Mặc dù được xem là một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất đối với cả Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng quan hệ Trung – Nhật đã trải qua nhiều thăng trầm trong vài thập kỷ qua. Sau một số cải thiện trong quan hệ song phương hai nước vào năm 2006, 2007 thì vụ va chạm giữa tàu đánh cá Trung Quốc và tàu tuần duyên Nhật Bản vào năm 2010 đã làm cho quan hệ song phương giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản lại một lần nữa xấu đi.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của TTg Nhật Bản diễn ra trong hai ngày qua đúng vào thời điểm khi Nhật Bản đang có những nỗ lực để duy trì liên minh với Mỹ và cũng đúng vào lúc Nhật Bản đang cố gắng củng cố quan hệ kinh tế, chính trị với Trung Quốc.

Về khía cạnh kinh tế, mặc dù một số người Nhật Bản cảm thấy mất mát khi Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới nhưng một số người khác không cảm thấy gì bởi họ đã đoán trước đuợc điều đó. Thực tế, với kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn khó khăn, Nhật Bản đã nhận thức được sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội cho Nhật Bản, chẳng hạn như trong lĩnh vực du lịch.

Về ngắn hạn, việc ra đi đột ngột của Nhà Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il đã khiến tình hình bán đảo Triều Tiên trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Là láng giềng của Bắc Triều Tiên, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều quan tâm đặc biệt đến tình hình trên bán đảo này và đây cũng trở thành vấn đề quan trọng mà ông Noda đã thảo luận với Trung Quốc trong chuyến thăm này. Vì hòa bình và ổn định tại khu vực, điều tối quan trọng hiện nay là tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục ổn định và chuyển giao quyền lực tại Bắc Triều Tiên diễn ra suôn sẻ.

Trong bối cảnh trường quốc tế đó, việc Mỹ quay trở lại khu vực châu Á – Thái Bình Dương dường như trở nên đặc biệt nhạy cảm.

Quan hệ Trung – Nhật đương nhiên trong phạm vi rộng có liên quan tới quan hệ Trung – Mỹ. Liên quan tới việc Mỹ rút quân khỏi I rắc, nhiều học giả Mỹ đã bày tỏ sự hối tiếc về việc Mỹ đã tham gia chiến tranh I rắc và vì vậy đã thất bại trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thập kỷ qua. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về việc Mỹ quay trở lại châu Á, TTh Mỹ Barack Obama thúc đẩy TPP tại Thượng đỉnh APEC và việc lần đầu tiên TTh Mỹ tham gia Thượng đỉnh Đông Á, gần đây đã cho thấy quyết tâm của Washington trong việc tăng cường ảnh hưởng tại châu Á.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều chuyên gia dự đoán Nhật Bản tăng cường quan hệ liên minh Mỹ - Nhật để làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực và Nhật Bản sẽ không thể thoát khỏi cái ô của Mỹ. Cựu TTg Nhật Bản Yukio Hatoyama đã đề cao khái niệm “Hội nhập Đông Á” năm 2009 nhằm tăng quan hệ gần gũi Trung – Nhật. Nhưng ngay sau khi ông Hatoyama từ chức dưới sức ép của Mỹ, người kế nhiệm Naoto Kan đã thay đổi đề xuất này.

Hiện tại có nhiều xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc trên các thị trường châu Á do Bắc Kinh đã thiết lập được các cơ chế như khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc. TPP mà Washington đề xuất đã loại Trung Quốc khỏi cuộc chơi nhằm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực. Vàthậm chí nếu Trung Quốc có tham gia TPP, thì Trung Quốc sẽ gặp phải yêu cầu cao do quan hệ đối tác mà Mỹ đưa ra liên quan tới tỷ giá hối đoái, quyền sở hữu trí tuệ, những vấn đề mà sẽ đặt Trung Quốc ở vị trí bất lợi.

Hiện nay, Nhật Bản không chỉ phát triển quan hệ thân thiện với Mỹ mà còn thiết lập được quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước ASEAN do đó Tokyo có thể đóng vai trò trung gian trong giảm thiểu căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Tuy nhiên, những khó khăn chính trị thực sự lại ở ngay phía trước khi Trung Quốc và Nhật Bản đang phải đối mặt với những khó khăn thực tế như tranh chấp lãnh thổ. Do đó, hy vọng rằng chuyến thăm của ông Noda sẽ mở đường cho quan hệ Trung – Nhật tốt hơn.

Chắc chắn quá trình mặc cả sẽ kéo dài trước khi tranh chấp lãnh thổ được giải quyết. Nhiều người Nhật đã nhận thấy vấn đề tranh chấp lãnh thổ và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc như là nguyên nhân làm quan hệ Trung – Nhật càng trầm trọng hơn.Nhưng theo tác giả, lý do quan trọng là quan điểm bảo thủ, chủ nghĩa dân tộc lâu đời và hẹp hòi của nhiều quan chức và nhân dân Nhật Bản đã trở nên hà khắc hơn trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản đang ngày càng suy giảm.

Thực tế, nhiều học giả và phương tiện truyền thông Nhật Bản đã nhấn mạnh về học thuyết “mối đe dọa Trung Quốc” và đây là sự tuyên truyền khá tiêu cực nhằm tăng cường liên minh Mỹ - Nhật Bản và củng cố sức mạnh quân sự của Nhật Bản. Nếu có sự tin tưởng giữa nhân dân Nhật Bản và Trung Quốc thì họ sẽ không có cảm giác bị đe dọa mặc dù vẫn còn có những vấn đề mang tính lịch sử và tranh chấp lãnh thổ cũng như việc cả hai nước đang tăng cường sức mạnh quân sự.

Theo báo cáo gần đây nhất của Thụy Điển, Mỹ tới nay vẫn là nước có ngân sách quân sự cao nhất. Mỹ dành 661 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng trong khi Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ hai với khoảng 100 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng. Và lý do tại sao Nhật Bản lại muốn tin vào một nước Mỹ mạnh hơn là Trung Quốc là do sự thiếu niềm tin thực sự giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Nhiệm vụ quan trọng nhưng rất khó khăn là làm sao cải thiện được quan hệ Trung – Nhật và tăng cường niềm tin lẫn nhau. Tuy nhiên, việc thay đổi quan chức cao cấp thường xuyên trong chính phủ Nhật Bản cũng là nguyên nhân quan trọng của việc không tin tưởng lẫn nhau kéo dài. Nếu chính trị Nhật Bản trở nên ổn định hơn thì sẽ góp phần làm quan hệ Trung – Nhật ổn định hơn. Do đó, cần bắt đầu xây dựng quan hệ tốt hơn bằng cách loại bỏ những suy nghĩ bảo thủ tồn tại giữa người dân hai nước, tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước với nhiều chương trình trao đổi giữa chính phủ, học giả và nhân dân hai nước nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Người dân Nhật Bản cũng cần nhận thức rằng hợp tác kinh tế chặt chẽ Trung – Nhật có thể vượt so với hợp tác kinh tế giữa Mỹ - Nhật./.

 

Theo Nhật báo Trung Quốc

Thùy Anh (gt)