hires_080531-N-2296G-009BB.jpg

Diễn đàn Hợp tác đa phương tiểu khu vực MANIS (Malaysia, Úc, New Zealand, Indonesia và Singapore) hiện có nhiều hoài nghi về biện pháp tiếp cận do dự của Mỹ đối với các thách thức cấu trúc an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong gần 50 năm qua, Úc và New Zealand đã hợp tác với Malaysia và Singapore cũng như Vương quốc Anh trong Thỏa thuận Quốc phòng 5 nước (FPDA). Ở mức độ nào đó, FPDA hiện nay là lỗi thời. Tuy nhiên, các quốc gia trong thỏa thuận này đã cố gắng duy trì thỏa thuận. FPDA tạo điều kiện can dự quân sự đa phương trong khu vực và lĩnh hội các ý tưởng, thực tiễn cũng như kinh nghiệm của nhau mà không sợ bị đe dọa. Tại thời điểm khi các mối quan hệ song phương căng thẳng, sự phối hợp trong FPDA được tiến hành mà không lo ngại bị cản trở bởi "cơn bão" chính trị xung quanh.

Ngày nay, các mối quan hệ kinh tế, an ninh khăng khít và mạnh mẽ: các tàu chiến và máy bay của quân đội Úc thường xuyên hoạt động bên trong hoặc đi qua các không phận và hải cảng của Singapore và Malaysia. Các chuyến bay giám sát hàng hải của Úc qua khu vực Biển Đông thường có mặt các nhân viên quân sự của Malaysia. Hệ thống Phòng thủ Tích hợp Khu vực (IADS), được đặt tại Malaysia, trong đó 1 sĩ quan cao cấp của Úc phụ trách, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tham gia của những đối tác an ninh lâu dài tại khu vực này.

Năm 2015, Úc đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Singapore, thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác kinh tế, an ninh và giao lưu nhân dân với New Zealand lên một mức độ gần gũi hơn. Thỏa thuận đó được xây dựng trên nền tảng các mối quan hệ được thiết lập hơn 3/4 thế kỷ qua.

Rõ ràng, mối quan hệ của Úc với Malaysia, Singapore và New Zealand là mạnh mẽ, đa diện và tích cực. Tuy nhiên, mối quan hệ của Úc với nước láng giềng quan trọng nhất của nước này là Indonesia lại không dễ dàng. Mặc dù là quốc gia đầu tiên công nhận nền độc lập của Indonesia sau cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nhưng quan hệ song phương giữa Úc và Indonesia trải qua nhiều thăng trầm. Trong những năm 1960 của thế kỷ trước, mối quan hệ này xoay quanh số phận thuộc địa New Guinea của Hà Lan và “Cuộc đối đầu” của Indonesia trước liên bang Malaysia mới nổi. Quan hệ hai nước rạn nứt nghiêm trọng vào năm 1999 khi Úc ủng hộ Timor Leste độc lập.

Tuy nhiên, quan hệ hai nước được cải thiện đáng kể sau khi Indonesia hứng chịu những vụ đánh bom khủng bố ở Jakarta và Bali cũng như thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương trong giai đoạn từ năm 2000-2005. Úc đã hỗ trợ nhân đạo vô giá cùng với những trợ giúp khác để Indonesia vượt qua những khó khăn này. Sau đó, hai nước đã ký kết Hiệp ước Lombok năm 2006- chủ yếu là để xác định thỏa thuận của Úc trong việc công nhận New Guinea (nay được gọi là Papua) thuộc lãnh thổ vĩnh viễn của Indonesia.

Kể từ đó đến nay, thật không may, quan hệ giữa hai nước giống như “trò chơi bắt rắn và leo thang”, có những thời điểm gần gũi rồi đột nhiên căng thẳng. Những tranh cãi về thịt bò, tàu thuyền tị nạn, nghe lén gián điệp, vấn đề Papua tiếp tục là những vấn đề dễ gây ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

Tuy nhiên, giống như Malaysia và Singapore, việc có được mối quan hệ đúng đắn với Indonesia là rất quan trọng đối với Úc. Tổng thống Indonesia Jokowi đã nhận ra nhu cầu cần phải tăng cường can dự quốc tế vì theo ông, Indonesia là “điểm tựa về biển” của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Không còn nghi ngờ gì nữa, về mặt địa chiến lược và kinh tế, sự thịnh vượng và ổn định của Indonesia là quan trọng đối với khu vực. Nhưng việc Indonesia đối mặt với nhiều thách thức đòi hỏi sự cam kết của các nước láng giềng. Chuyến thăm Úc của Tổng thống Jokowi gần đây dường như là minh chứng cho điều đó.

Indonesia sẽ không bao giờ muốn tham gia FPDA vì không muốn bị ràng buộc. Những tính năng động của FPDA phục vụ cho một mục đích riêng biệt mà không nước tham gia nào muốn đảo lộn. Vì vậy, một liên minh giữa hai nước giống như FPDA là không thể, nhưng một diễn đàn hợp tác hàng hải có thể là "chìa khóa" để hai bên thắt chặt quan hệ. Với một tầm nhìn và quyết tâm, 5 quốc gia MANIS có thể làm việc cùng nhau trên một loạt vấn đề cùng quan tâm liên quan đến không gian hàng hải họ chia sẻ, không bị cản trở bởi bất cứ một bên nào hoặc vấn đề gì.

Diễn đàn như vậy sẽ được hưởng lợi từ công việc được thực hiện theo các quy định của FPDA và Hiệp ước Lombok nhưng rất có thể sẽ cần phải hoạt động riêng biệt từ chúng. Diễn đàn này có thể được sử dụng để giải quyết một loạt mối quan tâm chung, thu hút sự tham gia của các Bộ ngoại giao, quốc phòng, bảo vệ biên giới, lực lượng cảnh sát và môi trường cũng như các trường đại học và viện nghiên cứu. Đại học Quốc gia Úc, bên cạnh tham khảo ý kiến với Bộ Quốc phòng Úc, có thể đồng tổ chức các cuộc tham vấn với các đối tác Indonesia để tạo điều kiện cho vòng thảo luận đầu tiên về các điều khoản cho diễn đàn này.

Là một phần của diễn đàn, các nhóm làm việc “kênh 1.5” có thể đánh giá các cơ hội hợp tác về tội phạm xuyên quốc gia, đánh bắt thủy sản trái phép, đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và tìm kiếm các biện pháp giải quyết những thách thức về môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Một khi diễn đàn được thành lập, các chính phủ và các tổ chức tương ứng trong MANIS có thể sẽ tham gia sâu hơn.

Những người phản đối có thể lập luận rằng Úc đã cam kết quá nhiều vào các diễn đàn khu vực liên quan đến Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, sự tham gia của Úc trong các diễn đàn như vậy vẫn quan trọng, cho dù tiến độ có thể đôi khi dường như "đóng băng", vì Úc có lợi ích tại đó.

Tác giả là Giáo sư John Blaxland, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Đại học Quốc gia Úc. Bài viết đăng trên “Diễn đàn Đông Á”.

Anh Thư (gt)