Modi-costum.jpg

Vào cuối tháng 11 vừa qua, các nguyên thủ quốc gia châu Phi đã đến New Delhi để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ- châu Phi lần thứ ba (IAFS-3) theo lời mời của Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi. Hội nghị lần này được tổ chức đúng vào thời điểm quan hệ chính trị và kinh tế của Ấn Độ với các nước châu Phi nói chung đã bị lu mờ bởi sự áp đảo của "quan hệ Trung Quốc- châu Phi". Nhiều nhà quan sát dự đoán rằng ông Modi sẽ nhân IAFS-3 để giới thiệu một kỷ nguyên mới trong quan hệ Ấn Độ- châu Phi, đồng thời cũng có thể phác thảo một chiến lược của Ấn Độ nhằm giảm bớt hình ảnh của Trung Quốc tại Lục địa đen này.

Mặc dù ông Modi đã dùng những lời hoa mĩ để diễn tả sự kết nối đặc biệt giữa châu Phi và Ấn Độ nhưng IAFS lần này vẫn chỉ là cách tiếp cận quốc tế đơn thuần của New Delhi với châu Phi. Ông Modi tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Phi với vai trò là nguồn cung năng lượng nhập khẩu quan trọng của Ấn Độ, đồng thời là thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm của Ấn Độ. Tuy nhiên, ông Modi đã thất bại khi cố gắng đưa Ấn Độ thay thế vị thế của Trung Quốc tại Lục địa đen. Thay vì bắt chước sự tham gia của Trung Quốc ở châu Phi, ông Modi lẽ ra nên xây dựng mối quan hệ Ấn Độ - châu Phi trên một số khía cạnh quan trọng khác.

Đầu tiên, cộng đồng người Ấn Độ tại khu vực Đông Phi có thể được hưởng các lợi ích về chính trị và kinh tế từ cả hai bên. Ấn Độ có lợi thế hơn nhiều Trung Quốc trong mối quan hệ này vì cộng đồng người Ấn Độ tại Đông Phi đóng vai trò quan trọng về các phương diện địa chính trị, kinh tế, xã hội. Thứ hai, liên kết về kinh tế của Ấn Độ với các quốc gia châu Phi khá bền vững và hòa nhập. Các ảnh hưởng kinh tế của Ấn Độ trên khắp châu Phi không bị chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước, mà dựa trên các khoản đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, sự tham gia của Ấn Độ tại châu lục này còn có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của châu Phi trong các lĩnh vực như viễn thông, giao thông vận tải, nông nghiệp, dược phẩm... Điều quan trọng cuối cùng là cách tiếp cận của Ấn Độ đối với châu Phi về mặt chính trị cần tập trung vào vấn đề phát triển và đào tạo nguồn nhân lực - một khía cạnh quan trọng của phát triển kinh tế, xã hội tại đây. Tuy nhiên ông Modi chỉ lướt qua các khía cạnh này.

Trong số các hội nghị thượng đỉnh quốc tế cấp cao có sự tham dự của các nguyên thủ châu Phi, Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc- châu Phi (FOCAC) vẫn là hội nghị quan trọng nhất. Đặc biệt tại FOCAC-6 lần này (diễn ra tại Johannesburg, Nam Phi từ ngày 4-5/12), Trung Quốc cam kết hỗ trợ 60 tỷ USD cho các nước châu Phi để phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời cũng đã đưa ra cách tiếp cận rộng hơn, toàn diện hơn trong quan hệ với châu Phi khi đề xuất 10 lĩnh vực hợp tác quan trọng như phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, tài chính, bảo vệ môi trường sinh thái, xóa đói giảm nghèo, giao lưu văn hóa, duy trì ổn định, hòa bình và an ninh...

Hiện nay, châu Phi vẫn đóng vai trò quan trọng đối với Trung Quốc và Ấn Độ về cả chính trị lẫn kinh tế, là thị trường tiêu thụ quan trọng, nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ ngoại giao. Theo giới phân tích, Chính quyền của Thủ tướng Modi đã không tận dụng lợi thế của mình trong Hội nghị Thượng đỉnh IAFS để giúp Ấn Độ có thể thay thế vị thế của Trung Quốc ở châu Phi. Trong khi đó, các vấn về khó khăn, phức tạp hiện nay giữa Trung Quốc và châu Phi cơ bản đã được giải quyết sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ các đối tác châu Phi nhân hội nghị FOCAC-6 ở Johannesburg vừa qua. Cuối cùng trái bóng vẫn nằm trong tay các nhà lãnh đạo châu Phi và trong tương lai, trò chơi này có thể đem lại nhiều lợi ích cho châu Phi chứ không phải hai cường quốc châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ.

Tác giả Tim Steinecke, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ châu Á- châu Phi của Đại học St Andrews, Scotland. Bài viết đăng trên "The Diplomat."

Nhật Linh (gt)