8c89a590f56e150242b62b(1).jpg

Trước sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh thể hiện rõ nét những hứa hẹn và sức mạnh của Trung Quốc, các nước tham dự hội nghị "Vành đai và Con đường" và Úc đều có tâm trạng mâu thuẫn, đó là "sợ hãi và tham lam". Sáng kiến "Vành đai và Con đường" là vũ điệu đầy sức mạnh của đồng tiền với quyền lực "mềm" đồng thời nắm giữ quyền lực "cứng". Sáng kiến này mang lại cơ hội tuyệt vời cho Trung Quốc trong việc tiếp cận hàng chục quốc gia trên thế giới. Chỉ cần thực hiện một nửa số cam kết trong sáng kiến này, Trung Quốc sẽ có thêm nhiều quyền lực và vai trò lãnh đạo lớn hơn, đồng thời đẩy mạnh mạng lưới quan hệ khu vực và song phương của nước này.

Giấc mơ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nước này giữ vai trò thống trị ở châu Á. Kể từ năm 2014, Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới về sức mua tương đương và hiện đang tung tiền ra. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy từ bên trong để đưa nước Mỹ hưng thịnh trở lại thì ông Tập Cận Bình vươn ra bên ngoài đưa Trung Quốc hưng thịnh trở lại trên vũ đài thế giới.

Theo đánh giá của nhà báo Rowan Callick, xem xét những động thái diễn ra tại Bắc Kinh cho thấy "Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã di chuyển vào không gian mà Washington để lại như một người khởi xướng và pha trộn bức tranh kinh tế trên quy mô toàn cầu cùng với những kết nối địa chính trị. Không ai có thể bỏ qua hoặc đánh giá thấp Trung Quốc, quốc gia duy nhất có nền kinh tế hùng mạnh để thực hiện việc này”.

Cựu Đại sứ Úc ở Trung Quốc Geoff Raby nói rằng Bắc Kinh đặt ra ba yêu cầu đối với "Vành đai và Con đường". Về mặt kinh tế, đa dạng hóa cổ phần tài sản nước ngoài từ Ngân khố Mỹ như một phần của chiến lược "toàn cầu" của Trung Quốc. Đồng thời, cơ sở hạ tầng ở nước ngoài mang lại hành lang cho sự phát triển của Trung Quốc khi mà sự phát triển này đang vượt quá khả năng hạ tầng trong nước của nước này. Về mặt ổn định nội bộ là nhằm phát triển các tỉnh biên giới vùng xa nghèo hơn. Về mặt chiến lược, Trung Quốc đang thể hiện một thực tế mới cho toàn thế giới. Đó là Trung Quốc là nước có ý chí, nguồn lực và ý tưởng cho vai trò lãnh đạo toàn cầu và có ý định tái tạo lại trật tự quốc tế.

Những gì Trung Quốc đã xây dựng ở châu Á trong thế kỷ này là mô hình cho những gì mà nước này muốn triển khai trên quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào Trung Quốc cũng có được những gì họ muốn. Ví dụ như ở Sri Lanka và Myanmar. Tại Sri Lanka, các dự án hạ tầng chính của Trung Quốc ở nước này dựa trên sự ủng hộ của cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa và bộ máy chính trị của ông. Tuy nhiên, sự thất bại của Tổng thống Rajapaksa trong cuộc bầu cử năm 2015 một phần là do người Sri Lanka phản đối sự can dự của Trung Quốc vào nước này. Câu chuyện tương tự xảy ra ở Myanmar hồi năm 2011 khi nước này từ chối dự án xây đập khổng lồ của Trung Quốc. Myanmar chuyển sang chế độ dân chủ, quay lưng lại với sự thống trị của Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Evelyn Goh, Giáo sư Khoa nghiên cứu chính sách chiến lược thuộc Đại học Quốc gia Úc (ANU), đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng, trong cuốn sách “Sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á đang phát triển” cho rằng nước bảo trợ không phải bao giờ cũng nhận được tất cả những gì họ muốn từ những nước được bảo trợ. Trái ngược với cách tiếp cận tập trung vào an ninh của Mỹ, Trung Quốc tiếp cận châu Á theo hướng đối tác kinh tế và phát triển với những đặc điểm sau:

Thứ nhất, Bắc Kinh cố gắng không buộc những nước láng giềng đang phát triển làm những gì mà họ sẽ không làm. Thay vào đó, Trung Quốc đáp ứng các yêu cầu phát triển với “đầu tư song phương nhanh và không minh bạch”.

Thứ hai, mục đích chiến lược của Trung Quốc là đầu tư vào ảnh hưởng của mình ở châu Á, xây dựng thiện chí như là một hàng rào chống lại sự phản đối trong tương lai.

Thứ ba, Trung Quốc không dễ đạt được những gì mình muốn - mức độ ảnh hưởng của nước này có xu hướng phụ thuộc vào động lực trong nước ở các quốc gia mục tiêu.

Thứ tư, tác động hệ thống của sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc ở châu Á đang phát triển bị hạn chế bởi các điều kiện cơ cấu rộng hơn, các thể chế quốc tế và các quy tắc của Tây phương chiếm ưu thế.

Nhà nghiên cứu Goh cho rằng điều rất quan trọng đối với việc sáng kiến "Vành đai và Con đường" sẽ phát triển như thế nào là Bắc Kinh không đánh giá cao quyền tự chủ của các nước láng giềng, đồng thời nhận thấy bất cứ sự chệch hướng nào từ quan điểm của Bắc Kinh như những âm mưu đen tối từ các cường quốc khác. Trung Quốc đã nhận thấy mâu thuẫn giữa "mô hình ảnh hưởng lành mạnh" mà nước này đang xây dựng và hành vi cưỡng chế của nước này ở Biển Đông. Theo nhà nghiên cứu Goh, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc coi lập trường cứng rắn của các nước có tranh chấp ở Biển Đông là do Mỹ gây ra chứ không phải là phản ứng mang tính dân tộc chủ nghĩa trước sự quyết đoán của Trung Quốc trong các cuộc xung đột song phương.

Các nhà phân tích, hoạch định chính sách và dư luận Trung Quốc cũng đang nhận thấy sự trái ngược giữa sức mạnh vật chất ngày càng tăng của Trung Quốc và vị thế, ảnh hưởng, ấn tượng ngày càng giảm trên trường quốc tế của nước này. Không có gì rõ ràng rằng Bắc Kinh có thể dễ dàng giành chiến thắng ở các nước đang phát triển - nơi mà nước này có thể hứa hẹn khoản tín dụng nhanh chóng và cơ sở hạ tầng giá rẻ. Nhiều nước được chào mời những khoản tiền lớn từ "Vành đai và Con đường" sẽ sớm nhận được tiền song lo lắng về ảnh hưởng của Trung Quốc sau đó. Úc có quan điểm trung lập, tham dự hội nghị nhưng không chấp nhận sáng kiến này. Canberra đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải đấu tranh với việc Trung Quốc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB). Trong vấn đề AIIB, Úc đã gạt nỗi sợ hãi và chấp nhận tham lam hay nói một cách hoa mỹ hơn, tham vọng đã chiến thắng nỗi lo sợ.

Tác giả Graeme Dobell là nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc. Bài viết đăng trên “ASPI”.

Hương Trà (gt)