Quảng trường Thiên An Môn ngày 3/9 trở thành sân khấu cho màn biểu dương hoành tráng sức mạnh quân sự của Trung Quốc với các trung đội bộ binh diễu hành, theo sau là các đầu đạn hạt nhân xuyên lục địa, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay không người lái và nhiều vũ khí tối tân khác. Thông điệp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về “hòa bình và công lý” tỏ ra không đồng nhịp với màn trình diễn đồ sộ các thiết bị chiến đấu do Bắc Kinh tự sản xuất.

Trong cuộc duyệt binh có sự tham gia của 12.000 binh sỹ, 500 xe đổ bộ và 200 máy bay, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ cắt giảm 300.000 lính và nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi “bá quyền”. Tuy nhiên, ông kêu gọi thế giới thiết lập “một mô hình quan hệ quốc tế mới” thông qua lời phát biểu “Tất cả các quốc gia cần xây dựng một mô hình quan hệ quốc tế mới, đặc trưng bởi hợp tác cùng thắng hướng tới mục tiêu cao quý vì hòa bình, phát triển trên toàn cầu”.

Từ khán đài danh dự, Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc  Ban Ki-moon và nguyên thủ quốc gia nhiều nước chứng kiến lễ duyệt binh lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, được sắp đặt kỹ lưỡng để thể hiện sức mạnh quân sự đang gia tăng của Bắc Kinh. Nhân vật tạo ra bất ngờ lớn nhất trong số đó là Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Nhà lãnh đạo quốc gia đồng minh lâu năm của Mỹ, cường quốc đang trong tình trạng cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Từ trước khi tới Bắc Kinh, quyết định của Tổng thống Park Geun-hye tham dự lễ duyệt binh đã nhận được sự chú ý đặc biệt trong và ngoài Hàn Quốc. Đã có những cuộc tranh luận nóng bỏng rằng liệu sự hiện diện của Tổng thống Park bên cạnh lãnh đạo các nước đối thủ tiềm tàng của Mỹ có phù hợp với lợi ích quốc gia của Hàn Quốc.

Độ nóng của các cuộc tranh luận là minh chứng cho các thách thức ngoại giao đang gia tăng với Hàn Quốc, trong bối cảnh Seoul nỗ lực duy trì đồng thời quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ và quan hệ chiến lược với Trung Quốc, đối tác tối quan trọng về thương mại, du lịch và tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Có những luồng ý kiến khác nhau về sự hiện diện của Tổng thống Park Geun-hye. Những người ủng hộ cho rằng chuyến đi của Tổng thống Park đánh dấu bước ngoặt trong chính sách ngoại giao của Seoul, vốn từng ưu tiên quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ. “Sự ràng buộc của quan hệ đồng minh Hàn Quốc-Mỹ gây trở ngại cho sự tăng cường quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh. Sự hiện diện của Tổng thống Park tại lễ duyệt binh là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu chính sách ngoại giao cân bằng của Seoul vượt qua những trói buộc của thời kỳ Chiến tranh lạnh”, giáo sư danh dự Suh Jin-young thuộc Đại học Korea nói.

Những người phản đối trong khi đó cho rằng, mặc dù Washington tôn trọng quyết định của Tổng thống Park Geun-hye, nội bộ chính quyền Mỹ có thể nhận định Seoul đang nghiêng về phía Bắc Kinh, khiến quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn Quốc rạn nứt, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm kiếm vai trò lãnh đạo khu vực, nếu không phải là vai trò bá quyền.

Lễ duyệt binh diễn ra vào thời điểm hết sức quan trọng, khi Bắc Kinh nỗ lực tạo lập môi trường ngoại giao và quốc phòng thuận lợi trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tháng 9/2015, cũng như trước giai đoạn bầu cử Tổng thống Mỹ năm tới. “Lễ duyệt binh là sự kiện có nhiều mục đích, nhằm phô trương sức mạnh quân sự và ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc, đặc biệt trước cuộc gặp thượng đỉnh Tập Cận Bình-Obama. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể mong muốn giành được sự thừa nhận từ phía Tổng thống Obama về ảnh hưởng của Bắc Kinh. Khi chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ bắt đầu, một số ứng cử viên bảo thủ có thể sẽ tạo ra tình thế khó khăn hơn cho Trung Quốc. Vì vậy, Bắc Kinh thấy cần tăng cường vị thế trước giai đoạn này.”, một chuyên gia an ninh đề nghị giấu tên cho biết.

Gia tăng đối đầu Mỹ-Trung

Sự hiện diện của Tổng thống Park Geun-hye tại lễ kỷ niệm chiến thắng nhận được sự chú ý, bởi vì lễ duyệt binh dường như được tổ chức nhằm củng cố lòng tự hào dân tộc của Bắc Kinh và gửi thông điệp răn đe ngầm tới các đối thủ, bao gồm Mỹ và Nhật Bản, cũng như những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

“Tổng thống Park Geun-hye có thể đang tìm kiếm sự tự chủ lớn hơn trong quan hệ đồng minh với Mỹ bằng cách lựa chọn tham dự lễ duyệt binh cùng với Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo các nước gần gũi với Trung Quốc. Điều này không gây ra vướng mắc gì, do Seoul có thể đã hoặc sẽ giải thích thỏa đáng với Washington về ý định của mình. Tuy nhiên, Seoul nên có thêm những động thái để trấn an Washington về sự vững chắc của quan hệ đồng minh” chuyên gia phân tích quân sự Nam Chang-hee tại Đại học Inha nói.

Buổi trình diễn các thiết bị quân sự với độ sát thương, độ chính xác và tầm hoạt động lớn là cơ hội hiếm hoi để các nhà quan sát đánh giá xem Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã thành công trong phát triển năng lực “chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập (A2/AD) hay chưa. Trong 20 năm qua, Bắc Kinh đã đầu tư đáng kể cho việc phát triển năng lực phòng ngừa và công kích để ngăn ngừa các lực lượng thù địch, được hiểu là quân đội Mỹ, tiếp cận vùng biển hoặc bất kỳ khu vực phòng thủ nào trên lãnh thổ hoặc vùng duyên hải Trung Quốc. Với việc trình diễn tên lửa Hàn Quốc 12 được phóng từ tàu chiến và tên lửa tầm trung DF-21D, được mệnh danh “sát thủ hàng không mẫu hạm”, cùng với một loạt các thiết bị quân sự khác tại lễ duyệt binh, có thể thấy năng lực “chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập” của Trung Quốc đang gia tăng.

Nhằm đối trọng với năng lực quân sự của Trung Quốc, Mỹ đang củng cố lại cơ cấu quân đội, phát triển các học thuyết quân sự mới, điều chỉnh các chiến lược tác chiến và tăng cường mạng lưới đồng minh và đối tác, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản. Động thái của Mỹ nhằm ngăn ngừa chiến lược chống xâm nhập của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi sự ám ảnh với các chiến dịch chống nổi dậy và chống khủng bố tại Iraq và Afganistan, khủng hoảng tài chính 2008 và sự cắt giảm mạnh chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực từ phía quân đội Mỹ thông qua các học thuyết tác chiến mới để đối trọng với mối đe dọa đang lên từ phía Trung Quốc.

Học thuyết đáng chú ý nhất của quân đội Mỹ là “Tác chiến không - hải chiến”, bao gồm việc huy động các phương tiện không quân, hải quân để cắt đứt việc thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc, từ đó triển khai các đợt tấn công trực tiếp vào lục địa Trung Quốc. Học thuyết sau này được đổi tên thành “Học thuyết chung về Tiếp cận và Tác chiến tại các khu vực chia sẻ lợi ích toàn cầu” (Joint Concept for Access and Maneuver in the Global Commons). Đồng thời, quân đội Mỹ cũng xây dựng học thuyết “Dành và duy trì quyền tiếp cận”, sau này được thay thế bằng “Học thuyết chung về hoạt động tiếp cận” (Joint Concept for Entry Operation) nhằm cụ thể hóa vai trò của các lực lượng đổ bộ ứng phó với sự đe dọa từ chiến lược chống xâm nhập.

Những nỗ lực phát triển các học thuyết tác chiến mới thể hiện mức độ quan ngại sâu sắc của Washington trước sự thách thức từ phía Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh đang có những hành động cứng rắn trong các tranh chấp tại Hoàng Hải và Biển Đông. Động thái của Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông, kèm theo việc bố trí các thiết bị quân sự như đường băng và radar càng làm gia tăng mối quan ngại từ phía Washington. Các chuyên gia Mỹ coi các hành động khẳng định chủ quyền trên biển của Trung Quốc là một phần trong các nỗ lực giành quyền kiểm soát tại khu vực tây Thái Bình Dương, ít nhất là quanh phạm vi “chuỗi đảo” từ Okinawa, Ryukyu, Đài Loan và bắc Philippines. Trên cơ sở đó, phía Mỹ tin rằng Trung Quốc có thể gây nguy hại cho điều gọi là “các chia sẻ lợi ích toàn cầu”, gọi theo cách khác là tự do hàng hải và thương mại trên biển.

Cạnh tranh Mỹ-Trung cũng diễn ra trên các lĩnh vực khác, bao gồm tài chính. Điển hình là sáng kiến của Trung Quốc thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), động thái được cho là hướng đến việc thay đổi trật tự tài chính toàn cầu, bằng cách thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ tại các thể chế quốc tế chủ chốt như Ngân hàng Thế giới.

Thách thức ngoại giao với Seoul

Các nỗ lực của chính quyền Park Geun-hye nhằm nối lại sự tin cậy với Trung Quốc được đúc kết qua việc bà Park tham dự lễ duyệt binh ngày 3/9 tại Bắc Kinh. Theo các nhà phân tích, sự hiện diện của Tổng thống Park mở ra khả năng Seoul đóng vai trò “cầu nối” giữa Trung Quốc và Mỹ để thúc đẩy hợp tác trong một loạt vấn đề, bao gồm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

“Sự hiện diện của Tổng thống Park Geun-hye tại lễ duyệt binh cho thấy, trong bối cảnh xuất hiện sự chuyển dịch quyền lực và nhiều bất ổn trong khu vực, Hàn Quốc có thể đóng vai trò trung gian quan trọng thúc đẩy hòa bình và ổn định. Lần này, Tổng thống Park muốn chứng tỏ Hàn Quốc có thể đóng vai trò tích cực và xây dựng trong tháo ngòi nổ, xử lý các căng thẳng địa chính trị tại khu vực và đem lại sự ổn định cho bối cảnh an ninh chung”, giáo sư quan hệ quốc tế Kim Heung-kyu thuộc Đại học Ajou nói. 

Từ khi nhậm chức tháng 2/2013, Tổng thống Park Geun-hye đã nỗ lực tăng cường quan hệ với Trung Quốc, sau khi mối quan hệ này trở nên xấu đi do Tổng thống tiền nhiệm Lee Myung-bak ưu tiên cho quan hệ đồng minh với Mỹ. Khi đó, trước những hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên, Tổng thống Lee Myung-bak đã cố gắng khôi phục quan hệ Seoul-Washington, vốn đã trở nên căng thẳng trong giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Roh Moo-hyun, khi Seoul đòi hỏi quan hệ song phương trở nên “cân bằng và công bằng hơn”.

Chính sách ngoại giao của chính quyền Park Geun-hye với Trung Quốc đã tạo ra quan ngại từ phía một số nhà phân tích tại Hàn Quốc và Mỹ rằng Seoul có thể đang ngả về phía Bắc Kinh, nhất là khi Trung Quốc đang mong muốn đào sâu khoảng cách giữa Mỹ và các nước đồng minh nhằm phục vụ mục tiêu dài hạn là lãnh đạo khu vực.

Chuyến đi Bắc Kinh của Tổng thống Park Geun-hye lần này làm gia tăng những mối quan ngại, bất chấp các nỗ lực hậu trường của Seoul nhằm trấn an Mỹ rằng Seoul thúc đẩy hợp tác với Bắc Kinh chủ yếu để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đồng thời thúc đẩy an ninh chung của khu vực. Về mặt chính thức, phía Mỹ đã thể hiện ủng hộ chuyến đi của Tổng thống Park và cho rằng quan hệ gần gũi hơn giữa Seoul và Bắc Kinh sẽ thúc đẩy tình trạng an ninh khu vực.

Quan ngại về sự rạn nứt trong quan hệ Seoul-Washington xuất hiện vào thời điểm hai bên chuyển hóa tính chất quan hệ từ đồng minh an ninh, tập trung vào ngăn ngừa nguy cơ xâm lược từ phía Triều Tiên, trở thành đối tác nhiều mặt. Một số nhà phân tích cho rằng không nên coi quan hệ đồng minh là sản phẩm của thời kỳ Chiến tranh lạnh, mà là mô hình toàn diện về tăng cường quan hệ song phương. “Khi NATO đảm nhiệm vai trò an ninh lớn hơn là thúc đẩy hòa bình thế giới, quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn Quốc cũng thay đổi, chuyển hóa thành quan hệ đồng minh toàn diện. Trước sự cạnh tranh Mỹ-Trung, chúng ta không nên theo đuổi cách tiếp cận lựa chọn giữa một trong hai cường quốc. Chúng ta đang sống trong thế giới phức tạp với sự kết nối giữa các quốc gia về mặt xã hội, văn hóa, ngoại giao và chính trị. Mọi người thường phóng đại khía cạnh an ninh trong khi bỏ qua bức tranh tổng thể”, giáo sư chính trị học quốc tế Kim Tae-hyun thuộc Đại học Chung-Ang nói.

Theo Korea Herald

Văn Cường (gt)