OB-EV623_chang_G_20091108130350.jpg

Nổi bật hơn hết của xu hướng này là việc Trung Quốc "giành lãnh thổ" ở Biển Đông và "thâu tóm nguồn nước" ở thượng nguồn sông Mekong vốn chảy từ miền Nam Trung Quốc xuống Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Ở lưu vực sông Mekong trên phần Đông Nam Á lục địa, Trung Quốc đã đơn phương giành quyền lực chính trị bằng cách lợi dụng vị trí địa lý và thao túng dòng chảy tự nhiên của con sông này với việc xây một loạt đập chắn trên thượng nguồn. Trong lúc các nước hạ nguồn sông Mekong đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên thì Trung Quốc lại lớn tiếng tỏ ra hào phóng khi tăng thêm lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng từ ngày 15/3, có lẽ một phần là để tạo không khí nhẹ hàng hơn cho Hội nghị cấp cao Hợp tác sông Mekong- Lan Thương (LMC) với lãnh đạo các nước khu vực Tiểu vùng sông Mekong (GMS). Việc Trung Quốc xả nước là giải pháp tạm thời đối với tình trạng hạn hán ở các nước hạ nguồn. Đó cũng là một dấu hiệu cho thấy các nước này sẽ phải phụ thuộc vào thiện chí và sự hào phóng của Trung Quốc.

Sông Mekong (Trung Quốc gọi là Lan Thương) là con sông dài nhất Đông Nam Á. Con sông này đem lại sinh kế cho hơn 60 triệu người và là nguồn sống của các cộng đồng dân cư cũng như sinh vật tự nhiên trong lưu vực. Việc Trung Quốc xây dựng các đập chắn từ lâu đã bị xem là nguy cơ địa chính trị đối với những quốc gia hạ nguồn ven sông và cũng là nguyên nhân dẫn đến các xung đột tiềm tàng ở toàn khu vực. Nguy cơ này càng trở nên nghiêm trọng hơn do tình trạng biến đổi khí hậu và sự phát triển nhanh của các vùng đất dọc sông dẫn đến nhu cầu sử dụng nước tăng vọt.

Với ảnh hưởng độc tôn đối với các nước hạ nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã hào hứng triệu tập LMC tại Tam Á, đảo Hải Nam. Bắc Kinh đã thông báo một gói hỗn hợp cho vay và tín dụng trị giá 11,5 tỷ USD cho các dự án phát triển dọc theo con sông, bao gồm từ việc xây dựng các tuyến đường sắt đến những khu công nghiệp. Bắc Kinh cũng tài trợ 200 triệu USD cho các sáng kiến giảm nghèo và dành 300 triệu USD khác cho hợp tác khu vực trong 5 năm tới cũng như việc thành lập trung tâm quản lý tài nguyên nước. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh rằng các kế hoạch này là một phần trong chiến lược của Trung Quốc liên quan đến sáng kiến "Một vành đai, Một con đường", đồng thời kêu gọi tăng cường xây dựng lòng tin giữa Trung Quốc với các nước hạ nguồn sông Mekong. Điều đáng chú ý ở đây là LMC thực sự vô hiệu hóa Ủy hội sông Mekong (MRC) vốn đã được Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam thành lập hồi năm 1995 nhằm tập trung các chuyên gia quốc tế và hỗ trợ tài chính để quản lý tài nguyên nước theo các công ước và nghị định thư quốc tế về các dòng sông lớn trên thế giới. Myanmar và Trung Quốc đã là các bên đối thoại nhưng Bắc Kinh lại chủ động gạt cơ chế này ra một bên. Có thể nói LMC là phiên bản MRC của Trung Quốc.

Là nước lớn nhất ở thượng nguồn, Trung Quốc có thể tự ý ngăn dòng chảy của sông Mekong. Nước này đã xây dựng xong 6/15 đập nước. Bằng cách thực hiện chính sách hung hăng trong cả hai vấn đề Biển Đông và sông Mekong, Trung Quốc có thể ép buộc các nước nhỏ hơn và muốn tránh xung đột với người láng giềng khổng lồ tham gia vào một hệ thống chư hầu khu vực. Tuy nhiên, để tránh kịch bản "gậy ông đập lưng ông" do kích động sự phản kháng từ các nước láng giềng, Bắc Kinh phải nỗ lực đóng vai trò chính trong việc tạo ra các luật lệ và thể chế hòa hợp lợi ích với các nước khác trong khu vực.

Tác giả là Phó Giáo sư Thitinan Pongsudhirak và Giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế và an ninh thuộc Đại học Chulalongkorn. Bài phân tích đăng trên Nhật báo "Bangkok Post" (ngày 26/3).

Hương Trà (gt)