china_26300b.jpg

Sự cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng và căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trong tranh chấp trên Biển Đông đã đẩy Campuchia đến gần phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, nhà viện trợ kinh tế và quân sự của Campuchia. Trung Quốc hiện nổi lên như một đối tác quân sự quan trọng bậc nhất của Campuchia, giúp quân đội nước này mở rộng đáng kể khả năng của mình.

Đối với Trung Quốc, Campuchia có vị trí địa chính trị quan trọng, giúp nước này bảo đảm an ninh và giám sát ở Biển Đông - đặc biệt là để đảm bảo việc thực hiện yêu sách của họ ở quần đảo Trường Sa tranh chấp. Trung Quốc xem Campuchia như một vị trí chiến lược và là một phần trong mạng lưới các nước ở châu Á mà Trung Quốc sẽ đầu tư xây dựng cảng biển.

Rõ ràng, Mỹ gần đây đã không thể cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở Campuchia. Campuchia đang lánh xa Mỹ và hướng về Trung Quốc. Quyết định bất ngờ hoãn cuộc tập trận chung hàng năm “Angkor Sentinel” với Mỹ hồi tháng 1 của Campuchia chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ cho thấy điều này.

“Angkor Sentinel” là cuộc diễn tập song phương thường niên, được tiến hành liên tục từ năm 2010 tới nay, do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ tài trợ và Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) tổ chức, nội dung là hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Cuộc diễn tập này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực của RCAF trong việc duy trì hòa bình, cứu trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của Liên Hợp Quốc, đồng thời cải thiện sự hợp tác quân sự giữa hai nước. Theo Phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ Jay Raman, "các cuộc diễn tập quân sự chung mang lại lợi ích cho cả hai nước, tăng cường khả năng cùng nhau chống lại nạn cướp biển, bảo vệ các tuyến đường vận chuyển hàng hóa thương mại, ngăn chặn khủng bố...".

So với Trung Quốc, viện trợ quân sự Mỹ dành cho Campuchia tương đối nhỏ và thường bị trì hoãn do căng thẳng chính trị. Năm 2013, Campuchia đình chỉ một số chương trình hợp tác quân sự với Mỹ sau khi các nghị sỹ Mỹ chỉ trích cuộc bầu cử ở Campuchia và kêu gọi điều tra. Viện trợ trang thiết bị quân sự và hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ cho Campuchia chỉ ở mức 4,5 triệu USD kể từ năm 2006. Về hợp tác quân sự giữa hai nước, Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia cho biết: "Hợp tác của chúng tôi tập trung vào việc gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, chống ma tuý, an ninh hàng hải và biên giới, trợ giúp nhân đạo, hoạt động cứu trợ thiên tai và cải cách trong lĩnh vực quốc phòng. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển năng lực của RCAF trong các lĩnh vực này, đồng thời khuyến khích Campuchia cam kết xây dựng trật tự pháp luật, minh bạch trong quản trị, xây dựng nền dân chủ bền vững và tôn trọng nhân quyền".

Tuy nhiên, không giống như cách tiếp cận của Trung Quốc, tất cả các hỗ trợ của Mỹ dành cho Campuchia đều phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt, và có thể bị dừng ngay lập tức nếu nguyên tắc dân chủ bị cho là vi phạm. Tháng 7/1997, khi những bất ổn chính trị nội bộ của Campuchia diễn ra, Mỹ ngừng tất cả các chương trình viện trợ, kể cả viện trợ quân sự vì Mỹ coi hành động của chính phủ liên minh là chống lại các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền.

Theo học giả Campuchia Chheang Vannarith, ưu tiên hàng đầu của Campuchia là bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, giữ an ninh và ổn định chính trị, phát triển kinh tế và giảm nghèo, và xây dựng hình ảnh trong cộng đồng quốc tế. Do đó, Campuchia đang cần sự trợ giúp của các nước thân thiện để thực hiện chương trình củng cố RCAF. Là một quốc gia nhỏ, nghèo nàn trong khu vực, Campuchia thường có những lựa chọn thiết thực với người dân như tìm cách tận dụng quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và bất kỳ quốc gia nào khác có thể mang lại lợi ích cho nước này.

Rõ ràng rằng Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác đóng vai trò quan trọng, góp phần củng cố RCAF. Trung Quốc và Mỹ có những chính sách khác nhau với Campuchia, song chính điều này có thể khiến nước này rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi xử lý các mối quan hệ mà không ảnh hưởng đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Tác giả Veasna Var là nghiên cứu sinh chính trị và quốc tế tại Học viện Quốc phòng ÚC; Sovinda Po theo học chương trình thạc sỹ về quan hệ quốc tế tại Đại học Hoa Đông, Trung Quốc. Bài viết đăng trên mạng “International affairs”.

Nhật Linh (gt)