Từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, “Câu hỏi Đức” đã là câu hỏi lớn nhất và khó khăn nhất về địa chính trị. Nói một cách đơn giản, Câu hỏi Đức là liệu việc người nói tiếng Đức thống nhất dưới một quyền cai trị duy nhất có tạo ra một nhà nước hùng mạnh một cách nguy hiểm ở trung tâm châu Âu hay không. Như Otto von Bismarck đã dự đoán, đáp án cho câu hỏi này cuối cùng đã được quyết định bằng máu và sắt. Hai cuộc chiến tranh lớn, thảm khốc đã mang bạo lực và sự tàn phá tới toàn bộ châu Âu và cuối cùng để lại một nước Đức bại trận và bị chia cắt. Tại thời điểm nước này tái thống nhất vào năm 1990, sự sa sút về nhân khẩu và sự thay đổi văn hóa đã khiến Berlin đủ suy yếu đến mức mối đe dọa của một nước Đức thống nhất lùi xa. Đức vẫn chiếm ưu thế trong Liên minh châu Âu vì quy mô và sức mạnh kinh tế của mình. Nhưng họ không phải là một mối đe dọa. 

Không thể nói điều tương tự về Nga, nước đã trở nên hung hăng hơn ngay cả khi tầm quan trọng kinh tế của họ đã giảm bớt. Câu hỏi lớn nhất và khó khăn nhất của địa chính trị thế kỷ 21 có thể là: Chúng ta làm gì với Moskva đây? 

Giống như Câu hỏi Đức, Câu hỏi Nga mới phụ thuộc vào Mittellage (vị trí trung tâm) của nước này. Vị trí của Đức là ở trung tâm châu Âu. Ở đỉnh cao của mình, Đế chế Đức đã mở rộng từ Koblenz tới Königsberg, từ bờ sông Rhine tới các bãi biển Baltic. Nước Nga ngày nay là trung tâm theo nghĩa toàn cầu. Họ là nước duy nhất trong số các đế chế lớn ở châu Âu đã mở rộng ra châu Á trên đất liền thay vì trên biển. Liên Xô đã sụp đổ một cách yên bình đáng kinh ngạc cách đây 25 năm. Thế nhưng Liên bang Nga vẫn mở rộng từ Kaliningrad – tên mới của Königsberg kể từ khi Nga sáp nhập tỉnh này vào năm 1945 – tới tận Vladivostok, cách đó 4.500 dặm và 10 múi giờ. 

Vào thế kỷ 19, căng thẳng giữa các thủ phủ nhìn về phương Tây của Nga với vùng nội địa châu Á rộng lớn của nước này đã đem lại tài liệu phong phú cho các tiểu thuyết gia và các nhà viết kịch. Ivan Turgenev và Fyodor Dostoevsky có thể tranh luận về phương hướng mà Nga nên đi theo, nhưng không ai nghi ngờ sự tồn tại của tình huống tiến thoái lưỡng nan Đông-Tây. Nó cũng không phải là một hiện tượng thuần địa lý. Thể chế của giai cấp nông nô đồng nghĩa với việc tới tận những năm 1860 – và một thời gian dài sau đó trên thực tế - một quý ông người Nga chỉ cần cưỡi ngựa qua các điền trang của mình để bỏ xa châu Âu lại phía sau. 

Nhưng tình huống tiến thoái lưỡng nan Đông-Tây của Nga ngày nay đang nhanh chóng trở thành vấn đề trung tâm của chính trị quốc tế, chứ không phải văn học. Một bên là Trung Quốc, vốn từ lâu đã vượt qua Nga về kinh tế cũng như nhân khẩu và ngày càng có tham vọng vượt trội về quân sự ở châu Á. Bên kia của nước Nga là một châu Âu mà, dù thịnh vượng, đã trở nên hướng nội về mặt chính trị và dựa quá nhiều vào Mỹ trong vấn đề phòng thủ của mình. 

Trong cuốn sách gần đây nhất của mình mang tên World Order, Henry Kissinger đã đối chiếu 4 khái niệm đang tiến triển và không tương thích về trật tự quốc tế: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và đạo Hồi. Vị trí của Nga trong sự sắp xếp này là mơ hồ. Kissinger viết: “Từ Peter Đại đế tới Vladimir Putin, hoàn cảnh đã thay đổi, nhưng nhịp điệu vẫn nhất quán một cách phi thường”. Nga là “một cường quốc ‘Á-Âu’ độc nhất vô nhị, trải rộng trên 2 châu lục nhưng không bao giờ hoàn toàn thân thuộc với châu lục nào”. Nước này đã học được về địa chính trị của mình “từ ngôi trường khó khăn của thảo nguyên, nơi nhiều bộ lạc du mục đấu tranh với nhau để giành lấy tài nguyên trên một địa hình mở với ít biên giới cố định”. 

Có thể luận ra rằng Nga là cường quốc ít có hứng thú nhất với trật tự thế giới. Tổng thống Vladimir Putin chắc chắn sẽ phủ nhận điều này. Ông sẽ lập luận rằng nền tảng tốt nhất cho trật tự sẽ là các nước lớn cùng tôn trọng phạm vi ảnh hưởng và những khác biệt về chính trị trong nước của nhau. Mặt khác, Nga rõ ràng là cường quốc sẵn sàng nhất khai thác các công cụ mới của chiến tranh mạng mà Kissinger đã cảnh báo trước vào năm 2014: 

“Sự lan tỏa rộng khắp của các phương tiện thông tin liên lạc kết nối với nhau trong các ngành xã hội, tài chính, công nghiệp và quân sự đã… cách mạng hóa những sự dễ bị tổn thương. Vượt lên trước phần lớn luật lệ và quy tắc (và hẳn là nhận thức kỹ thuật của nhiều nhà quản lý), ở một số khía cạnh, nó đã tạo ra trạng thái tự nhiên mà các triết gia đã nghiên cứu và theo [Thomas] Hobbes, sự trốn thoát khỏi trạng thái này đã mang lại lực đẩy để tạo ra một trật tự chính trị… Sự bất cân xứng và một kiểu mất trật tự thế giới bẩm sinh đã được gắn vào các quan hệ giữa các cường quốc mạng cả trong ngoại giao lẫn trong chiến lược… Nếu không làm rõ một số quy tắc hành xử quốc tế, một cuộc khủng hoảng sẽ nảy sinh từ các động lực bên trong hệ thống”. 

Cuộc khủng hoảng đó đã đến. Khi tác giả viết bài viết này, câu hỏi cấp bách của chính trị Mỹ là Chính phủ Nga đã thành công đến đâu trong các nỗ lực của nước này nhằm gây ảnh hưởng tới kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2016. Việc Nga cố gắng làm việc này không còn là chủ đề bàn cãi nghiêm túc nữa. Các hacker Nga đã tiếp cận thành công các thư điện tử của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ. WikiLeaks đã đóng vai trò đường dẫn. Vụ tiết lộ và rò rỉ thư điện tử do hành động này có thể đã củng cố các quan điểm tiêu cực của cử tri về bà Hillary Clinton. Do chiến thắng suýt soát của ông Donald Trump ở các bang dao động chủ chốt, có thể tuyên bố rằng điều này đã có tính chất quyết định – mặc dù tính quyết định này không nhiều cũng chẳng ít hơn tất cả các nhân tố khác tạo nên ý định của các cử tri cốt yếu trong một cuộc bầu cử mà “mọi thứ đều quan trọng”. Tổng thống Barack Obama giờ đây nói rằng “khi bất kỳ chính phủ nước ngoài nào cố gắng tác động lên tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử của chúng ta… chúng ta phải hành động” và rằng “chúng ta sẽ hành động”. 

Điều vẫn được bàn cãi là chiến dịch của ông Trump nhận thức được tới đâu việc họ đang nhận được sự trợ giúp từ Moskva. Nếu vậy thì có sự đánh đổi ngầm nào hay không? Viết cho tạp chí Slate vào tháng 7/2016, nhà báo Franklin Foer đã lập luận rằng Putin có “một kế hoạch để tàn phá phương Tây – và kế hoạch đó trông rất giống Donald Trump”. Trên tờ Washington Post, tác giả Anne Applebaum đã gọi ông Trump là một “ứng cử viên Mãn Châu”. Bằng chứng cho những tuyên bố như vậy cùng lắm cũng chỉ tùy hoàn cảnh. Khi tuyển Paul Manafort làm quản lý chiến dịch cho mình, ông Trump khó có thể không biết về những việc mà Manafort đã làm cho người bạn chí thân của Điện Kremlin là Viktor Yanukovych, vị tổng thống tham nhũng của Ukraine từ năm 2010 đến 2014. Một cựu cố vấn chiến dịch khác của ông Trump có liên hệ gần gũi một cách đáng ngờ với Moskva là Carter Page, người lớn tiếng bảo vệ cho việc Nga sáp nhập Crimea. 

Những người đề xuất thuyết âm mưu này cũng viện dẫn mô tả của ông Trump rằng NATO “lỗi thời” và “đắt đỏ”, việc ông muốn đạt được một “thỏa thuận tuyệt vời” với Putin nếu đắc cử, và việc ông liên tiếp từ chối chấp nhận rằng Nga đã đứng sau chiến dịch mạng chống lại đối thủ của ông – một chiến dịch mà chính ông đã xúi giục, dù chỉ là nói đùa, vào hồi tháng 7/2016. 

Tuy vậy, cuộc tranh cãi này đang tạo ra nhiều sự tức giận. Thứ nhất, không có gì mới về các nỗ lực của Nga nhằm gây ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử phương Tây: Các “chiến dịch tâm lý” như vậy đã được tiến hành bởi các cơ quan tình báo ở cả hai phe của cuộc Chiến tranh Lạnh. Công nghệ mới có lẽ đã khiến chúng dễ tiến hành hơn và hiệu quả hơn, nhưng chúng vẫn (không giống như chiến tranh sinh học chẳng hạn) nằm trong phạm vi của luật pháp quốc tế. Thứ hai, trong một cuộc bầu cử đặc trưng bởi một sự thiếu kiềm chế nói chung, ông Trump có thể đơn giản là đã khai thác một lợi thế không ngờ nhưng không phải là không được hoan nghênh. Nếu một chính phủ nước ngoài khác cung cấp các thư điện tử đáng xấu hổ bị rò rỉ từ các tài khoản đảng Cộng hòa cho một trang web tự do, liệu chiến dịch Clinton có nhìn đi nơi khác? Thứ ba, trong cuộc bầu cử, ông Trump đã không nói điều gì chứng tỏ ông cấu kết với Putin, như ông đã nói rõ với người dẫn chương trình Bill O’Reilly trên kênh Fox News vào tháng 4/2016. Ông Trump nói: “Tôi nghĩ tôi có thể có quan hệ tốt [với ông Putin]. Tôi không biết… Tôi không hình dung được, Bill ạ. Có thể chúng tôi [sẽ như vậy], có thể không”. 

Câu hỏi thực sự mà chúng ta cần đặt ra là vì sao Chính phủ Nga lại nôn nóng muốn gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho ông Trump đến vậy. Đáp án cho câu hỏi đó có thể không rõ ràng như người ta tưởng. Đó là vì Nga cấp thiết cần – thậm chí có thể nói là cần đến tuyệt vọng – một vị tổng thống thân thiện hơn bà Clinton. Sự can thiệp của Moskva vào chính trị Mỹ không phản ánh sức mạnh của nước này hay sự tinh tế chiến lược của họ, mà phản ánh điểm yếu và sự phụ thuộc của nước này vào các chiến thuật trong Chiến tranh Lạnh, chẳng hạn như các chiến dịch tâm lý. 

Một thời đại mới, nhưng là thời đại gì? 

Mọi việc không cần phải diễn ra theo cách này. Cách đây 25 năm, sự tan rã của Liên Xô đã đánh dấu không chỉ cái kết của Chiến tranh Lạnh mà còn sự khởi đầu của cái lẽ ra đã là một thời hoàng kim của quan hệ thân thiện giữa Nga và phương Tây. Dường như, với lòng nhiệt tình, Nga đã đi theo cả chủ nghĩa tư bản lẫn chế độ dân chủ. Các thành phố của Nga đã trở nên Tây hóa tới mức làm người ta giật mình. Các kệ hàng trống rỗng và các áp phích tuyên truyền lạnh tanh đã nhường chỗ cho hàng hóa phong phú và các biển quảng cáo sáng chói. 

Trái với nỗi lo sợ của một số người, đã có một trật tự thế giới mới sau năm 1991. Thế giới đã trở thành một nơi yên bình hơn một cách rõ rệt khi các dòng tiền và vũ khí từng biến rất nhiều tranh chấp khu vực thành các cuộc chiến mượn tay kẻ khác cạn đi. Các nhà kinh tế Mỹ vội vã đi cố vấn cho các chính trị gia Nga. Các tập đoàn đa quốc gia Mỹ hối hả đầu tư. 

Hãy lùi lại ¼ thế kỷ về năm 1991 và hình dung ra 3 tương lai ít nhiều hợp lý tương đương. Thứ nhất, hãy hình dung rằng cuộc đảo chính của những người kiên định lập trường vào tháng 8 năm đó đã được thực hiện một cách thành thạo hơn và rằng Liên Xô đã được giữ vững. Thứ hai, hãy hình dung một sự tan rã bạo lực hơn nhiều của hệ thống Xô Viết mà trong đó các căng thẳng dân tộc và khu vực leo thang hơn nữa, tạo ra kiểu “siêu Nam Tư” mà Kissinger thỉnh thoảng đã cảnh báo. Cuối cùng, hãy hình dung một lịch sử hạnh phúc mãi mãi về sau, trong đó nền kinh tế Nga phát triển trên nền tảng chủ nghĩa tư bản và toàn cầu hóa, tăng trưởng với tốc độ của châu Á. 

Nga có thể đã trở nên trì trệ. Nga có thể đã tan rã. Nga có thể đã phát triển bùng nổ. Vào năm 1991, không ai biết được chúng ta sẽ có tương lai nào trong số đó. Trên thực tế, ta đã chẳng có tương lai nào trong số này. Nền kinh tế đã vận hành kém hơn nhiều so với kỳ vọng. Từ năm 1992 đến năm 2016, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép thực tế của GDP bình quân đầu người của Nga là 1,5%. Hãy so sánh con số đó với các số liệu tương đương của Ấn Độ (5,1%) và Trung Quốc (8,9%). 

Ngày nay, theo các ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế dựa trên ngang giá sức mua, nền kinh tế Nga chỉ chiếm hơn 3% sản lượng toàn cầu. Tỷ suất của Mỹ là 16%. Tỷ suất của Trung Quốc là 18%. Tính trên cơ sở đồng USD hiện tại, GDP của Nga ít hơn 7% của Mỹ. Nền kinh tế Anh lớn gấp đôi quy mô nền kinh tế Nga. 

Hơn nữa, sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga vào nhiên liệu hóa thạch xuất khẩu – cũng như các sản phẩm sơ cấp khác – khiến người ta sửng sốt. Theo Cơ quan quan sát tính phức tạp kinh tế, gần 2/3 hàng hóa xuất khẩu của Nga là dầu mỏ (63%). Điểm yếu kinh tế tương đối của Nga đã càng thêm tồi tệ do sự sụt giảm nhanh của giá dầu mỏ, khí đốt và các mặt hàng thiết yếu khác kể từ năm 2014 và do các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt trong vấn đề Ukraine và sáp nhập Crimea cùng năm đó. 

Lỗi có thuộc về Putin? 

Ai là người có lỗi cho sự xấu đi nhanh chóng gần đây của quan hệ giữa Nga và Mỹ? Trên thực tế, điều này bắt đầu vào lúc nào? 4 năm trước, ông Barack Obama đã chế nhạo ông Mitt Romney vì đã mô tả Nga là “kẻ thù địa chính trị số 1” của Mỹ. Cho tới bây giờ, quan điểm của ông Obama vẫn là Nga thì yếu, chứ không mạnh. Như ông đã nói với nhà báo Jeffrey Goldberg của tờ Atlantic vào tháng 3: “[Ông Putin] không ngừng quan tâm tới việc được nhìn nhận như một nước ngang hàng và đang làm việc với chúng ta, vì ông ấy không hoàn toàn ngu ngốc. Ông ấy hiểu rằng vị thế chung của Nga trên thế giới đã giảm sút đáng kể. Và việc ông ấy xâm chiếm Crimea hay đang cố gắng chống đỡ cho Bashar al-Assad không đột nhiên biến ông ấy thành một bên tham gia”. Ông thậm chí đã đi xa hơn nữa trong cuộc họp báo cuối năm của mình khi gọi Nga là “một nước nhỏ hơn… một nước yếu hơn” không “sản xuất được bất kỳ thứ gì mà người ta muốn mua”. 

Tuy vậy đây là một giọng điệu rất khác so với giọng điệu của Chính quyền Obama vào tháng 3 năm 2009, khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton và người đồng cấp Nga của bà, ông Sergei Lavrov, đã nhấn nút “tái khởi động” một cách tượng trưng. (Hóa ra, một cách thích đáng, bản dịch tiếng Nga trên nút bấm đã bị Bộ Ngoại giao viết sai chính tả thành “quá tải”.) Sự tái khởi động này cũng không phải là một thất bại hoàn toàn. Một năm sau, Mỹ và Nga đã đạt được một thỏa thuận nhằm giảm bớt kho dự trữ vũ khí hạt nhân của họ (cái được gọi là thỏa thuận START Mới). 

Một đáp án cho câu hỏi “sai lầm là ở đâu” đơn giản là chính ông Putin. Bản thân từng có những bài viết với quan điểm “đổ lỗi cho Putin”, tác giả không có ý định giải tội cho Tổng thống Nga. Tác giả nhớ một cách sống động giọng điệu mà ông đã sử dụng trong một bài phát biểu mà tác giả được nghe tại Hội nghị an ninh Munich năm 2007, tại đây ông (như tác giả đã viết vào thời điểm đó) “giống hệt nhân vật Michael Corleone trong tác phẩm Bố Già – hiện thân của sự đe dọa ngấm ngầm”. 

Tuy nhiên, một điều quan trọng là cần nhớ chính xác Putin đã nói điều gì trong dịp đó. Trong các nhận xét dường như chủ yếu hướng tới những người châu Âu có mặt tại đó, ông đã cảnh báo rằng một “thế giới đơn cực” – tức là một thế giới do Mỹ thống trị - sẽ tỏ ra “nguy hại không chỉ cho tất cả các nước trong hệ thống mà còn cho bản thân nước lãnh đạo tối cao”. Ông Putin đã nói rằng việc “sử dụng lực lượng thái quá” của Mỹ đang “đẩy thế giới vào một vực thẳm của các tranh chấp lâu dài”. Được nói ra vào thời điểm khi cả Iraq lẫn Afghanistan dường như đều không phải là những lời quảng cáo đặc biệt tốt cho sự can thiệp quân sự của Mỹ, những lời này có một sức nặng nhất định, đặc biệt là khi được rót vào tai người Đức. 

Gần 10 năm sau đó, thậm chí các nhà phê bình ông Putin dễ cáu bẳn nhất cũng khôn ngoan ngẫm nghĩ một lúc về vai trò của Mỹ trong sự xấu đi về quan hệ giữa Washington và Moskva. Quan điểm của Nga rằng một phần lỗi thuộc về sự vươn quá xa của phương Tây xứng đáng được xem xét một cách nghiêm túc hơn so với cách nó được xem xét nói chung. 

Lỗi có thuộc về phương Tây? 

Tác giả bài viết cho rằng nếu nhìn lại những gì mình đã nghĩ và viết trong thời Chính quyền George W. Bush, có thể nhận xét rằng tác giả đã đánh giá thấp mức độ thù địch mà sự mở rộng của cả NATO và Liên minh châu Âu đã gây ra với người Nga. 

Theo tác giả, một số quyết định nhất định dường như vẫn biện hộ được. Do những gì họ đã trải qua giữa thế kỷ 20, người Ba Lan và người Séc đã xứng đáng có được cả an ninh mà tư cách thành viên NATO mang lại (từ năm 1999, khi họ gia nhập cùng Hungary) lẫn các cơ hội kinh tế mà tư cách thành viên EU đem đến (từ năm 2004). Tuy vậy, quyết định của Mỹ vào tháng 3/2007 nhằm xây dựng một khu vực phòng thủ tên lửa đạn đạo ở Ba Lan cùng với một trạm radar ở Cộng hòa Séc, khi nhìn nhận lại, dường như có vấn đề hơn, cũng như quyết định sau đó nhằm triển khai 10 hệ thống đánh chặn tên lửa 2 giai đoạn và một khẩu đội tên lửa Patriot MIM-104 ở Ba Lan. Mặc dù trên danh nghĩa, các căn cứ này được dùng để phát hiện và đánh trả các tên lửa của Iran, người Nga chắc chắn sẽ coi là chúng hướng vào họ. Việc triển khai các tên lửa tầm ngắn Iskander tới Kaliningrad sau đó là một sự trả đũa có thể đoán được. 

Một hành động trả đũa tương tự đã xảy ra sau đó vào năm 2008 khi Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia, với sự khuyến khích từ một số nước EU. Để đáp trả, Nga đã công nhận các phần tử nổi loạn ở Nam Ossetia và Abkhazia và xâm chiếm các vùng này của Gruzia. Từ góc nhìn của Nga, điều này không khác gì điều mà phương Tây đã làm ở Kosovo. 

Tuy nhiên, tính toán sai lầm lớn nhất là sự sẵn sàng của Chính quyền Bush trong việc xem xét cho Ukraine làm thành viên NATO và sự hậu thuẫn sau đó của Chính quyền Obama đối với các nỗ lực của EU nhằm mang đến cho Ukraine một thỏa thuận liên kết. Tác giả nhớ rất rõ tâm trạng choáng váng tại một hội nghị ủng hộ châu Âu ở Yalta vào tháng 9/2013, khi các đại diện phương Tây gần như nhất trí cổ vũ Ukraine đi theo con đường của Ba Lan. Đã không có đủ sự xem xét dành cho cách đánh giá rất khác của Nga về Ukraine cũng như dành cho những sự chia rẽ Đông-Tây rõ rệt trong bản thân Ukraine. Điều này bất chấp một cảnh báo rõ ràng từ phụ tá của Putin, ông Sergei Glazyev, người đã tham dự hội nghị, rằng việc ký kết một thỏa thuận liên kết EU sẽ dẫn tới “tình trạng náo động chính trị và xã hội”, mức sống giảm mạnh, và “sự hỗn loạn”. 

Nói như vậy hoàn toàn không có ý hợp pháp hóa các hành động của Nga vào năm 2014, các hành động rõ ràng đã vi phạm luật pháp và các thỏa thuận quốc tế. Nói như vậy là nhằm chỉ trích các chính quyền liên tiếp vì đã quá ít chú ý đến sự nhạy cảm và các phản ứng mà Nga có thể có. 

Tổng thống Obama đã nói với nhà báo David Remnick của tờ New Yorker vào đầu năm 2014: “Tôi thậm chí thực sự không cần tới George Kennan ngay lúc này”. Chính điều ngược lại mới là đúng. Ông và người tiền nhiệm của ông rất cần đến các cố vấn hiểu rõ Nga như Kennan. Như Kissinger thường nhận xét, ý nghĩa của lịch sử đối với các quốc gia cũng giống như tính cách đối với con người. Trong những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách Mỹ thường quên mất điều đó và sau đó lại tỏ ra phẫn nộ khi các nước khác hành động theo những cách mà hiểu biết về lịch sử có thể cho phép họ lường trước. Có thể nói, không có quốc gia nào có đặc tính được quy định bởi lịch sử của nó nhiều hơn Nga. Sẽ là ngu ngốc nếu ta trông đợi người Nga nhìn nhận một cách bình thản sự chuyển hướng sang phạm vi ảnh hưởng phương Tây của trung tâm của nước Nga trung cổ, trái tim của đế chế Nga hoàng, bối cảnh cho tác phẩm “Đội cận vệ trắng” của Mikhail Bulgakov, mục tiêu chính của chiến dịch Barbarossa của Adolf Hitler. 

Người ta có thể nghĩ rằng các sự kiện của năm 2014 đã dạy cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ một bài học. Thế nhưng Chính quyền Obama đã tiếp tục hiểu sai Nga. Người ta có thể cho rằng việc để cho Đức và Pháp xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine là một sai lầm, khi một sự tham gia trực tiếp hơn của Mỹ có thể khiến cho các thỏa thuận Minsk trở nên có hiệu lực. Việc cho Putin một tấm vé vào cửa đối với cuộc xung đột Syria khi để lại cho ông này (một phần) việc loại bỏ các vũ khí hóa học của Bashar al-Assad dứt khoát là một sai lầm tai hại. Một trong số các thành tựu lâu dài của Kissinger vào đầu những năm 1970 là ép Xô Viết ra khỏi Trung Đông. Chính quyền Obama đã hủy hoại điều này với những hậu quả tàn khốc. Chúng ta nhìn thấy ở Aleppo quân đội Nga như nó vốn thế: một bậc thầy về chiến thuật của giữa thế kỷ 20 là giành chiến thắng thông qua việc ném bom bừa bãi các thành phố. 

Cái giá nào cho hòa bình? 

Tuy vậy tác giả vẫn không cho rằng phản ứng đúng đắn trước những lỗi lầm trong chính sách của Mỹ này là đổi hướng từ đánh giá thấp Nga sang đánh giá quá cao nước này. Một cách tiếp cận như vậy có tiềm năng chỉ là một biến thể khác của chủ đề sự hiểu lầm. 

Không khó để luận ra điều ông Putin muốn có trong bất kỳ “thỏa thuận tuyệt vời” nào giữa ông và ông Trump. Mục số 1 sẽ là việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Mục số 2 sẽ là chấm dứt cuộc chiến tranh Syria theo điều kiện của Nga – đó là sẽ bao gồm việc duy trì quyền lực của ông Assad ít nhất trong một “khoảng thời gian phù hợp” nào đó. Mục số 3 sẽ là sự công nhận trên thực tế việc Nga sáp nhập Crimea và một thay đổi hiến pháp nào đó được thiết kế nhằm khiến chính phủ ở Kiev không còn quyền lực bằng cách trao cho khu vực Donbass ở phía Đông nước này quyền phủ quyết thân Nga lâu dài. 

Điều khó hiểu là vì sao Mỹ lại muốn cho Nga dù chỉ một phần nhỏ của tất cả các điều trên. Nga chính xác sẽ đánh đổi điều gì cho Mỹ để có được những sự nhượng bộ như vậy? Đó là câu hỏi mà đội ngũ an ninh quốc gia của ông Trump cần phải tự hỏi thậm chí trước khi ông nhận một cuộc gọi xã giao từ Điện Kremlin. 

Không nghi ngờ gì nữa, cuộc chiến tranh ở Syria phải chấm dứt, cũng như cuộc xung đột đóng băng ở miền Đông Ukraine cần được giải quyết. Nhưng các điều khoản của hòa bình có thể và phải là rất khác so với những gì ông Putin nghĩ tới. Bất kỳ thỏa thuận nào hòa bình hóa Syria bằng việc hy sinh Ukraine sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. 

Tổng thống Obama đã đúng khi nói rằng Nga là một cường quốc yếu hơn nhiều so với Mỹ. Thất bại của ông là việc khai thác lợi thế đó của Mỹ. Không những không làm được điều này, ông đã cho phép người đồng cấp Nga của mình chơi một thế cờ yếu với kỹ năng chiến thuật tốt và sự tàn nhẫn. Ông Trump tự hào rằng mình là một người thương lượng giỏi. Ông có lẽ sẽ có khả năng làm tốt hơn rất nhiều. Đây là những gì ông nên nói với ông Putin.

Thứ nhất, ông không thể trông đợi việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt cho tới khi ông rút toàn bộ các lực lượng vũ trang và ủy nhiệm của ông khỏi miền Đông Ukraine. 

Thứ hai, tương lai chính trị của Ukraine sẽ do người Ukraine quyết định, chứ không phải do các cường quốc bên ngoài. 

Thứ ba, chúng tôi đã sẵn sàng suy tính về một cuộc trưng cầu dân ý khác ở Crimea, do bản chất có phần đáng ngờ của việc giao nhượng khu vực này cho Ukraine trong thời kỳ Nikita Khrushchev, tuy nhiên các đại diện nước ngoài đáng tin cậy phải giám sát cuộc bỏ phiếu. 

Thứ tư, chúng tôi cũng đã chuẩn bị thảo luận về một hiệp ước mới xác nhận tình trạng không liên kết và trung lập của Ukraine, với thiết kế giống như của tình trạng của Phần Lan trong Chiến tranh Lạnh. Ukraine sẽ từ bỏ tư cách thành viên tương lai của NATO hoặc EU, cũng như tư cách thành viên của bất kỳ thực thể tương tự nào khác do Nga lãnh đạo, chẳng hạn như Liên minh hải quan Á-Âu. Tuy nhiên, một hiệp ước như vậy sẽ cần bao gồm sự bảo đảm chủ quyền và an ninh của Ukraine, có thể so sánh với hiệp ước quốc tế quản lý tình trạng của Bỉ vào năm 1839. Và hiệp ước này sẽ được giữ gìn theo cách mà ông Obama đã không giữ gìn được Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 – bằng việc sử dụng vũ lực nếu cần thiết. 

Thứ năm, để đổi lấy những nhượng bộ này, Mỹ trông đợi Nga sẽ tham gia một cách có hợp tác một hội nghị đặc biệt của các ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thiết lập một trật tự mới và hòa bình ở Bắc Phi và Trung Đông. Phạm vi của hội nghị này sẽ không bị giới hạn ở Syria, mà nên mở rộng sang các quốc gia khác trong khu vực đang phải chịu đau khổ do nội chiến và chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là Iraq và Libya. Hội nghị sẽ xem xét các câu hỏi đã nằm im lìm trong suốt một thế kỷ, kể từ khi thỏa thuận Sykes-Picot vạch ra các biên giới của Trung Đông hiện đại, chẳng hạn như khả năng về một nhà nước độc lập của người Kurd. 

Với một đề xuất táo bạo như vậy, Chính quyền Trump sẽ lấy lại được thế chủ động, không chỉ trong quan hệ Mỹ-Nga mà còn trong quan hệ quốc tế khái quát hơn. Quan trọng là đề xuất này sẽ né tránh được tham vọng của ông Putin về một quan hệ song phương, như giữa các siêu cường trong quá khứ - một mối quan hệ mà Nga, bất chấp dầu mỏ và vũ khí của nước này, không còn có quyền được hưởng nữa. Và nó sẽ hướng hai cường quốc châu Âu có lợi ích lịch sử trong khu vực và một cường quốc châu Á – Trung Quốc – đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào năng lượng của Trung Đông sang vấn đề về sự ổn định ở Trung Đông. 

Bản thân Câu hỏi Nga có thể được dàn xếp vào một ngày khác. Nhưng bằng việc bố trí lại trật tự quốc tế trên cơ sở hợp tác thay vì bế tắc trong Hội đồng Bảo an, Mỹ ít nhất sẽ đặt ra câu hỏi này theo cách khác. Liệu Nga có học được cách hợp tác với các cường quốc lớn khác hay không? Hay nước này sẽ tiếp tục làm người phản đối trật tự quốc tế? Có lẽ nước này sẽ chọn lựa chọn thứ hai. Dù sao đi nữa, một hệ thống kinh tế ưa thích việc giá dầu ở gần mức 100 USD một thùng thay vì 50 USD hưởng lợi nhiều hơn hầu hết các hệ thống khác từ xung đột leo thang ở Trung Đông và Bắc Phi – tốt hơn cả là xung đột lan sang các mỏ dầu ở Vịnh Persia. 

Tuy nhiên, nếu đó là mục tiêu của chiến lược của Nga, thì khó có thể biết được Bắc Kinh và Moskva sẽ có thể hợp tác trong Hội đồng Bảo an thêm bao lâu nữa. Bắc Kinh cần sự ổn định trong việc sản xuất dầu mỏ và giá dầu thấp cũng giống như Nga cần điều ngược lại. Vì những căng thẳng gần đây với Mỹ, Nga đã tỏ ra bằng lòng với việc chương trình “Một vành đai, một con đường” mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tới Trung Á, nơi từng là lãnh địa của Nga. Ở đó cũng có sự xung đột lợi ích tiềm tàng. 

Cuối cùng, Mỹ không có nhiệm vụ giải đáp Câu hỏi Nga. Đó là thách thức của Nga. Nhưng bằng cách thiết lập lại quy tắc Kissinger – rằng Mỹ nên gần gũi với Nga và Trung Quốc hơn so với cách hai nước này gần gũi với nhau – Chính quyền Trump có thể đi bước đầu tiên quan trọng hướng tới dọn dẹp sự lộn xộn địa chính trị do Barack Obama để lại.

Niall Ferguson là tác giả cuốn "Kissinger: 1923-1968: The Idealist", cuốn sách đã giành được giải thưởng Aurthur Ross Book của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Bài viết được đăng trên Foreign Policy.

Trần Quang (gt)