Các mục tiêu chiến lược của Nga trên bán đảo Triều Tiên

Vấn đề Triều Tiên vẫn là một mối quan ngại lâu dài đối với Nga do sự kết hợp giữa các lợi ích an ninh và kinh tế. Các lợi ích an ninh bao gồm không phổ biến vũ khí hạt nhân và ngăn ngừa một cuộc xung đột có quy mô lớn cũng như ngăn ngừa quân sự hóa khu vực. Chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân là nền tảng của vị thế chiến lược của Nga trên thế giới - sự tan vỡ của nó và sự xuất hiện của các quốc gia hạt nhân mới sẽ làm suy yếu cơ sở của quyền lực chính trị của Nga. Nga sẽ không bao giờ công nhận Triều Tiên là nước sở hữu hạt nhân hợp pháp. Việc tăng cường các tài sản chiến lược của Mỹ ở Đông Bắc Á, đặc biệt là các hệ thống phòng thủ tên lửa mà cuối cùng sẽ có khả năng làm suy yếu hệ thống răn đe tên lửa của Nga ở phía Đông, cũng là một mối quan ngại đối với Moskva. Điều này có thể dẫn đến việc miền Đông Bắc Trung Quốc quân sự hóa, Nhật Bản tái quân sự hóa, và cuối cùng là một cuộc chạy đua vũ trang bao gồm tất cả các bên tham gia trong khu vực. Các lợi ích kinh tế của Nga có liên quan đến những lợi ích tiềm tàng của việc giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và mở rộng hợp tác kinh tế ở Đông Á, đặc biệt khi xét đến việc chính sách “Hướng Đông” đã được tuyên bố là đặc điểm đổi mới quan trọng nhất của hoạt động địa chiến lược của Nga trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với phương Tây. 

Vấn đề Triều Tiên là một trong số ít các vấn đề ở châu Á mà ở đó Nga tham gia chặt chẽ trong tiến trình ngoại giao đa phương cùng với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Các chuyên gia ở Stratfor đã đúng khi chỉ ra: “Mặc dù một mình Nga không thể giải quyết được vấn đề Triều Tiên, nước này có thể xoay chuyển tình hình vừa đủ để đóng vai trò kẻ phá hoại hoặc đồng minh đối với bất kỳ nỗ lực nào của phương Tây nhằm giải quyết nó”. 

Ảnh hưởng đòn bẩy của Nga đối với các vấn đề Triều Tiên đã giảm dần sau khi Liên Xô tan rã, khi Moskva xa rời Bình Nhưỡng và nghiêng về phía Seoul vào đầu những năm 1990. Nga đã học được bài học một cách khó nhọc rằng ảnh hưởng đòn bẩy và khả năng bảo vệ các lợi ích của nước này trong vấn đề bán đảo Triều Tiên tương quan với mức độ quan hệ của nước này với Triều Tiên; nếu không, Nga sẽ bị loại khỏi các cuộc thảo luận về vấn đề bán đảo Triều Tiên. Các mục tiêu rõ ràng nhất của chính sách Nga đối với bán đảo Triều Tiên có thể được tóm tắt như sau: 

•Moskva muốn có một Đông Bắc Á ổn định và thịnh vượng để tạo điều kiện cho sự hội nhập sâu sắc hơn của Nga vào sự phân chia lao động và toàn cầu hóa của khu vực và quốc tế, điều quan trọng đối với sự thịnh vượng kinh tế của miền Viễn Đông Nga và Nga nói chung. 

•Nga mong muốn bán đảo Triều Tiên không còn vũ khí hủy diệt hàng loạt; phản đối mạnh mẽ việc phổ biến vũ khí hạt nhân, vì điều này có thể kích động việc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực và trên toàn cầu; và nước này mong muốn thay đổi cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho Nga. 

•Cần tìm ra giải pháp cho vấn đề Triều Tiên trong một tiến trình ngoại giao gồm nhiều bên. Những ý tưởng về “giải pháp cả gói” lần đầu tiên được Moskva đề xuất vào năm 2003. Các thoả thuận mà Đàm phán 6 bên đạt được trong giai đoạn 2005-2007 - rất giống với đề xuất của Moskva năm 2003 - cần phải trở thành cơ sở cho bất kỳ giải pháp nào. Chúng có thể được bắt đầu bằng “đình chỉ đổi lấy đình chỉ”, tiến tới các thỏa thuận song phương giữa các bên đối lập, và sau đó được hoàn thiện bằng việc thiết lập một cơ chế hòa bình và an ninh gồm nhiều bên. 

•Để đạt được các mục tiêu này, Nga cần vừa duy trì quan hệ tốt với Triều Tiên, vừa hợp tác với các bên tham gia chủ yếu khác. Khuynh hướng về sự phân chia các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh (Triều Tiên-Trung Quốc-Nga đối đầu với Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc) cần phải chấm dứt. Thay vào đó, cần theo đuổi dàn xếp về “sự phối hợp của các cường quốc”. 

•Một bán đảo Triều Tiên phụ thuộc vào một nước bên ngoài, dù đó là Mỹ hay Trung Quốc, sẽ gây tổn hại tới các lợi ích của Nga, và Nga sẽ cố gắng ngăn ngừa một diễn biến như vậy. Việc một Hàn Quốc thân Mỹ sáp nhập Triều Tiên có thể gây tổn hại cho đất nước Triều Tiên và an ninh khu vực, và Nga có thể sẽ cùng với Trung Quốc phản đối một kịch bản như vậy. Nga cũng không mong muốn một Triều Tiên bị Trung Quốc chi phối, vì một chế độ như vậy có thể sẽ không ổn định và một diễn biến như vậy sẽ tăng cường các nỗ lực kiềm chế nhằm vào Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng quân sự trong khu vực. 

•Nga ủng hộ sự hòa giải và hợp tác giữa hai miền Bắc-Nam mà không có sự can thiệp từ bên ngoài, nhắm tới mục tiêu dài hạn là cuối cùng thống nhất hai miền Triều Tiên trong một hình thức được cả miền Bắc và miền Nam nhất trí dẫn tới việc thành lập một nhà nước liên Triều thống nhất, hòa bình và thịnh vượng và thân thiện với Nga. 

Từ giữa những năm 1990, các nhà hoạch định chính sách Nga đã xuất phát từ sự hiểu biết rằng không may là quan hệ liên Triều về căn bản vẫn không thay đổi trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Trong một phần tư thế kỷ qua, sự trông đợi về “sự sụp đổ sắp xảy ra” của Triều Tiên như một điều kiện tiên quyết cho việc thống nhất hai miền Triều Tiên vẫn là quan điểm chủ lưu ở Hàn Quốc, ít nhất là cho đến khi Chính quyền Moon Jae-in lên nắm quyền, cũng như trong tư duy chính trị của Mỹ. Tuy nhiên, việc “thống nhất bằng cách sáp nhập” hiện tại thậm chí còn ít có khả năng xảy ra hơn hồi những năm 1990 khi Triều Tiên đột ngột mất đi phần lớn sự hỗ trợ bên ngoài của mình, rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có, và không sở hữu bất kỳ “hệ thống răn đe hạt nhân” nào. Ngày nay, tình hình địa chính trị mới - bao gồm tình huống đối đầu giằng co giữa Mỹ và Nga cũng như sự kình địch giữa Washington và Bắc Kinh - hầu như không đem lại hy vọng gì cho khả năng nhà nước Triều Tiên bị lật đổ một cách hòa bình theo kịch bản “hạ cánh mềm” và lãnh thổ của họ bị một trong các “phe” cạnh tranh lẫn nhau lấy đi một cách thầm lặng. 

Hiện tại, Nga thực sự không nhận thấy bất kỳ triển vọng nào cho một sự thống nhất hòa bình trong ngắn hạn và sẽ chỉ ủng hộ việc hội tụ cuối cùng của hai nhà nước, khi tính đến các lợi ích của cả hai bên, nếu việc thống nhất là khả thi đối với các thế hệ tương lai ở miền Bắc và miền Nam bán đảo Triều Tiên. Do vậy, điều đáng mong muốn là duy trì vị thế nhà nước của cả hai miền trong khi thúc đẩy thay đổi ở Triều Tiên. Nhưng để khởi động tiến trình này, Nga tin rằng Triều Tiên cần có những sự bảo đảm an ninh cho chế độ hiện tại, dù chế độ này có kỳ dị và khó ưa như thế nào đi chăng nữa. 

Mặc dù Moskva phản đối mạnh mẽ viễn cảnh về một Triều Tiên được trang bị hạt nhân, nhưng có sự đồng thuận gần như tuyệt đối ở Nga rằng việc phi hạt nhân hóa khó có thể thực hiện được trong tương lai có thể thấy trước. Các nhà hoạch định chính sách và các nhà phân tích Nga thừa nhận rằng một khả năng hạt nhân có thể là cách duy nhất để chế độ Triều Tiên đảm bảo an ninh của mình trong một môi trường mà ở đó hầu hết các điều kiện khác đều chống lại Bình Nhưỡng. Kremlin nhấn mạnh rằng vấn đề hạt nhân Triều Tiên là một hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống đang tiếp diễn của trật tự quốc tế, mà ở đó các quy tắc phổ quát bị coi thường và “sức mạnh đã trở thành có lý”. Cái được hiểu là thiên hướng của Washington đơn phương sử dụng sức mạnh quân sự khi đối phó với các đối thủ nước ngoài và xu hướng của họ rút khỏi các thỏa thuận được đàm phán trước đó không giúp ích gì cho tình hình. Chẳng hạn, hãy xem xét một số tuyên bố gần đây của Putin về Triều Tiên mà trong đó ông ám chỉ về tác động nguy hiểm của ưu thế của Mỹ: 

“Chúng ta cần nhất trí về sự hiểu biết đồng nhất về các chuẩn mực, các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và tuân thủ các quy tắc này. Chừng nào thực tế chưa phải như vậy, chừng nào cách tiếp cận “sức mạnh là có lý” còn được đưa ra... Chúng ta sẽ còn nhận thấy các vấn đề giống như vấn đề ở Triều Tiên. Các nước nhỏ không nhận thấy cách nào khác để bảo vệ độc lập, an ninh và chủ quyền của họ ngoài việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Đây là những gì sự lạm dụng quyền lực dẫn tới”.

***

“Họ [Triều Tiên] hiểu rất rõ tình hình diễn biến ra sao, chẳng hạn như ở Iraq, khi mà với cái cớ - mà giờ đây mọi người đều đã rõ - với cái cớ bề ngoài là tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt, một quốc gia và ban lãnh đạo của nước này đã bị tiêu diệt, và thậm chí các thành viên trong gia đình và trẻ em đã bị bắn chết. Họ nhận thức được tất cả những điều này và họ coi việc sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa là cách duy nhất để tự vệ. Các vị có tin rằng họ sẽ từ bỏ tất cả không? Hù dọa họ là điều bất khả thi. Chúng ta đề xuất gì với họ? Hãy nhìn xem, chúng ta nói: “Chúng tôi sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt”. Có nghĩa là các vị sẽ sống tốt hơn. Các vị sẽ có nhiều thức ăn ngon, bổ trên bàn ăn... Các vị sẽ có quần áo tốt hơn. Nhưng bước tiếp theo, theo cách nhìn của họ, là một lời mời tới nghĩa địa”. 

***

“Đúng vậy, chúng ta rõ ràng lên án các vụ thử hạt nhân mà Triều Tiên đã tiến hành và tuân thủ hoàn toàn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến Triều Tiên... Tuy nhiên, đương nhiên là vấn đề này chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại. Chúng ta không nên đẩy Triều Tiên vào ngõ cụt, đe dọa sử dụng vũ lực, hạ thấp mình đến mức tỏ ra khiếm nhã hoặc thóa mạ không chút nao núng. Dù ai đó thích hay không thích chế độ Triều Tiên, chúng ta không được quên rằng Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên là một nước có chủ quyền. Mọi xung đột phải được giải quyết một cách văn minh. Nga luôn ưa thích một cách tiếp cận như vậy. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng ngay cả những nút thắt phức tạp nhất - dù đó là cuộc khủng hoảng ở Syria hay Libya, ở bán đảo Triều Tiên hay ở Ukraine - cũng phải được tháo gỡ thay vì bị cắt đứt. Việc thảo luận về một cuộc tấn công giải trừ vũ khí mang tính ngăn ngừa là nguy hiểm. Không ai biết Triều Tiên đã cất giấu những gì và ở đâu, và liệu nước này có khả năng đồng thời phá hủy mọi thứ bằng một cuộc tấn công hay không. Tôi nghi ngờ điều đó. Tôi gần như chắc chắn rằng điều này là bất khả thi. Vì vậy, chỉ có một cách, đó là đạt được một thỏa thuận và đối xử với quốc gia này với sự tôn trọng. Vào một thời điểm nào đó, chúng ta đã nhất trí rằng Triều Tiên sẽ ngừng các chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Không, các đối tác Mỹ của chúng ta nghĩ rằng như vậy là chưa đủ, và tôi nghĩ là vài tuần sau, sau thỏa thuận, họ đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, nói rằng Triều Tiên có thể làm tốt hơn. Có lẽ Triều Tiên có thể, nhưng nước này không đảm nhận những nghĩa vụ như vậy. Triều Tiên cũng đã ngay lập tức rút khỏi tất cả các thỏa thuận và khôi phục tất cả những gì nước này đang làm trước đó. Chúng ta phải hành xử kiềm chế trong tất cả những hành động này. Khi đó, chúng ta đã đạt tới một thỏa thuận, và tôi nghĩ rằng giờ đây chúng ta cũng có thể làm như vậy”. 

Khi nói về tình hình an ninh đang xấu đi trên bán đảo Triều Tiên, thái độ của Moskva là “tại cả đôi bên”, đổ lỗi ngang nhau cho Triều Tiên và Mỹ. Khi nhắc tới sự trao đổi các tuyên bố hung hăng giữa Bình Nhưỡng và Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh rằng cả hai bên đều đang cư xử một cách vô trách nhiệm: 

“Nếu xem xét luận điệu của Washington và luận điệu của Bình Nhưỡng... Hai điều này đã trở nên gần như giống hệt nhau… Hóa ra Mỹ đã tự đặt mình vào cùng một cấp độ luận điệu với Chính quyền Triều Tiên”. 

Các quan chức Nga luôn nhấn mạnh bản chất “gây bất ổn” của những gì họ coi là “sự tăng cường quân sự” của các liên minh lấy Mỹ làm trung tâm ở Đông Bắc Á, bao gồm “các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn nhằm diễn tập các chiến dịch tấn công chống lại Triều Tiên” và việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc. Nhiều nhà hoạch định chính sách và chuyên gia Nga tin rằng Mỹ sử dụng vấn đề hạt nhân Triều Tiên như một cái cớ thuận tiện để tìm kiếm “các lợi thế quân sự đơn phương” và “đưa ồ ạt các vũ khí mới vào khu vực”. 

Moskva tin rằng trong điều kiện hiện tại, lựa chọn khả thi tốt nhất sẽ là việc Triều Tiên tạm ngừng hoạt động hạt nhân và tên lửa (cái gọi là “đóng băng”) để đổi lấy những sự nhượng bộ đáng kể từ phía Mỹ và Hàn Quốc, chẳng hạn như giảm bớt các hoạt động quân sự của liên minh trên bán đảo Triều Tiên và nới lỏng chế độ trừng phạt. Phi hạt nhân hóa sẽ vẫn là một mục tiêu dài hạn chỉ có thể đạt được sau một sự biến đổi sâu sắc của môi trường an ninh ở Đông Bắc Á mà hiện có đặc trưng là sự mất lòng tin lẫn nhau ở mức độ cao. 

Phát biểu thường được lặp lại của Bộ Ngoại giao Nga nói về sự cần thiết phải có một “giải pháp toàn diện thông qua các phương thức chính trị-ngoại giao, tính đến các mối quan ngại của tất cả các bên liên quan”. Một phần khác của phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết của “tình trạng hòa hoãn chung về quân sự-chính trị và việc tháo dỡ cấu trúc mang tính đối đầu trong khu vực”. Thứ nhất, điều này có nghĩa là Nga bác bỏ các lựa chọn quân sự cũng như các phương thức gây sức ép cứng rắn, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt gây tê liệt, trong việc đối phó với Triều Tiên. Thứ hai, giải pháp này cần tôn trọng các lợi ích và các mối quan ngại sống còn của tất cả các bên, trong đó có Triều Tiên và bản thân Nga. Thứ ba, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và các vấn đề chiến lược khác phải được đưa ra bàn thảo, chẳng hạn như mức độ của sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á. Thứ tư, Đông Bắc Á cần bắt đầu dịch chuyển hướng tới một cấu trúc an ninh mới mà ở đó các liên minh mang tính loại trừ do Mỹ dẫn dắt được thay thế bởi các thể chế bao hàm tất cả các nước then chốt trong khu vực, trong đó có Nga. 

Lập trường của Nga về Triều Tiên và về tương lai của trật tự địa chính trị của Đông Bắc Á có thể có vẻ giống với lập trường của Trung Quốc ở chỗ nước này không chấp nhận sự bá quyền tiếp tục của Mỹ. Tuy nhiên, có một sự khác biệt cốt yếu. Trung Quốc tìm cách thay thế sự thống trị chiến lược của Mỹ ở Đông Á bằng sự thống trị của riêng mình. Đối với Nga, địa vị đứng đầu của Bắc Kinh hay của Washington trong khu vực cũng đều không thể chấp nhận được. Điều mà Moskva mong muốn là một hệ thống cán cân quyền lực đa cực và mang tính phối hợp, với Nga đóng vai trò một trong các bên lợi ích liên quan then chốt của nó. 

Nga tiếp tục ưu tiên nối lại Đàm phán 6 bên, coi đó là cơ chế thích đáng nhất để đạt được một giải pháp toàn diện và lâu dài cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Hơn nữa, Moskva coi Đàm phán 6 bên là bước đầu của việc thiết lập một dàn xếp mang tính thể chế phụ trách về an ninh Đông Bắc Á. Nga cũng cởi mở đối với các sáng kiến đa phương khác, chẳng hạn như Khu vực không vũ khí hạt nhân ở Đông Bắc Á do Mông Cổ thúc đẩy, trong đó kêu gọi các nước sở hữu hạt nhân đảm bảo an ninh cho các nước phi hạt nhân. 

Một phần quan trọng của cách tính toán của Nga có liên quan đến chính trị liên Triều. Moskva từ lâu đã nhấn mạnh rằng không thể giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên mà không có sự cải thiện đáng kể trong quan hệ Bắc-Nam. Sự ra đi của Park Geun-hye, người chủ yếu theo đuổi các chính sách mang tính đối đầu với Bình Nhưỡng, và việc Moon Jae-in, một người ủng hộ can dự hơn, đắc cử vào tháng 5/2017 đã làm dấy lên những kỳ vọng ở Nga rằng đối thoại Bắc-Nam có thể được nối lại. 

Từ khoảng mùa Xuân năm 2017, Nga rõ ràng đã tăng cường sự tham gia ngoại giao của nước này trong vấn đề Triều Tiên. Một dấu hiệu của sự tích cực mới trong ngoại giao của Moskva trên bán đảo Triều Tiên là nhịp độ gia tăng của các tiếp xúc ngoại giao với Bình Nhưỡng. Tháng 7/2017, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Nga Oleg Burmistrov đã được phái tới Bình Nhưỡng để tổ chức các cuộc tham vấn về đề xuất “lộ trình” của Nga nhằm tháo ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Một số nhà lãnh đạo cấp cao Triều Tiên đã có những chuyến dừng chân quá cảnh ở Moskva, đem lại thêm cơ hội cho các cuộc đàm phán kín. Choe Son-hui, vụ trưởng vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên và là một trong những nhà đàm phán hàng đầu của Bình Nhưỡng, đã tới thăm Moskva vào tháng 9 và tháng 10/2017. 

Ngoài các cuộc trao đổi ngoại giao chính thức, trong năm 2017, đã có rất nhiều đoàn đại biểu gần như chính thức, bao gồm các nhà lập pháp, các chính trị gia, và thậm chí là những người nổi tiếng trong giới truyền thông, từ Moskva tới thăm Bình Nhưỡng và ngược lại. 

Kremlin không che giấu mong muốn của họ là đóng một vai trò then chốt trong hoạt động ngoại giao trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Trên thực tế, Vladimir Putin đã nói như vậy khi ông tuyên bố rằng Nga “có thể đóng vai trò bên trung gian” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi Bắc Kinh và Washington rõ ràng vẫn là những thế lực có ảnh hưởng lớn nhất trong các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, Nga hy vọng trở thành một bên tham gia không thể thiếu khác bằng việc duy trì tình hữu nghị với Bình Nhưỡng, hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh và chơi các “trò chơi ngoại giao” với Washington, đồng thời cũng đối thoại với Seoul và Tokyo. 

Quan điểm của Trung Quốc về Triều Tiên 

Một phần do sức ép không ngừng từ phía Mỹ, nhưng cũng do chính sự tức giận của nước này với Kim Jong-un, người vốn ngay từ khi bắt đầu nắm quyền đã thể hiện sự kháng cự công khai đối với Bắc Kinh, Trung Quốc đã và đang gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng. Chỉ trong hơn một tháng, từ ngày 5/8 đến 11/9/2017, Bắc Kinh đã ủng hộ 2 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt khắt khe theo lĩnh vực đối với Triều Tiên. Khi xét đến việc Trung Quốc và Triều Tiên bị ràng buộc bởi hiệp ước liên minh, việc một nước lớn buộc một đồng minh chính thức phải chịu các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt như vậy là gần như chưa từng có trong quan hệ quốc tế hiện đại. 

Tuy vậy, không có khả năng Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt gây tê liệt, gần đến mức phong tỏa hoàn toàn Triều Tiên, theo yêu cầu của Washington. Dù chán ghét kẻ ngoan cố Kim Jong-un, nhưng ban lãnh đạo Trung Quốc không muốn đẩy Triều Tiên vào tình thế tuyệt vọng có thể dẫn tới sự sụp đổ của nhà nước. Bắc Kinh vẫn quan tâm tới sự hiện diện tiếp tục của Triều Tiên, dù có hay không có triều đại Kim, ngay cả nếu nước này là một nước được trang bị hạt nhân trên thực tế. Trung Quốc quan ngại về viễn cảnh hàng triệu người tị nạn đổ dồn từ một Triều Tiên đang sụp đổ qua biên giới của nước này và về việc các vũ khí hủy diệt hàng loạt rơi vào tay kẻ xấu. Nhưng, trước hết, Bắc Kinh không thể chấp nhận khả năng sự sụp đổ của Triều Tiên sẽ dẫn tới việc Hàn Quốc sáp nhập Triều Tiên và sự hình thành của một nhà nước liên Triều thống nhất, với Seoul là thủ đô. Khi xét đến liên minh Mỹ-Hàn và tình trạng “Mỹ hóa” lan tỏa rộng khắp trong giới tinh hoa Hàn Quốc, một nhà nước liên Triều duy nhất có khả năng cao ủng hộ Mỹ, với hàm ý là không chỉ miền Nam, mà toàn bộ bán đảo sẽ rơi vào sự kiểm soát quân sự-chính trị của đối thủ chiến lược chính của Trung Quốc. Trung Quốc không thể đánh mất một vùng đệm quan trọng và chứng kiến toàn bộ bán đảo Triều Tiên trở thành khu vực chịu ảnh hưởng của Mỹ. Đối với Bắc Kinh, đó sẽ là một thất bại chủ yếu trong cuộc cạnh tranh địa chính trị, với mức độ nghiêm trọng tương đương với việc Mỹ mất đi quyền kiểm soát đối với Cuba vào đầu những năm 1960, điều mà, qua cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, đã suýt dẫn tới chiến tranh thế giới thứ ba. Cũng cần nhớ rằng Trung Quốc đã tham chiến nhằm ngăn chặn sự chi phối của nước ngoài đối với bán đảo Triều Tiên ít nhất 3 lần trong vài thế kỷ qua: vào cuối thế kỷ 16 chống lại Nhật Bản; cuối thế kỷ 19 cũng chống lại Nhật Bản; và năm 1950 chống lại Mỹ. 

Bắc Kinh nghi ngờ rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên không chỉ nhằm bảo vệ Hàn Quốc trước một cuộc xâm lược trên lý thuyết của Triều Tiên, mà còn nhằm kiềm chế Trung Quốc ở châu Á. Các chiến lược gia hàng đầu của Mỹ không ngần ngại chỉ ra rằng liên minh với Seoul “từ lâu đã đóng vai trò chỗ dựa cho sự hiện diện của Mỹ trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương” và “Hàn Quốc là nơi duy nhất ở lục địa châu Á mà ở đó Mỹ có chỗ đứng về quân sự”. Bắc Kinh hầu như không tin tưởng những sự đảm bảo của các nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ rằng họ “không tìm kiếm một cái cớ để bố trí binh lính Mỹ ở phía Bắc Khu phi quân sự”. Trung Quốc ít nhất là không muốn cho phép Mỹ mở rộng chỗ đứng vượt ra ngoài vĩ tuyến 38, trong khi kết quả mà nước này ưa thích nhất sẽ là việc Mỹ rút hoàn toàn binh lính khỏi bán đảo Triều Tiên, chấm dứt liên minh Mỹ-Hàn trên thực tế. Không phải là vô lý khi suy đoán rằng chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng có thể giúp Bắc Kinh đạt được mục tiêu này. Việc Triều Tiên nắm vững khả năng ICBM sẽ khiến nhiều người Mỹ tự hỏi: Các căn cứ quân sự trên bán đảo Triều Tiên có xứng đáng với nguy cơ mất đi Honolulu, Seattle hay Los Angeles hay không? 

Còn nhiều lý do nữa giải thích tại sao Trung Quốc thu lợi từ sự tồn tại của Triều Tiên. Nếu được xử lý một cách khéo léo, vấn đề hạt nhân đang nhức nhối sẽ đem lại cho Bắc Kinh ảnh hưởng đòn bẩy về các vấn đề then chốt trong quan hệ song phương với Washington. Một lý do, các chiêu trò của Triều Tiên khiến Mỹ xao lãng khỏi sự mở rộng từng bước của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, như một cái giá bổ sung cho sự hợp tác trong vấn đề Triều Tiên, Bắc Kinh có thể yêu cầu Washington giảm bớt sự hỗ trợ của họ đối với Đài Loan. Không được quên rằng vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đài Loan về bản chất có liên kết với nhau. Chính việc Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950 đã khiến Tổng thống Mỹ Harry Truman mở rộng “chiếc ô an ninh” của Mỹ để bao trùm Đài Loan, điều đã bảo vệ hòn đảo này cho đến ngày hôm nay. 

Tóm lại, Trung Quốc sẽ không chấp nhận sự biến mất của Triều Tiên khỏi bản đồ chính trị và sẽ tiếp tục coi nước láng giềng ương ngạnh của mình như một tài sản địa chính trị hơn là một món nợ, ít nhất là chừng nào sự kình địch chiến lược Trung-Mỹ tiếp tục tồn tại ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương.

Trục Nga-Trung và Triều Tiên 

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga ít nhiều đã ủy thác cho Trung Quốc nhiệm vụ bạc bẽo là bảo vệ Triều Tiên. Ngay cả khi quan hệ của Moskva với Bình Nhưỡng cải thiện vào những năm 2000, so với Trung Quốc, Nga nhìn chung chỉ trích Triều Tiên nhiều hơn, trong đó có các vấn đề chương trình hạt nhân và nhân quyền. Do đó, trong các cuộc thảo luận về hành vi xấu của Triều Tiên ở Liên hợp quốc hoặc trong các dịp khác, Moskva thường để Bắc Kinh làm công việc ủng hộ cho Bình Nhưỡng rồi sau đó ký vào các thỏa thuận do Trung Quốc và Mỹ lập nên. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi từ khoảng năm 2014 khi sự xấu đi của quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc trở nên rõ rệt sau vụ hành quyết Chang Son-thaek, người được coi là một trong những đồng minh gần gũi nhất với Trung Quốc trong số các nhà lãnh đạo Triều Tiên. Triều Tiên sau đó bắt đầu biểu lộ mong muốn xích lại gần Nga hơn trong nhiều dịp, rõ ràng gây khó chịu cho Trung Quốc. Năm 2017, xu hướng này được biểu lộ rõ trong những giọng điệu công kích trực tiếp nhắm vào Trung Quốc của báo chí Triều Tiên, khiến cho Nga ít bị chỉ trích nhất trong số các cường quốc chủ yếu dính líu đến các vấn đề Triều Tiên. 

Sau khi Nga gia tăng sự hiện diện kinh tế của nước này ở Triều Tiên, Trung Quốc rõ ràng đã lo lắng và thậm chí đã phái một nhà ngoại giao cấp cao là Xiao Qian tới Moskva để thảo luận về Triều Tiên vào tháng 9/2015. Moskva và Bắc Kinh bắt đầu thường xuyên thảo luận vấn đề Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao song phương và tại các cuộc gặp và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là ở Liên hợp quốc. Tháng 4/2015, một cuộc đối thoại thường xuyên Nga-Trung ở cấp thứ trưởng về an ninh ở Đông Bắc Á, tập trung vào các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, đã được phát động, với các cuộc gặp được tiến hành vài lần một năm. Ngày 10/10/2017, ở Moskva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và Đại diện đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên Kong Xuanyou đã tổ chức vòng đối thoại thứ 8. Các đại biểu không chỉ bao gồm các nhà ngoại giao, mà còn gồm các đại diện của bộ quốc phòng hai nước. 

Cho đến năm 2016, sự khác biệt giữa Moskva và Bắc Kinh liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn là không đáng kể. Tháng 2/2016, phản ứng trước vụ thử hạt nhân lần thứ 5, Nga đã lên tiếng “phản đối mạnh mẽ” và cảnh báo về một sự “gia tăng căng thẳng” và mối nguy hiểm của “chính sách khối” và một “sự gia tăng đối đầu quân sự”. Trung Quốc có phản ứng tương tự, nhưng nước này yêu cầu thêm “các hành động mạnh mẽ phải có định hướng rõ ràng với mục tiêu là kiềm chế trên thực tế các nỗ lực của Triều Tiên nhằm thúc đẩy chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này”. Sắc thái này vô tình trở nên quan trọng, vì việc thông qua Nghị quyết 2270 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phản ứng lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vào tháng 1-2/2017 là một bước ngoặt. Không trông đợi những thay đổi chủ yếu trong chính sách của Trung Quốc, Nga như thường lệ đã giao phó cho Trung Quốc các cuộc đàm phán với Mỹ về nội dung của nghị quyết và đã ngạc nhiên trước việc Bắc Kinh cho phép tiến hành các biện pháp trừng phạt khắt khe chống lại Triều Tiên. Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt mới ảnh hưởng tới các lợi ích thương mại của chính Nga, vì nước này hưởng lợi từ đất hiếm và các kim loại màu mà nghị quyết mới nhắm tới, cũng như từ sắt. Moskva chỉ có 24 giờ để thông qua dự thảo. 

Sự hiểu lầm này, dù nhanh chóng được khắc phục, đã cho thấy rằng hai nước không hoàn toàn đồng thuận trong chính sách Triều Tiên. Các cuộc tham vấn về vấn đề Triều Tiên giờ đây diễn ra thường xuyên và bao gồm mọi khía cạnh, nhưng có sự bất đồng nào đó tồn tại trong cách tiếp cận của hai quốc gia. Chẳng hạn, mặc dù cả Moskva và Bắc Kinh đều phản đối THAAD, nhưng “mối quan ngại nghiêm trọng” của Nga được giải thích công khai bởi nguy cơ rằng nó “dẫn tới một sự gia tăng tiềm năng của phân khúc châu Á-Thái Bình Dương trong hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ, điều này làm suy yếu những sự cân bằng chiến lược hiện tại”, do đó tập trung vào sự cân bằng chiến lược Nga-Mỹ. Trung Quốc thể hiện mối quan ngại lớn hơn về an ninh của chính mình, cho rằng sự triển khai này “gây tổn hại trực tiếp tới các lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc” vì “phạm vi giám sát của radar băng tần X của nó vượt xa nhu cầu phòng thủ của bán đảo Triều Tiên và sẽ vươn sâu vào vùng nội địa châu Á”. 

Hơn nữa, lập trường của Trung Quốc rằng “trọng tâm của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên phải là Mỹ và Triều Tiên” được tiếp nhận một cách phần nào thận trọng bởi Nga, vốn nhấn mạnh về một thể thức đa phương mà trong đó nước này là một bên tham gia chủ yếu. Vì vậy, các ưu tiên của hai đối tác chiến lược dù không mâu thuẫn với nhau nhưng có sắc thái khác nhau. 

Nga hiểu rất rõ tính hai mặt của lập trường hiện tại của Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc quan tâm đến việc bảo vệ nguyên trạng và duy trì chỗ đứng của nhà nước Triều Tiên, đặc biệt là để ngăn ngừa sự can thiệp quân sự của Mỹ. Điều này hoàn toàn tương ứng với các mục đích của Nga. Mặt khác, các chính sách đối nội và hành vi đối ngoại mang tính khiêu khích của chế độ Kim khiến Trung Quốc ngày càng khó chịu. Tuy nhiên, Nga tỏ ra không sẵn sàng cùng với Trung Quốc gây sức ép với Bình Nhưỡng - không chỉ vì nước này thiếu ảnh hưởng đòn bẩy áp đảo đối với Triều Tiên, mà còn vì mối quan ngại về việc phá hoại quan hệ với Bình Nhưỡng. 

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc chắc hẳn từng nghĩ tới khả năng thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng sang một chế độ trung thành và dễ đoán biết hơn. Các nhà lãnh đạo hoang tưởng của Triều Tiên cũng có thể cảm nhận hoặc nghi ngờ về điều này. Vụ ám sát bí ẩn Kim Jong-nam, người từng sống dưới sự bảo vệ của Trung Quốc và có thể vào thời điểm nào đó đã nổi lên như một người tranh giành ngôi vị, vào năm 2017 rất có thể được giải thích theo cách này. Do đó, Trung Quốc chắc hẳn ngày càng coi Bình Nhưỡng như một mối đe dọa có liên quan đến sự tồn tại thay vì một đồng minh. Chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên có ý nghĩa như một sự phòng ngừa không chỉ để chống lại Mỹ và Hàn Quốc, mà còn để đối mặt với Trung Quốc. Việc xích lại gần hơn với Nga với tư cách một bên tạo thế cân bằng rất phù hợp với lôgích của Bình Nhưỡng về sự phòng ngừa Bắc Kinh. 

Không nên hiểu các cách tiếp cận không giống nhau đối với các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên như một dấu hiệu của sự kình địch Nga-Trung về Triều Tiên. Những sự khác biệt và sự cạnh tranh giữa Nga và Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên là có thể quản lý được, và chúng được xử lý một cách hiệu quả trong hầu hết thời gian. Ở đây có thể rút ra một sự so sánh với các tương tác Trung-Nga về Trung Á (cũng như Mông Cổ). Trái ngược với kỳ vọng của nhiều nhà quan sát phương Tây, Bắc Kinh và Moskva đã có thể tránh khỏi xung đột trực tiếp trong một khu vực mà các lợi ích chiến lược của họ giao nhau và tìm ra được một phương thức chung sống ở đây. Trong khi Bắc Kinh ngầm thừa nhận ưu thế chính trị của Moskva ở Trung Á, thì Nga tôn trọng thực tế rằng bán đảo Triều Tiên là lợi ích sống còn của Trung Quốc. 

Tới tháng 7/2017, Moskva và Bắc Kinh đã thành công trong việc hình thành một lập trường thống nhất về cuộc khủng hoảng Triều Tiên, được phê chuẩn trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Putin và Tập Cận Bình ở Moskva vào ngày 4/7/2017, và được thông qua với tư cách tuyên bố chung của ngoại trưởng hai nước. Tuyên bố đưa ra một sáng kiến chung, kết hợp các đề xuất trước đây của Trung Quốc về “đóng băng kép” (ngừng các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên để đổi lấy việc đình chỉ các cuộc diễn tập quân sự Mỹ-Hàn quy mô lớn) và sự “tiến bộ song song” (các cuộc đàm phán đồng thời về phi hạt nhân hóa và việc tạo lập các cơ chế hòa bình trên bán đảo) với kế hoạch giải quyết vấn đề Triều Tiên theo từng giai đoạn do Nga đề xuất. Điều đáng chú ý là đây là lần đầu tiên Trung Quốc và Nga nêu lên lập trường chung của họ về Triều Tiên một cách rõ ràng như vậy. 

Điều đáng chú ý là bằng việc đưa ra tuyên bố chung về Triều Tiên, Moskva và Bắc Kinh đã tạo ra liên kết rõ ràng giữa sự trợ giúp của họ cho việc kiềm chế chế độ Kim với sự sẵn sàng của Mỹ đưa ra những sự nhượng bộ chiến lược chủ yếu ở Đông Bắc Á. Nga và Trung Quốc nhấn mạnh rằng “quan hệ đồng minh giữa các nước riêng biệt phải không gây tổn hại tới các lợi ích của bên thứ ba” và bày tỏ sự phản đối “bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của các lực lượng ngoài khu vực ở Đông Bắc Á” cũng như “việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa thuộc THAAD”. Tuyên bố ngày 4/7 kết thúc với cam kết của Nga và Trung Quốc “bảo vệ các lợi ích an ninh của hai quốc gia và đảm bảo một sự cân bằng chiến lược trong khu vực”. Nói cách khác, Trung Quốc và Nga muốn Mỹ nới lỏng sự kìm kẹp chiến lược mang tính chủ đạo đối với Đông Bắc Á, ít nhất là về bán đảo Triều Tiên và liên minh Mỹ-Hàn. Trừ phi Mỹ đồng ý với một cấu trúc an ninh mới trong khu vực, mà trong đó dấu ấn chính trị-quân sự của nước này ở Đông Bắc Á thu hẹp lại một cách đáng kể, Bắc Kinh và Moskva vẫn sẽ sẵn sàng tiếp tục giữ cho Triều Tiên không chết chìm, dù có gia tộc Kim hay không. 

Sự phối hợp ngoại giao Trung-Nga đã một lần nữa được thể hiện khi vào ngày 11/9/2017, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân được tiến hành vào ngày 3/9. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, Nga đã ủng hộ những hình phạt cứng rắn mới đối với Triều Tiên, mặc dù trước đó, Moskva đã nhấn mạnh rằng “sức ép thông qua các biện pháp trừng phạt đã đi hết con đường của nó và không có tác dụng”. Moskva thậm chí không phản đối việc đưa ra lệnh cấm theo từng giai đoạn việc sử dụng lao động Triều Tiên. Nga là nước nhập khẩu nhiều nhất lao động hợp đồng từ Triều Tiên, điều mà ngành công nghiệp xây dựng của miền Viễn Đông Nga đã trở nên phụ thuộc đáng kể vào và được Moskva coi là ảnh hưởng đòn bẩy chủ yếu đối với Triều Tiên. Lý do quan trọng nhất giải thích cho quyết định của Moskva đồng tình với việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bỏ phiếu trừng phạt Triều Tiên có liên quan đến sự thuyết phục của Trung Quốc. Việc Nga ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới sau cuộc gặp giữa Putin và Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Hạ Môn có thể không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nếu Mỹ là nước cố gắng có được sự đồng ý của Nga với các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn đối với Triều Tiên, thì rất có khả năng nước này sẽ thất bại. Tuy nhiên, Moskva đã nghe theo “đối tác chiến lược” chính của mình là Bắc Kinh. Nga và Trung Quốc đã cẩn trọng làm dịu bớt Nghị quyết 2375 khi loại khỏi dự thảo các điều khoản gây kiệt quệ do Mỹ đề xuất, chẳng hạn như cấm vận dầu mỏ hoàn toàn.

Liệu Trung Quốc và Nga có thể cùng can thiệp vào một tình huống bất ngờ ở Triều Tiên hay không? 

Nga và Trung Quốc có khả năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ về vấn đề Triều Tiên. Ý nghĩa cuối cùng của sự hợp tác giữa hai nước này trên bán đảo có thể được bộc lộ trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ ở Triều Tiên. Mặc dù sự sụp đổ của chế độ hiện tại ở Triều Tiên hoàn toàn không sắp xảy ra, nhưng tình hình ở Triều Tiên rất dễ biến động. Các biện pháp phòng ngừa hợp lý phải được đưa ra cho một kịch bản không có khả năng diễn ra rằng chế độ có thể bắt đầu tan rã vì những khó khăn kinh tế do các biện pháp trừng phạt không ngừng gia tăng, một cuộc đảo chính cung đình, hoặc là kết quả của sự bùng phát chiến sự trên bán đảo. Nhiều người dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tiến hành can thiệp quân sự trong trường hợp Triều Tiên sụp đổ từ bên trong hoặc nếu nước này nhận thấy các dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra. Hơn nữa, việc bí mật thông đồng với Mỹ về một sự phân chia phạm vi ảnh hưởng có thể diễn ra ở một Triều Tiên đang sụp đổ không phải là hoàn toàn không thể tưởng tượng được. Thiếu điều đó, Bắc Kinh có thể do dự trong việc một mình đối mặt với liên minh Mỹ-Hàn. Do vậy, họ rất có thể ưa thích việc Nga cũng can dự một cách tích cực, cả về ngoại giao lẫn quân sự. 

Ngoài Trung Quốc và Hàn Quốc, Nga là nước duy nhất tiếp giáp với Triều Tiên trên đất liền. Không giống như Khu phi quân sự (DMZ), biên giới của Triều Tiên với Nga không bị canh gác hay quân sự hóa nặng nề. Điều này khiến Nga dễ dàng đưa các đơn vị của nước này vào Triều Tiên hơn. Hơn nữa, có các cơ sở hạ tầng cảng thuộc sở hữu của Moskva ở Rajin, kết nối với vùng Viễn Đông Nga thông qua một tuyến đường sắt khổ đôi, khiến cho khu vực Rason, nơi có sự hiện diện của tài sản và công dân Nga, có tiềm năng trở thành khu vực chuẩn bị cho các hành động quân sự của Nga ở Triều Tiên. 

Kinh nghiệm gần đây của Nga trong việc tiến hành các hoạt động quân sự và tác chiến đa hình thái - từ Gruzia, Crimea đến Syria - chắc chắn sẽ là tài sản có giá trị đối với Trung Quốc, vốn chưa từng thử nghiệm các lực lượng vũ trang của nước này trong chiến đấu thực tế từ năm 1979 đến nay, khi nước này phát động một cuộc tấn công vào Việt Nam. Điều có lẽ thậm chí còn quan trọng hơn là các tài sản chiến lược của Nga, cũng như các hệ thống phòng không và chống tàu tiên tiến của nước này, sẽ giúp duy trì khoảng cách an toàn với Mỹ để đề phòng Washington cố gắng đưa các binh lính đến phía Bắc DMZ mà không có sự chấp thuận của Bắc Kinh và Moskva. Sự can thiệp táo bạo của Putin ở Trung Đông đã nhấn mạnh sự sẵn sàng - và năng lực - được tăng cường của Nga trong việc thực hiện các hành động quân sự may rủi ở nước ngoài. 

Các hành động phối hợp nhanh chóng của Trung Quốc và Nga sẽ bảo đảm rằng kết quả của một tình huống bất ngờ ở Triều Tiên là phù hợp với các lợi ích địa chính trị của họ. Họ sẽ nhắm tới việc tạo sự ổn định ở Triều Tiên và đưa vào đó một chế độ trung thành với Trung Quốc và thân thiện với Nga, đồng thời ngăn chặn Hàn Quốc sáp nhập Triều Tiên. Nếu Trung Quốc và Nga hành động ăn khớp chặt chẽ với nhau trong một cuộc khủng hoảng ở Triều Tiên, Washington và Seoul hầu như sẽ bất lực trong việc bảo đảm kịch bản mong muốn của họ là Hàn Quốc sáp nhập Triều Tiên. 

Khi can thiệp ở Triều Tiên, Trung Quốc và Nga sẽ dựa vào giới tinh hoa Triều Tiên. Quả thật, trong một nhà nước liên Triều thống nhất, tầng lớp quý tộc Triều Tiên có khả năng sẽ nhận được sự đối xử khắt khe hơn nhiều so với trong trường hợp của Đức. Những cân nhắc như vậy chắc chắn sẽ dẫn tới việc giới tinh hoa Triều Tiên cộng tác với Trung Quốc và Nga, ngay cả khi điều đó về cơ bản có nghĩa là trở thành một nước do Bắc Kinh bảo hộ. Giai cấp cầm quyền Triều Tiên sẽ thà hy vọng bảo vệ các đặc quyền của họ dưới quyền bá chủ của Trung Quốc còn hơn có bất kỳ hy vọng nào trong một nhà nước thống nhất dưới sự cai trị của Hàn Quốc. 

Ngoài sự ủng hộ của giới tinh hoa Triều Tiên, Trung Quốc và Nga sẽ có được những lợi thế rõ ràng về luật pháp quốc tế. Nếu có khi nào một sự can thiệp Trung-Nga xảy ra, thì điều đó có khả năng do Chính phủ Triều Tiên chính thức yêu cầu. Nếu được Bình Nhưỡng yêu cầu, sự hiện diện của các lực lượng Trung Quốc hoặc phối hợp Trung-Nga ở Triều Tiên sẽ là hoàn toàn hợp pháp, đặc biệt khi xét đến sự tồn tại của Hiệp ước đồng minh Trung-Triều năm 1961 và Hiệp ước hữu nghị, quan hệ láng giềng tốt đẹp và hợp tác Nga-Triều Tiên năm 2000. Trái lại, nếu Mỹ và Hàn Quốc cố gắng tiến hành chiếm đóng quân sự Triều Tiên, một nước có chủ quyền và thành viên Liên hợp quốc, khi không được yêu cầu, thì tính pháp lý của hành động này sẽ là có vấn đề, trừ phi được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủy quyền. Không có khả năng Nga và Trung Quốc sẽ chấp thuận hành động ủy quyền như vậy. 

Đương nhiên, kịch bản nói trên chỉ là giả định. Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp khả năng Tập Cận Bình và Putin phát động một sự can thiệp quân sự chung ở Triều Tiên. 

Ngoại giao Nga-Mỹ về vấn đề Triều Tiên 

Cho tới gần đây, Washington đã quen với việc coi Nga như một bên tham gia tương đối “ngoài lề” nhưng nhìn chung mang tính xây dựng trong vấn đề bán đảo Triều Tiên. Ngay cả ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Ukraine, các nhà ngoại giao Mỹ chịu trách nhiệm về Triều Tiên vẫn nhìn nhận Nga một cách tích cực. Tháng 1/2015, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về chính sách Triều Tiên Sung Kim đã chỉ ra rằng “sự liên kết Mỹ-Nga về mục tiêu cốt lõi phi hạt nhân hóa vẫn mạnh mẽ như trước”. Ông tiếp tục khẳng định “Nga vẫn là một bên tham gia quan trọng trong hoạt động ngoại giao của chúng tôi với Triều Tiên”. Tuy nhiên, trong năm 2017, nhận thức về vai trò của Nga trong vấn đề Triều Tiên đã thay đổi. Ngày càng có nhiều nhà phân tích và hoạch định chính sách ở Mỹ bắt đầu lên tiếng về các mối quan ngại rằng Moskva có thể phá hoại, và trên thực tế đã cản trở, các nỗ lực của Mỹ về vấn đề Triều Tiên thay vì hỗ trợ cho chúng. Chú ý tới hoạt động gần đây của Moskva trên mặt trận Triều Tiên, các quan chức ở Washington giờ đây nhận thấy rõ ràng khả năng Nga đóng vai trò “phá hoại” và tự biến mình thành “một phần của vấn đề” thay vì “một phần của giải pháp”. Đô đốc Harry Harris, chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ ở Thái Bình Dương, đã diễn đạt điều đó như sau: “Họ có thể rất hữu ích, hoặc ngược lại. Vẫn còn phải chờ xem Nga hoàn toàn ở vào vị trí nào. Nhưng tôi nghĩ ở đây Nga có thể là một bên phá hoại, nếu nước này muốn như vậy”. 

Washington tiếp tục coi Trung Quốc là đang nắm giữ ảnh hưởng đòn bẩy lớn nhất đối với Triều Tiên và do đó nắm giữ chìa khóa của việc giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân. Tuy vậy, cũng có những dấu hiệu cho thấy kể từ mùa Xuân 2017, các tiếp xúc ngoại giao Mỹ-Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đã và đang được tăng cường. Phái viên Mỹ về Triều Tiên Joseph Yun đã tới thăm Moskva vào tháng 4 và tháng 9/2017, trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov, người phụ trách khu vực Đông Á, đã đáp lại bằng việc tổ chức các cuộc nói chuyện với Yun ở Washington vào tháng 7. Triều Tiên là một chủ đề thường xuyên trong các cuộc thảo luận giữa Sergey Lavrov và Rex Tillerson, cũng như trong các cuộc đối thoại Trump-Putin. Đại sứ mới được bổ nhiệm của Mỹ tại Nga Jon Huntsman nhấn mạnh rằng “việc khôi phục chủ quyền của Ukraine và đưa Triều Tiên tới bàn đàm phán” sẽ là 2 vấn đề chính trong sứ mệnh của ông ở Moskva. 

Có khả năng nào để ngoại giao Nga-Mỹ về Triều Tiên có kết quả? Việc cả Mỹ và Nga đều rất quan tâm đến việc bảo vệ chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu tiếp tục đem lại nền tảng chính cho sự hợp tác của hai nước về các vấn đề Triều Tiên. Đối với Trung Quốc, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ là ưu tiên thứ yếu; Nga miễn cưỡng chấp nhận một Triều Tiên sở hữu hạt nhân. Khi nói đến việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, lập trường của Moskva gần với của Washington hơn so với của Bắc Kinh. Nơi thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên chỉ cách Vladivostok 200 dặm, nhưng Nga không cảm thấy bị đe dọa trực tiếp bởi vũ khí hạt nhân của Kim. Tuy nhiên, việc Triều Tiên tiếp tục hạt nhân hóa - và phản ứng dây chuyền của sự phổ biến theo chiều ngang mà điều này có thể kích động ở Đông Bắc Á và vượt ra ngoài khu vực này - chắc chắn sẽ làm giảm giá trị kho vũ khí hạt nhân của chính Nga, vốn được người Nga coi là “chén thánh”, một thuộc tính thiết yếu của vị thế nước lớn và sự đảm bảo tối thượng an ninh quốc gia của đất nước họ. Đối với Trung Quốc, vũ khí hạt nhân dù rất quan trọng nhưng không mang ý nghĩa liên quan đến sự tồn tại như vậy. Theo truyền thống, Bắc Kinh nhìn nhận vũ khí hạt nhân theo cách mang tính phương tiện hơn nhiều và tỏ ra thoải mái hơn nhiều trong vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân. Chẳng hạn, việc Chính phủ Trung Quốc cung cấp cho Pakistan các bản thiết kế bom cũng như urani, triti được làm giàu ở mức cao và các thành phần then chốt khác vào những năm 1980 là một bí mật mở. Không giống như Trung Quốc và một số quốc gia khác chẳng hạn như Pháp, Moskva chưa bao giờ cố ý lan truyền công nghệ hạt nhân quân sự. 

Mặc dù Nga rất không ưa thích viễn cảnh về một Triều Tiên được trang bị hạt nhân, nhưng một mình điều này thì không đủ để bảo đảm sự hợp tác toàn tâm toàn ý với Mỹ của Moskva trong cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Không phổ biến vũ khí hạt nhân là mối quan tâm chính của Nga, nhưng Moskva cũng theo đuổi những mục đích và lợi ích khác trong khu vực mà có thể khác biệt đáng kể so với các lập trường chính sách của Mỹ. 

Việc Washington và Moskva thậm chí gọi tên vấn đề theo cách khác nhau nói lên nhiều điều. Mỹ thường gọi nó là “vấn đề Triều Tiên”, trong khi sự luận bàn chính thức của Nga sử dụng thuật ngữ “vấn đề hạt nhân của bán đảo Triều Tiên”, qua đó ngụ ý rằng vấn đề không chỉ liên quan đến miền Bắc bán đảo. Moskva và Washington nhìn chung nhất trí rằng cần đạt được giải pháp cho vấn đề trên cơ sở đa phương, mặc dù họ có thể hiểu thuật ngữ “đa phương” theo cách khác nhau: Mỹ tìm cách có được sự ủng hộ của tất cả các bên tham gia khu vực đối với tầm nhìn của nước này về phi hạt nhân hóa, trong khi Nga nhấn mạnh về một giải pháp dựa trên sự thỏa hiệp, tính đến các lợi ích hợp pháp của tất cả các bên, trong đó có Triều Tiên. Còn có một số khác biệt khác: 

•Washington sẵn sàng sử dụng “mọi lựa chọn” để đối phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Nga nhấn mạnh rằng chỉ có các công cụ chính trị-ngoại giao là chấp nhận được. 

•Mỹ tin rằng các biện pháp trừng phạt và sự cô lập có thể buộc các nhà lãnh đạo Triều Tiên ngừng kháng cự trước sức ép và đồng ý phi hạt nhân hóa. Nga hoài nghi về quan điểm cho rằng chỉ cần có các biện pháp trừng phạt là có thể thay đổi hành vi của Triều Tiên. 

•Mỹ và Hàn Quốc vẫn xuất phát từ khả năng chế độ Triều Tiên sụp đổ và dẫn tới kết quả là việc Hàn Quốc sáp nhập Triều Tiên. Thừa nhận khả năng xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc tai ương theo kiểu nào đó, Nga đánh giá chế độ này nhìn chung là ổn định và cảnh báo rằng chiến lược đối với Triều Tiên không nên dựa trên khái niệm thay đổi chế độ và/hoặc giả định rằng bằng cách nào đó có thể coi nhẹ chế độ Kim như là một chế độ có tuổi thọ ngắn ngủi. 

•Nhìn chung, Mỹ đòi hỏi phải có CVID (việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược) như một điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ cuộc đối thoại nào hơn nữa, chẳng hạn như các cuộc đàm phán về một hiệp ước hòa bình. Nga tin rằng việc thảo luận về các thể thức an ninh của Triều Tiên phải diễn ra đồng thời với các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân. Nhìn chung, Nga ủng hộ ý tưởng về một hiệp ước hòa bình trực tiếp giữa Washington và Bình Nhưỡng kết hợp với những sự đảm bảo đa phương. 

•Giới chính trị Mỹ hầu hết hoài nghi về việc chính thức công nhận Triều Tiên, coi đây là một chế độ không lương thiện. Ngoài vấn đề hạt nhân và tên lửa, Mỹ có nhiều mối quan ngại khác, chẳng hạn như các loại WMD khác, nhân quyền,... về Triều Tiên. Nga tin rằng việc công nhận một nhà nước đã tồn tại hơn 70 năm và là một thành viên Liên hợp quốc nên được coi là một bước đi tự nhiên và cần thiết hướng tới việc tạo ra một hệ thống an ninh khả thi ở Đông Bắc Á. 

Cuối cùng, có một sự khác biệt trọng yếu trong nhận thức về mối đe dọa bắt nguồn từ Triều Tiên. Bất chấp sự gần gũi về địa lý với Triều Tiên, Moskva không tin rằng Triều Tiên sẽ có lúc sử dụng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của nước này chống lại Nga. Mặt khác, Mỹ cảm thấy bị đe dọa trực tiếp bởi các vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Theo quan điểm của Moskva (và cũng của Bắc Kinh), điều này khiến cho Triều Tiên thành vấn đề của Mỹ nhiều hơn hẳn so với của Nga (hoặc của Trung Quốc). 

Moskva có thể sẵn sàng giúp Washington đối phó với vấn đề này bằng cách sử dụng ảnh hưởng đòn bẩy của họ đối với Triều Tiên. Tuy thế, Putin không phải là người đem lại sự trợ giúp về địa chính trị vô điều kiện. Cảm giác hiện tại ở Moskva có thể được tóm tắt như sau: “Tại sao chúng tôi nên làm điều đó cho các vị, và đổi lại chúng tôi nhận được điều gì?” 

Việc Washington nhấn mạnh rằng Moskva cần gây thêm sức ép với Triều Tiên càng trở nên phi lý hơn trong mắt Nga vì bản thân Nga cũng đang phải chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây do Mỹ dẫn dắt, gần đây nhất là bị liệt vào cùng với Iran và Triều Tiên trong cùng đạo luật về các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Putin nói: “Việc đưa chúng tôi vào cùng một danh sách với Triều Tiên rồi yêu cầu chúng tôi hỗ trợ cho các biện pháp trừng phạt chống lại nước này là vô nghĩa”. 

Nga đã ủng hộ, dù miễn cưỡng, một loạt biện pháp trừng phạt ngày càng gay gắt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên mà Washington là bên khởi xướng chính. Tuy nhiên, Nga đã báo hiệu rằng việc nước này ủng hộ các biện pháp trừng phạt không phải là vô điều kiện, ngầm tạo ra liên kết giữa sự tuân thủ đầy đủ của nước này với việc Mỹ sẵn sàng theo đuổi con đường ngoại giao và nhượng bộ trong việc đối phó với Bình Nhưỡng thay vì dựa vào các biện pháp trừng phạt và các mối đe dọa quân sự. Hãy xem xét tuyên bố sau đây của Vassily Nebenzia, đại diện của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhận xét về Nghị quyết 2375 của Hội đồng Bảo an: 

“Chúng tôi là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và chúng tôi tuân thủ một cách trung thực các nghị quyết mà chúng tôi đã thông qua tại Hội đồng Bảo an, nhưng nghị quyết này còn kêu gọi các biện pháp chính trị cũng phải được thực hiện. Đó là lý do giải thích tại sao chúng tôi hối thúc các đối tác Mỹ cũng như các đối tác khác tôn trọng các quyết định chính trị và ngoại giao mà nghị quyết quy định. Nếu chúng không được thực thi, chúng tôi cũng sẽ coi việc này như là phớt lờ nghị quyết, là chưa thực thi nó một cách đầy đủ”. 

Việc không tuân thủ một cách bí mật hoặc công khai chế độ trừng phạt là cách rõ ràng nhất mà Nga có thể làm suy yếu chính sách về Triều Tiên của Washington, nếu nước này lựa chọn làm vậy. Tuy nhiên, Moskva có thể đi xa hơn nhiều. Như đã chỉ ra ở phần trước, sự can thiệp quân sự của Nga trên bán đảo, rất có thể trong sự phối hợp với Trung Quốc, là một khả năng, mặc dù hiện tại điều này không có vẻ là có khả năng cao xảy ra. Các nhà phân tích và các nhà hoạch định chính sách Mỹ từ lâu đã xem xét khả năng và các tác động của sự can thiệp của Trung Quốc trong một tình huống bất ngờ ở Triều Tiên. Trong phân tích như vậy, Nga chưa bao giờ được nhắc đến như một thế lực có thể tự đưa quân đội của mình vào Triều Tiên, chưa kể đến đối đầu với các lực lượng của Mỹ trên bán đảo. Tuy vậy, sau sự can thiệp thành công của Putin ở Syria, việc tiếp tục phớt lờ tiềm năng của Nga thực hiện các hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên có thể là không khôn ngoan. Kremlin chưa bao giờ công khai tuyên bố rằng họ sẵn sàng sử dụng lực lượng vũ trang nếu tình hình trên bán đảo trở nên nguy kịch. Nhưng họ cũng không hứa hẹn sẽ tiếp tục đứng ngoài cuộc. 

Các bài học lịch sử cũng cần được ôn lại. Bán đảo Triều Tiên là nơi Nga và Mỹ đụng độ đẫm máu nhất từ trước đến nay, với các máy bay Liên Xô và Mỹ chiến đấu với nhau trên bầu trời bán đảo Triều Tiên. Trong giai đoạn 1950-1953, trong Chiến tranh Triều Tiên, Liên Xô đã yểm trợ trên không cho binh lính Triều Tiên và Trung Quốc. Trang Facebook của Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng tự hào khẳng định rằng các phi công Liên Xô đã bắn rơi 1097 máy bay địch, và 292 phi công Mỹ đã bị bắt. Cả Moskva lẫn Washington đều không muốn lặp lại những sự kiện bi thảm đó. Điều này hẳn sẽ đem lại cho họ một lý do mạnh mẽ khác để can dự vào ngoại giao qua lại về vấn đề Triều Tiên. 

Nga và Hàn Quốc: Một hành động cân bằng 

Kể từ cuối những năm 1990, Nga đã coi trọng việc duy trì quan hệ thân thiện và gần gũi ngang nhau với Triều Tiên và Hàn Quốc. Moskva đã học được - đặc biệt là từ trải nghiệm của họ vào những năm 1990 khi họ từ bỏ Triều Tiên và ưu tiên Hàn Quốc - rằng việc chỉ nghiêng về một bên nào đó làm giảm ảnh hưởng ngoại giao của họ trên bán đảo. Do đó, Nga gán cho quan hệ chính trị của nước này với Bình Nhưỡng và Seoul giá trị ngang nhau, mặc dù quan hệ kinh tế với Hàn Quốc vượt xa quan hệ kinh tế với Triều Tiên. 

Dưới thời chính quyền bảo thủ của Park Geun-hye (2/2013-5/2017), quan hệ Nga-Hàn đã nguội lạnh phần nào. Mặc dù Hàn Quốc không chính thức tham gia các lệnh trừng phạt chống lại Nga, nhưng Moskva coi Park là quá ủng hộ Mỹ. Họ cũng không hài lòng với lập trường cứng rắn của Park đối với Triều Tiên. Kremlin cảm thấy khó chịu trước điều mà họ coi là các nỗ lực dai dẳng của Seoul nhằm khiến Nga gia tăng sức ép lên Triều Tiên để đổi lấy một số lời hứa hẹn mơ hồ nào đó về các siêu thỏa thuận kinh tế mà Hàn Quốc sẽ sẵn sàng trao cho Nga một khi vấn đề Triều Tiên “được giải quyết”. Do đó, sự ra đi sớm của Park và việc ứng cử viên cấp tiến Moon Jae-in đắc cử đã được Moskva đón nhận với sự lạc quan thận trọng. Kremlin coi nhà lãnh đạo mới ở Hàn Quốc là ít ủng hộ Washington hơn, cởi mở hơn nhiều với việc can dự với Triều Tiên, và sẵn sàng củng cố quan hệ với Nga hơn. 

Moon coi Nga là một trong 4 cường quốc chủ yếu có vai trò trọng yếu đối với Hàn Quốc, 3 nước còn lại là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Thậm chí trước khi tới thăm Tokyo và Bắc Kinh, một trong những chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông là tới Nga: Moon đã tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok vào đầu tháng 9/2017 và gặp mặt Putin. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, cuộc gặp này rất thân mật. Tháng 10/2017, Sergey Lavrov đã ghi nhận một cách hài lòng rằng quan hệ của Moskva với Seoul “đang phát triển một cách rõ ràng”. Như một dấu hiệu của việc ưu tiên Nga ở mức cao hơn, Moon đã thiết lập Ủy ban hợp tác kinh tế phương Bắc, một cơ quan trực thuộc tổng thống được giao nhiệm vụ thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế với Nga, Trung Quốc và có thể là Triều Tiên. Ủy ban này do cựu Thị trưởng Incheon Song Young-gil làm chủ tịch, một người ủng hộ nổi bật của ông Moon trên chính trường và là một người bạn cũ của nước Nga. Chức vụ chủ tịch ủy ban đem lại cho ông cấp bậc tương đương với Phó Thủ tướng thuộc nội các Hàn Quốc. Tháng 5/2017, ngay sau khi lên nắm quyền, Moon đã phái Song tới Moskva với tư cách đặc phái viên của ông để gặp mặt Putin. Song được biết đến là một người nhiệt tình trong việc hợp tác chặt chẽ hơn với Nga. Song đã công khai khẳng định rằng Nga “đặc biệt quan trọng đối với việc bình thường hóa quan hệ liên Triều và giảm bớt căng thẳng trong khu vực”. Chỉ ra rằng “các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên không hòa hợp với nhau”, Song gợi ý rằng Nga - và cá nhân Putin - “có thể hành động với tư cách trung gian tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải thiện quan hệ của Bình Nhưỡng với Seoul, Bắc Kinh và Washington”. 

Mặc dù Moskva có những kỳ vọng tích cực nào đó đối với Chính quyền Moon, nhưng Kremlin không hề ấp ủ những ảo tưởng. Các nhà phân tích và các nhà hoạch định chính sách Nga nhận thức được rằng quyền tự do hành động của ông Moon là khá hạn chế. Một mặt, ông bị kiềm chế bởi liên minh với Washington, mà trong đó Hàn Quốc là một đối tác cấp dưới. Mặc dù Moon rõ ràng không thoải mái với lập trường cứng rắn của Trump đối với Triều Tiên, ông không thể công khai mâu thuẫn với Tổng thống Mỹ. Mặt khác, ông không thể phớt lờ bộ máy chính trị và an ninh của Hàn Quốc, vốn ủng hộ Mỹ và chống Triều Tiên một cách áp đảo. Do đó, vẫn còn phải chờ xem việc nối lại quan hệ hiện tại giữa Nga và Hàn Quốc sẽ đi đến đâu, và nếu có thì nó sẽ có tác động gì đến tình hình an ninh trên bán đảo. 

Nga và Nhật Bản: Đối phó với một bên tham gia thứ yếu 

Trong tất cả các cường quốc có liên quan đến cuộc khủng hoảng Triều Tiên, hiện nay Nhật Bản có lẽ là bên tham gia kém quan trọng nhất. Vì đã cắt đứt hầu hết các tiếp xúc kinh tế và chính trị với Bình Nhưỡng cách đây nhiều năm, Tokyo trên thực tế đã tự loại mình khỏi cục diện ngoại giao trên bán đảo. Lập trường của Tokyo về Triều Tiên liên kết chặt chẽ với lập trường của Washington, kết quả là lập trường chính sách của họ hầu như không thể phân biệt được. Khi xét đến điều này và việc Nhật Bản, giống như Hàn Quốc, là một đối tác cấp dưới trong liên minh do Mỹ dẫn dắt, Moskva không coi Tokyo là một bên mà họ cần có đối thoại ngoại giao chủ yếu về vấn đề Triều Tiên. Đương nhiên, vấn đề Triều Tiên thường được nêu lên trong các cuộc gặp song phương Nga-Nhật, trong đó có các cuộc gặp thượng đỉnh thường xuyên giữa Putin và Abe, nhưng các cuộc thảo luận như vậy rõ ràng mang tính chiếu lệ thay vì mang tính trọng yếu. 

Các quan chức Nhật Bản nhiều lần nói rằng “Nga có vai trò quan trọng trong việc xử lý vấn đề Triều Tiên và chúng tôi sẽ khuyến khích Nga đóng một vai trò thậm chí còn lớn hơn trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. Tuy nhiên, cách hiểu của Nhật Bản về “vai trò lớn hơn” của Moskva là Nga tăng cường sức ép lên Bình Nhưỡng và cô lập hơn nữa Triều Tiên về kinh tế và ngoại giao. Đương nhiên, điều này hoàn toàn khác với cách hiểu của chính Kremlin về những điều cần làm để giải quyết cuộc khủng hoảng. 

“Tam giác” trong vấn đề Triều Tiên: Rủi ro nước lớn 

Cuộc khủng hoảng hạt nhân bán đảo Triều Tiên đã thu hút một loạt bên tham gia trên phạm vi rộng lớn, từ Úc đến Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, tam giác nước lớn được hình thành bởi Mỹ, Trung Quốc và Nga vẫn là biến số bên ngoài trọng yếu nhất, bỏ xa các yếu tố khác, tác động đến các diễn biến trên bán đảo. 

Tình hình tồi tệ hơn trên bán đảo có thể được coi là một biểu hiện khác của trật tự quốc tế bất thường mà hiện nay chúng ta đang sống trong đó. Dù người ta có thích điều đó hay không, trật tự quốc tế vẫn phụ thuộc một cách quyết định vào quan hệ nước lớn, với Nga, Trung Quốc và Mỹ là các nước lớn thực sự duy nhất của thời kỳ đương đại. Washington, Moskva và Bắc Kinh là các bên tham gia địa chính trị có khả năng và tham vọng lớn nhất trên thế giới. Bán đảo Triều Tiên là một khu vực quan trọng, nơi các lợi ích chiến lược của họ giao cắt lẫn nhau. Trừ phi ba bên này tìm thấy điểm tương đồng về Triều Tiên, cuộc khủng hoảng trên bán đảo có khả năng vĩnh viễn không bao giờ được giải quyết.

Bảng so sánh quan điểm của Mỹ, Trung Quốc và Nga về các vấn đề trọng yếu liên quan đến khủng hoảng Bắc Triêu Tiên, đặc biệt là sự khác biệt giữa Mỹ so với Trung Quốc và Nga.

 

Phi hạt nhân hóa

Phương thức giải quyết chương trình hạt nhân bán đảo Triều Tiên

Trừng phạt

Hành động quân sự

Thay đổi chế độ Bắc Triều Tiên

Tầm nhìn địa chính trị khu vực Đông Bắc Á

Mỹ

Loại bỏ hoàn toàn, thực chất và không thể đảo ngược đối với chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên càng sớm càng tốt

Ưu tiên phương thức trừng phạt và ngoại giao nhưng hành động quân sự vẫn là một trong những lựa chọn

Cần phải tối đa hóa áp lực các lệnh trừng phạt, bao gồm cấm vận dầu mỏ và có thể phong tỏa hải quân

Hành động quân sự vẫn là một trong những lựa chọn

Chính quyền Mỹ không trực tiếp theo đuổi việc thay chế độ tại Bắc Triều Tiên nhưng phản đối chế độ của ông Kim. Việc thay đổi chế độ là điều mong muốn của Mỹ và có thể là điều cần thiết

Bảo vệ ưu tiên chiến lực của Mỹ. Kiểm soát sự bành trướng về ảnh hưởng của Trung Quốc

Trung Quốc

Phải thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên nhưng chỉ có thể thực hiện theo mục tiêu dài hạn. Trong ngắn hạn, cần tập trung nỗ lực vào việc đóng băng năng lực hạt nhân của Bắc Triều Tiên

Ưu tiên giải quyết thông qua đàm phán giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ

Trừng phạt nên là biện pháp thứ hai sau ngoại giao. Các biện pháp trừng phạt không đúng mục đích mà có thể gây ra thảm họa nhân đạo và gây sụp đổ chế độ là điều không thể chấp nhận

Chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên là không thể chấp nhận. Vấn đề chỉ được giải qyết thông qua đàm phán

Việc thay đổi chế độ do áp lực từ bên ngoài là điều không thể chấp nhận. Chủ quyền Bắc Triều Tiên cần được tôn trọng đầy đủ

Chấm dứt ảnh hưởng bao trùm về chiến lược của Mỹ tại Đông Á và thay thế một trật tự về kinh tế và chính trị với Trung Quốc là trung tâm

Nga

Cho rằng nguyên nhân căn bản mà Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân là vì lý do an ninh bị đe dọa. Việc phi hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo cần được thực hiện nhưng chỉ có thể thực hiện trong dài hạn. Trong ngắn hạn, cần tập trung nỗ lực vào việc đóng băng năng lực hạt nhân của Bắc Triều Tiên

Ngoại giao đa phương (đàm phán Sáu bên) và song phương (Bắc Triều Tiên-Mỹ) là phương thức duy nhất giải quyết vấn đề

Trừng phạt nên là biện pháp thứ hai sau ngoại giao. Các biện pháp trừng phạt không đúng mục đích mà có thể gây ra thảm họa nhân đạo và gây sụp đổ chế độ là điều không thể chấp nhận. Trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc P-5, Nga là bên có thái độ miễn cưỡng nhất khi ủng hộ trừng phát Bắc Triều Tiên

Chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên là không thể chấp nhận. Vấn đề chỉ được giải qyết thông qua đàm phán

Việc thay đổi chế độ do áp lực từ bên ngoài là điều không thể chấp nhận. Chủ quyền Bắc Triều Tiên cần được tôn trọng đầy đủ

Chấm dứt ảnh hưởng bao trùm về chiến lược của Mỹ tại Đông Á và thay thế bằng một dàn xếp giữa các nước (Trung Quốc, Nga, hai miền Triều Tiên, Nhật Bản và Mỹ) dựa trên cân bằng sức mạnh đa cực và thỏa thuận tập thể

Artyom Lukin là phó giáo sư, phó giám đốc về Nghiên cứu trường Nghiên cứu Khu vực và Quốc tế, Đại học Liên bang Viễn Đông, Vladivostok, Nga. Andrei Lankov hiện đang là giáo sư Viện Nghiên cứu Xã hội, đại học Kookmin, Seoul, Hàn Quốc. Bài nghiên cứu được đăng trên Báo cáo Vũ khí Hạt nhân và Mối quan hệ Nga – Bắc Triều Tiên, tr. 49-63, Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, Mỹ.

Trần Quang (gt)