zing_tt2.JPG

Hợp tác an ninh của Manila với Washington và Tokyo khác cả về phạm vi lẫn tính hợp pháp. Quan hệ hợp tác quân sự giữa Philippines với Mỹ là mối quan hệ lâu đời, được chính thức hình thành dựa trên Hiệp ước tương trợ quân sự song phương năm 1951, nhiều hiệp định bổ sung khác được ký kết giữa hai bên như Hiệp định hỗ trợ hậu cần song phương năm 2007, Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng 2014…

Ngược lại, quan hệ quốc phòng Nhật Bản - Philippines ít mang tính chính thức hơn và mới hơn. Hiệp định đầu tiên được hai bên ký kết dưới thời Chính quyền tiền nhiệm của ông Benigno Aquino và được Chính quyền đương nhiệm của ông Duterte tiếp nối. Quan hệ quốc phòng Nhật-Philippines được tăng cường với việc hai bên ký kết hiệp định chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng. Hai bên cũng tiến hành các cuộc đối thoại quốc phòng an ninh, đưa ra các tuyên bố chung liên quan và tổ chức các cuộc thăm viếng Hải quân.

Không thể phủ nhận rằng các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông đã thúc đẩy các lực lượng vũ trang Philippines tiến hành hiện đại hóa và hợp tác an ninh với tất cả các đối tác, bao gồm cả đối tác có có thể gây ra những thách thức an ninh đối với Philippines. Khi căng thẳng diễn ra, các công cụ như hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng 2014 sẽ được quan tâm thực thi.

Các cơ chế quản lý tranh chấp và quan hệ Philippines - Trung Quốc được cải thiện có thể sẽ làm ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác an ninh giữa Philippines với Mỹ và Nhật Bản trừ khi Manila tái cấu trúc quan hệ hợp tác để không bị coi là nhắm vào Trung Quốc. Theo đó, những mục tiêu mà Philippines có thể hướng tới là tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ khắc phục thiên tai, giải quyết các thách thức phi truyền thống như khủng bố, buôn ma túy, chống cướp biển… Điều này có thể tạo ra cho Manila những cơ hội mới. Tuy nhiên, Manila sẽ không để việc điều chỉnh định hướng hợp tác như vậy ảnh hưởng đến các quan hệ hợp tác quân sự quốc tế mà có thể giúp nước này đối phó với các hành động hiếu chiến tại Biển Đông.

Có khả năng chính những chỉ trích nhằm vào các chiến dịch chống ma túy của Chính quyền Duterte là nguyên nhân khiến ông Duterte đưa ra lời đe dọa cắt đứt quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, đây có lẽ chỉ là lời nói trong giây phút của ông Duterte quá bực tức. Việc hủy bỏ các sắc lệnh hành pháp như Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng 2014 cần có sự đồng thuận của Quốc hội. Trong bối cảnh diễn biến tình hình Biển Đông phức tạp, Quốc hội Philippines không dễ thông qua quyết định hủy bỏ này. Mặt khác, quân đội Philippines và Mỹ có lịch sử hợp tác lâu dài từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, nhiều quan chức quân đội Philippines được đào tạo tại Mỹ. Bản thân cựu Tổng thống Fidel Ramos cũng từng là sinh viên tại Học viện Quân sự ở West Poit, các Bộ trưởng quốc phòng hiện nay và gần đây của Philippines cũng từng là tùy viên quân sự của Philippines tại Mỹ.

Hiện mối quan hệ giữa ông Duterte và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng được cho là thân thiết dù ông Duterte từng từ chối lời mời tới thăm Nhà Trắng của ông Trump. Chính sách “đối ngoại độc lập” của ông Duterte thể hiện sự độc lập hơn trong các quyết định đối ngoại của Philippines chứ không phải sự xuống cấp trong mối quan hệ với Mỹ. Điều này thể hiện ông Duterte nhận thức được mối quan hệ giữa quân đội Philippines với quân đội Mỹ. Ông Duterte cũng công khai công nhận đóng góp của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Mindanao. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, những lời chỉ trích của ông Duterte dành cho Mỹ chắc chắn sẽ tạo ra bầu không khí thiếu tích cực trong quan hệ hai nước. Quan hệ hợp tác an ninh với Nhật Bản lại đầy triển vọng. Tuy nhiên, việc Chính quyền của ông Duterte mở rộng quan hệ với Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới quan hệ với Tokyo.

Về phạm vi hợp tác, quan hệ đối tác an ninh giữa Philippines với Mỹ mở rộng và mang tính toàn diện, trong khi quan hệ với Nhật Bản chỉ trong giới hạn nhất định dù những dấu hiệu gần đây cho thấy điều này có thể thay đổi. Năm 2016, Nhật Bản và Philippine đã ký hiệp định song phương cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho Lực lượng Hải quân Philippines thuê các máy bay huấn luyện của Nhật Bản và hỗ trợ Manila đào tạo phi công, củng cố cơ sở hạ tầng. Hiệp định an ninh 2016 giữa Philippines và Nhật Bản là hiệp định thứ 4 của Nhật Bản, đánh dấu sự vươn ra bên ngoài của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Quan hệ an ninh với các đồng minh, đối tác của Philippines dưới thời Chính quyền của ông Duterte có thể phải đối mặt với những thách thức. Những chỉ trích nhằm vào các chính sách đối nội của Chính quyền Duterte như chiến dịch chống ma túy có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các mối quan hệ này. Việc thực thi “chính sách đối ngoại độc lập” và việc giảm lòng tin vào cam kết an ninh của Mỹ tại khu vực có thể gây ra những khó khăn cho quan hệ hợp tác giữa Philippines với Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, xuất phát từ lợi ích của mối quan hệ này và các vấn đề an ninh vẫn còn nhiều biến động, mối quan hệ hợp tác giữa Philippines với Mỹ và Nhật Bản sẽ vẫn được các bên duy trì.

Tác giả là nhà nghiên cứu Lucio Blanco Pitlo III thuộc trường Đại học Manila. Bài viết đăng trên trang “AMTI”.

Vũ Hiền (gt)