Châu Á – Thái Bình Dương đang thay thế khu vực châu Âu – Đại Tây Dương trở thành trung tâm kinh tế và địa chính trị thế giới, đây là nhận thức chung quốc tế. Đồng thời, châu Á – Thái Bình Dương cũng là nơi xung đột quốc tế liên tục diễn ra, khu vực luôn rắc rối có xu hướng gia tăng các cuộc xung đột trong 5 đến 10 năm tới. Đây không những là nhận thức chung, mà là thực tế chính trị quốc tế có thể dự báo được. Nhận thức chung quốc tế đòi hỏi châu Á – Thái Bình Dương xây dựng một cơ chế an ninh có thể bao trùm toàn bộ khu vực nhằm kiềm chế mâu thuẫn và xung đột giữa các quốc gia trong khu vực, thích ứng với xu thế châu Á – Thái Bình Dương trở thành trung tâm kinh tế, chính trị toàn cầu.

Nhiều mâu thuẫn ở châu Á – Thái Bình Dương bùng phát, đòi hỏi phải xây dựng cơ chế an ninh bao trùm toàn khu vực.

Theo Học giả người Anh Buzan. B, cơ chế là nhóm nước thông qua việc tìm kiếm biện pháp giải quyết tình trạng khó khăn về an ninh bằng việc làm của mình hoặc của chủ thể khác, nhằm giải quyết tranh chấp hoặc tránh chiến tranh. Cơ chế an ninh có những đặc điểm sau: Thứ nhất, đó thường là sản phẩm do lợi ích của các bên không hoàn toàn điều hòa được với nhau, nhưng cơ bản cũng không đối lập nhau. Thứ hai, cơ chế có thể được xây dựng trong tình huống các nước tham gia có quan hệ thù địch và xung đột lợi ích, nhằm thông qua kết nối và giao lưu với nhau làm dịu ý đồ đối đầu, đồng thời, thông qua cân bằng chiến lược hoặc răn đe lẫn nhau để tránh giải quyết bất đồng lợi ích bằng chiến tranh. Thứ ba, cơ chế có thể kiềm chế xung đột, đồng thời cuối cùng tạo thành nền tảng để giải quyết xung đột, nhưng cơ chế khó có thể giải quyết hoàn toàn và ngay lập tức cuộc xung đột. Do đó, vai trò an ninh của cơ chế là bước đầu và là điều kiện tiền đề.

“Hội nghị an ninh và hợp tác châu Âu” trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh là cơ chế an ninh khu vực điển hình, hoàn toàn phù hợp với đặc điểm trên, cũng phù hợp với định nghĩa về cơ chế an ninh của Buzan. B. Tại thời điểm đó, Mỹ và Liên Xô đối đầu bằng cuộc Chiến tranh Lạnh ở châu Âu, đồng thời họ thành lập một tổ chức quân sự dưới sự chỉ đạo của mình, với Mỹ là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nga là Khối quân sự Warsaw. Hai tổ chức này có hàng triệu quân và hàng vạn xe tăng, pháo lớn, máy bay chiến đấu, có vũ khí hạt nhân có thể hủy diệt trái đất hàng chục hàng trăm lần. Mâu thuẫn và xung đột giữa Mỹ, Liên Xô cũng như giữa hai tổ chức quân sự này một khi được nâng cấp thành chiến tranh, không những dẫn đến đại chiến châu Âu, mà còn có thể dẫn tới đại chiến thế giới hủy diệt châu Âu, hủy diệt thế giới, hủy diệt loài người. Trong cục diện khó khăn này, để làm dịu tình hình căng thẳng ở châu Âu, do sự khởi xướng của Liên Xô và Khối quân sự Warsaw, các quốc gia có liên quan đến hai tổ chức quân sự trên đã tổ chức hội nghị Helsinki đưa ra dự thảo “Hiệp ước Helsinki”, quyết định tổ chức Hội nghị an ninh và hợp tác châu Âu với sự tham gia của các nước thành viên. Trong hội nghị chính thức về an ninh và hợp tác châu Âu tổ chức tiếp sau đó, hàng chục nước thành viên tuy tranh cãi kịch liệt về “vấn đề biên giới”, “tăng cường biện pháp tin cậy lẫn nhau” và “vấn đề giao lưu tư tưởng và nhân viên”, “vấn đề giải giáp vũ trang”… vẫn chưa thể tìm ra biện pháp cuối cùng để giải quyết, nhưng hai bên đối đầu có thể ngồi cùng nhau, thông qua trao đổi ý kiến và bất đồng đã làm dịu mâu thuẫn, làm sâu sắc hơn hiểu biết giữa hai bên, xây dựng sự tin cậy và đồng thuận nhất định, đã thể hiện vai trò tích cực nhất định đối với việc xóa bỏ khủng hoảng chiến tranh ở châu Âu.

Cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân do Mỹ và Liên Xô khởi xướng cũng mang đặc điểm trên. Tuy hai bên vẫn có những bất đồng trong vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân, cơ chế này chưa ngăn chặn Ixraen, Ấn Độ, Pakixtan, Bắc Triều Tiên vượt ra khỏi ranh giới và đã sản xuất vũ khí hạt nhân. Nhưng thông qua xây dựng cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân, cuối cùng cơ chế này đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về lập trường của các bên về vũ khí hạt nhân . Ở mức độ nhất định, cơ chế này làm chậm tốc độ, mức độ và phạm vi phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới, đặc biệt là có vai trò tích cực nhất định đối với an ninh quốc tế, nhất định đối với an ninh quốc tế, nhất là an ninh hạt nhân.

Châu Á – Thái Bình Dương hiện nay rõ ràng cần phải xây dựng một cơ chế an ninh giống như vậy: Có thể bao trùm toàn khu vực, tăng cường hiệu quả sự hiểu biết lẫn nhau, hàn gắn những bất đồng, ngăn chặn xung đột, nhằm phòng ngừa cục diện căng thẳng, thậm chí đi đến chiến tranh trong khu vực.

So với các khu vực khác trên thế giới, châu Á – Thái Bình Dương đang trở thành khu vực tập trung nhiều mâu thuẫn quốc tế nhất, do đó cũng đang trở thành nơi “thiếu an toàn” nghiêm trọng nhất trên thế giới. Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, sự kiện va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu USS Impeccable của Mỹ, sự kiện tàu Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm, Bắc Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, va chạm giữa tàu Trung Quốc với tàu chiến Nhật Bản ở vùng biển đảo Điếu Ngư, xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia do tranh chấp ngôi đền cổ Preah Vihear, sự đối đầu giữa Trung Quốc và Philíppin do tranh chấp đảo Hoàng Nham/Scarborough… đều phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình trạng bế tắc về an ninh và thiếu an toàn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tóm lại, tình hình an ninh châu Á – Thái Bình Dương chủ yếu biểu hiện ở 5 lĩnh vực lớn sau:

Trước hết, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trong khu vực này nhiều, mâu thuẫn phức tạp, tập trung xu thế bùng nổ, phá hoại hòa bình khu vực. Từ Đông sang Tây, tranh chấp quần đảo Kuril giữa Nga và Nhật Bản (Nhật Bản gọi là “Lãnh thổ phương Bắc”), tranh chấp quần đảo Dokko (Takeshima) giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, tranh chấp giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc xung quanh biển Hoa Đông, Hoàng Hải, đảo Điếu Ngư/Senkaku, tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước như Việt Nam, Philíppin… Ngoài ra, giữa Thái Lan và Campuchia, Trung Quốc và Ấn Độ, Ấn Độ và Pakixtan đều có tranh chấp lãnh thổ nghiêm trọng.

Thứ hai, tình hình cạnh tranh chiến lược xung quanh tranh chấp tài nguyên, năng lượng rất nghiêm trọng, đặc biệt là tranh chấp tài nguyên nước giữa nhiều quốc gia. Trong đó, tranh chấp giữa các nước thuộc lưu vực sông Mekong và bất đồng trong việc khai thác nguồn nước tại sông Yarlung Tsangpo giữa Trung Quốc và Ấn Độ là điển hình nhất. Đằng sau tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á là nhân tố tranh giành nguồn dầu mỏ và khí đốt ở khu vực này.

Thứ ba là tranh cãi về vấn đề lịch sử. Nguyên nhân chủ yếu là do Nhật Bản xâm lược các nước châu Á – Thái Bình Dương trong thời kỳ cận đại, nhất là thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã gây ra những thiệt hại to lớn cho không ít quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Nhật Bản đến nay vẫn không thể nhìn thẳng vào tội lỗi lịch sử để thành khẩn nhận tội, đặc biệt là không hối lỗi lịch sử, nhận tội và bồi thường đối với cuộc chiến tranh xâm lược lâu dài chống Trung Quốc, Triều Tiên, không hề xin lỗi các nước châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt không xin lỗi Trung Quốc, Triều Tiên, nên khó xây dựng sự tin cậy lẫn nhau.

Thứ tư là khó xóa sạch những tàn dư của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chẳng hạn như bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng chia cắt, Trung Quốc đại lục và Đài Loan vẫn chưa thể thống nhất. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng là mặc dù Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đã kết thúc nhiều năm, châu Á – Thái Bình Dương không còn tồn tại “mối đe dọa” Liên Xô trước kia, nhưng Mỹ vẫn duy trì triển khai những căn cứ để ứng phó với mối đe dọa Liên Xô như trước, đồng thời tiếp tục duy trì, tăng cường hệ thống đồng minh phức tạp giống như để đối phó với Liên Xô. Hệ thống này bao gồm cơ cấu đồng minh kiểu “rẻ quạt” được tạo thành bởi 5 cặp đồng minh song phương giữa Mỹ với năm nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philíppin, Ôxtrâylia.

Thứ năm, do tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nghiêm trọng và phức tạp, sự tồn tại của những tàn dư của Chiến tranh Lạnh và hệ thống đồng minh Chiến tranh Lạnh đã gây ra sự thiếu tin cậy lẫn nhau về chiến lược, khiến châu Á – Thái Bình Dương rơi vào vòng tuần hoàn ác tính không ngừng chạy đua vũ trang. Theo báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế London, chi phí quốc phòng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không tính Mỹ và Nga ) trong năm 2012 đã vượt qua châu Âu, nhận định đây là lần đầu tiên chứng tỏ từ thời kỳ cận đại đến nay trọng tâm sức mạnh quân sự toàn cầu đã chuyển sang châu Á – Thái Bình Dương.

Trong cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ đứng đầu tiên, chi phí quốc phòng của nước này trong năm 2012 đã tăng 17,6%, lên tới 40 tỷ USD. Đặc biệt, Đông Nam Á đã trở thành khu vực chạy đua vũ trang nghiêm trọng nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chi phí quốc phòng của các nước Đông Nam Á năm 2011 đã lên tới 24,5 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2010. Dự báo đến năm 2016, chi phí quốc phòng của khu vực này sẽ tăng lên 40 tỷ USD.

Hơn nữa, đa số các nước châu Á – Thái Bình Dương đã nhập khẩu một lượng lớn vũ khí hiện đại. Ấn Độ đã phóng thành công tên lửa đạn đạo Agni-3 với tầm bắn có thể bao trùm cả các thành phố duyên hải lớn và gần như tất cả khu vực trọng yếu của Trung Quốc, đồng thời có thể gắn đầu đạn hạt nhân. Không những thế, Ấn Độ còn tăng cường nghiên cứu tên lửa đạn đạo “Agni-6” có tầm bắn từ 8.000-10.000 km, tàu sân bay ViKrant do nước này sản xuất sẽ được hạ thủy vào năm 2015. Ấn Độ còn bỏ ra hàng chục tỷ USD để mua máy bay chiến đấu hiện đại của các nước như Pháp, Mỹ… Ấn Độ còn cùng Nga nghiên cứu sản xuất máy bay vận tải cỡ lớn có trọng tải 20 tấn, có thể cất và hạ cánh tại các đường băng thô sơ, phù hợp với tác chiến tại khu vực có địa hình cao và lạnh, chuẩn bị mua trước 45 chiếc nhằm tăng cường khả năng chuyển quân và tiếp tế đường dài tại khu vực Himalaya.

Tại Đông Bắc Á, đồng thời với việc ra sức tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (MD), Nhật Bản đã xác định máy bay chiến lược chủ lực thế hệ mới là F-35 nhằm trực tiếp đối đầu với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20, T-50 mà Trung Quốc và Nga đang nghiên cứu chế tạo. Trên cơ sở hoàn thành bố trí radar phòng không trên đất liền thế hệ mới FPS-5, Nhật Bản đang phát triển radar phòng thủ quốc gia thế hệ mới FPS-7. Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản mới chế tạo “tàu khu trục siêu cấp” có lượng giãn nước 19.500 tấn trên boong có sân bay trực thăng. Khi có nhu cầu chiến lược hoặc chính phủ hạ quyết tâm chính trị, tàu khu trục siêu cấp này có thể cải tạo thành tàu sân bay. Tuy Bắc Triều Tiên đã thất bại trong việc thử nghiệm tên lửa gần đây, nhưng họ sẽ không những không từ bỏ kế hoạch hạt nhân của mình, mà còn có thể tiếp tục thúc đẩy kế hoạch này. Trong Hiến pháp mới, Bắc Triều Tiên đã khẳng định họ là “quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân”, đây là lời tuyên bố chính thức cho thấy Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển hạt nhân. Hàn Quốc không cam chịu kém cạnh, yêu cầu sửa hiệp định ký giữa nước này với Mỹ, năm 2001 mà Seoul cam kết không phát triển tên lửa với tầm xa hơn 300 km và đầu đạn nặng hơn 500 kg, phấn đấu phát triển tên lửa tầm bắn 1000 km và đầu đạn trọng lượng trên 1 tấn. Từ tháng 4/2012, Hàn Quốc đã bắt đầu triển khai tên lửa hành trình có tầm bắn lên tới 1500 km.

Ở Đông Nam Á, chi phí quốc phòng của Inđônêxia trước kia chỉ là 2,6 tỷ USD, nhưng đã tăng lên 8 tỷ USD vào năm 2012, chủ yếu để nhập khẩu vũ khí từ nước ngoài. Với số tiền này, Inđônêxia đã nhập khẩu một lượng lớn vũ khí từ Mỹ, Nga… bao gồm máy bay chiến đấu F-16, máy bay vận tải C-130, tàu chiến hải quân… Tháng 1/2012, nước này lại ký hợp đồng mua vũ khí với tổng giá trị lên tới 1,1 tỷ USD, tăng cường mua tàu ngầm, xe tăng. Việt Nam đã mua 7 khinh hạm kiểu mới và ký hiệp định mua 6 tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo. Để tăng cường mua vũ khí, Philíppin đã tăng chi phí quốc phòng lên 2,4 tỷ USD trong năm 2011.

Hiện nay, 5 nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới đều thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương bao gồm Ấn Độ, Pakixtan, Hàn Quốc… Xinhgapo chỉ là một hòn đảo có vài triệu dân, nhưng ngân sách quốc phòng năm 2012 lên tới 9,7 tỷ USD, lọt vào top 5 nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Ngoài 5 lĩnh vực lớn trên, vấn đề cần phải chỉ ra là chính sách quân sự của Mỹ đã thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á – Thái Bình Dương. Chính phủ Obama tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì lực lượng quân đồn trú và 11 đội tàu sân bay tại khu vực này. Mỹ còn mở căn cứ quân sự mới Darwin tại Ôxtrâylia, đưa 2500 lính thủy đánh bộ đến căn cứ này. Mỹ cũng có kế hoạch triển khai 4 tàu hải quân tiên tiến đến Xinhgapo, trong đó tàu đầu tiên có thể cập bến vào năm 2013. Đồng thời, Mỹ còn sửa chữa lại căn cứ quân sự tại quần đảo Cocos nằm gần cảng Darwin, để căn cứ quân sự này trở thành nơi lên xuống của máy bay không người lái nhằm tăng cường kiểm soát tuyến đường trên biển của quân đội Mỹ đối với Ấn Độ Dương. Tại Diễn đàn An ninh Khu vực thường niên (Đối thoại Shangri-La) ở Xinhgapo tổ chức đầu tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tuyên bố rõ ràng hơn rằng Mỹ tuy đã thu hẹp chiến lược tại Trung Đông và châu Âu, đồng thời cắt giảm chi phí quốc phòng do tình hình ngân sách eo hẹp, nhưng sức mạnh quân đội Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương không hề bị ảnh hưởng. Ông còn tuyên bố Mỹ sẽ triển khai 6 trong số 11 tàu sân bay và 60% tàu chiến của nước này đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chủ yếu là Tây Thái Bình Dương nhằm điều chỉnh lực lượng quân đội đóng tại Đại Tây Dương và Thái Bình Dương từ tỷ lệ 50/50 như hiện nay sang tỷ lệ 40/60. Ông còn cho biết Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa sức mạnh của quân đội tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương bao gồm máy bay tàng hình, máy bay ném bom tầm xa, hệ thống tác chiến điện tử và thông tin mới…

Không những thế, Mỹ còn là nước cung cấp cho nhiều quốc gia nhập khẩu vũ khí ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chẳng hạn, Mỹ có kế hoạch cung cấp máy bay chiến đấu F-35 và công nghệ chế tạo máy bay này cho Nhật Bản, cung cấp tên lửa hành trình cho Hàn Quốc, cung cấp tàu chiến cho Philíppin khi sự kiện đảo Hoàng Nham/Scarborough lên đến đỉnh điểm, bán máy bay chiến đấu F-16 và khinh hạm lớp Perry cho Đài Loan. Lâu nay, Mỹ thực hiện những chuyến bay trinh sát xung quanh bờ biển của Trung Quốc, thường xuyên kích động vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên và vấn đề Biển Đông  dẫn đến quan hệ quốc tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương luôn ở mức độ “căng thẳng vừa phải”. Mỹ cũng duy trì triển khai “lực lượng phía trước” và hệ thống đồng minh hùng mạnh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng làm cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực này gia tăng, tình hình an ninh quân sự nghiêm trọng.

Ngày 23/6/2012, tờ “Washington Post” đã viết bài đưa tin Mỹ đang tăng cường đàm phán với Thái Lan để sử dụng lại một căn cứ không quân quy mô do Mỹ xây dựng, từng được quân đội Mỹ sử dụng, hiện giờ đã bị bỏ hoang, đồng thời cho biết Mỹ tìm kiếm quyền sử dụng Cảng Cam Ranh của Việt Nam và mở rộng căn cứ hải quân ở vịnh Subic và phạm vi sử dụng căn cứ không quân Clark của Philíppin. Những tin tức này đương nhiên có tính chất đồn thổi, nhưng không phải không có căn cứ, bài báo này đã phản ánh bầu không khí cực kỳ căng thẳng tại châu Á – Thái Bình Dương, mà những căng thẳng này có liên quan đến chiến lược hướng Đông của Mỹ và việc tăng cường triển khai lực lượng phía trước tại châu Á – Thái Bình Dương.

Trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, các vấn đề như: tội phạm xuyên quốc gia, chủ nghĩa khủng bố và ly khai, hoạt động cướp biển, dân di cư… ngày càng gây rối loạn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng đòi hỏi các nước trong khu vực này phải cùng đàm phán xây dựng cơ chế an ninh.

Vì sao châu Á – Thái Bình Dương chưa thể xây dựng cơ chế an ninh khu vực hiệu quả?

Tuy châu Á – Thái Bình Dương hiện nay cần gấp một cơ chế an ninh bao trùm cả khu vực hơn bất kỳ lúc nào, hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới, nhưng cần một cơ chế an ninh như vậy hay không là một chuyện, tồn tại một cơ chế an ninh trên thực tế được hay không lại là chuyện khác.

Việc xây dựng cơ chế an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở giai đoạn một số tiểu vùng tích cực xây dựng cơ chế an ninh. Chẳng hạn, Tổ chức hợp tác Thượng Hải là một cơ chế an ninh khu vực, nhưng phạm vi của tổ chức này chỉ giới hạn có Trung Quốc, Nga và các nước Trung Á, thậm chí không gồm cả Mông Cổ. Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) được coi là một cơ chế an ninh khu vực đã phát triển mạnh đến giai đoạn nhất định, nhưng các nước tham gia cơ chế này nói nhiều hơn làm.

Ở mức độ nhất định, hệ thống liên minh kiểu “trục-nan hoa” giữa Mỹ với từng nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Philíppin, Thái Lan cũng là một cơ chế an ninh khu vực, nhưng bản chất là thông qua phương thức liên minh nhằm tăng cường tâm lý an toàn của một số nước và hy sinh tâm lý an toàn của các nước khác tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là một cơ chế mang màu sắc Chiến tranh Lạnh, không những không thể xóa bỏ “giới hạn đỏ” an ninh và bế tắc an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương, ngược lại, đây lại là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng tình trạng mất an ninh và bế tắc an ninh. Do sự tồn tại của hệ thống liên minh mang màu sắc Chiến tranh Lạnh, các nước châu Á – Thái Bình Dương không những không thể xóa bỏ tâm lý bất an đang tồn tại phổ biến, mà còn làm gia tăng tâm lý bất an. Ngay cả các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Philíppin, Thái Lan… tham gia hệ thống liên minh này cũng như vậy. Họ chưa cảm thấy an toàn hơn khi có sự tồn tại của hệ thống liên minh “trục nan hoa”, mà vẫn có cảm giác bất an.

Các khu vực chủ yếu trên thế giới sau Chiến tranh Lạnh đã xây dựng cơ chế an ninh khu vực khá vững vàng. Chẳng hạn như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết nối khu vực châu Âu – Đại Tây Dương, khu vực Liên Xô trước đây đã hình thành Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), châu Phi có Liên minh châu Phi (AU)… Thậm chí, khu vực Đại Trung Đông gần đây rối loạn liên miên cũng có Liên đoàn Arập (AL). Vì sao châu Á – Thái Bình Dương có kinh tế không ngừng tăng trưởng, ảnh hưởng quốc tế không ngừng gia tăng, đặc biệt là tình hình an ninh nghiêm trọng, đang cần gấp một cơ chế an ninh có hiệu quả, bao trùm khu vực lại chưa thể xây dựng một cơ chế an ninh như vậy? Nguyên nhân ở đâu?

Về nguyên nhân khách quan, việc xây dựng khu vực châu Á – Thái Bình Dương chậm hơn so với khu vực châu Âu, Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và châu Phi, Trung Đông vì sự phân tán tự nhiên. Có thể phân tích sự phân tán này từ cấp độ cụ thể như sau:

Thứ nhất, phạm vi địa lý châu Á – Thái Bình Dương quá lớn, từ Mông Cổ - trung tâm châu Á vươn tới phía Nam là châu Đại Dương, từ bán đảo Ấn Độ sang phía Đông là Tây Thái Bình Dương tiếp giáp với Mỹ, mỗi chiều dọc ngang đều hơn 10.000 km. Không có bất kỳ khu vực nào trên thế giới giống như vậy, tìm ra lời giải cho một cơ chế an ninh bao trùm cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương là vấn đề quá khó!

Thứ hai, châu Á – Thái Bình Dương không chỉ to lớn không gì sánh được về địa lý, mà đặc trưng địa lý mang tính đa dạng, dựa vào đất liền vươn ra biển, nửa đất liền nửa đại dương. Các quốc đảo gồm có Nhật Bản, Ôxtrâylia, Inđônêxia, các quốc gia dựa vào đại lục để hướng ra biển như Trung Quốc, Ấn Độ, còn có những nước nằm sâu trong lục địa như Mông Cổ, Nêpan và các quốc gia Trung Á. Về lịch sử, những quốc gia này đã bị đại dương và núi cao chia cắt thành nhiều khu vực nhỏ như Đông Bắc Á, Trung Á, Nam Á, Đông Nam Á và các quốc đảo Thái Bình Dương, chưa trở thành một vùng địa lý thống nhất.

Thứ ba, châu Á – Thái Bình Dương là khu vực trẻ nhất trên thế giới, là vùng duy nhất đang trong quá trình phát triển, vẫn chưa định hình khối địa chính trị cuối cùng. Khái niệm châu Á – Thái Bình Dương bắt đầu từ sau Đại chiến thế giới lần thứ 2 và chỉ trở nên quen thuộc vào thập niên 1970- 1980, phạm vi địa lý cũng không ngừng mở rộng, khu vực trung tâm cũ là các nước Đông Á cũ ở phía Đông eo biển Malacca bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên và Đông Nam Á. Tiếp đó, do Ấn Độ thực hiện chính sách hướng Đông, Ôxtrâylia thực hiện chính sách hướng Bắc, phạm vi châu Á – Thái Bình Dương không ngừng mở rộng. Hiện tại, do tính chất quan trọng của khu vực này gia tăng, Mỹ và Canađa đã “hướng sang phía Tây” xuyên qua Thái Bình Dương để trở thành quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tích cực hội nhập vào khu vực. Trong quá trình tiếp tục phát triển, châu Á – Thái Bình Dương chưa xây dựng được cơ chế an ninh bao trùm khu vực.

Thứ tư, châu Á – Thái Bình Dương điều kiện nhân văn, chính trị phức tạp, vô cùng đa dạng. Về chính trị, khu vực này có các nước Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam và Lào theo chủ nghĩa xã hội, cũng có các quốc gia tư bản chủ nghĩa điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ôxtrâylia. Về kinh tế, Nhật Bản và Ôxtrâylia là những nước phát triển nhất thời kỳ “hậu hiện đại”, Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia mới nổi mang tính hiện đại, còn Mianma là quốc gia mới nổi “hậu hiện đại”. Khu vực này vừa có Mianma, Việt Nam, Thái Lan theo đạo Phật, vừa có Philíppin theo đạo Thiên Chúa, lại có Inđônêxia theo đạo Hồi…, nhân chủng, ngôn ngữ, văn hóa của các nước này cũng rất đa dạng. Sự đa dạng đó làm châu Á – Thái Bình Dương rất dễ tạo ra cục diện đóng cửa, tự đảm bảo an ninh trong tiểu khu vực.

Mặc dù, kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển, tiến trình hội nhập kinh tế khu vực đang được đẩy nhanh và đang trở thành trung tâm địa chính trị thế giới, nhưng khu vực này phải khắc phục tính chất phân tán để cuối cùng hình thành nhận thức chung, đồng thuận khu vực. Tiến trình này cần phải lâu dài, phức tạp. Nếu châu Á – Thái Bình Dương không đạt được nhận thức chung và đồng thuận, con đường xây dựng cơ chế an ninh khu vực lấy châu Á – Thái Bình Dương làm đơn vị lớn còn lâu mới thực hiện được.

Về nhân tố chủ quan, tiến trình xây dựng cơ chế an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương trì trệ hơn so với các khu vực châu Âu, SNG, châu Phi, thậm chí là Trung Đông. Các nước lớn có khả năng lãnh đạo như Ấn Độ, Nhật Bản, Inđônêxia, Ôxtrâylia, Hàn Quốc… chưa chủ động, tích cực phát huy vai trò chỉ đạo thúc đẩy tiến trình xây dựng an ninh khu vực. Về tổng quan thế giới, bất kỳ việc xây dựng một cơ chế an ninh nào cũng không thể tách rời vai trò lãnh đạo và động lực thúc đẩy của nước lớn, chẳng hạn như các tổ chức an ninh của châu Âu phụ thuộc vào sự lãnh đạo và thúc đẩy của Mỹ và Liên Xô. Cơ chế an ninh không phổ biến vũ khí hạt nhân bắt nguồn từ “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân” được ký giữa Mỹ, Anh và Liên Xô vào năm 1963. Tổ chức thống nhất châu Phi được các cường quốc như Ai Cập, Nigiêria… lãnh đạo. Tuy nhiên, tại châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ thực hiện hệ thống liên minh theo mô hình “trục-nan hoa” chỉ duy trì bảo vệ địa vị an ninh tuyệt đối của họ và các đồng minh của họ ở khu vực này. Thậm chí, Mỹ còn lôi kéo các nước có ảnh hưởng lớn trong khu vực như Ấn Độ, Việt Nam … đi theo mình, dẫn đến châu Á – Thái Bình Dương vẫn sa vào tình trạng bế tắc an ninh.

Do Trung Quốc bị cô lập, gạt bỏ trong một thời gian dài, thậm chí buộc phải ứng phó với hệ thống liên minh Mỹ, Nhật Bản, Ôxtrâylia, Hàn Quốc… nên luôn giữ thái độ tiêu cực đối với việc thúc đẩy xây dựng cơ chế an ninh khu vực. Kết quả là mặc dù tình hình an ninh bế tắc và thiếu an toàn nghiêm trọng, tình thế an ninh nguy hiểm lại chưa thể khởi động được tiến trình xây dựng cơ chế an ninh khu vực xóa bỏ sự thiếu an toàn, giải quyết bế tắc an ninh, làm dịu tình trạng căng thẳng, thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Làm thế nào để xây dựng cơ chế an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương?

Châu Á – Thái Bình Dương rõ ràng rất cần xây dựng cơ chế an ninh hiệu quả, có thể bao trùm toàn khu vực, lại thấy rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan vì sao chưa thể xây dựng cơ chế an ninh khu vực. Vậy làm thế nào để xây dựng cơ chế an ninh khu vực:

Trước hết, các nước châu Á – Thái Bình Dương phải nỗ lực phá bỏ những giới hạn về địa lý, lịch sử, văn hóa, tôn giáo ý thức hệ và chế độ chính trị, tăng cường sự đồng thuận châu Á – Thái Bình Dương, xây dựng nhận thức chung khu vực, tạo ra môi trường chính trị và vũ đài cơ bản để xây dựng cơ chế an ninh khu vực. Tương lai khu vực châu Á – Thái Bình Dương cuối cùng sẽ bao gồm các nước ở vành đai Thái Bình Dương, bao gồm các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Á, Nam Á, các quốc đảo Thái Bình Dương. Tổng số dân ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương lên tới gần 4 tỷ người, gấp từ 8-10 lần dân số Liên minh châu Âu (EU), nhiều hơn một nửa dân số thế giới. Số lượng quốc gia gấp khoảng 2 lần EU, không dưới 50 nước, trong đó 4 nước có diện tích lớn nhất thế giới (Nga, Canađa, Trung Quốc, Mỹ), 4 nước có dân số đông nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Inđônêxia), 3 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản).

Về đặc điểm địa chính trị, châu Á – Thái Bình Dương có 3 nước (Trung Quốc, Mỹ, Nga) trong tổng số 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có 6 nước (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Pakixtan, Bắc Triều Tiên) trong tổng số 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân và có 7 nước (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc) trong số 10 nước có lực lượng quân đội hùng mạnh nhất thế giới.

Về quy mô kinh tế, 21 nước châu Á – Thái Bình Dương tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Tổng sản phẩm quốc nội của các nước thành viên APEC chiếm 54% toàn thế giới, chiếm 44% tổng lượng thương mại và dịch vụ của toàn cầu. Về triển vọng phát triển trong phạm vi Đại châu Á – Thái Bình Dương có những nước như Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN sở hữu lực lượng lao động và nhu cầu thị trường lớn. Các nước Trung Á, khu vực Viễn Đông của Nga, Đông Nam Á, Ôxtrâylia và Canađa có nguồn tài nguyên phong phú, còn có các nước như Mỹ, và Nhật Bản có kinh nghiệm quản lý và trình độ công nghệ cao. Những nhân tố kinh tế quan trọng như vậy có khả năng hội nhập hữu cơ, không gian tăng trưởng kinh tế châu Á – Thái Bình Dương có thể tăng lên gấp nhiều lần. Xem xét từ việc kinh tế Bắc Mỹ tăng trưởng nhanh hơn châu Âu thì đến khoảng năm 2020, tổng lượng kinh tế và thương mại khu vực Đại châu Á – Thái Bình Dương bao gồm khu vực Bắc Mỹ có thể tăng vọt lên chiếm đến 2/3 cả thế giới. Địa vị châu Á – Thái Bình Dương được nâng cao trở thành trung tâm địa chính trị toàn cầu không những là xu thế lớn của lịch sử, mà cũng phù hợp với các nước trong khu vực này, đặc biệt là lợi ích và nguyện vọng của những quốc gia thành viên cũ. Châu Á – Thái Bình Dương có lý do để tự hào, càng có lý do để thúc đẩy đồng thuận, nỗ lực tăng cường liên kết trong khu vực.

Thứ hai là tăng cường nhận thức chung chiến lược để các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương tích cực xây dựng cơ chế an ninh khu vực trên cơ sở thúc đẩy đồng thuận chiến lược. Không có an ninh thì không thể phát triển, các nước châu Á – Thái Bình Dương muốn thực hiện nguyện vọng phát triển hòa bình và trở thành trung tâm kinh tế, chính trị thế giới thì ngoài tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại ra, tăng cường bảo vệ an ninh khu vực là điều không thể thiếu. Trong thời đại toàn cầu hóa, an ninh là vấn đề chung và liên quan với nhau, bất cứ quốc gia nào cũng không thể tạo ưu thế an ninh tuyệt đối cho mình bằng cách hy sinh lợi ích an ninh của nước khác. Các nước châu Á – Thái Bình Dương chỉ có thông qua tăng cường hợp tác, đặc biệt là hợp tác an ninh khu vực mới có thể thúc đẩy an ninh, đảm bảo an ninh. Việc xây dựng cơ chế an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương bao trùm toàn khu vực và các quốc gia đều bình đẳng tham gia mới có thể đảm bảo cho các nước trong khu vực hiểu được đối phương, xóa bỏ đánh giá sai lầm, giải quyết bất đồng trên cơ sở an ninh và lợi ích chung. Đồng thời, cơ chế này có thể giúp thực hiện biện pháp chung để ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, bao gồm ứng phó với những bất đồng về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và tăng cường lòng tin chiến lược.

Thứ ba là phải thực hiện biện pháp tích cực để xóa bỏ các trở ngại trong hợp tác an ninh khu vực và xây dựng cơ chế an ninh khu vực, đặc biệt phải lựa chọn biện pháp tích cực để xóa sạch tàn dư Chiến tranh Lạnh, bao gồm xóa sạch tư duy và hệ thống liên minh thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Về phương diện này, có thể nói, việc Mỹ và liên minh châu Á – Thái Bình Dương của họ duy trì và mở rộng hệ thống liên minh kiểu “Trục-nan hoa” là biểu hiện tập trung của tàn dư Chiến tranh Lạnh, cũng là trở ngại lớn nhất để xây dựng cơ chế an ninh châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực này không thể vừa có một hệ thống liên minh mang màu sắc Chiến tranh Lạnh do Mỹ lãnh đạo và một nước tham gia để đe dọa an ninh một số quốc gia khác, lại vừa xây dựng một chế an ninh nữa do toàn bộ các nước trong khu vực tham gia. Hai hệ thống này không thể dung hòa với nhau. Ở mức độ nhất định, việc xóa bỏ hoặc chuyển đổi hệ thống liên minh “Trục-nan hoa” tại châu Á – Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo là điều kiện tiền đề quan trọng để xây dựng cơ chế an ninh khu vực.

Thứ tư là điều chỉnh cơ chế hợp tác khu vực hiện có và các loại hình cơ chế hợp tác tiểu vùng, trong đó có vấn đề làm cho cơ chế an ninh tiểu vùng phục vụ việc xây dựng cơ chế an ninh khu vực. Cơ chế khu vực hiện có tại châu Á – Thái Bình Dương bao gồm APEC, ASEAN+n. Hai tổ chức mang tính khu vực này tuy chủ yếu nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế là chủ yếu nhưng đã tạo ra một hình mẫu nhất định để xây dựng cơ chế an ninh khu vực, bao gồm quy định phạm vi địa lý, tính chất mở cửa, phương thức vận hành tương đối… Cơ chế hợp tác tiểu khu vực tại châu Á – Thái Bình Dương bao gồm Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), cơ chế Đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cơ chế hợp tác Trung – Nhật – Hàn, cơ chế hợp tác phát triển tiểu vùng sông Mekong… Những cơ chế này, đặc biệt là cơ chế an ninh tiểu khu vực không nên coi là đối lập với việc xây dựng cơ chế an ninh trên toàn khu vực, nên coi là giai đoạn đặt nền móng chuẩn bị để xây dựng cơ chế an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nếu những cơ chế tiểu khu vực này được điều chỉnh liên kết đúng đắn, thì có thể tạo cơ sở để xây dựng cơ chế an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai.

Cuối cùng, trong quá trình xây dựng cơ chế an ninh châu Á – Thái Bình Dương, các nước lớn phải gánh vác “trách nhiệm nước lớn” đối với an ninh khu vực này. Mỹ thực hiện “chuyển hướng” chiến lược sang phía Đông đã có những bước đi mang tính thực chất. Đánh giá chung, Mỹ thực hiện chuyển hướng chiến lược sang phía Đông, chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương là phù hợp với xu thế lớn trỗi dậy của khu vực này. Đây là giải pháp tích cực để Mỹ cuối cùng cũng hội nhập toàn diện vào châu Á – Thái Bình Dương với tư cách là một quốc gia thuộc khu vực này. Việc làm đó chắc chắn có ý nghĩa lành mạnh đối với một khu vực đang trỗi dậy thành trung tâm địa chính trị toàn cầu là châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, màu sắc quân sự khi Mỹ thực hiện chuyển hướng chiến lược sang Đông quá đậm nét. Mỹ đã thu hẹp mặt trận Đại Trung Đông và châu Âu, đồng thời lại tăng thêm binh lực tại châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là mở thêm các căn cứ quân sự mới ở khu vực này, mở rộng “bố trí phía trước”, gia tăng tâm lý bất an cho những nước không phải là đồng minh của Mỹ, có tác dụng kích động nhất định đối với tình hình căng thẳng và chạy đua vũ trang tại đây. Đồng thời, là cường quốc ngoại vi có ảnh hưởng lớn tại châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ đã chia năm xẻ bảy các quốc gia trong khu vực, đóng vai trò “cân bằng từ xa” cũng là điều bất lợi việc thúc đẩy sự đồng thuận và nhận thức chung châu Á – Thái Bình Dương. Nếu Mỹ không điều chỉnh tàn dư tư duy Chiến tranh Lạnh thiển cận đó thì sự chuyển hướng chiến lược sang Đông của họ sẽ từ “hội nhập” thành “xâm nhập” châu Á – Thái Bình Dương, sẽ gây trở ngại cho sự hình thành đồng thuận khu vực. Nếu như vậy, châu Á – Thái Bình Dương sẽ khó xóa bỏ trở ngại, khó xây dựng nổi cơ chế an ninh bao trùm toàn khu vực.

Theo Tạp chí “Thế giới đương đại”, Trung Quốc

Quốc Trung (gt)