Chiến lược xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống Obama vừa nhằm kiềm chế Trung Quốc vừa tăng cường can dự với nước này, trong đó Mỹ phải dựa rất nhiều vào các đồng minh và đối tác trong khu vực để thực hiện chiến lược đề ra. Chiến lược này của Mỹ đặt các quốc gia châu Á vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan hỗn hợp về mặt an ninh do phải đối mặt với nguy cơ bị rơi vào tình trạng đối đầu với Trung Quốc cũng như nguy cơ bị Mỹ bỏ rơi.

Việc các quốc gia châu Á ủng hộ chiến lược xoay trục của Mỹ có thể khiến Trung Quốc cảm thấy bị khiêu khích và dẫn đến nguy cơ xung đột chính trị, kinh tế và cả quân sự. Trái lại, nếu các các nước châu Á không hưởng ứng chiến lược xoay trục của Mỹ, Trung Quốc có thể gia tăng các hoạt động gây hấn và quan hệ của các nước châu Á với Mỹ có thể sẽ trở nên lỏng lẻo hơn, thậm chí có thể bị Mỹ bỏ rơi. Vì thế, các nước cần cân nhắc kỹ cả 2 mặt của vấn đề. Các chính sách đối ngoại mà các nước thực thi cho đến thời điểm này cho thấy họ không hoàn toàn đi theo và cũng không hoàn toàn từ chối chiến lược xoay trục của Mỹ.

Duy trì quan hệ tốt với Mỹ đã mang lại nhiều lợi ích đối với các quốc gia châu Á. Sự lớn mạnh về quân sự và kinh tế của Trung Quốc trong những năm vừa qua đã làm cho các nước này lo lắng về nguy cơ bị Mỹ bỏ rơi, thậm chí bị lừa gạt. Sự gia tăng sức mạnh này được thể hiện qua chi phí quốc phòng tăng mạnh: ngân sách mà Trung Quốc công khai, mặc dù thấp hơn nhiều so với chi phí thực thế, vẫn lớn hơn nhiều so với ngân sách quốc phòng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Đài Loan cộng lại. Mặc dù Mỹ vẫn có ưu thế quân sự và công nghệ so với Trung Quốc nhưng chênh lệch giữa hai nước đã bị thu hẹp một cách đáng kể.

Với việc Trung Quốc tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và các quốc gia khác ngày càng tăng, trong đó sự phụ thuộc của các nước vào Trung Quốc lớn hơn nhiều so với sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nước này. Trong bối cảnh như vậy, nếu xung đột vũ trang với Trung Quốc xảy ra, kinh tế thế giới sẽ bị tác động nghiêm trọng. Trung Quốc sẵn sàng sử dụng các biện pháp kinh tế để gây sức ép với các nước trong khu vực nếu các nước này tăng cường ủng hộ chiến lược xoay trục của Mỹ trong lĩnh vực an ninh quân sự.

Nhân tố an ninh và kinh tế trong mối quan hệ với Trung Quốc

Việc cân nhắc hai mặt của vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh chính sách để thích ứng với chiến lược xoay trục của Mỹ trở nên phức tạp khi Trung Quốc vừa là mối đe dọa và vừa là cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế đối với các quốc gia châu Á. Đài Loan là nước có chính sách duy trì được sự cân bằng giữa quan hệ của nước này với Trung Quốc vì mục tiêu kinh tế và quan hệ với Mỹ vì mục tiêu an ninh. Các quốc gia khác chắc chắn cũng tỉnh táo trong sự lựa chọn chính sách của mình. Bên cạnh mục tiêu kiềm chế Trung Quốc, Mỹ cũng phải tính đến lợi ích kinh tế của mình. Vì thế, các quốc gia trong khu vực cũng không thể trông đợi Mỹ đứng về phía mình một cách đương nhiên và hy sinh lợi ích kinh tế của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc.

Dư luận thường bàn nhiều về nguy cơ các quốc gia châu Á bị Mỹ bỏ rơi và thậm chí bị lừa trong lĩnh vực an ninh quốc phòng nhưng nguy cơ này cũng liên quan cả đến kinh tế và chính trị. Tầm quan trọng ngày càng lớn của sức mạnh kinh tế Trung Quốc đối với tất cả các nước trong cũng như ngoài khu vực Châu Á – Thái Bình Dương làm cho các quốc gia châu Á phải thừa nhận nguy cơ bị Mỹ bỏ rơi hoặc bị mặc cả sau lưng. Trong trường hợp New Zealand, yếu tố quốc phòng an ninh liên quan đến chiến lược xoay trục của Mỹ không quá quan trọng do vị trí địa lý của nước này. Trái lại, chiến lược xoay trục của Mỹ có thể khiến New Zealand đối mặt với nguy cơ thiệt hại kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh, không có quốc gia châu Á nào, kể cả những nước ủng hộ Mỹ có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc như Nhật và Philippin, muốn chiến lược xoay trục của Mỹ là một thanh kiếm hạ gục con rồng Trung Quốc. Giết con rồng Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc giết con gấu trúc mang lại lợi ích kinh tế. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc khiến các quốc gia châu Á đều thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách nhằm thích ứng với chiến lược xoay trục của Mỹ và dành cho Mỹ cũng như Trung Quốc sự quan tâm đặc biệt. Chiến lược xoay trục “vì một kỷ nguyên Thái Bình Dương của Mỹ“ như phát biểu của Clinton kéo theo cả nhu cầu tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc đến mức mà các nhà hoạch định chính sách và các nhà quan sát của Ấn Độ hoài nghi về quyết tâm của Mỹ đối với việc duy trì những cam an ninh kết đối với khu vực ở mức như hiện nay.

Mặt khác, các nước châu Á cũng không muốn chiến lược xoay trục của Mỹ quá mềm yếu vì quan hệ kinh tế với Trung Quốc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bên cạnh những lợi ích. Sự hiện diện về chiến lược của Mỹ tại châu Á thông qua chiến lược xoay trục có tác động tốt đối với khu vực về dài hạn, nếu chiến lược này không làm cho Trung Quốc cảm thấy bị khiêu khích. Về tổng thể, các quốc gia châu Á đánh giá khả quan chiến lược xoay trục của Mỹ đối với an ninh khu vực, muốn chiến lược này được triển khai một cách thực chất chứ không chỉ dừng ở những tuyên bố chính trị, muốn Mỹ đủ khả năng đảm bảo một trật tự để khu vực thu được những lợi ích tích cực từ mối quan hệ với Trung Quốc.

Sự điều chỉnh chính sách phụ thuộc vào vị trí địa lý

Tương quan về vị trí địa lý với Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong sự điều chỉnh chính sách của các quốc gia để thích ứng với chiến lược xoay trục của Mỹ.

Thái Lan không có tranh chấp biên giới và cũng không có những đòi hỏi chủ quyền mâu thuẫn với Trung Quốc. Nhật Bản quan tâm nhiều đến việc điều chỉnh chiến lược biển của Mỹ trong khi New Zealand ít quan tâm đến vấn đề này. Singapore muốn Mỹ điều chỉnh chiến lược xoay trục ở mức độ khiêm tốn vì lo ngại về một cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Sự gần nhau về mặt địa lý làm tăng nhận thức về mối đe dọa và nguy cơ tranh chấp lãnh thổ. Các quốc gia nằm gần Trung Quốc hơn thường coi Trung Quốc như một mối đe dọa và vì thế muốn có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của Mỹ. Tuy nhiên, một số quốc gia có chung biên giới với Trung Quốc cho rằng, nguy cơ và cái giá phải trả khi đối đầu với Trung Quốc có thể rất đắt. Đây có thể là lý do tại sao Đông Nam Á đang bị chia rẽ giữa các quốc gia lục địa và các quốc gia có biển khi các quốc gia có biển hăng hái với sự hiện diện của Mỹ.

Nhật Bản và Philippin có những lợi ích lớn hơn khi tận dụng sự hỗ trợ của Mỹ để đối đầu với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ. Hai quốc gia này tin rằng rủi ro họ phải đối mặt với Trung Quốc thấp hơn so với các nước khác vì hai nước này không có biên giới đất liền với Trung Quốc. Từ góc nhìn của Mỹ, hợp tác với các quốc gia có biển dễ dàng hơn so với các quốc gia lục địa tại Châu Á – Thái Bình Dương trong việc kiềm chế Trung Quốc.

Các nước láng giềng gần của Trung Quốc cần sự hậu thuẫn của Mỹ hơn nhưng đó phải là sự hậu thuẫn lâu dài và không mang tính khiêu khích đối với Trung Quốc để các nước này có thể tiếp tục duy trì quan hệ láng giềng với Trung Quốc và không phải đối mặt với một nước láng giềng thù oán khi Mỹ rút đi. Chính sự lo ngại về khả năng bị Mỹ bỏ rơi đang làm giảm mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ của các quốc gia châu Á này.

Việc có chung biên giới và ký ức về cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc làm cho Việt Nam thận trọng trong việc mở rộng quan hệ với Mỹ, bất chấp những lợi ích kinh tế to lớn đối với cả hai bên. Tương tự, Ấn Độ và Hàn Quốc đều tỏ ra thận trọng trong việc đưa ra những cam kết đối với chiến lược xoay trục của Mỹ. Về khía cạnh này, Gruzia có thể là một bài học khi nước này đã quá tin tưởng vào những cam kết nên đã dấn thân vào một cuộc chiến quá với sức của mình, để rồi đi đến kết luận rằng Mỹ đã không có ý định dính líu vào một cuộc chiến để bảo vệ Gruzia về một vấn đề chỉ của riêng nước này. Các nước láng giềng trực tiếp của Trung Quốc có thể không dễ gì để mình trở thành nạn nhân giống như Gruzia vì họ biết rằng họ không thể tránh khỏi Trung Quốc nếu họ áp dụng một chính sách cứng rắn để đạt được một số lợi ích trước mắt.

Tương lai của chiến lược xoay trục của Mỹ

Những hành động gây hấn của Trung Quốc làm cho chiến lược xoay trục của Mỹ trở lên hấp dẫn đối với các quốc gia châu Á. Tuy vậy, chiến lược này cũng gặp phải một số khó khăn. Nhìn từ phía Trung Quốc, Mỹ không đáng tin cậy khi tuyên bố chiến lược xoay trục không phải là để kiềm chế Trung Quốc. Mỹ không thể kêu gọi các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương ủng hộ một chiến lược quân sự kiềm chế Trung Quốc. Bất chấp những nỗ lực của chính quyền Obama nhằm làm giảm lo ngại của Trung Quốc về mục tiêu kiềm chế của Mỹ, Trung Quốc vẫn cảnh giác cao đối với chiến lược xoay trục của Mỹ.

Nhìn từ góc độ của các đồng minh và đối tác của Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương, những nước này không yên tâm về khả năng Mỹ tiếp tục can dự lâu dài trong khu vực. Những tuyên bố của Mỹ chưa phải là tín hiệu đủ độ tin cậy và những tính toán của Mỹ có thể thay đổi theo thời gian. Trừ khi cam kết của Mỹ được củng cố bằng những biện pháp với những chi phí có thể nhận biết được (vị dụ: tăng cường lực lượng quân sự ở tuyến trước hoặc ủng hộ các chính sách của các đồng minh), các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực vẫn tiếp tục hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với chiến lược xoay trục. Ngoài ra, nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang quá mức cũng là lo ngại của các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, Trung Quốc và các nước châu Á khác cũng có những lý do để yên tâm về bản chất của chiến lược xoay trục của Mỹ. Mỹ thực sự có lợi ích kinh tế trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc và có động lực mạnh mẽ để tiếp tục duy trì ảnh hưởng tại Châu Á – Thái Bình Dương. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nhấn mạnh, xoay trục không chỉ là chiến lược đơn thuần về mặt quân sự. Kể cả khi Mỹ và Trung Quốc tranh chấp nhau về vị thế bá chủ châu Á thì sự cạnh tranh giữa hai nước cũng nhằm thiết lập một trật tự khu vực lâu dài chứ không chỉ nhằm đối đầu quân sự trước mắt. Mỹ, Trung Quốc và các nước Châu Á – Thái Bình Dương có cùng chung lợi ích trong việc duy trì hòa bình trong khu vực này.

Tiến sĩ Tongfi Kim, chuyên gia nghiên cứu về đông Á tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Frankfurt (PRIF). Bài viết được đăng trên PRIF.

Trần Quang (gt)