Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga mất đi thành trì quân sự trên toàn thế giới, vai trò của họ giảm xuống chỉ còn là "cường quốc khu vực". Kể từ đó, ảnh hưởng của Nga đã bị thách thức ngay cả trong khu vực truyền thống, sự kiện gần nhất là Ukraine. Trong khi đó, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất có khả năng triển khai sức mạnh quân sự ở gần như bất cứ nơi nào trên thế giới bằng cách sử dụng các căn cứ quân sự nằm rải rác trên toàn cầu, kể cả ở châu Á-Thái Bình Dương. Việc duy trì các căn cứ quân sự đã dự báo rõ ràng về học thuyết chiến lược quân sự hướng ra bên ngoài của Mỹ với tuyên bố sẽ chỉ tham gia các chiến dịch quân sự bên ngoài lãnh thổ. Mỹ, do đó đã bị sốc khi al-Qaeda đưa “chiến trường” đến lãnh địa của mình vào tháng 9/2001 với các cuộc tấn công khủng bố Trung tâm Thương mại thế giới ở New York và Lầu Năm Góc. Phản ứng của Mỹ đối với các cuộc tấn công 11/9 đã rất mạnh mẽ, dưới ngọn cờ cuộc chiến tranh chống khủng bố, lực lượng liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã sử dụng hành động quân sự ở Afghanistan, Iraq và Libya.

Hiện nay, Mỹ cũng can dự ở khu vực này thông qua hỗ trợ quân sự vào mức độ thấp nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Là một phần nỗ lực của Nhóm P5+1 (5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc cộng thêm Đức), Mỹ vẫn còn gặp khó khăn trong việc ép buộc Iran từ bỏ ý định sản xuất vũ khí hạt nhân. Tình hình ở bán đảo Triều Tiên cũng như các cuộc xung đột Israel-Palestine nằm trong chương trình nghị sự toàn cầu của Mỹ, bên cạnh chính sách cấm vận bế tắc kéo dài với Cuba và một số chính phủ thiên tả ở khu vực Mỹ Latinh. Trong khi Mỹ liên tục bận rộn với các vấn đề khó khăn trên thì Trung Quốc tiếp tục rộng đường thực hiện các chương trình cải cách được khởi xướng bởi Đặng Tiểu Bình với câu nói nổi tiếng “cho dù là mèo đen hay mèo trắng, có thể bắt được chuột thì đều là mèo tốt”. Theo đuổi chương trình nghị sự của Đặng Tiểu Bình, Chủ tịch Tập Cận Bình giới thiệu khái niệm "Giấc mộng Trung Hoa" vào năm 2013, nhằm mục đích tiến tới một xã hội khá giả vào năm 2020, trở thành quốc gia phát triển thực sự vào năm 2049. Tờ “The New York Times” số ra tháng 6/2013 nhận định mục tiêu trên chỉ là lời nói, đằng sau đó là sức mạnh quân sự, kinh tế, xã hội và môi trường.

Các thành quả cải cách của nước này cho đến nay là đáng kinh ngạc, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, thậm chí tờ “The Economist” đã khẳng định Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2021. Trung Quốc cũng sở hữu khoảng 30% dự trữ ngoại hối thế giới, với khoảng 4.500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người vào loại cao, dao động ở mức 7.000 USD (theo Ngân hàng Thế giới, số liệu năm 2013). Trung Quốc đã tăng chi tiêu quốc phòng để tương xứng với sức mạnh kinh tế, tại kỳ họp Quốc hội tháng Ba vừa qua đã quyết định dành khoản ngân sách 132 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, tăng 12% so với năm 2013. Tờ “The Economist” thậm chí còn nhận định rằng Trung Quốc đã tăng 40% ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải đối diện với nhiều thách thức: bong bóng bất động sản có nguy cơ bị vỡ, căng thẳng về các phong trào ly khai và cực đoan, đặc biệt ở khu tự trị Tân Cương và Tây Tạng hay cuộc chiến giằng co với Đạt-lai Lạt-ma. Tác giả nói rằng sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc khu vực đã khiến Mỹ khó chịu. Mỹ tin rằng sự thiếu tập trung vào khu vực trong nhiều thập kỷ qua đã cho phép Trung Quốc nổi lên như một đối thủ cạnh tranh xứng tầm. Vì vậy, Tổng thống Barack Obama đã quyết định quan tâm đến khu vực này khi đưa ra "chính sách xoay trục châu Á", khẳng định "các vấn đề chi phối thế kỷ 21 sẽ được quyết định trong khu vực này" như cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo chí. Do Mỹ thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là ở Afghanistan, Iraq, Libya, Syria và Iran, Mỹ dường như bị phân tán nguồn lực để có thể đóng vai trò mang tính quyết định ở châu Á-Thái Bình Dương, tạo ra khoảng trống chiến lược cho Trung Quốc. Trong bối cảnh này, thế giới chứng kiến các hành động quyết đoán hơn của Trung Quốc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi, chẳng hạn như các tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trung Quốc đã thực hiện một số động thái để khẳng định tuyên bố chủ quyền trên những vùng biển tranh chấp, bao gồm ban hành luật sáp nhập các đảo tranh chấp vào lãnh thổ nước mình, in hộ chiếu với bản đồ các khu vực tranh chấp thuộc lãnh thổ của Trung Quốc; gửi các cơ quan nghiên cứu, quân sự tới các vùng lãnh thổ tranh chấp, thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông… Tất cả những hành động trên đã bị bác bỏ bởi các nước phản đối, trong đó có Mỹ. Nếu những căng thẳng âm ỉ không được kiểm soát, nguy cơ xung đột sẽ trở thành hiện thực, hy vọng rằng Mỹ với chính sách xoay trục châu Á sẽ tạo ra đối trọng với Trung Quốc hơn là lời tuyên bố suông do quá bận rộn với những cuộc xung đột ở Afghanistan, Iraq, Libya và Syria, hay vấn đề hạt nhân Iran. Sự xuất hiện của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng ở Iraq và Syria cũng đã làm phức tạp hơn chương trình nghị sự của Mỹ. Do đó, chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương đã bị đình trệ, cho phép Trung Quốc tiếp tục khẳng định quyền lực của mình, ít nhất là cho đến khi Mỹ thoát khỏi những vấn đề đang diễn ra, nhưng đây lại là một câu chuyện dài.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung không phải là kịch bản ngày tận thế, không phải là một sự lựa chọn một mất một còn. Vì vậy, các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần có những phản ứng thích hợp để giúp duy trì hòa bình, an ninh và sự ổn định cần thiết để tiếp tục chương trình phát triển của mình. Trước hết, các nước phải gạt bỏ "hy vọng sai lầm" rằng chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ sẽ cung cấp cho họ cái ô an ninh, vì Mỹ đang quá bận tâm với những vấn đề cấp bách ở nơi khác. Hơn nữa, các nước phải thuyết phục Trung Quốc không được gây xáo trộn tình hình. Là một phần của khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn, ASEAN ngày càng quan trọng với dân số khoảng 600 triệu người, nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới với GDP gần 3000 tỷ USD. ASEAN phải tham gia với Trung Quốc để hoàn tất đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tập trung vào sự cần thiết phải cùng nhau khai thác những vùng lãnh thổ tranh chấp vì lợi ích chung. Cuối cùng, phải kêu gọi Trung Quốc xây dựng liên kết khu vực bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào các dự án trên đất liền, biển và cơ sở hạ tầng hàng không ở khắp châu Á-Thái Bình Dương, phù hợp với lợi ích chính sách “Hướng tới đầu tư toàn cầu” của Trung Quốc với mục tiêu quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Trung Quốc càng đầu tư nhiều thì càng ít có khả năng gây xáo trộn tình hình khu vực. Các nước trong khu vực cần thuyết phục Trung Quốc làm như vậy trước khi Mỹ trở lại khu vực này một cách đầy đủ. Các giải pháp này cần được chính phủ mới ở Indonesia tính đến một cách nghiêm túc vì các nước cần phải thừa nhận thực tế rằng Mỹ sẽ tiếp tục là siêu cường quân sự, trong khi những nỗ lực của Trung Quốc để trở thành một đối tác quan trọng là không thể ngăn cản.

Bài viết của ông Imron Cotan, Cựu Đại sứ Indonesia tại Australia và Vanuatu  (2003-2005), Trung Quốc và Mông Cổ (2010-2013) đăng trên trang “Bưu điện Jakarta” (ngày 16/9).

Vũ Hiền (gt)