Trên thực tế, trước chuyến thăm của ông Obama, Campuchia đã đứng về phía Trung Quốc hai lần phá vỡ sự đoàn kết chính trị của ASEAN khi ngăn chặn lập trường chung của khối về các bất đồng lãnh thổ trên Biển Đông. Lập trường của Campuchia là thách thức đối với cam kết chiến lược mới của Mỹ với khu vực. Rõ ràng quan điểm của Phnôm Pênh được Bắc Kinh đánh giá cao và đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ giữa hai bên đang ngày càng được tăng cường. Kể từ khi công nhận Chính phủ Hun Sen năm 1997, Bắc Kinh nỗ lực ủng hộ bằng các biện pháp ngoại giao và viện trợ tài chính. Năm 2004, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài số 1 của Campuchia. Kể từ đó, thương mại song phương giữa hai nước tăng đáng kể: Năm 2011 đạt 2,5 tỷ USD, tăng 73,5% so năm 2010 và hai bên dự định tăng gấp đôi con số này vào năm 2017. Về đầu tư, 6 tháng đầu năm 2012, Trung Quốc đã đầu tư 141 triệu USD vào ngành dệt may và lĩnh vực xay xát gạo của Campuchia. Tháng 3/2012, Kao Kim Hourn, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia, tuyên bố chưa bao giờ hai nước có quan hệ chặt chẽ như hiện nay và "là Chủ tịch luân phiên ASEAN, Campuchia sẽ tiếp tục làm sâu sắc và mở rộng mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc”.

Oasinhtơn không bình luận nhiều về trục Bắc Kinh-Phnôm Pênh, mặc dù gần đây Mỹ và Campuchia cam kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực như các quan hệ an ninh song phương, trong đó Mỹ nhất trí dỡ bỏ nhiều hạn chế liên quan tới hợp tác quốc phòng với Phnôm Pênh. Đối với khu vực, bất chấp các nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường và hiện đại hóa các liên minh an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương, đa số dư luận cho rằng Mỹ thiếu sức mạnh kinh tế để thực hiện chiến lược - một phần do cam kết hiện nay của Mỹ ở Trung Đông. Hai tác giả Bruce Klingner và Dean Cheng thuộc tổ chức Heritage Foundation khẳng định, quân đội Mỹ thiếu các nguồn lực cần thiết để thực hiện chiến lược như vậy. 

Tuy nhiên, chính sách "trở lại châu Á" của Chính quyền Obama không chỉ dừng lại ở cấp độ an ninh. Oasinhtơn đã nỗ lực để can dự sâu sắc hơn vào nền kinh tế khu vực, cụ thể là sáng kiến thành lập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận thương mại tự do nhằm tự do hóa hơn nữa các nền kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sáng kiến TPP là phản ứng của Oasinhtơn đối với sáng kiến Quan hệ đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực theo đề nghị của ASEAN (RCEP) tháng 10/2012 tại Phnôm Pênh và bao gồm 10 thành viên ASEAN cộng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia và Niu Dilân - nhưng không có Mỹ. TPP và RCEP có mục tiêu tương tự nhằm cải thiện tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế nhưng mục tiêu chính trị khác nhau. Thực tế, TPP được đánh giá là cạnh tranh với RCEP. Ông Termsak Chalermpalanupap, cựu quan chức của Ban Thứ ký ASEAN, cho rằng TPP có thể chia rẽ ASEAN hơn nữa về kinh tế. Sự xuất hiện của Campuchia trong các tranh chấp lãnh thổ nhấn mạnh vai trò của nước này ở Đông Nam Á - một khu vực mà Trung Quốc đang cố gắng biến thành vùng ảnh hưởng của mình thông qua các thỏa thuận thương mại tự do.

Để tăng cường chính sách "trở lại châu Á-Thái Bình Dương", Mỹ cần xem xét lại các mối quan hệ với Campuchia và Trung Quốc, có khả năng bằng một hình thức 3 bên. Phát triển mối quan hệ đối tác tin cậy với Inđônêxia - người khổng lồ của khu vực không trực tiếp liên quan tới các tranh chấp Biển Đông và cũng là nước trung gian hòa giải dưới sự bảo trợ của ASEAN - cũng sẽ làm tăng cơ hội về một giải pháp ngoại giao cho các cuộc xung đột.

Theo "Tạp chí Chính trị Thế giới" (ngày 21/12)

Vũ Hiền (gt)