ - Nhật Bản và Hàn Quốc. Ba hệ thống tư vấn đặc biệt của ASEAN với các đối tác đã xuất hiện: "ASEAN +1" (Trung Quốc), "ASEAN + 3" (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và "ASEAN + 6" (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôxtrâylia và Niu Dilân). Hai thủ tướng Nhật Bản Taro Aso và Yukio Hatoyama cũng chia sẻ mong muốn liên kết khu vực.
Dự án thứ hai là liên kết xuyên Thái Bình Dương. Từ năm 1989, Ngoại trưởng Mỹ James Baker đã tuyên bố về việc không cho phép tiến hành các đường phân chia mới ở giữa Thái Bình Dương. Theo sáng kiến của các đồng minh của Mỹ - Ôxtrâylia và Niu Dilân, Diễn đàn APEC cũng xuất hiện vào năm 1989. Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Bogor (1994) Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton đã đưa ra và được các nước tham dự hoan nghênh những "mục tiêu Bogor”: 1) Tới năm 2020 thành lập khu vực thương mại tự do ở Thái Bình Dương, và 2) Tới năm 2010, các nước phát triển nhất khu vực Thái Bình Dương chấp nhận tự do hóa thương mại. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và sự phản đối của Quốc hội Mỹ đã cản trở việc thực hiện "các mục tiêu Bogor". Nhưng sau Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Xinhgapo (tháng 11/2009), Nhà Trắng đang phục hồi "Chiến lược Bogor ”.
Tháng 11/2009, tại Bắc Kinh, Tổng thống Obama đã ủng hộ quan hệ đối tác đặc biệt Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 1/12/2009, Trung Quốc đã từ bỏ dự án "G2” và nhấn mạnh sự trung thành với quan niệm về một thế giới đa cực. Ngày 1/1/2010, Khu vực thương mại tự do Trung Quốc ASEAN – CAFTA xuất hiện. Đáp lại, từ giữa năm 2010, Mỹ đã xây dựng một hệ thống “kiềm chế Trung Quốc" mới. Hệ thống này gồm ba thành tố :
- Khôi phục hoạt động của khối quân sự - chính trị ANZUS đã bị ngưng lại từ năm 1987;
- Mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á bằng cách lập căn cứ đồn trú các tàu của Hải quân Mỹ tại Xinhgapo và tăng cường quan hệ với Việt Nam;
- Phát triển Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Chiến lược xuyên Thái Bình Dương của Oasinhtơn
Vào năm 2005, TPP có hai nước thuộc khu vực châu Á-TBD (Xinhgapo và Brunây), một nước thuộc châu Đại Dương (Niu Dilân) và một nước thuộc khu vực Mỹ Latinh (Chilê). Việc Mỹ, Pêru, Malaixia, Ốxtrâylia, Nhật Bản và Việt Nam tham gia dự án sẽ đặt dự án "Cộng đồng Thái Bình Dương” thành một cơ sở có tính thể chế.
Thứ nhất, sự xuất hiện của TPP đang làm suy yếu ASEAN. Cơ sở của ASEAN là mô hình tham vấn hai cấp: thảo ra quyết định chung và bênh vực lẫn nhau trong các tổ chức quốc tế. Tư cách thành viên của một số nước ASEAN trong TPP đang làm xói mòn cơ chế này.
Thứ hai, TPP đang làm xói mòn CAFTA được thành lập năm 2010. Tuy nhiên, một số thành viên ASEAN đã có hiệp định thương mại tự do với các nước không tham gia CAFTA.
Thứ ba, TPP đang làm suy yếu cơ chế tham vấn theo công thức "ASEAN + 6", cũng như Hội nghị cấp cao Đông Á. Ôxtrâylia, Niu Dilân và Nhật Bản muốn tham khảo ý kiến của Mỹ hơn. Sự tham gia TPP của Malaixia, Xingapo, Việt Nam và Brunây tạo ra một định dạng tư vấn mới trong khu vực Đông Á.
Chương trình nghị sự cho tương lai
Nga đang phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn. Nước này đang cố gắng duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, đồng thời phải cân bằng ảnh hưởng của giới doanh nghiệp Trung Quốc ở khu vực Viễn Đông. Trung Quốc đang tìm kiếm các đối tác kinh tế mới. Việc xích lại gần Mỹ hay xích lại gần với các nước khác có thể gây ra sự phản ứng không tích cực ở Bắc Kinh. (Tháng 12/2010, Ban lãnh đạo Trung Quốc đã gửi đến Mátxcơva tín hiệu không hài lòng bởi sự hợp tác có thể giữa Cơ quan Vũ trụ Nga với Niu Dilân). Hệ thống quan hệ đối tác chiến lược Nga -Trung Quốc có thể bị đe doạ.
Về lý thuyết, Nga có hai phương án hành động. Thứ nhất, tích cực chơi ván bài trong sự phân chia ở khu vực Thái Bình Dương để thu hút đầu tư giả định phát triển kinh tế của vùng Viễn Đông. Thứ hai, triển khai từ từ các nguồn lực ở Thái Bình Dương, tránh công khai lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong những năm 2000, giữa các nhà nghiên cứu chính trị Nga đã có các cuộc tranh luận rộng rãi về việc có hay không “giải pháp thay thế ở khu vực Thái Bình Dương". Ở đây đang nói về khả năng Nga đảo ngược thứ tự ưu tiên các mối quan hệ với EU tại khu vực châu Á-TBD. Sự đảo ngược quan hệ từ khu vực châu Âu - Đại Tây Dương sang khu vực Thái Bình Dương đã không xảy ra. Nhưng trong những năm Medvedev làm Tổng thống, hướng Thái Bình Dương đã được coi là một trong những hướng ưu tiên. Hiện nay trước nước Nga đang đặt ra một vấn đề mới: Liệu Nga có tham dự vào hệ thống quan hệ quốc tế đang tồn tại trong khu vực châu Á-TBD? Rõ ràng, tính cấp thiết của vấn đề này sẽ tăng lên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Putin./.
tác giả Aleksey Fenenko, Báo Độc Lập, Nga (28/5)
Mỹ Anh (gt)
Với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, Liên minh châu Âu (EU), cũng như phần còn lại của thế giới, đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có, trong đó sự tổn thất về người, sự thiệt hại về kinh tế và chính trị hết sức nặng nề.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chuyển biến thành tình trạng xung đột lâu dài, thì dường như một đặc điểm đang định hình cuộc chiến địa chính trị ngày càng khắc nghiệt hơn này mang hơi hướng của một cuộc chiến công nghệ.
Cho dù đã tăng cường chính sách quyết đoán tại Đông Nam Á, lập trường của châu Âu vẫn bộc lộ chính những vấn đề mà các chuyên gia và giới chức ở châu Âu đã nêu bật: Ngoại trừ thương mại, EU gần như không có biện pháp nào khác để gây ảnh hưởng đến cách ứng xử của các quốc gia trong khu vực.
Đâu là những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai nước trong chính sách của họ đối với Trung Quốc? Mức độ hội tụ đến đâu và liệu sự hội tụ này có thể được coi là một cách tiếp cận chung thống nhất của châu Âu đối với Trung Quốc hay không?
Nước Anh cho rằng họ là đối tác bình quyền với EU trong đàm phán Brexit. Nhưng bài học từ những cuộc đàm phán gia nhập Cộng đồng châu Âu (EC) năm 1973 của Anh đã cho thấy rõ ai là người cao tay hơn trong cuộc chơi này.
Ban đầu đa số đều cho là Madrid đã phản ứng quá tệ với cuộc trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, khi nhìn lại, có vẻ thủ tướng Rajoy, một chính trị gia kỳ cựu từng là một thế lực hàng đầu trong nền chính trị Tây Ban Nha gần 2 thập kỷ qua, đã xử lý cuộc khủng hoảng đầy khéo léo.