Ảnh: Eurasia Review

Trước đây không ai quan tâm đến Ấn Độ Dương, nhưng hiện nay nơi đây đã và đang trở thành một trung tâm hoạt động chính trị, chiến lược và kinh tế vì các loại tàu ngầm hạt nhân, tàu chiến và tàu thương mại của các cường quốc thường xuyên hiện diện trong khu vực. Hơn nữa, Ấn Độ Dương có một số khoáng sản quan trọng như: lượng vàng được khai thác trong khu vực chiếm 80,7% của thế giới, 56,6% thiếc, 28,5% măngan, 25,2% niken và 77,3% cao su thiên nhiên, chưa kể khối lượng hàng hóa được vận chuyển qua Ấn Độ Dương là lớn nhất thế giới.

Về chiến lược, Ấn Độ Dương rất quan trọng, đặc biệt do sự hiện diện của các cường quốc lớn và 3 cường quốc hạt nhân trong khu vực: Pakixtan, Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là lý do giải thích tại sao các cường quốc khu vực chú trọng triển khai các tàu ngầm trang bị tên lửa thông thường và tàu ngầm trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân (SLBM) có khả năng phát động đòn tấn công thứ hai và duy trì cân bằng sức mạnh để ngăn chặn bá quyền trong khu vực. Mỹ đã thành lập căn cứ hải quân tại Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, từ đó đe dọa các nước khu vực và bảo vệ lợi ích sống còn của Mỹ. Nhưng quan hệ chính trị bên trong và xung quanh Ấn Độ Dương có thể tác động lớn đến chiến lược “Trở lại châu Á” của Mỹ. Vì vậy, Chỉ đạo Chiến lược năm 2012 của Mỹ đã gắn kinh tế và an ninh của Mỹ với những phát triển ở Ấn Độ Dương và nâng Ấn Độ lên vị thế của một đối tác chiến lược lâu dài trong khu vực. Các tài liệu chính thức của Mỹ cũng tuyên bố Iran và Trung Quốc là hai quốc gia có khả năng sử dụng các phương tiện không cân xứng để chống lại những lợi ích của Mỹ.

Hợp tác Ấn Độ-Mỹ ở Ấn Độ Dương buộc Pakixtan và Trung Quốc phải cảnh giác trước các đề nghị của họ, từ đó tạo nên sự cạnh tranh chiến lược trong khu vực và sử dụng các chiến lược phụ thuộc tài nguyên để chống lại những thủ đoạn của đối phương. Thế giới đang bước vào kỷ nguyên địa năng lượng, trong đó an ninh năng lượng sẽ tạo điều kiện cho mối quan hệ giữa các nước và có thể dẫn đến việc cơ cấu lại hệ thống quyền lực thế giới. An ninh năng lượng sẽ đóng vai trò quyết định trong việc tạo nên xung đột và hợp tác. Nước nào giành được vị trí quan trọng ở Ấn Độ Dương sẽ có khả năng kiểm soát nguồn năng lượng không chỉ đổ đến Đông Á mà cả các khu vực khác.

Hiện nay, lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới của Mỹ đang thống trị khu vực, trong khi đó các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc cũng đang cố gắng cân bằng sức mạnh với Mỹ để bảo vệ lợi ích kinh tế và nhu cầu năng lượng. Làm chủ Ấn Độ Dương là vấn đề rất quan trọng và điều đó có thể được khẳng định bởi thực tế dầu lửa được vận chuyển từ Vùng Vịnh đến hầu hết các nước trên thế giới đều đi qua Ấn Độ Dương và qua eo biển Malắcca đến Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Pakixtan có tuyến bờ biển duy nhất nằm trên Ấn Độ Dương, do đó đây là con đường sống còn đối với thương mại, đặc biệt cho việc cung cấp năng lượng của Ixlamabát. Các lợi ích quan trọng của Pakixtan ở Ấn Độ Dương đang gây khó khăn cho Ấn Độ trong việc thống trị các khu vực gần Pakixtan và bảo vệ các tuyến đường xuất nhập khẩu quan trọng của họ. Trước đây Pakixtan có thể hành động tương đối hạn chế so với sự hiện diện của hải quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, do đó Ixlamabát chủ trương phát triển sức mạnh hải quân và kết thân với một cường quốc bên ngoài để cân bằng với Ấn Độ. Pakixtan không hy vọng Mỹ là một đối tác đáng tin cậy trong việc củng cố an ninh ở Ấn Độ Dương, đặc biệt khi Mỹ đang tăng cường đối thoại an ninh với Ấn Độ. Do đó, Pakixtan cho rằng quốc gia có thể đóng vai trò cân bằng quan trọng hơn ở Ấn Độ Dương là Trung Quốc.

Hiện nay Pakixtan đang được hưởng lợi nhờ chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc, do đó nước này đã chuyển giao quyền hoạt động cho Trung Quốc. Cũng như Ấn Độ, lợi ích kinh tế của Pakixtan trong việc bảo đảm an ninh Ấn Độ Dương rất lớn. Cán cân thanh toán không ổn định của Pakixtan phụ thuộc vào thương mại biển; 95% thương mại và 100% nhập khẩu dầu lửa của Pakixtan được vận chuyển qua Ấn Độ Dương. Mục tiêu chủ yếu của Pakixtan là vô hiệu hóa Ấn Độ, bảo vệ các lợi ích kinh tế và năng lượng và hiện Pakixtan đang hoạt động trong liên minh với Trung Quốc, đồng thời nâng cao sức mạnh của quân đội và hải quân.

Nhận thấy Ấn Độ Dương là một trung tâm năng lượng, Ấn Độ đang cố gắng tăng cường can dự khu vực và tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở các nước từ Iran đến Thái Lan. Chẳng bao lâu nữa Ấn Độ sẽ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 4 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, phụ thuộc khoảng 33% nhu cầu năng lượng và sớm muộn sẽ nhập khẩu 90% dầu lửa từ Vùng Vịnh. Một lý do khác đằng sau sự phát triển sức mạnh hải quân của Ấn Độ là "thế tiến thoái lưỡng nan ở eo biển Hormuz”. Hàng nhập khẩu của Ấn Độ phải đi qua eo biển Hormuz, gần bờ biển Makran của Pakixtan - nơi Trung Quốc đang giúp nước này phát triển các cảng nước sâu. Để bảo vệ các lợi ích quan trọng cũng như đạt được vị thế siêu cường, Ấn Độ đang phát triển lực lượng hải quân. Đến nay hải quân Ấn Độ có 155 tàu chiến, trở thành một trong những lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, và dự kiến năm 2015 sẽ tăng thêm ba tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và ba tàu sân bay. Mục tiêu quan trọng trong việc xây dựng lực lượng hải quân của Ấn Độ không những liên quan đến kinh tế và an ninh mà còn là “tự chủ chiến lược”. Chính sách này của Ấn Độ phù hợp với mục tiêu giành vị thế siêu cường và đủ sức chống lại sự hiện diện của các cường quốc bên ngoài khu vực ở Ấn Độ Dương, kể cả trước mắt và lâu dài.

Ấn Độ cho rằng sự hiện diện của các cường quốc ngoài khu vực đang tạo nên căng thẳng trong khu vực, từ đó ảnh hưởng đến các lợi ích nhạy cảm của Niu Đêli. Ấn Độ muốn thay thế các cường quốc và trở thành nước thống trị Ấn Độ Dương. Trong số những phát triển mới nhất của Hải quân Ấn Độ phải kể đến lễ khai trương căn cứ hải quân mới INS Dweeprakshak ở quần đảo Lakshadweep, trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân Phía Nam, ngày 1/5/2012. Điều này có nghĩa là căn cứ hải quân mới của Ấn Độ sẽ đối mặt với chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc nhằm chia cắt Ấn Độ khỏi các nước Ấn Độ Dương khác.

Để đạt được vị thế siêu cường mới nổi, Ấn Độ dự chi gần 45 tỷ USD trong 20 năm tới để mua 103 tàu chiến mới, kể cả các tàu khu trục và tàu ngầm hạt nhân. Nhưng thực tế khi mở rộng ảnh hưởng về phía Đông và phía Tây trên bộ và trên biển, Ấn Độ sẽ đụng chạm đến Trung Quốc - hiện cũng đang quyết tâm bảo vệ các lợi ích trong khu vực và mở rộng tầm hoạt động của lực lượng hải quân.

Theo kế hoạch, Trung Quốc cũng sẽ chi 25 tỷ USD để mua 135 tàu trong thời gian tương tự. Mối quan tâm lớn nhất của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương là an ninh năng lượng. Hiện nay Bắc Kinh cũng đang đứng trước “Tình thế tiến thoái lưỡng nan ở Malắcca”. Bởi vì Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào eo biển này và ngược lại mục tiêu của Mỹ nhằm kiểm soát eo biển để tác động đến nhu cầu năng lượng của Trung Quốc. Thực tế, bất cứ nước nào kiểm soát eo biển Malắcca cũng sẽ kiểm soát tuyến đường năng lượng của Trung Quốc. Lệ thuộc quá nhiều vào eo biển Malắcca đã tạo nên mối đe dọa lớn cho an ninh năng lượng của Trung Quốc. Eo biển Malắcca là tuyến đường biển quan trọng cho phép Mỹ chiếm ưu thế địa chính trị, hạn chế sự phát triển của các nước lớn và kiểm soát nguồn năng lượng của thế giới. Chính phủ Trung Quốc hy vọng có thể bỏ qua eo biển đó bằng cách vận chuyển dầu lửa và các sản phẩm năng lượng khác qua các tuyến đường bộ và đường ống dẫn dầu từ các bến cảng ở Ấn Độ Dương chạy đến trung tâm Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã và đang triển khai chiến lược “chuỗi ngọc trai” ở Ấn Độ Dương, trong đó xây dựng hàng loạt bến cảng ở các nước thân thiện dọc bờ biển phía Bắc Ấn Độ Dương như: bến cảng Gwadar ở Pakixtan, một bến cảng ở thành phố Pasni ở phía Đông Pakixtan và cách cảng Gwadar khoảng 75 dặm; một trạm tiếp liệu trên bờ biển phía Nam Xri lanca và một kho vận ở Chittagong của Bănglađét. Chính phủ Trung Quốc cũng dự kiến đào một con kênh qua eo đất Kra ở Thái Lan để kết nối Ấn Độ Dương với bờ biển Thái Bình Dương của Trung Quốc - một dự án có quy mô tương tự kênh đào Panama và có thể thúc đẩy hơn nữa cán cân sức mạnh của châu Á nghiêng về Trung Quốc bằng cách tạo điều kiện cho lực lượng hải quân và hạm đội tàu thương mại Trung Quốc dễ dàng thâm nhập khu vực đại dương rộng lớn kéo dài từ Đông Phi đến Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh chiến lược này, Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước khu vực thông qua các thỏa thuận viện trợ, thương mại và quốc phòng. Một yếu tố quan trọng thúc đẩy Trung Quốc xây dựng các tuyến đường thay thế là chẳng bao lâu nữa hải quân Ấn Độ sẽ trở thành lực lượng lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, từ đó sẽ ngăn chặn sự bành trướng quân sự của Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc cũng đang phát triển và xem xét lại vai trò trong bối cảnh môi trường thay đổi và tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ Dương, từ đó gia tăng ảnh hưởng trên biển bằng cách chuyển vai trò từ một lực lượng hải quân chủ yếu bảo vệ bờ biển thành lực lượng có khả năng hoạt động kéo dài trên các vùng biển quốc tế xứng đáng với vị thế siêu cường của Trung Quốc.

Mục đích chiến lược của Oasinhtơn là thống trị tuyến đường vận chuyển dầu lửa ở Ấn Độ Dương, do đó những năm gần đây Mỹ rất quan tâm đến Ấn Độ, Việt Nam và Xinhgapo - tất cả các nước này đều nằm trên tuyến đường đó. Nhưng Ấn Độ Dương là một trong những thách thức lớn nhất mà Mỹ đang đối mặt trong thể chế chính trị thế giới, khi cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đang nổi lên như các cường quốc biển, kinh tế và thách thức quyền bá chủ kéo dài nhiều thập kỷ qua của Mỹ. Vì vậy nhiệm vụ của Hải quân Mỹ là lặng lẽ thúc đẩy sức mạnh hải quân của các nước đồng minh tin cậy nhất như Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và Nhật Bản ở Tây Thái Bình Dương để hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Một trong những mục tiêu chủ yếu của Mỹ là hạn chế và làm chậm sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc ở các nước trong khu vực và kích động xung đột giữa các nước.

Rõ ràng Mỹ đang kích động các nước trong khu vực ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông để hạn chế FDI của Trung Quốc và đẩy các nước ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Mỹ không muốn khu vực bị thống trị bởi bất cứ nước nào khác, bởi vì điều đó sẽ phá hủy nghiêm trọng các lợi ích kinh tế lâu dài của Mỹ cũng như làm mất cân bằng sức mạnh trong khu vực. Điều này đặc biệt quan trọng khi trung tâm kinh tế dịch chuyển từ Tây sang Đông. Nếu bị kiểm soát bởi bất cứ quốc gia châu Á nào, các điểm nút quan trọng ở Ấn Độ Dương, kể cả eo biển Malắcca, Hormuz và Bab el Mandeb, có thể làm nghiêng cán cân thương mại hơn nữa về châu Á. Nạn cướp biển ở eo biển Malắcca cho thấy những gì có thể xảy ra khi việc đi lại tự do và an toàn qua một điểm nút không được đảm bảo an ninh.

Tuy nhiên khó khăn của Mỹ là nước này không thể ngăn chặn hoặc phong tỏa nguồn cung cấp cho Trung Quốc và Ấn Độ, bởi vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, nhưng Mỹ có thể độc quyền cung cấp năng lượng bằng cách kiểm soát các nước Trung Á. Một khó khăn nữa của Mỹ là, Mỹ không thể làm ngơ trước lực lượng hải quân Trung Quốc. Mỹ đã tận dụng mọi cơ hội để hợp nhất lực lượng hải quân Trung Quốc vào các liên minh quốc tế, bởi vì sự hiểu biết và sức mạnh trên biển của Mỹ và Trung Quốc rất quan trọng cho sự ổn định chính trị thế giới trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trong khu vực, Mỹ đang lợi dụng sự bất đồng giữa Ấn Độ và Trung Quốc để giành được ưu thế. Mỹ tiếp tục can dự với Ấn Độ như một phần chiến lược bao vây Trung Quốc. Mỹ khuyến khích Ấn Độ thiết lập các mối quan hệ với các nước Đông Nam Á và Trung Á nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Mỹ cũng tăng cường sự hiện diện hải quân trong khu vực - nơi Mỹ thừa nhận đang trở thành vị trí trung tâm trong các vấn đề chính trị thế giới. Trong bối cảnh đó, sự chuyển đổi chiến lược “Trở lại châu Á” của Mỹ đóng vai trò rất quan trọng.

Iran là cường quốc mới nổi khác ở Ấn Độ Dương hiện đang kiểm soát eo biển Hormuz - một tuyến đường quá cảnh rất dễ gây xung đột trong khu vực. Tuyến đường quá cảnh này chịu trách nhiệm cung cấp dầu lửa cho phần lớn thế giới. Việc kiểm soát tuyến đường này có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ, nhưng đặc biệt quan trọng đối với Iran - nước đang sử dụng nó như một công cụ để tăng cường sức mạnh cũng như đòn bẩy để mặc cả với Mỹ và đồng minh về vấn đề hạt nhân. Dư luận đặt câu hỏi liệu Iran có áp dụng biện pháp ngăn chặn eo biển Hormuz không? Rõ ràng các tuyên bố chính thức của Têhêran cho thấy Iran đã xem xét lựa chọn này và coi đây như một hành động răn đe. Phản ứng trước khả năng cấm vận dầu lửa của Liên minh châu Âu bằng cách thể hiện sức mạnh quân sự và đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, Iran cảnh báo phương Tây rằng Têhêran không thể trở thành nạn nhân thụ động của cuộc chiến tranh kinh tế.

Mặt khác, bảo vệ an ninh ở eo biển Hormuz là một ưu tiên trong chiến lược răn đe phòng thủ của Iran ở Vùng Vịnh. Do đó, chắc chắn chính sách của Iran sẽ được cân nhắc hợp lý trên cơ sở chịu trách nhiệm đầy đủ và mang tính thực tiễn địa chính trị của khu vực, nhưng bằng mọi cách không để các nước phá hủy các lợi ích hợp pháp của họ.

Tóm lại, Ấn Độ Dương giữ vị trí trung tâm trong chiến lược của các cường quốc thế giới và khu vực. Như một mô hình thu nhỏ của thế giới, khu vực Ấn Độ Dương đang phát triển thành một khu vực chủ quyền được bảo vệ mạnh mẽ và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế-thương mại thông qua các đường ống dẫn dầu, các tuyến đường bộ và đường biển. Và lần đầu tiên kể từ cuộc tấn công khu vực trong những năm đầu thế kỷ 16 của Bồ Đào Nha, sức mạnh của phương Tây đang suy giảm mặc dù không thể hiện rõ ràng. Bên cạnh đó dù cố gắng phục hồi kinh tế bằng cách tiến hành các giải pháp trong nước, nhưng Mỹ không thể khẳng định vị trí thống trị của họ trong khu vực. Ấn Độ và Trung Quốc có thể tham gia cạnh tranh mạnh mẽ ở các vùng biển này do lợi ích kinh tế của hai nước và là các đối tác thương mại lớn của khu vực. Pakixtan sẽ tiếp tục khẳng định vị thế bằng cách thiết lập liên minh với Trung Quốc và xây dựng khả năng riêng của họ, đặc biệt là sức mạnh hải quân. Do tình hình và thực tiễn địa chính trị, Mỹ sẽ thay đổi vị thế từ thống trị thành mối quan hệ không thể thiếu với các cường quốc khu vực, kể cả Iran và Pakixtan. Trong tương lai, Mỹ có thể hoạt động như một “người cầm cân nảy mực” giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Rõ ràng không một nước nào có thể thống trị khu vực một cách độc lập, do đó Mỹ và các cường quốc phải thiết lập một kiểu quan hệ đa phương, theo đó mỗi nước có thể theo đuổi các mục tiêu của riêng mình.

Theo Eurasia Review

Trần Quang (gt)