Ngày 9/11, hai chủ tịch Rompuy và Barroso sẽ dự Hội nghị cấp cao ASEM ở Viêng Chăn. Hội nghị cấp cao này sẽ tạo cơ hội cho họ tiến hành một loạt các cuộc gặp cấp cao song phương với các nhà lãnh đạo châu Á. Trong khi các vị này có mặt ở khu vực, họ cũng sẽ đi thăm các nước Indonesia, Đông Timor, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar. Cả hai chủ tịch cũng đã đi thăm Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc đầu năm nay để dự các Hội nghị cấp cao ở đó.

Bà Catherine Ashton cũng đã tăng cường các chuyến thăm châu Á sau khi bà bị chỉ trích không tham gia Diễn đàn An ninh khu vực của ASEAN. Năm 2012, bà đã đi thăm Trung Quốc hai lần, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Hồng Công, Brunei và dự Hội nghị ARF tại Campuchia. Bà cũng đã ký Tuyên bố chung với NT Mỹ Hillary Clinton mở đường cho hợp tác Âu-Mỹ tại châu Á.

Lãnh đạo của EU cũng hy vọng tổ chức cuộc gặp cấp cao thường niên với Nhật năm nay nhưng do khó chọn được thời gian mà hai bên cùng chấp nhận được, bởi vậy có khả năng tốt nhất vào thời điểm hai bên đạt được tiến triển về các cuộc thương lượng FTA. Tình hình nội bộ Nhật làm cho tổ chức cuộc họp cấp cao không dễ dàng, do Nhật có thể sẽ tiến hành bầu cử vào tháng 12 năm nay.

EU đã mở văn phòng đại diện ở Myanmar và đang giúp đất nước này thực hiện các chương trình cải tổ đầy tham vọng. Các hiệp định khung cũng đang được thương lượng với Australia và New Zealand. Các cuộc thương lượng cũng đang được tiến hành với Pakistan và Afghanistan để làm sâu sắc thêm mối quan hệ của EU với các nước này. EU cũng tăng cường sự có mặt của mình ở Thái Bình Dương với việc ông David O’Sullivan tham dự Diễn đàn Đảo Thái Bình Dương thường niên vào tháng 8/2012.

Dĩ nhiên các hội nghị không có nghĩa là tất cả. Nhưng EU cũng đã đẩy mạnh thực hiện chính sách ở nhiều mặt. Về thương mại, Hiệp định FTA và các Hiệp định khung với Hàn Quốc đang tiến triển một cách tốt đẹp. Các Hiệp định Đối tác đã được ký với Việt Nam và Philippines và một hiệp định tương tự cũng sắp được ký với Mông Cổ. Các cuộc thương lượng về PCA cũng đang tiến triển tốt với Singapore, Malaysia, Brunei.

Tương tự, các cuộc thương lượng về tự do mậu dịch cũng đang tiến triển với các nước nói trên. Những cuộc thương lượng về mậu dịch tự do với Ấn Độ bị bế tắc do vấn đề nội bộ của Ấn Độ. Uỷ ban cũng đang đợi các nước thành viên chấp thuận để bắt đầu cuộc thảo luận về mậu dịch tự do với Nhật và Hiệp định đầu tư với Trung Quốc. Không nghi ngờ rằng cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm xấu đi hình ảnh của EU tại châu Á và ở các nơi khác trên thế giới nhưng EU vẫn là thị trường xuất khẩu chính của hầu hết các nước châu Á. EU cũng vẫn là người cung cấp lớn nhất về trợ giúp phát triển cho châu Á.

Năm 2011, châu Á đã xuất khẩu 33% sang EU và nhập khẩu 38,2% từ EU, và các hoạt động này đã làm cho châu Á trở thành bạn hàng thương mại lớn nhất của EU (chiếm 42 % tổng thương mại). EU cũng là nhà đầu tư lớn ở châu Á: năm 2010, đầu tư vào châu Á chiếm 17% trong tổng số đầu tư của EU ra nước ngoài.

Ở cấp khu vực, EU và ASEAN đã thoả thuận nâng cấp Chương trình Hành động và EU cũng đã tham gia vào Hiệp ước Hữu nghị và thân thiện (TAC), một điều kiện bắt buộc để được tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á. EU cũng đang cân nhắc đề cử đại diện tại ASEAN.

Ngoài bà Ashton, các quan chức của EU tại ASEM cũng đang tích cực thúc đẩy các cuộc đối thoại chính trị với các đối tác châu Á. EU không có quyền lực cứng như Mỹ nhưng các nước châu Á cũng đánh giá cao các quan điểm tư vấn của EU.

Bởi vậy, EU không thể bị chỉ trích về việc thiếu quan tâm ở châu Á. Việc đi thăm cũng không thể một chiều. Brussels cũng không đón tiếp nhiều chuyến thăm đến từ châu Á trong vài năm gần đây.

EU nên bắt đầu từ đây như thế nào? EU cần cải thiện năng lực phân tích của mình về châu Á. EU cũng cần tăng cường ngoại giao công cộng, tăng cường việc phản ứng nhanh chóng đối với các sự kiện diễn ra ở khu vực. Những đường lối chỉ đạo về Đông Á của EU vừa được sửa đổi lại đã nêu ra một số nguyên tắc bổ ích nhưng nhiệm vụ bây giờ là đánh giá được sức nặng của mình để đạt được những mục tiêu chủ chốt và phải cân nhắc việc đổi chác với các nước châu Á.

Nhiều nước châu Á đã ngạc nhiên trước việc Giải thưởng Hoà Bình Nobel được trao cho EU nhưng hầu hết các bình luận về giải thưởng này đã đồng ý với Uỷ ban đề cử về những đóng góp to lớn của EU đối với nền hoà bình của châu Âu. Các nước châu Á đang nhìn về châu Âu để học tập cách đối phó với những khó khăn kinh tế và chính trị của mình, chúng ta cũng không nên nói rằng châu Âu không quan tâm đến châu Á.

Bài viết của Fraser Cameron, Giám đốc Trung Tâm Âu – Á.

Theo Neurope (ngày 22/10)

Mỹ Anh (gt)