1. Triều Tiên thử nhiều thiết bị hạt nhân và tên lửa đạn đạo 

2016 đánh dấu năm đầu tiên cộng đồng quốc tế chứng kiến Triều Tiên tiến hành nhiều hơn 1 vụ thử hạt nhân, một vụ vào tháng Giêng và một vụ vào tháng 9. Bình Nhưỡng tuyên bố đây là 2 vụ thử bom nhiệt hạch. Tương tự, chúng ta cũng chứng kiến mức độ thử tên lửa chưa từng có của Triều Tiên, đặc biệt là các hệ thống tên lửa đẩy tầm trung Nodong, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm KN-11 và các tên lửa Hwasong-10 (Musudan). Hơn thế nữa, Triều Tiên đã thử các đầu đạn quay lại bầu khí quyển, động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn mới cho các tên lửa của nước này và phóng vệ tinh vào tháng 2. Thông điệp năm 2016 của Bình Nhưỡng là quá rõ ràng: Đó là nỗ lực nhằm hiện thực hóa khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy đang tiến triển ổn định. Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, dù vẫn là mục tiêu của Mỹ, dường như ngày càng phi thực tế. Với một chính quyền mới tại Washington, cuộc tranh cãi này có thể chuyển sang hướng ngăn chặn nhiều hơn. 

2. Các đợt gió lạnh tại Eo biển Đài Loan 

Căng thẳng giữa hai bờ Eo biển Đài Loan thu hút sự chú ý trong mấy tuần qua, bắt nguồn từ cuộc điện đàm chưa từng có tiền lệ giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, song năm 2016 đánh dấu sự thay đổi quan trọng tại Eo biển Đài Loan. Việc một chính phủ thiên hướng ủng hộ độc lập của đảng Dân tiến lên cầm quyền tại Đài Loan vào tháng 5/2016 sẽ dẫn tới sự đóng băng tạm thời các mối liên lạc giữa Đài Loan và Trung Quốc Đại lục. Bắc Kinh đã đình chỉ liên lạc giữa hai bên sau khi lên tiếng bất bình trước quan điểm của bà Thái Anh Văn đối với cái gọi là “Nhận thức chung năm 1992” giữa hai bờ eo biển. Eo biển Đài Loan sẽ được theo dõi sát sao như là một “thùng thuốc súng” tiềm tàng, nhất là khi chính phủ mới tại Mỹ dường như ít rụt rè hơn các chính quyền tiền nhiệm trong vấn đề tiếp cận với Đài Bắc. 

3. Luật pháp quốc tế “tấn công” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông 

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài gồm 5 thẩm phán tại La Hay (Hà Lan) đã ra một phán quyết được mong đợi từ lâu về vụ kiện do Philippines đệ đơn từ năm 2013 chống lại Trung Quốc. Tòa Trọng tài đã ra phán quyết hoàn toàn ủng hộ Manila đối với gần như tất cả các nội dung khởi kiện, đánh dấu thất bại lớn đầu tiên của Trung Quốc trước luật pháp quốc tế trong lĩnh vực biển. Đáng kể nhất, Tòa Trọng tài cho rằng tuyên bố “đường 9 đoạn” đầy mơ hồ của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở chiếu theo luật pháp quốc tế. Dù phán quyết của tòa không xác định bất kỳ hậu quả hữu hình nào đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, song phán quyết đó có giá trị như là một quyết định bước ngoặt trong lĩnh vực luật pháp quốc tế, phán quyết đầu tiên kiểu này trong bối cảnh đang có nhiều tranh chấp liên quan tới các đảo, đá và đá ngầm ở Biển Đông. 

4. Biển Đông và biển Hoa Đông tiếp tục dậy sóng 

Cả Biển Đông lẫn biển Hoa Đông đều đã chứng kiến những động thái đáng lưu ý trong năm 2016. Đặc biệt, Trung Quốc đang quyết liệt trong việc thực hiện các phép thử tại những khu vực tranh chấp thuộc hai vùng biển này bằng lực lượng hải quân và hải giám của mình. Tại biển Hoa Đông, chúng ta thấy xu thế gia tăng hoạt động kể từ mùa Hè, trong đó đảo Senkaku/Điếu Ngư một lần nữa nổi lên như là điểm nóng sau thời gian khá yên tĩnh trong năm 2015. Mấy tháng cuối năm, Không quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) và Hải quân PLA đã tiến hành tập trận tại eo biển Miyako và Bashi, mở đường cho tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc thực hiện hải trình lần đầu tiên tiến vào vùng biển Tây Thái Bình Dương đi qua các tuyến hàng hải trọng yếu dọc chuỗi đảo thứ nhất. Nhiều người dự đoán Trung Quốc sẽ điều tàu sân bay Liêu Ninh trở lại Tây Thái Bình Dương do thủy thủ đoàn của Trung Quốc đang cần tích lũy kinh nghiệm và hoạt động diễn tập quan trọng trước khi nước này hạ thủy chiếc tàu sân bay thứ 2, nhiều khả năng sẽ diễn ra trong năm 2017. 

Tại Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài, chúng ta đã chứng kiến tình trạng căng thẳng tiếp diễn giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và xung quanh bãi cạn Scarborough, khởi điểm ban đầu khiến Philippines kiện Trung Quốc. Indonesia, một nước không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, bừng tỉnh trước Trung Quốc liên quan tới các vùng biển tranh chấp tại biển Natuna, kích thích một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn của Chính quyền Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo đối với an ninh biển ở Biển Đông. Cuối cùng, các hình ảnh vệ tinh cuối năm 2016 cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu bố trí các hệ thống phòng thủ trên 7 đảo nhân tạo của nước này ở quần đảo Trường Sa. Trong năm 2017, Trung Quốc sẽ hành động quyết đoán hơn ở Biển Đông. 

5. Tổng thống Philippines “xoay trục” khỏi Mỹ 

Một trong những nguyên nhân khiến phán quyết của Tòa Trọng tài không hiệu quả trên thực tế là vì bên thưa kiện có sự thay đổi quan trọng trong chính phủ. Chính phủ theo chủ nghĩa quốc tế và chủ trương thân Mỹ của cựu Tổng thống Benigno Aquino III đã rời Điện Malacañang và nhường chỗ cho Tổng thống dân túy có quan điểm chống Mỹ Rodrigo Duterte. Ông Duterte, người nhậm chức 12 ngày trước khi Tòa Trọng tài ra phán quyết trong vụ nước này kiện Trung Quốc, đã lập tức phát đi tín hiệu dàn xếp các vấn đề với Trung Quốc tại Biển Đông. Dù bước đầu bị một số người chỉ trích là tính khí thất thường của một vị tổng thống dân túy thiếu kinh nghiệm chính trị, chủ nghĩa chống Mỹ của Tổng thống Duterte đã chứng tỏ sức mạnh đáng kể trên thực tế, đẩy tương lai của một trong những quan hệ liên minh hiệp ước quan trọng nhất của Mỹ vào chỗ nghi ngờ. Hơn thế nữa, Philippines sẽ giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2017, gần như chắc chắn rằng các quan điểm của Tổng thống Duterte sẽ ảnh hưởng tới tình hình địa chính trị tại khu vực trong năm 2017. 

6. Ba thay đổi lãnh đạo bất ngờ 

Năm 2016 chứng kiến những thay đổi bất ngờ ở cấp lãnh đạo cao nhất tại 3 nước Hàn Quốc, Uzbekistan và Thái Lan. Tại Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun-hye đã bị luận tội trong tháng 12 sau vụ bê bối dính dáng tới các hoạt động bị cáo buộc là phạm tội của người bạn thân Choi Soon-sil. Vụ việc này đã làm bùng lên các cuộc biểu tình và bất ổn chính trị kéo dài nhiều tuần. Bà Park đang đợi phán quyết của Tòa án Hiến pháp trước khi chính thức rời chính trường; thủ tướng tạm nắm quyền và cuộc bầu cử có thể diễn ra sớm hơn kế hoạch ban đầu vào tháng 12/2017. 

Tại Uzbekistan, ông Islam Karimov, một trong những nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất từ thời Liên Xô trước đây, qua đời ngay trước thời điểm nước này kỷ niệm 25 năm ngày tuyên bố độc lập. Vấn đề kế vị ông Islam Karimov lúc đầu làm dấy lên nhiều nghi ngại, song Thủ tướng thời ông Karimov là Shavkat Mirziyoyev đã tiếp quản “ghế nóng”. Shavkat Mirziyoyev được cho là sẽ tiếp tục chế độ cầm quyền “bàn tay sắt” thời Karimov, vốn bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và phớt lờ luật pháp. 

Tại Thái Lan, vị vua cầm quyền lâu nhất thế giới Bhumibol Adulyadej đã qua đời, nhường lại ngai vàng cho Hoàng Thái tử Maha Vajiralongkorn. Thái Lan, bất chấp việc là một chế độ quân chủ lập hiến, sẽ chứng kiến Nhà vua đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý mối căng thẳng giữa quân đội và phe dân sự dưới thời chính phủ do quân đội Thái Lan lãnh đạo hiện nay, vốn lên cầm quyền sau cuộc đảo chính tháng 5/2014. Đặc biệt, năm 2017 có thể Thái Lan sẽ xuất hiện thêm căng thẳng giữa lực lượng bảo hoàng và các nhân vật cực hữu, những người vốn lâu nay không ưa Thái tử Maha Vajiralongkorn. Dù Nhà vua và chính quyền quân sự cầm quyền đã tìm kiếm được một lộ trình kế vị ngai vàng trong hòa bình sau cái chết của Nhà vua Bhumibol, song vẫn còn nhiều nhân vật trong quân đội Thái Lan lo ngại Nhà vua mới có thể sẽ ủng hộ cựu Thủ tướng được bầu một cách dân chủ Thaksin Shinawatra. 

7. Đụng độ giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan tới khu vực Kashmir 

2016 không phải là một năm tốt đẹp đối với Ấn Độ và Pakistan. Căng thẳng giữa hai quốc gia Nam Á láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân này đã gia tăng sau khi Ấn Độ tiêu diệt Burhan Wani, thủ lĩnh tổ chức Hồi giáo lớn nhất ở Kashmir là Hizbul Mujahideen. Cuối cùng là vụ tấn công khủng bố trong tháng 9/2016, sau khi nhiều tay súng vượt qua tuyến Kiểm soát (LoC) chia cắt Ấn Độ với vùng lãnh thổ Kashmir do Pakistan kiểm soát, và tấn công binh sĩ Ấn Độ, khiến quân đội Ấn Độ phải hứng chịu vụ thiệt hại lớn nhất trong hơn 1 thập kỷ. Bước sang năm mới 2017, hai nước láng giềng này hầu như chưa cho thấy tín hiệu hòa giải. Ấn Độ tích cực thực thi chiến lược cô lập Pakistan trên trường quốc tế, trong khi Islamabad tiếp tục vật lộn với những bất đồng giữa chính phủ dân cử và giới lãnh đạo quân đội nước này. 

8. Ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ 

Sự kiện ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ phát đi tín hiệu rằng vai trò bấy lâu nay của Mỹ với tư cách là người bảo trợ cấu trúc an ninh của khu vực châu Á và trật tự thế giới hậu Chiến tranh thế giới thứ hai đang bị nghi ngờ. Thời điểm chuyển giao quyền lực đang tới gần, Tổng thống đắc cử Trump đang thể hiện là kiểu người ủng hộ ngoại giao song phương, gần như hoàn toàn tập trung vào các lợi ích hữu hình của nước Mỹ. Việc Mỹ ủng hộ các nguyên tắc qui chuẩn trong vấn đề nhân quyền và pháp trị, cùng với sự ủng hộ có nguyên tắc đối với luật pháp quốc tế, có thể giảm sút, qua đó trao cơ hội cho chủ nghĩa xét lại khu vực của Trung Quốc, đối thủ lớn nhất của Mỹ ở châu Á. 

9. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dường (TPP) đổ vỡ 

Về mặt kỹ thuật, dù chưa có động thái chính thức nào, song Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng việc chấm dứt sự ủng hộ của Mỹ đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gây tranh cãi sẽ là một ưu tiên của chính quyền mới sau khi nhậm chức. Sự đổ vỡ của TPP sẽ chỉ làm lung lay uy tín của Mỹ với các đối tác và đồng minh ở châu Á, tái xác nhận tâm lý lo ngại rằng cam kết của Washington về vai trò lãnh đạo có qui tắc tại khu vực này đã đến lúc xế tàn, hoặc không còn nữa. Không có TPP, các hiệp định cạnh tranh như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và thỏa thuận thương mại tự do trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) có thể sẽ “lên ngôi”. Dù các thỏa thuận này không bao hàm trọng tâm chính của TPP đặt ra các tiêu chuẩn cao đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường, song chúng sẽ giúp thúc đẩy hội nhập và sự thịnh vượng của khu vực này. 

10. Afghanistan loạng choạng, đối mặt với thách thức lớn từ Taliban 

2016 không phải là năm mà nhiều người trong Chính phủ Afghanistan kỳ vọng. Với việc lần thứ 2 suýt để mất thủ phủ tỉnh quan trọng Kunduz vào tay phiến quân Taliban, cùng với đó là giao tranh ác liệt tại thành phố Lashkar Gah ở tỉnh Helmand, Chính phủ Afghanistan đang nỗ lực giữ các trung tâm đô thị lớn, trong khi buộc phải nhường các vùng lãnh thổ vùng sâu và hẻo lánh cho nhóm phiến quân này. Taliban đã phải hứng chịu những tổn thất lớn. Đặc biệt, một máy bay không người lái của Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh Mullah Akhtar Mohammed Mansour tại tỉnh Balochistan của Pakistan vào tháng 5/2016, dẫn tới việc Taliban phải lần thứ 2 thay đổi lãnh đạo trong vòng 2 năm. Ngoài phiến quân Taliban, nền kinh tế Afghanistan tiếp tục chật vật với tình trạng thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế không dựa vào viện trợ nước ngoài. Một thỏa thuận hòa bình gây tranh cãi với nhóm vũ trang Hezb-e-Islami được thêu dệt như một thắng lợi trong sự nghiệp hòa giải dân tộc, song khả năng đứng vững về lâu dài của Afghanistan vẫn cần phải chờ kiểm chứng. 

11. “Điểm nóng” Rakhine của Myanmar 

Những tháng cuối năm 2016 có thể báo trước một bước ngoặt cho tình hình tại khu vực dọc biên giới Myanmar-Bangladesh và bang Rakhine của Myanmar. Bạo lực đã gia tăng ở khu vực này trong các tháng cuối năm 2016, dẫn tới làn sóng di cư ồ ạt sang các khu vực khác ở Myanmar. Các nhà quan sát lưu ý rằng các vụ tấn công trả thù nhằm vào lực lượng Cảnh sát Biên phòng Myanmar tại bang Rakhine báo hiệu một cuộc nổi dậy mới có thể đang hình thành, được lãnh đạo bởi những người sắc tộc Rohingya ở nước ngoài. Bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã tận hưởng hơn 1 năm cầm quyền kể từ sau cuộc bầu cử lịch sử năm 2015, nhưng hầu như không có tín hiệu quan tâm tới một giải pháp bền vững và nghiêm túc cho những thách thức ở khu vực này. 

12. Abe và Putin thân thiện 

Tháng 5/2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Sochi (Nga) dự một hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc gặp này đánh dấu sự khởi đầu cho một cách tiếp cận mới của Tokyo với Moskva, khôi phục xung lực từng để mất hồi đầu năm 2014 sau khi Nhật Bản không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga, tiếp sau vụ Nga sáp nhập vùng lãnh thổ Crimea từ Ukraine. Các nỗ lực của Thủ tướng Abe lên tới đỉnh cao bằng một hội nghị thượng đỉnh quan trọng giữa 2 nhà lãnh đạo chỉ vài tuần trước khi năm 2016 khép lại. Điều đáng thất vọng đối với ông đó là không có sự nhượng bộ nào từ phía Nga liên quan tới vấn đề quần đảo Kuril, một tranh chấp lãnh thổ dai dẳng giữa 2 nước kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Thay vào đó, Nhật Bản nhất trí một loạt thỏa thuận kinh tế với Nga. Tuy nhiên, khi Tổng thống Putin ra về, không có tín hiệu nào cho thấy cách tiếp cận mới mà hai bên khởi động trong năm 2016 sẽ đặt nền tảng phát triển trong năm 2017. Hãy quan sát cách mối quan hệ này sẽ định hình, nhất là sau khi Mỹ ban bố các lệnh trừng phạt chống lại Nga với cáo buộc Moskva đứng đằng sau các vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống bầu cử Mỹ. Thủ tướng Abe có thể phải quyết định hoặc tiếp tục đứng trong liên minh lâu đời với Mỹ, hoặc có thể ông Trump sẽ để Nhật Bản thoải mái theo đuổi mối quan hệ ngoại giao tích cực hơn Nga.

Theo The Diplomat

Văn Cường (gt)