Sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc và sự lo ngại của Nhật Bản về vị thế của Tokyo khiến hai nước này phải phát triển các mối quan hệ mới hoặc củng cố các mối quan hệ cũ, trong khi vẫn thúc đẩy quan hệ với các nền kinh tế năng động ở Đông Nam Á. Đặc biệt, việc Nhật Bản tăng cường quan hệ với các nước có chung mối quan ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải khiến cho Bắc Kinh lo ngại rằng nước này đang bị các đồng minh của Mỹ trong khu vực bao vây. 

Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Lý Khắc Cường và Quốc vương Hassanal Bolkiah ngày 11/10 vừa qua, Trung Quốc và Brunei đã ra tuyên bố chung, trong đó nêu rõ hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí trên biển. Trước đó hai ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Quốc vương Hassanal Bolkiah cũng đã đạt được thỏa thuận về việc thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng. Những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc và Nhật Bản tập trung vào nước nhỏ nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) này không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà bởi vì Brunei hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN và nước này cũng đã lên tiếng yêu cầu thúc đẩy việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). 

Những động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ phải đối mặt với tình trạng chia rẽ chính trị về vấn đề ngân sách và trần nợ công, khiến Tổng thống Barack Obama phải hủy chuyến công du tới châu Á để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được cử tham dự hội nghị này nhưng sự vắng mặt của ông Obama cho thấy những khó khăn mà Mỹ có thể phải đối mặt khi theo đuổi chiến lược "tái cân bằng" ở Châu Á. 

Ngoại giao cạnh tranh 

Được tổ chức tại Bali, Indonesia, từ ngày 5 đến 7/10, Hội nghị thượng đỉnh APEC có sự tham gia của 13 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo đã kết hợp tới thăm một số nước trong khu vực. Trong chuyến công du đầu tiên tới Đông Nam Á kể từ khi giữ cương vị Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương hồi tháng 3 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã tới thăm Malaysia, trong khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tham dự một hội nghị của ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) ở Brunei trước khi sang thăm Thái Lan và Việt Nam. Tại Hà Nội, lãnh đạo hai nước đã nhất trí thành lập ba nhóm công tác về hợp tác cùng phát triển trên biển, cơ sở hạ tầng và tài chính. Việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động ngoại giao trong khu vực có thể được coi là một tác động từ những hội nghị này hoặc là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á đối với Bắc Kinh theo khía cạnh kinh tế và chiến lược. 

Hồi tháng 9 vừa qua, Trung Quốc và ASEAN chính thức bắt đầu tiến hành các cuộc tham vấn về COC. Mặc dù trước đó Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng tiến trình tham vấn và đàm phán sau đó có thể kéo dài, nhưng quyết định tiến hành các cuộc tham vấn đã cho thấy quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN đang được cải thiện. Trong chừng mực nào đó, sự cải thiện trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN có thể nhờ vào việc bổ nhiệm ông Vương Nghị vào ghế Bộ trưởng Ngoại giao. Từng làm việc tại Vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị đã có công lớn trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Bắc Kinh và ASEAN trong những năm cuối của thập kỷ 90. Năm 2003, Trung Quốc là nước đầu tiên ngoài khu vực ASEAN ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN. Tuy nhiên, sau giai đoạn quan hệ nồng ấm này thì quan hệ giữa Trung Quốc và một số quốc gia thành viên ASEAN trở nên xấu đi do những tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và các nước Đông Nam Á lo ngại về một nước Trung Quốc ngày càng quyết đoán và hùng mạnh hơn. Và hiện nay, có vẻ như Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đang cố gắng phục hồi những ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.

Mặc dù chính sách này đang được ông Vương Nghị triển khai tích cực nhưng đó không phải là sáng kiến của riêng ông. Dường như Bắc Kinh đã nhận ra những thiệt hại trong các mối quan hệ do tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough với Philippines và gây áp lực với Campuchia khi nước này đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN năm 2012, khiến cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung vì những bất đồng liên quan đến Biển Đông. Bắc Kinh nhận ra vị thế của mình ở Đông Nam Á đang bị giảm sút một phần vì Nhật Bản tích cực đẩy mạnh các hoạt động trong khu vực thời gian gần đây. Nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC và EAS, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã tới thăm chính thức Indonesia và Brunei. So với hai nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Abe đến thăm nhiều nước Đông Nam Á hơn trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của mình.

Theo kế hoạch, ông Abe sẽ sang thăm Campuchia và Lào vào giữa tháng 11 tới và sẽ trở thành thủ tướng Nhật Bản đầu tiên công du tới cả 10 nước thành viên ASEAN ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ Nhật Bản xây dựng quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là với các nước có chung mối lo ngại về sự quyết đoán của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh hải. Tháng 7 vừa qua, Tokyo đã nhất trí cung cấp 10 tàu chiến cho Lực lượng tuần duyên Philippines, trong khi Việt Nam cũng đang muốn mua tàu chiến của Nhật Bản và tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với nước này. 

Nỗ lực thúc đẩy quan hệ của Tokyo còn vươn ra khỏi khu vực Đông Nam Á. Năm 2012, Nhật Bản đã tổ chức cuộc tập trận chung trên biển đầu tiên với Ấn Độ. Hồi tháng 1/2013, lần đầu tiên hai nước tổ chức Đối thoại các sự vụ trên biển và tháng 5/2013, thủ tướng Nhật Bản và Ấn Độ ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh mong muốn “tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong các vấn đề liên quan đến biển”. Tuy nhiên, chính các hoạt động ngoại giao của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á mới khiến cho Trung Quốc phải đẩy mạnh hơn các nỗ lực ngoại giao của nước này . 

Mỹ vẫn đứng bên lề 

Trong khi Bắc Kinh và Tokyo đang đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao ở Đông Nam Á thì Mỹ cũng quan tâm và gia tăng các cam kết và hoạt động ngoại giao trong khu vực này. Washington lần đầu tiên công bố chiến lược tái cân bằng ở châu Á vào cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Ban đầu, Mỹ chỉ dự định mở rộng sự hiện diện quân sự ở châu Á, nhưng sau đó, Washington đã chuyển hướng sang cả hai lĩnh vực kinh tế và ngoại giao. Trọng tâm của lĩnh vực kinh tế là đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ và 11 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng không có Trung Quốc. Trên mặt trận ngoại giao, Washington thường xuyên cử các quan chức cấp cao tới thăm các nước trong khu vực và tăng cường sự can dự của Mỹ vào cấu trúc chính trị của châu Á. 

Tuy nhiên, việc ông Obama vắng mặt ở các hội nghị APEC và ASEAN gần đây cho thấy những thách thức mà Mỹ đang phải đối mặt trong quá trình theo đuổi chiến lược tái cân bằng ở châu Á. Trong bối cảnh phải thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” ở trong nước và tiếp tục các cam kết ở Trung Đông, Mỹ đang bị hạn chế trong việc chuyển dịch các nguồn lực quân sự đáng kể sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Do vậy, Washington cũng có thể gặp nhiều rào cản trong việc giành lại ảnh hưởng ở các nước Đông Nam Á, vốn đang lo ngại về sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc. Một khía cạnh ít được thảo luận tới trong chiến lược tái cân bằng đó là mong muốn của Mỹ chuyển bớt gánh nặng quốc phòng sang các đồng minh của nước này cũng như cải cách lại hệ thống đồng minh thời hậu chiến. Washington hiện đang hối thúc Hàn Quốc đảm nhận quyền chỉ huy lực lượng liên quân đóng ở nước này và kêu gọi Nhật Bản thúc đẩy quan hệ quân sự với các nước đồng minh khác như Hàn Quốc và Australia. 

Trong chừng mực nào đó, những nỗ lực ngoại giao năng động hơn của Nhật Bản được coi là dấu hiệu cho thấy chiến lược tái cân bằng của Mỹ và sự lo ngại của Tokyo về sự nổi lên của Trung Quốc. Sau nhiều năm tập trung vào hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, giờ đây Mỹ đang phải chuyển trọng tâm sang khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, do những hạn chế vốn có, chiến lược tái cân bằng của Mỹ cũng đang khuyến khích việc trang bị lại thiết bị quân sự cho đồng minh Nhật Bản. Những phản ứng của Mỹ và Nhật Bản đang khiến cho Trung Quốc lo lắng bởi nước này nhận thức được rằng Washington và các đồng minh trong khu vực đang âm thầm tiến hành chính sách bao vây, ngăn chặn đối với Bắc Kinh. 

Phục hưng đất nước 

Chiến dịch ngoại giao gần đây ở Đông Nam Á cho thấy xu hướng rộng lớn hơn trong khu vực. Ngoại giao chủ động của Nhật Bản phản ánh quyết tâm phục hưng đất nước của Chính quyền Abe. Cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy chi tiêu và tăng trưởng kinh tế sâu rộng - được biết đến như là chính sách ‘Abenomics’ - và khả năng sửa đổi hiến pháp trong năm tới cho phép nước này có quyền phòng vệ tập thể, chính phủ của ông Abe đang nỗ lực phục hồi vị thế của Nhật Bản ở châu Á và “bình thường hóa” thân phận của nước này. 

Chính sách phục hưng đất nước của ông Abe đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người theo đường lối bảo thủ ở Nhật Bản và khiến cho người dân nước này nhận thức rõ hơn rằng Nhật Bản đã bị kiềm chế một cách bất công từ sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc. Theo cách này, chiến lược của ông Abe có sự tương đồng với “giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình, với các mục tiêu “phục hưng đất nước, cải thiện dân sinh, phát triển thịnh vượng, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn và củng cố quân sự”. Mục tiêu phục hưng đất nước của Tokyo và Bắc Kinh, đạt được thông qua tăng trưởng kinh tế và phát triển quân sự, cho thấy cả giấc mơ của Nhật Bản và Trung Quốc ngay cả khi Nhật Bản bình thường hóa quân sự sẽ có nhiều hạn chế trong tương lai. 

Sự tác động lẫn nhau giữa hai chính sách này có thể tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn là kiềm chế nhau. Hiện tại, sự cạnh tranh mới chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngoại giao khi mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đang tìm cách giành ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, nhưng tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông có thể dễ dàng phá hủy thành quả này. Trong khi đó, một số nước ASEAN coi Nhật Bản là một đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản có nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử và nước này cũng đang phải vật lộn để được thừa nhận nhiều hơn là một nước được Mỹ ủy nhiệm. 

Đối với các nước ASEAN, sự cạnh tranh này có thể được coi là tích cực trong trung hạn, buộc Trung Quốc phải có chính sách hợp lý hơn ở Biển Đông và thúc đẩy việc đàm phán về COC, trong khi khuyến khích Nhật Bản quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào khu vực Đông Nam Á. Mặc dù vậy, trong dài hạn, sự cạnh tranh quân sự ngấm ngầm giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể mang lại những hậu quả tiêu cực đối với các nước Đông Nam Á vì điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. 

Theo “IISS

Mỹ Anh (gt)