__________

Giới thiệu

Bài viết này tập trung phân tích sự cứng rắn của Trung Quốc ở  Biển Đông trong năm 2009.[1] Theo như chính sách công khai, Trung Quốc ủng hộ “hòa bình, hợp tác và phát triển” ở châu Á – Thái Bình Dương theo học thuyết mới về tạo ra một “thế giới hài hòa”. Trung Quốc vì thế đã ưu tiên phát triển kinh tế và tạo ra một môi trường hòa bình.[2] Tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Trung Quốc đạt được là nhờ vào thương mại hướng vào xuất khẩu. Song cũng chính sự phát triển của Trung Quốc tạo ra nhu cầu ngày càng lớn về tài nguyên về năng lượng. Hai yếu tố trên hợp lại đã nâng cao tầm quan trọng của việc bảo vệ an toàn các tuyến đường hàng hải liên lạc (SLOC) huyết mạch trong con mắt của người Trung Quốc.

Cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc, làm giảm tỉ lệ tăng trưởng cao của nước này song kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển. Trung Quốc đang ở thế thượng phong vì đang nắm giữ 2000 tỉ đôla dự trữ ngoại tệ (số liệu năm 2008). Gói kích cầu nội địa của Trung Quốc, với ưu tiên nhắm vào cơ sở hạ tầng và các khoản đầu tư nước ngoài của họ trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên sẽ khiến Trung Quốc càng trở nên cạnh tranh hơn trên trường quốc tế sau khi cơn khủng hoảng qua đi.

 

Sự tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc cũng tạo điều kiện cho việc hiện đại hóa lực lượng quân đội. Ở nhiều khía cạnh, sự cải tiến về sức mạnh quân sự có thể xem là một phần trong quá trình bình thường của việc hiện đại hóa quân đội, do những tiến bộ khoa học kỹ thuật như cuộc Cách mạng trong quan hệ quân đội và hoàn toàn mang tính tự vệ.[3] Chẳng hạn, ở tầm chiến lược, Trung Quốc đang có và hiện tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo thế hệ thứ hai có khả năng triển khai ở đất liền cũng như trên biển. Trung Quốc cũng đã phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung có thể xử lý các tình thế bất ngờ ở eo biển Đài Loan.[4] Tiềm lực hạt nhân của Trung Quốc, vì thế, có thể xem là một sự cân bằng đối với mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ. Tương tự như vậy, việc Trung Quốc củng cố quân đội ở bờ biển phía đông vừa là để ngăn chặn bất kỳ hành động đơn phương nào của Đài Loan nhằm tuyên bố độc lập tách khỏi Trung Quốc, vừa để tránh khỏi sự can thiệp quân sự của Mỹ vào những tình huống khẩn cấp như Mỹ đã làm trong cuộc khủng hoảng 1995 – 1996. Hơn nữa, việc Trung Quốc phát triển lực lượng hải quân xanh có thể xem là một nỗ lực đảm bảo an ninh các tuyến đường hàng hải liên lạc nhằm tháo gỡ cái mà một số chuyên gia quân sự Trung Quốc gọi là “tình thế Malacca” – mối nguy đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc khi các eo biển hẹp hay điểm nút giao thông khép lại ở Đông Nam Á.[5]

 

Mỹ, Nhật, Úc và nhiều quốc gia khu vực khác đã thường xuyên nhắc đến mối lo ngại của họ về quy mô và sự gia tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cũng như sự thiếu minh bạch về ý định đằng sau việc gia tăng này. Các con số chính thức về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được cho là thấp hơn nhiều so với thực tế.[6] Những nước này e ngại rằng việc tăng cường lực lượng quân sự của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở mục đích tự vệ. Theo lời của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, ý định chiến lược đằng sau việc gia tăng tiềm lực quân sự của Trung Quốc “dường như nhắm vào hải quân Mỹ và các căn cứ của Mỹ ở khu vực này…”[7] Các nhà phân tích chiến lược cho rằng Trung Quốc gần đây đã tăng cường khả năng triển khai lực lượng ở dãy đảo thứ nhất kéo từ Nhật Bản, phía đông Đài Loan cho đến những đảo thuộc quyền chiếm hữu của Trung Quốc ở biển Đông. Hiện nay Trung Quốc đang vươn ra đến dãy đảo thứ hai (bao gồm vùng biển Nhật, vùng biển Philippines và vùng biển Indonesia, trong đó có cả quần đảo Marianas và Palau ở phía nam) với trọng tâm hướng vào đảo Guam.

 

Chủ đề chính của Sách trắng Quốc phòng Úc hiện nay đó là sự thay đổi và hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đã đủ khiến Úc không yên tâm đến mức quyết định tiến hành một chiến dịch mua sắm đắt đỏ nhất từ trước tới nay. Chương trình này bao gồm việc sở hữu 12 tàu ngầm mới, các tàu khu trục phòng không, tên lửa trên biển và 100 máy bay tiêm kích tấn công kết hợp. Trong mục Bảo vệ nước Úc trong Thế kỷ châu Á Thái Bình Dương: Nhiệm vụ đến 2030 ghi rằng: “chúng ta cần phải chú ý nếu có sự xuất hiện của một môi trường an ninh thống trị bởi một hay nhiều cường quốc khu vực, không cam kết chia sẻ cùng những mục tiêu tương đồng. Lợi ích chiến lược của chúng ta trong những thập kỷ tới đó là không một cường quốc nào ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể ép buộc hoặc đe dọa những nước khác trong khu vực bằng cách sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực mà không bị ngăn cản, kiềm chế hoặc đánh bại nếu cần thiết thông qua những hành động đáp trả về kinh tế, quân sự và chính trị của các nước khác.” (trang 43)

 

Quan hệ Mỹ - Trung không phải là một quan hệ hoàn toàn thù địch, trong đó chứa cả những yếu tố đối đầu, cạnh tranh và hợp tác.[8] Chẳng hạn, Quốc hội Mỹ, qua Đạo luật quan hệ với Đài Loan, đã yêu cầu Bộ Quốc phòng bán vũ khí phòng vệ cho Đài Loan, và còn yêu cầu Lực lượng Liên quân Thái Bình Dương duy trì khả năng can thiệp trong trường hợp có xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan. Đài Loan vẫn sẽ tiếp tục là một “cái gai” trong quan hệ Mỹ - Trung cho đến khi Bắc Kinh và Đài Bắc có thể dàn xếp mâu thuẫn của mình. Dù Hoa Kỳ và Trung Quốc đã nâng tầm quan hệ song phương của mình trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Bush song quan hệ quân sự đã bị phía Trung Quốc đình chỉ vào tháng 9-10/2008 khi Mỹ tuyên bố bán vũ khí cho Đài Loan.

 

Chẳng bao lâu sau khi Tổng thống Obama nhậm chức, Trung Quốc đã nối lại quan hệ quân sự và quan hệ song phương nhờ đó cũng được cải thiện đáng kể. Ngoại trưởng Hillary Clinton thăm Bắc Kinh trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Ngoại trưởng Trung Quốc được đón tiếp tại Nhà trắng; Tổng thống Obama và Hồ Cẩm Đào gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở London và Piisburgh. Cả hai bên nhất trí nâng Đối thoại Chiến lược và Kinh tế lên cấp bộ trưởng.[9] Quan trọng nhất, Tổng thống Obama đã tuyên bố trước khi thực hiện chuyến thăm chính thức của mình đến Trung Quốc rằng Mỹ không hề bị đe dọa bởi một Trung Quốc đang lên.

 

Bài viết được chia làm năm phần với mỗi phần phân tích về một sự kiện gần đây: Căn cứ hải quân Tam Á, Trung Quốc quấy rối các tàu của Mỹ, Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên biển Đông, các kế hoạch đối với vùng thềm lục địa mở rộng, chính sách của Mỹ và bốn thách thức của Trung Quốc. Bài viết kết luận với những gợi ý về hướng hợp tác trong tương lai.

 

I.                  Căn cứ hải quân Tam Á

 

Năm 2008, những bức ảnh trên vệ tinh thương mại khẳng định rằng Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ tàu ngầm lớn ở Tam Á, thuộc đảo Hải Nam. Khi việc xây dựng căn cứ này hòan tất, đây sẽ là một bước phát triển chiến lược vì nó cho phép quân đội Trung Quốc vươn tầm ra đến Thái Bình Dương và biển Đông. Để hiểu được một cách đầy đủ tầm quan trọng chiến lược của việc xây dựng căn cứ quân sự mới ở Tam Á, cần phải nắm rõ ý định cũng như tiềm lực của Trung Quốc. Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa hề tiết lộ gì về ý định của mình.

         

Về phần tiềm lực, các cầu tàu và bến cảng tại căn cứ hải quân Tam Á có khả năng neo đậu nhiều tàu chiến đấu lớn và một tàu ngầm hạt nhân. Hiện Trung Quốc đang tiến hành xây dựng để có thể chứa thêm chiến hạm và cuối cùng là các hàng không mẫu hạm. Công trình xây dựng căn cứ ở đảo Hải Nam được Trung Quốc tiến hành song song với công việc mở rộng sân bay trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa, củng cố các cơ sở đã đặt trên Bãi Chữ Thập (Fiery Cross Reef) trong quần đảo Trường Sa, cũng như duy trì sự hiện diện hải quân ở khu vực đảo Đá Vành Khăn (Mischief Reef) phía đông bờ biển Philippines. Nhìn chung, Trung Quốc đang gia tăng tiềm lực để thực thi những tuyên bố chủ quyền của họ ở biển Đông và bảo vệ các tuyến đường hàng hải trọng yếu xuyên qua eo biển Malacca và Singapore, đồng thời tung các đạo quân viễn chinh xuống vùng biển Đông để thu ngắn đáng kể các tuyến tiếp tế hậu cần.[10] Nói rộng ra, Trung Quốc sẽ có khả năng đe dọa các tuyến hàng hải thiết yếu mà Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan hiện đang phụ thuộc.

 

Các công trình xây dựng khác cũng cho thấy căn cứ hải quân Tam Á sẽ có những tác động chiến lược đối với cân bằng lực lượng ở khu vực. Một số phần của căn cứ đang được xây dựng dưới lòng đất nên không dễ theo dõi. Các hình ảnh vệ tinh đã xác nhận sự hiện diện của một tàu ngầm Jin loại 094 của Trung Quốc từ cuối năm 2007. Tàu ngầm loại 094 là tàu hạt nhân thế hệ thứ hai và đại diện cho vũ khí hải quân có sức công phá mạnh nhất của Trung Quốc. Cho đến nay, toàn bộ tàu ngầm hạt nhân đều đặt dưới quyền của Hạm đội Bắc Hải; đây đánh dấu bước triển khai quân đầu tiên của Hạm đội Nam Hải.

 

Phân tích các hoạt động xây dựng xem từ vệ tinh cho thấy căn cứ hải quân Tam Á có khả năng chứa nhiều tàu ngầm hạt nhân phóng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Khi các công trình này hoàn tất, Trung Quốc sẽ có thể đặt phần lớn lực lượng răn đe hạt nhân bằng tàu ngầm của mình tại đây. Tàu ngầm hạt nhân chiến lược hiện đại nhất của Trung Quốc hiện nay vẫn chưa có khả năng tác chiến, nhưng khi hoàn thiện thì mỗi chiếc có thể mang theo 12 hỏa tiễn đạn đạo bắn đi từ dưới biển. Loại tàu ngầm này còn có uy lực mạnh mẽ hơn nữa nếu Trung Quốc thành công trong việc trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân cho mỗi chiếc tên lửa. Các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc sẽ có thể tuần tra và bắn từ những vị trí bí mật ở vùng nước sâu ngoài đảo Hải Nam nếu Trung Quốc phát triển được kỹ năng tác chiến cần thiết. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, dự kiến trong năm tới sẽ có năm chiếc tàu ngầm hạt nhân chứa tên lửa đạn đạo (SSBN)[11] được Trung Quốc đưa vào vận hành. Hiện vẫn chưa rõ sẽ có bao nhiêu chiếc đặt tại căn cứ Tam Á.

 

Việc hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc là một thách thức và đe dọa cho cả Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam. Trung Quốc là cường quốc quân sự khu vực có sức mạnh áp đảo so với hải quân của các nước ASEAN khác. Trung Quốc cũng là thách thức ngày càng lớn đối với hải quân Ấn Độ nếu nước này tiếp tục mở rộng hoạt động của họ ra phía tây eo biển Malacca. Ấn Độ đã bày tỏ lo ngại trước sự gia tăng hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Hải quân Úc cũng cho rằng sự vượt trội về khoa học kỹ thuật không những sẽ bị thách thức mà còn mất dần theo thời gian. Dù Trung Quốc đang phát triển những công nghệ để thách thức hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, song hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vẫn không thể nào sánh được với sức mạnh của Mỹ hiện nay hay cả trong một thập kỷ tới.

 

II.               Trung Quốc quấy nhiễu tàu hải quân Mỹ

 

Vào tháng 2-3/2009, Mỹ phái tàu Impeccable đi tiến hành các nghiên cứu khoa học quân sự liên quan đến hoạt động tàu ngầm của Trung Quốc trong khu vực căn cứ hải quân Tam Á. Ngày 5/3/2009, tàu Impeccable được ghi nhận nằm cách đảo Hải Nam 75 dặm về phía nam thì một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc chặn trước mũi tàu Impeccable với khoảng cách 100 yard mà không hề báo tín hiệu radio. Hai tiếng sau, một máy bay Y-12 của Trung Quốc bay thấp nhiều vòng theo sát tàu Impeccable. Sau đó, tàu khu trục của Trung Quốc lại chặn trước mũi tàu, cách khoảng 400-500 yard. Một thủy thủ Trung Quốc đã dùng một cái móc neo với ý định làm gãy hệ thống âm sonar của tàu Impeccable.

 

Ngày 7/3/2009, tàu của hải quân Trung Quốc đã liên lạc với tàu Impeccable qua radio và cảnh báo với thuyền trưởng của Impeccable rằng hoạt động của họ là bất hợp pháp và yêu cầu Impeccable phải rời khỏi khu vực, nếu không sẽ phải “gánh hậu quả”.[12] Ngày hôm sau, năm tàu Trung Quốc đã bao vây Impeccable, bao gồm một tàu của Văn phòng Tuần tra đánh bắt cá trên biển, một tàu tuần tra của Cơ quan Hải dương học nhà nước, một tàu do thám hải quân và hai tàu đánh bắt cá mang cờ Trung Quốc.

 

Hai tàu đánh cá áp sát tàu Impeccable, cách khoảng 15m, vẫy cờ Trung Quốc và yêu cầu Impeccable rời khỏi khu vực. Khi một tàu đánh cá tiến gần Impeccable, nó đã bị xịt nước từ vòi rồng. Tàu Impeccable sau đó đã phát tín hiệu cho các tàu Trung Quốc yêu cầu tạo lối ra an toàn. Hai tàu đánh cá Trung Quốc đã tìm cách cản trở Impeccable bằng cách dừng đột ngột trước mũi tàu, buộc Impeccable phải dừng khẩn cấp để tránh va chạm. Khi tàu Impeccable cố gắng thoát ra ngoài thì một tàu đánh cá đã dùng móc neo để làm gãy hệ thống âm sonar của tàu Impeccable.

 

Vụ đụng độ giữa tàu Impeccable và tàu Trung Quốc được tiếp nối sau đó bằng vụ va chạm của một tàu ngầm Trung Quốc và lưới phát sóng sonar của tàu John S. McCain vào ngày 11/6/2009. Tàu McCain là một trong ba tàu chiến của Mỹ tham gia tập trận chung cùng lực lượng hải quân của 6 nước Đông Nam Á khác, trong đó có Philippines và Malaysia.

 

Hai sự việc trên làm dấy lên những mối quan ngại ở Đông Nam Á rằng quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến ổn định khu vực. Rõ ràng, sự lớn mạnh nhanh chóng của hải quân Trung Quốc đã thúc giục quân đội và tàu ngầm Mỹ muốn thăm dò kỹ hơn ở khu vực căn cứ hải quân Tam Á. Khi hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc tăng lên, thì sự quan tâm của Mỹ cũng tăng theo. Thế nhưng để Trung Quốc có thể vận hành các tàu ngầm của mình một cách hiệu quả thì Trung Quốc vẫn cần phát triển khả năng thu thập các thông tin khoa học và kỹ thuật như hiện nay hải quân Mỹ đang làm. Các vụ đụng độ trên biển sẽ không thể tránh được do Trung Quốc đang cố tìm cách bỏ qua Công ước Luật biển để tự mình đơn phương diễn giải luật quốc tế.

 

III.           Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá

 

Vào tháng 5/2009, Trung Quốc đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá trong vòng ba tháng ở biển Đông (trên vĩ tuyến 12) tính từ 16/5 đến 1/8 để bảo tồn nguồn tài nguyên cá, ngăn chặn việc đánh cá bất hợp pháp và bảo vệ ngư dân Trung Quốc. Đây lại là mùa đánh bắt cá cao điểm của Việt Nam. Tám thuyền hiện đại của cơ quan quản lý ngư nghiệp Trung Quốc đã được cử đi để áp dụng lệnh cấm này.[13] Việt Nam đã đưa ra tuyên bố ngoại giao phản đối lệnh cấm này. Báo chí Việt Nam đưa tin rằng tàu Trung Quốc đã chặn tàu, bắt giữ ngư dân và đuổi các tàu Việt Nam khác ra khỏi khu vực cấm. Đã có một tàu cá của Trung Quốc đâm vào và làm đắm tàu Việt Nam.[14] Vào ngày 16/6, Trung Quốc bắt giữ 3 tàu Việt Nam và 37 thủy thủ ở khu vực gần đảo Hoàng Sa. Sau khi trả tự do cho 2 tàu và thủy thủ đoàn, Trung Quốc tạm giữ tàu thứ ba và 12 thủy thủ với mức phạt đến 31.700 đôla Mỹ.[15] Hành động của phía Trung Quốc đã khiến các quan chức tỉnh Quảng Ngãi – địa phương nơi cư ngụ của các ngư dân bị bắt – bất bình và họ tuyên bố không trả khoản tiền phạt này.[16] Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối với Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và yêu cầu thả các ngư dân bị bắt.[17]

 

Trong khi diễn ra những sự việc này, một bài báo của Bộ Thương mại Trung Quốc phê phán những yêu cầu của Việt Nam xuất hiện trên một trang web được duy trì bởi sự hợp tác của Bộ Thương mại hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Điều này đã khiến cho các quan chức Việt Nam quyết định tạm thời đóng cửa trang web.[18] Tháng 8, khi hai thuyền Việt Nam với tổng thủy thủ đoàn 25 người đang tìm cách tránh bão ở quần đảo Hoàng Sa thì họ bị bắt giữ bởi chính quyền Trung Quốc.[19] Việt Nam không chỉ yêu cầu thả thuyền và ngư dân mà còn đe dọa hủy bỏ một cuộc họp về vấn đề biển đã được lên lịch từ trước đó. Trung Quốc đã trả tự do cho các ngư dân.[20] Các cuộc họp về “biên giới và lãnh thổ” đã được tổ chức ở cấp thứ trưởng từ ngày 12-14/8/2009 tại Hà Nội.

 

IV.            Thềm lục địa mở rộng

 

Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (UNCLCS)[21] đã quy định ngày 13/5/2009 là hạn chót để các nước nộp yêu cầu mở rộng thềm lục địa ra ngoài phạm vi 200 hải lý theo như quy định của Công ước Luật biển. Vào ngày 6/5, Malaysia và Việt Nam nộp bản đề xuất chung [22]và ngày hôm sau Việt Nam cũng nộp một tuyên bố riêng.[23] Trung Quốc ngay tức thì đã phản đối việc này nhưng không nộp văn bản công khai.[24] Theo quy định của Ủy ban Ranh giới thì những yêu cầu bị phản đối sẽ không thể xem xét được. Việt Nam đã đáp trả Trung Quốc bằng cách nêu lên sự phản đối của mình.[25]

 

Trung Quốc đã tư liệu hóa những yêu sách biển của mình bằng việc đính kèm một bản đồ vẽ “đường đứt khúc 9 đoạn” tạo thành một khu vực hình chữ U bao vây lấy toàn bộ biển Đông. Song đây là lần đầu tiên Cộng hòa nhân dân Trung Hoa công khai đưa ra yêu sách này.[26] Không có một bản đồ nào được đính kèm với ba tuyên bố quan trọng, và một đạo luật mà Trung Quốc thường sử dụng để bảo vệ các tuyên bố về biển như: Tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải (1958), Tuyên bố của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về lãnh hải và tiếp giáp lãnh hãi (1992), Tuyên bố của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về đường cơ sở dùng để xác định lãnh hải (1996), và Luật của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (1998).

 

Mỹ từng phần đều bác bỏ cơ sở của những tuyên bố chủ quyền ở biển Đông của Trung Quốc. Trong lời phát biểu tại Tiểu ban đối ngoại của Thượng viện về quan hệ Đông Á Thái Bình Dương, Phó trợ lý Ngoại trưởng Scot Marciel đã thẳng thừng bác bỏ những đòi hỏi của Trung Quốc về lãnh hải và các vùng biển không xuất phát từ lãnh thổ đất liền. “Những yêu sách đó không phù hợp với luật pháp quôc tế”, Marciel khẳng định.[27]

 

V.               Chính sách của Mỹ và bốn thách thức của Trung Quốc

 

Trong bản báo cáo thường niên gần đây nhất lên Quốc hội về Quân đội Giải phóng Nhân dân, Lầu Năm Góc đã cảnh báo rằng sự biến đổi nhanh chóng của lực lượng quân sự Trung Quốc đang làm thay đổi cân bằng quân sự ở châu Á theo hướng có lợi cho Trung Quốc và tạo điều kiện cho nước này thực hiện các hoạt động quân sự bên ngoài Đài Loan, trong đó có biển Đông. Nước Mỹ đã ngày càng quan tâm hơn đến cuộc tranh chấp biên giới dai dẳng nhất của Đông Nam Á trong nhiều năm qua, chủ yếu do những lo ngại về quyền đi lại tự do trên biển và nhu cầu bảo vệ hoạt động kinh doanh của các công ty năng lượng Mỹ.

 

Tổng thống Obama xây dựng chính sách dựa trên những di sản của chính quyền Bush bằng việc giữ Robert Gates ở vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Trong vụ tranh cãi gần đây nhất giữa Trung Quốc và Philippines về quần đảo Trường Sa, Tổng thống Obama đã kêu gọi Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo tái khẳng định liên minh Mỹ - Philippines và cam kết của Washington đối với Hiệp ước Thăm viếng Quân sự.[28] Ý định đằng sau lời kêu gọi này thì vẫn còn để mở, song thời điểm của việc làm này cho thấy đó là một cử chỉ ủng hộ dành cho Philippines trong cuộc tranh chấp với Bắc Kinh.

 

Tháng 7/2009, chính quyền Mỹ đã thể hiện rõ chính sách của họ đối với vấn đề biển ở châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm biển Đông, thể hiện qua ý kiến của hai vị quan chức cấp cao ở Tiểu ban về Đông Á và Thái Bình Dương vào Ủy ban đối ngoại Thượng viện. Phó trợ lý Ngoại trưởng Scot Marciel mở đầu bài phát biểu của mình bằng việc khẳng định Mỹ có “lợi ích thiết yếu trong việc duy trì ổn định, quyền tự do đi lại trên biển, và quyền thực hiện các hoạt động kinh tế ở vùng biển Đông Á”. Và cụ thể hơn, sau khi xem xét các vụ việc Trung Quốc đe dọa các công ty dầu khí của Mỹ làm việc với các đối tác Việt Nam, Marciel cho rằng “Chúng ta cần phản đối bất cứ hành động đe dọa này đối với các công ty của Mỹ”.[29]

 

Chính sách của Washington về việc tàu hải quân Mỹ bị quấy nhiễu được Robert Scher, Phó trợ lý Quốc phòng làm rõ trong một chiến lược bốn điểm:

 

Để phục vụ cho mục tiêu chiến lược của chúng ta, Bộ Quốc phòng đã triển khai một chiến lược nhiều mục đích bao gồm:

1) thể hiện rõ, thông qua lời nói và hành động, rằng quân đội Mỹ sẽ vẫn hiện diện với tư cách là lực lượng mạnh nhất ở khu vực;

2) tuyên bố và khẳng định quyền tự do đi lại của tàu hải quân Mỹ;

3) xây dựng quan hệ an ninh với các đối tác ở khu vực, ở cấp chính sách thông qua đối thoại chiến lược và ở cấp thực thi thông qua việc nâng cao năng lực cho các đối tác nhất là trong lĩnh vực an ninh hàng hải;

4) củng cố các cơ chế quân sự - ngoại giao chúng ta hiện có với Trung Quốc để cải thiện việc thông tin liên lạc và giảm thiểu rủi ro từ những tính toán sai lầm.[30]

 

Chính quyền Obama đã vươn ra quan hệ với Trung Quốc và nâng tầm đối thoại song phương lên cấp bộ trưởng với cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế đầu tiên tổ chức ở Washington vào tháng 7/2009. Một kết quả đáng trông đợi của cuộc đối thoại này là thỏa thuận tổ chức cuộc họp về Hiệp ước Tham vấn Quân sự Hàng hải ở Bắc Kinh sau đó.

 

Vào tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đón tiếp Tướng Xu Caihou, Phó Chủ tịch Hội đồng Quân sự Trung ương. Tướng Xu cũng hội đàm với Cố vấn An ninh Quốc gia James, Jones, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Trưởng Liên quân Michael Mullen, Thứ trưởng Ngoại giao James Steinberg và gọi điện thăm hỏi xã giao Tổng thống Obama. Xu và Gates đã đạt được thỏa thuận trên 7 vấn đề:

 

-Tăng cường các chuyến viếng thăm cấp cao;

-Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai;

-Đẩy mạnh hợp tác quân y;

-Mở rộng trao đổi giữa quân đội hai nước;

-Thúc đẩy chương trình trao đổi của các sĩ quan quân đội bậc trung và bậc thấp;

-Khuyến khích giao lưu thể thao văn hóa giữa quân đội hai nước;

-Củng cố các cơ chế ngoại giao và tham vấn hiện tại để bảo đảm an ninh hàng hải.[31]

 

Một điều dễ thấy là quan hệ quân sự Mỹ - Trung vẫn còn phải vượt qua một chặng đường dài. Chẳng hạn, Tướng Xu đã vạch ra bốn thách thức lớn ảnh hưởng đến quan hệ song phương:

 

Thách thức đầu tiên và lớn nhất là quan hệ Mỹ - Đài Loan. Vấn đề Đài Loan liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và là vấn đề cơ bản cản trở sự phát triển quan hệ quân sự Mỹ - Trung. Nếu phía Mỹ không xử lý khéo léo vấn đề này thì một mối quan hệ quân sự Mỹ - Trung lành mạnh và ổn định sẽ khó có thể đạt được.

Thứ hai, Mỹ phải dừng việc sử dụng tàu và máy bay quân sự xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc hy vọng quân đội Mỹ xem xét Công ước Luật biển và luật hàng hải của Trung Quốc và dừng ngay những hành động đe dọa an ninh và lợi ích của Trung Quốc.

Thứ ba, có một số đạo luật của Mỹ cản trở sự phát triển của quan hệ quân sự Mỹ - Trung. Đáng lưu ý nhất trong số đó là Đạo luật Trao quyền Tự vệ năm 2000 được thông qua vào năm 1999.

Cản trở cuối cùng đó là Mỹ thiếu lòng tin chiến lược vào Trung Quốc.

 

VI.            Kết luận

 

Trong vòng 2007 – 2009, tranh chấp biển Đông đã trở thành vấn đề trung tâm ảnh hưởng đến an ninh châu Á dù Tuyên bố Ứng xử ở biển Đông (DOC) năm 2002 đã yêu cầu các bên “kiềm chế các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp”. Các vụ đụng độ hải quân giữa Mỹ và Trung Quốc kể trên cho thấy biển Đông có khả năng trở thành “điểm nóng” gây tranh chấp nếu không được xử lý một cách đúng đắn.

 

Có rất nhiều lý giải cho thái độ ngày một cứng rắn trong thời gian gần đây của Trung Quốc ở biển Đông.[32] Trước tiên, Trung Quốc có thể đang muốn tạo áp lực buộc Hà Nội tham gia ký kết một thỏa thuận hợp tác khai thác và sản xuất chung đối với các mỏ dầu bên ngoài bờ biển Việt Nam, tương tự như bản chất hiệp ước tháng 6/2008 giữa Trung Quốc và Nhật Bản để cùng khai thác mỏ khí Chunxiao trong vùng nước tranh chấp ở bờ biển phía đông Trung Quốc. Nếu đúng như vậy, nỗ lực của Bắc Kinh khó có khả năng thành công vì các mỏ năng lượng xa bờ của Việt Nam nằm trong hoặc ngay giáp cạnh vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Hơn nữa, khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam đã khẳng định Hà Nội sẽ kiên quyết chống lại mọi cố gắng của Trung Quốc nhằm ép Việt Nam ký một thỏa thuận như thế. Như một tiểu xảo để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã gây áp lực với các công ty dầu khí nước ngoài muốn ký thỏa thuận với Việt Nam với lời đe dọa rằng công ty nào làm vậy sẽ bị loại ra khỏi các dự án hợp tác năng lượng với Trung Quốc trong tương lai. Tiểu xảo này đến nay cũng không thành công, vì cả BP và ExxonMobil đã nêu ra ý định tiếp tục thực hiện các thỏa thuận và chính phủ Hoa Kỳ đã khẳng định sẽ phản đối sự đe dọa này.

 

Thứ hai, Trung Quốc có thể muốn đánh tín hiệu với Việt Nam về sự phản đối của họ đối với sự thắt chặt quan hệ quân sự giữa Mỹ và Việt Nam. Kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995, Hà Nội vẫn còn rất thận trọng trong quan hệ quân sự với Mỹ để không làm mất lòng Trung Quốc. Tuy nhiên trong những năm gần gây, quan hệ an ninh – quân sự giữa hai nước Mỹ - Việt đã tiến bộ đáng kể. Tháng 6/2008, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành một chuyến thăm cấp cao tới Mỹ, gặp gỡ Tổng thống George W. Bush và trở thành vị thủ tướng Việt Nam đầu tiên kể từ năm 1975 đến thăm Lầu Năm Góc.

 

Trong một tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa Tổng thống Bush và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã nhất trí tổ chức các cuộc họp cấp cao về vấn đề an ninh chiến lược. Ngoài ra, Tổng thống Bush khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ “chủ quyền quốc gia, an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.[33] Ý nghĩa đằng sau lời phát biểu chưa từng có của Bush vẫn còn để ngỏ vì nó không chỉ rõ về biển Đông. Tuy nhiên, nó càng nhấn mạnh những lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đầu năm 2009 ở Singapore: “Trong chuyến thăm châu Á, tôi đã nghe các nước chủ nhà lo lắng về những hệ lụy an ninh của sự gia tăng nhu cầu tài nguyên, về đường lối “ngoại giao cưỡng bức” và những căng thẳng khác khiến tình hình càng trở nên phức tạp. Tất cả các nước ở châu Á phải bảo đảm hành vi của chúng ta không phải là những động thái gây áp lực dù chúng có thể cùng tồn tại bên cạnh các khía cạnh hợp tác.”[34] Quan điểm của Mỹ vẫn là không công nhận yêu sách của bất kỳ bên nào trong tranh chấp ở biển Đông; song nếu tổng hợp lại những lời nhận định của Bush, Gates và Marciel thì có thể thấy rằng Washington đang cảnh báo rằng Bắc Kinh không nên đe dọa các công ty năng lượng Mỹ trong việc tham gia hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam.

 

Nguyên nhân thứ ba cho việc Trung Quốc quay lại chính sách cứng rắn ở biển Đông đó là nhu cầu ngày càng tăng đối với các mỏ dầu xa bờ, tầm quan trọng của các tuyến đường hàng hải đối với lợi ích chiến lược của Trung Quốc và những tham vọng bá quyền. Trung Quốc không những chỉ tiến hành một chương trình quy mô nhằm hiện đại hóa hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân mà còn xây dựng một căn cứ hải quân lớn ở đảo Hải Nam để từ đó Trung Quốc có thể thực hiện các tuyên bố chủ quyền và triển khai lực lượng ở biển Đông.

 

Một số đề xuất cho việc hợp tác

 

- Tất cả các nước trong khu vực đều có lợi ích trong sự trỗi dậy của Trung Quốc và xử lý hòa bình mối quan hệ Trung – Mỹ. Các quốc gia và thể chế đa phương của khu vực liên quan đến an ninh vì thế cần đem ảnh hưởng ngoại giao của mình tác động đến Trung Quốc và Mỹ để giúp hai nước giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và các biện pháp xây dựng lòng tin. Hai cường quốc này cần tổ chức thường xuyên các cuộc gặp quân sự cấp cao và tìm ra một thỏa thuận hiệu quả về các cuộc chạm trán trên biển.

 

- Cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) cần được khởi động để mở rộng sự tham gia hiệu quả của Diễn đàn Khu vực ASEAN vào giải quyết các vấn đề an ninh. Đây sẽ là một kênh hữu hiệu để thống nhất các nguyên tắc chung về minh bạch quân sự, góp phần giảm bớt những lo ngại về các chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.

- Trung Quốc và các quốc gia hạt nhân nên trở thành thành viên của Hiệp ước về Khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á. Trung Quốc từ lâu đã thể hiện ý định muốn tham gia ký kết. Song việc triển khai các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo ở căn cứ hải quân Tam Á làm dấy lên những câu hỏi về giới hạn địa lý của Đông Nam Á cần làm rõ.

 

- Theo Tuyên bố Ứng xử biển Đông, nếu Trung Quốc có những lo ngại về khả năng tồn tại của nguồn cá ở biển Đông, Trung Quốc cần mời các bên khác trong tranh chấp (Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei) hợp tác trong những hoạt động nghiên cứu khoa học về quản lý nguồn cá. Trung Quốc nên tránh việc đơn phương tuyên bố và ra lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông cho đến khi căn cứ khoa học hành động đó được xác định rõ. Năm 2009, trong khi Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá và đuổi thuyền Việt Nam ra khỏi khu vực, Đài Loan cũng lên tiếng chỉ trích về việc ngư dân Trung Quốc tiến gần vùng biển của họ. Nếu có cơ sở khoa học cho việc dừng đánh bắt cá trong một thời gian, điều này phải áp dụng đồng đều cho tất cả các bên.

 

- ASEAN nên ủng hộ các quốc gia ven biển trong việc kéo Trung Quốc vào một vòng đàm phán mới nhằm nâng vao vai trò của DOC thành một Bộ Quy tắc Ứng xử đầy đủ cho biển Đông.

 

- Các quốc gia khu vực cần thực hiện sáng kiến tổ chức các cuộc thảo luận của quan chức cấp cao về Công ước Luật biển để làm sáng tỏ một số vấn đề không rõ ràng hoặc đang tranh cãi. Những cuộc thảo luận như thế sẽ làm rõ cơ sở pháp lý của các tuyên bố về thềm lục địa mở rộng và những hành động mà thuyền quân sự nước ngoài được phép tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế của một nước.

 

- Các quốc gia khu vực cũng nên xem xét một cách nghiêm túc các khuyến nghị của chính phủ Úc và Nhật Bản về việc nâng cao hiệu quả của cấu trúc an ninh khu vực thông qua các khái niệm về cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương[35] hay cộng đồng Đông Á. Sự thiết lập một cơ chế mới cho các nhà lãnh đạo sẽ đóng góp tích cực cho việc giải quyết một loạt các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh khu vực./.

 

GS. Carlyle A. Thayer , Học viện quốc phòng Úc

  Download bản PDF

 



[1] This paper draws on Carlyle A. Thayer, ‘Maritime Strategic Overview of the Asia-Pacific Region’, in Joshua Ho, ed., Realising Safe and Secure Seas for All: International Maritime Security Conference 2009. Singapore: Select Publishing in association with Republic of Singapore Navy and S. Rajaratnam School of International Studies, 2009. 25-44; and Ian Storey and Carlyle A. Thayer, ‘The South China Sea Dispute: A Review of Developments and their Implications since the 2002 Declaration on the Conduct of Parties’, in Kesavan and Daljit Singh, eds., South and Southeast Asia: Responding to Changing Geopolitical and Security Challenges. Singapore: Observer Research Foundation of India and the Institute of Southeast Asian Studies, forthcoming.

[2] People’s Republic of China, China’s National Defense in 2008. Beijing: Information Office of the State Council of the People’s Republic of China, January 2009, 3. See also: Zhang Yunling and Tang Shiping, ‘China’s Regional Strategy’; Bates Gill, ‘China’s Evolving Regional Security Strategy’; and Robert Sutter, ‘China’s Regional Strategy and Why It May Not Be Good for America’, in David Shambaugh, ed., Power Shift: China and Asia’s New Dynamics. Berkeley, Los Angeles and London: University of California Press, 2005, 48-68, 247-265 and 289-305, respectively; and David Lai, ‘Chinese Military Going Global’, China Security, 5(1), Winter 2009, 3-9.

[3] For nuanced assessments see: Michael D. Swaine, ‘China’s Regional Military Posture’, and David M. Lampton, ‘China’s Rise in Asia Need Not Be at America’s Expense’, in David Shambaugh, ed., Power Shift: China and Asia’s New Dynamics. Berkeley, Los Angeles and London: University of California Press, 2005, 266-285 and 306-326, respectively; Ellis Joffe, ‘The “Right Size” for China’s Military: To What Ends?’, Asian Policy, 4, July 2007, 57-60; Michael R. Chambers, ‘Framing the Problem: China’s Threat Environment’, Asian Policy, 4, July 2007, 61-66; and David M. Finkelstein, ‘China’s National Military Strategy: An Overview of the “Military Strategic Guidelines”’, Asian Policy, 4, July 2007, 67-72.

[4] Office of the Secretary of Defense, Military Power of the People’s Republic of China 2009. A Report to Congress Pursuant to the National Defense Authorization Act Fiscal Year 2000. Washington, D.C.: Department of Defense, 2009, 48 and 51-52.

[5] Ian Storey, ‘China’s “Malacca Dilemma’’’, China Brief (The Jamestown Foundation), 6(8), April 12, 2006 and Thomas M. Kane, Chinese Grand Strategy and Maritime Power. London and Portland: Frank Cass, 2002. 127-128.

[6] Office of the Secretary of Defense, Military Power of the People’s Republic of China 2009. 31-39.

[7] Admiral Michael Mullen, ‘Remarks and Q & A at the Navy League Sea-Air-Space Exposition’, Gaylord National Resort and Conference Center, National Habor, Maryland, May 4, 2009.

[8] Michael D. Swaine, ‘Managing China as a Strategic Challenge’, in Ashley J. Tellis, Mercy Kuo and Andrew Marble, eds., Strategic Asia 2008-2009: Challenges and Choices. Seattle: National Bureau of Asian Research, 2008, 71-105

[9] James D. Steinberg, Deputy Secretary of State, ‘Remarks At National Bureau of Asian Research Conference Engaging Asia 2009: Strategies for Success’, Washington, D.C., April 1, 2009.

[10] On June 18, 2009, General Zhang Li, a member of the Chinese People’s Political Consultative Conference, recommended that China send larger surface combatants to the South China Sea and construct an air and sea port on Mischief Reef in order to control the Spartlys and bypass the Malacca Straits; L. C. Russell Hsiao, ‘PLA General Advises Building Bases in the South China Sea’, China Brief [The Jamestown Foundation], 9(13), June 24, 2009, 1-2.

[11] SSBN is the designation used by the U.S. Navy for a nuclear-powered ballistic nuclear missile-carrying submarine. The SS refers to a submersible ship, the B stands for ballistic missile, and the N denotes nuclear powered.

[12] For a discussion of the legal positions held by the United States and China see: Sam Bateman, ‘Clashes at Sea: When Chinese vessels harass US Ships’, RSIS Commentaries, March 13, 2009; Patrick J. Neher, Raul A. Pedrozo and J. Ashley Roach, ‘In Defense of High Seas Freedoms’, RSIS Commentaries, March 24, 2009; and B. A. Hamzah, ‘EEZs: US Must Unclench is Fist First’, RSIS Commentaries, April 9, 2009. The RSIS Commentaries are produced by the S. Rajaratnam School of International Studies, Nanyang Technological University in Singapore. The most recent incident took place in the Yellow Sea in early May; BBC, ‘Pentagon warns over Chinese boats’, May 5, 2009.

[13] ‘Patrol ships trawl for disorder in Beibu Gulf’, China Daily.com, May 28, 2009; ‘One more ship to patrol South China Sea’, Chinadaily.com.ch, 15 May 2009 and ‘Reinforced patrol sails from Hainan’, Chinadaily.com.ch, 19 May 2009.

[14] ‘Controversial Chinese ban affects more Vietnamese fishing vessels’, Thanh Nien News, 5 June 2009 and ‘Fishermen intimidated and harassed by Chinese patrol boats’, Thanh Nien News, 8 June 2009.

[15] ‘MOFA Spokesman answers reporters’ question’, Nhan Dan on line, 27 June 2009; ‘Calling for signs of goodwill from China’, Thanh Nien News, 28 June 2009; and ‘VN official asks for Chinese counterparts;’ help in detained fishermen case’, VietNamNet Bridge, July 23, 2009.

[16] ‘China arrests Vietnamese fishermen, demands astronomical fines’, Vietnam.net, 30 June 2009 and ‘China again demands money for Vietnamese fishermen’, Vietnam.net, 7 July 2009.

[17] ‘Fishermen team up for protection, Vietnam asks China to lift ban’, Thanh Nien News, 8 June 2009.

[18] ‘Vietnam shuts down Web site in dispute with China’, Associated Press, 18 May 2009 and Deutsche Presse-Agentur (DPA), ‘Vietnam-China territory dispute moves to cyberspace’, 19 May 2009. In April 2009, Vietnam’s Ministry of Information and Communication suspended Du Lich (Tourism) newspaper for three months for publishing a series of articles praising the patriotism of Vietnamese students who demonstrated against China in late 2007. Nga Pham, ‘Vietnam paper banned over China’, BBC News, April 15, 2009.

[19] DPA, ‘China detains Vietnamese fishermen fleeing storms’, 4 August 2009; DPA, ‘Vietnam asks China to release fishermen’, 5 August 2009 and Beth Thomas, ‘China Releases Vietnamese Fishermen Seized Near Paracel Islands’, Bloomberg, 12 August 2009.

[20] ‘Chinese nabbed Quang Ngai fishermen return home’, Vietnam News Agency, August 15, 2009.

[21] The UNCLCS maintains a home page at: http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/clcs_home.htm

[22] A copy may be found at:

http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_mysvnm_33_2009.htm.

[23] A copy may be found at:

http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_vnm_37_2009.htm.

[24] A copy may be found at:

http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/chn_2009re_mys_vnm.

[25] Neil Ford, ‘Progress in the South China Sea’, International Gas Report, 8 June 2009; ‘Receipt of the joint submission made by Malaysia and the Socialist Republic of Viet Nam to the Commission on the Limits of the Continental Shelf’, Secretary General of the United Nations, 7 May 2009; Xinhua, ‘China urges UN commission not to review joint Malaysia-Vietnam submission on outer limits of continental shelf’, 7 May 2009. A copy of Vietnam’s reply to China may be found at:

http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/vnm_chn_2009re_mys.

[26] Unofficially, an earlier map had been in circulation based on a 1947 map drawn up by the Kuomintang (KMT) government. The KMT map contained eleven dash lines; the PRC later deleted two dashes in the Gulf of Tonkin (Beibu Gulf). See the map reproduced in Stein Tonnesson, ‘China and the South China Sea: A Peace Proposal.’ Security Dialogue, Vol. 31(3), September 2000.

[27] Testimony of Deputy Assistant Secretary Scot Marciel, Bureau of East Asian and Pacific Affairs, U.S. Department of State before the Subcommittee on East Asian and Pacific Affairs, Committee on Foreign Relations, United States Senate, 15 July 2009.

[28] Philippine Daily Inquirer, 17 March 2009.

[29] Testimony of Deputy Assistant Secretary Scot Marciel, Bureau of East Asian and Pacific Affairs, U.S. Department of State before the Subcommittee on East Asian and Pacific Affairs, Committee on Foreign Relations, United States Senate, 15 July 2009.

[30] Testimony of Deputy Assistant Secretary of Defense Robert Scher, Asian and Pacific Security Affairs, Office of the Secretary of Defense before the Subcommittee on East Asia and Pacific Affairs, Senate Committee on Foreign Relations, United States Senate, 15 July 2009.

[31] Yang Qingchuan, ‘Chinese, U.S. military ties face opportunity for new development’, Xinhua, October 29, 2009.

[32] This section is drawn from Storey and Thayer, ‘The South China Sea Dispute: A Review of Developments and their Implications since the 2002 Declaration on the Conduct of Parties’, op. cit.

[33] Joint Statement Between the United States of America and the Socialist Republic of Vietnam, 24 June 2008. http://www.vietnamembassy-usa.org/ news/story.php?d=20080627045153

[34] International Institute for Strategic Studies (Singapore) speech as delivered by Secretary of Defense Robert M. Gates, Singapore, 31 May 2008.

 http://www.defenselink.mil/speeches/speech.aspx?speechid=1253

[35] See Carlyle A. Thayer, ‘Kevin Rudd’s Asia-Pacific Community Initiative: Suggestions and Insights for the Future Process of East Asian Regional Cooperation’, Paper presented to International Conference on East Asia and South Pacific in Regional Cooperation, sponsored by The Shanghai Institutes of International Affairs, Shanghai, People’s Republic of China, September 9-10, 2009. Available at Scribd.com.