Khi ông Donald Trump chính thức nắm quyền Tổng thống Mỹ, Úc cần phải nghĩ đến bốn điều sau đây:  

Thứ nhất, quan điểm của ông Trump về an ninh rõ ràng có nhiều mâu thuẫn. Ông Trump muốn một quân đội hùng mạnh và duy trì những lợi ích đối ngoại của Mỹ, song không muốn giữ lại các cam kết trước đó. Cách tiếp cận của ông Trump đối với một số đồng minh, bao gồm cả Nhật Bản và Úc, về cơ bản là tạm ổn. Tuy nhiên, những đồng minh khác, ví dụ như các nước NATO, vẫn còn quan ngại sâu sắc. Thậm chí cả những đồng minh được ông đảm bảo cũng lo lắng về tính bốc đồng của ông, nhất là khi ông đề cập đến Đài Loan hay Iran.  

Thứ hai, phương pháp tiếp cận của ông Trump đối với các thỏa thuận kinh tế quốc tế, điển hình như việc ông tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), không phải là điềm tốt cho hệ thống thương mại quốc tế mà Úc đã được hưởng lợi. Ông Trump sẽ cân nhắc một phần lời khuyên của các cố vấn trước thực tế thế giới, nhưng không phải tất cả.  

Thứ ba, ông Trump và các cố vấn thân cận nhất dường như biết rất ít và không mấy quan tâm đến cấu trúc của các hiệp ước quốc tế. Người ta có thể chỉ trích các cấu trúc quốc tế, các tổ chức và các hiệp định thời hậu chiến, song những điều này đã giúp ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, nâng cao mức sống và duy trì các tiêu chuẩn cho thế giới.  

Thứ tư, kể từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Mỹ đã truyền bá đạo đức dân chủ như hình thức công bằng nhất, nếu không muốn nói là một hình thức quản trị hoàn hảo. Nhiều nơi trên thế giới đã ủng hộ hình thức này. Tuy vậy, dân chủ không chỉ là về bầu cử và các thể chế, nó còn là về giới luật, điều mà ông Trump không nắm rõ.

Vấn đề được đặt ra là: dân chủ sẽ ra sao dưới thời đại của ông Trump? Úc (và các nước dân chủ khác) có thể tiếp tục dựa vào những chính sách về những giá trị chung hay không?  

Hành động của ông Trump với tư cách tổng thống có thể sẽ khác so với những ý định mà ông tuyên bố trước đó. Mặc dù có những lo ngại về sự thất thường và đường lối cứng rắn, người ta vẫn hi vọng Tướng Flynn được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia, Tướng Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng và ông Rex Tillerson- Tổng giám đốc ExxonMobil- làm Ngoại trưởng có thể giúp định hình các chính sách của Mỹ một cách hợp lý.

Úc sẽ phải làm gì?  

Úc cần Mỹ và liên minh ANZUS (Khối hiệp ước an ninh ba nước Úc, New Zealand và Mỹ). Sự hiện diện của Mỹ trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương đã giúp duy trì hòa bình kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, và việc vai trò của Mỹ bị suy giảm ở khu vực này không đem lại lợi ích cho Úc. Trong khi đó, Hiệp ước ANZUS đã chuyển đổi từ một liên minh thành một đặc tính bất khả xâm phạm mà mọi người dân Úc phải có nghĩa vụ ủng hộ.  

Hiện chưa thấy có tín hiệu tươi sáng trong chính sách an ninh của Mỹ và Úc kể từ sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ. Úc đã hy sinh nhiều mạng sống và năng lượng chính trị ở Trung Đông, nơi lợi ích chiến lược của nước này là không đáng kể. Trong khu vực gần hơn, quan điểm về an ninh và ảnh hưởng của Úc cũng đang bị suy giảm. Lực lượng vũ trang của Úc được tích hợp vào cấu trúc quân sự của Mỹ, đặc biệt là Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Trong khi đó, các thỏa thuận ghi nhớ vẫn tồn tại để rút các lực lượng trong trường hợp can dự vào một khu vực hoặc một nước nào đó, ví dụ như Đài Loan.  

Vậy, Úc nên xem xét lại những thỏa thuận này liệu có thực sự vì lợi ích quốc gia của mình hay không? Nếu chính sách của Mỹ tại khu vực gây mâu thuẫn với lợi ích của Úc thì Úc phải chuẩn bị sẵn sàng thách thức những chính sách đó.  

Sự khác biệt với Mỹ về an ninh- đặc biệt là với nhóm người sẽ nắm quyền lực tại Mỹ trong tháng 1/2017- sẽ là thách thức không nhỏ đối với Úc. Do đó, Úc phải suy nghĩ nghiêm túc về những thỏa thuận với châu Á, bao gồm cả việc đào tạo những chuyên gia Úc về châu Á như trong đề xuất của Sách trắng thế kỷ châu Á năm 2012 của nước này.  

Úc cũng nên khuyến khích đối thoại song phương nghiêm túc giữa Mỹ và Trung Quốc, chứ không phải tìm kiếm một vai trò cầu nối. Úc phải duy trì một cuộc đối thoại mạnh mẽ với Trung Quốc và nhấn mạnh các cuộc đối thoại chiến lược với các quốc gia có khuynh hướng độc lập hơn ở châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam và Singapore, không chỉ để trao đổi quan điểm, mà còn là để phát triển các phương pháp tiếp cận chung đối với các vấn đề an ninh khu vực. Úc cũng nên tiếp tục tham khảo ý kiến với nhóm nước ASEAN và tạo ra các kênh song phương hiệu quả hơn. Nếu Mỹ muốn từ bỏ TPP, Úc phải theo đuổi các cấu trúc tự do hóa thương mại để thay thế như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).    

Ngay cả khi Chính quyền Trump từ bỏ bất kỳ hiệp ước quốc tế nào mà Mỹ đã dày công xây dựng hoặc một số giới luật mà từ đó nước này dẫn dắt thế giới, Úc cần tránh những cám dỗ chính trị bị ảnh hưởng bởi ông Trump. Và trong 4 năm tới, Úc phải bám chắc vào các giá trị riêng của mình.

Tác giả là ông John McCarthy, cựu Đại sứ Úc tại Việt Nam, Mexico, Thái Lan, Mỹ, Indonesia, và Nhật Bản. Bài viết đăng trên "Diễn đàn Đông Á" (ngày 1/1).

Hùng Sơn (gt)