Hệ thống quốc tế mà Mỹ và các đồng minh của nước này đã tạo ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã mang lại lợi ích cho toàn thế giới, nhưng sự can dự về kinh tế và chính trị toàn cầu đã khiến quá nhiều người Mỹ bị bỏ lại phía sau. Trong 70 năm qua, các nền dân chủ thị trường tự do đã thống trị nền kinh tế toàn cầu, những nỗ lực do Mỹ lãnh đạo đã làm giảm đáng kể nghèo đói và bệnh tật, và thế giới đã tránh được xung đột nước lớn. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ - bao gồm cả tôi - đang ngày càng tin rằng đất nước của chúng ta đang trải qua giai đoạn khoảng trống lãnh đạo. Mọi người đang đánh mất niềm tin rằng các nhà lãnh đạo của chúng ta sẽ làm việc để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người Mỹ và họ sẽ tập hợp chúng ta gia nhập cùng với các đồng minh để tạo ra các giải pháp mang tính hợp tác cho các vấn đề toàn cầu mà đang vùi dập chúng ta. Tăng trưởng kinh tế đang mang lại những lợi ích cho một số ít người chứ không phải cho nhiều người. Sự luận bàn chính trị đã bị tính bè phái và tính tự cao tự đại đầu độc.

Đối mặt với những thách thức này, chúng ta phải lựa chọn giữa hai giải pháp: đóng cửa và rút khỏi thế giới hoặc can dự với các đồng minh cũ và mới để bắt đầu một thời đại mới của các cơ hội và an ninh. Mặc dù các nhà lãnh đạo Mỹ nên luôn luôn đặt lợi ích của Mỹ lên trước tiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta phải xây nên các bức tường, đóng cửa thị trường, hoặc cô lập Mỹ bằng cách hành động theo các cách khiến các đồng minh của chúng ta xa lánh. Tiếp tục làm điều đó sẽ không bảo vệ chúng ta khỏi những thách thức bên ngoài; nó sẽ đơn giản biến chúng ta thành những người ngoài cuộc với ngày càng ít ảnh hưởng hơn.

Tôi chọn cách hợp tác và can dự. Chỉ những người đã quên những bài học lịch sử mới có thể dám chắc rằng hòa bình và thịnh vượng đang chờ đợi chúng ta bên trong “Pháo đài Mỹ”. Tuy nhiên, cũng thú vị như cuộc tranh luận này - rút lui hay can dự - là việc có được các câu trả lời theo cách đã chọn cho các vấn đề mà đất nước gặp phải sẽ không có tác dụng. Thời đại mới đòi hỏi phải có những câu trả lời mới, ngay cả đối với những câu hỏi cũ. Con đường phía trước không phải là rút lui mà là đổi mới cam kết của chúng ta ủng hộ những người chia sẻ giá trị của chúng ta, khởi động lại khả năng cộng tác của chúng ta, và thúc đẩy một sự đồng thuận mới về cách điều chỉnh các chính sách và thể chế của chúng ta cho phù hợp với thời đại mới.

Từng phục vụ trong Ủy ban Quân vụ và là chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ khi Chính phủ Mỹ có được ngân sách cân bằng duy nhất, tôi không lạ gì với sự bi quan của những người nói: “Không thể làm được điều đó”. Nhưng tôi cũng không lạ gì với hy vọng đến từ việc nhớ lại những thành tựu trong quá khứ. Các nhà lãnh đạo giờ đây phải dựa vào hy vọng đó để tìm lại tính cởi mở, lịch sự, tôn trọng lẫn nhau và sự thỏa hiệp.

Về thách thức nối tiếp thách thức, chúng ta tốt hơn hết nên làm việc cùng nhau hơn là làm việc một mình. Để bảo đảm tương lai kinh tế của chúng ta, chúng ta phải chuẩn bị cho người lao động của chúng ta sẵn sàng hướng tới tương lai thay vì rút lui vào chủ nghĩa bảo hộ. Để đối phó với các mối đe dọa toàn cầu, chúng ta cần phải tăng cường các hệ thống phòng thủ và củng cố các liên minh của mình. Để chống lại chủ nghĩa khủng bố, chúng ta phải nhận thức rõ hơn về thời điểm sử dụng sức mạnh Mỹ và đòi hỏi các đồng minh của chúng ta gánh vác nhiều gánh nặng hơn. Để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, chúng ta phải đạt được sự cân bằng thích hợp giữa hợp tác và đối đầu. Nói cách khác, thế giới cần thêm sự can dự của người Mỹ, chứ không phải ít hơn.

Biến sự gián đoạn thành cơ hội

Là thống đốc bang Ohio, một bang có nền kinh tế lớn hơn nền kinh tế của 160 quốc gia, tôi được nhắc nhở hàng ngày rằng chúng ta đang sống trong một thế giới kết nối. Hơn 250.000 việc làm trong bang của tôi phụ thuộc vào thương mại, và những việc làm đó mỗi năm tạo ra gần 50 tỷ USD trong thu nhập xuất khẩu. Ở Mỹ nói chung, cứ 5 việc làm thì có 1 việc làm - 40 triệu trong số đó - phụ thuộc vào thương mại và những việc làm này có xu hướng được trả công cao hơn. Không thể phủ nhận rằng khi hàng hóa và dịch vụ đã dịch chuyển tự do hơn qua biên giới, nước Mỹ nói chung đã trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng cũng có một số người đã gánh chịu hậu quả do điều đó. Công ăn việc làm mất đi, và các lò luyện thép ở quê hương McKees Rocks, Pennsylvania của tôi là một minh chứng. Những nhà máy luyện thép này từng là phương tiện mang lại sự giàu có của tầng lớp trung lưu. Ngày nay, các công việc được trả lương cao mà chúng cung cấp đã biến mất.

Chính bản thân người Mỹ phải không ngừng đổi mới để duy trì tính cạnh tranh. Tuy nhiên, các đối tác thương mại quốc tế của chúng ta phải nhận ra rằng nếu họ không làm nhiều hơn để loại bỏ trợ cấp của chính phủ, việc bán phá giá và hành vi chống cạnh tranh khác, thì sự ủng hộ cho thương mại tự do và công bằng sẽ suy giảm thậm chí hơn nữa ở Mỹ. Kết quả là mọi người sẽ phải chịu khổ. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải sử dụng thuế quan và hạn ngạch mạnh tay nhằm khiến các đối tác của chúng ta bắt đầu nhìn nhận những quan ngại của chúng ta một cách nghiêm túc. Để giảm tình trạng mất việc làm từ thương mại, chúng ta cần một quy trình nhanh chóng, không có những sự chậm trễ quan liêu, để đánh giá các vi phạm thương mại và ngăn chặn chúng khi chúng xảy ra. Nhưng chúng ta cũng phải thực hiện những nỗ lực mới giúp mọi người có các kỹ năng cần cho công việc trong tương lai. Chính công nghệ chứ không phải thương mại gây ra phần lớn tình trạng thất nghiệp của người Mỹ trong thế hệ trước. Xu hướng đó sẽ chỉ ngày càng tăng thêm.

Sản xuất truyền thống sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ làn sóng công nghệ. Sẽ là ngu ngốc nếu tìm cách tự bảo vệ mình khỏi sức mạnh của làn sóng này bằng cách rút lui. Thay vào đó, chúng ta phải cưỡi lên ngọn sóng này. Điều đó có nghĩa là chuẩn bị tốt hơn cho lực lượng lao động Mỹ - cụ thể là điều chỉnh các nỗ lực giáo dục và đào tạo của chúng ta cho phù hợp với nhu cầu của các ngành công nghiệp mới nổi và cải thiện tính linh hoạt của thị trường lao động. Các nhà sư phạm phải cùng với khu vực tư nhân ủng hộ chương trình giảng dạy thích hợp, phát triển các kỹ năng phù hợp và giúp các doanh nghiệp có phần tham gia lớn hơn trong hệ thống giáo dục bằng cách cung cấp tư vấn, các cơ hội nơi làm việc và đào tạo nghề tại chỗ. Sự lãnh đạo thực sự là thể hiện tinh thần can đảm để giúp mọi người nắm bắt sự thay đổi, tìm kiếm những biên giới mới, và điều chỉnh trong một thế giới có nhịp độ nhanh - không đưa ra những hứa hẹn sai lầm về việc quay trở lại quá khứ. Sự lãnh đạo đúng đắn có thể rút ra từ người Mỹ những đặc trưng mà chúng ta cần để phát triển, những điều mà tôi biết là chúng ta đã có: khả năng phục hồi, sự linh hoạt, sự mau lẹ và sự tận tâm học tập suốt đời.

Không có sự tự tin lớn hơn về vị trí tương lai của mình trong nền kinh tế toàn cầu, người Mỹ sẽ hầu như không có lý do để ủng hộ sự hợp tác và can dự quốc tế. Tuy nhiên, nếu Mỹ tiếp tục đi một mình, điều đó sẽ chỉ mở ra nhiều cơ hội hơn cho các quốc gia không quan tâm đến những lợi ích tốt nhất của chúng ta, như Trung Quốc và Nga, định hình tương lai của chúng ta cho chúng ta. Đó là lý do giải thích tại sao việc Chính quyền Trump quay lưng lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà đã loại bỏ 18.000 thuế quan nước ngoài hiện đang áp dụng đối với các mặt hàng mà người Mỹ chế tạo và tìm cách bán ở nước ngoài, là một sai lầm. Những thuế quan này ngăn cản tạo việc làm và việc loại bỏ chúng có thể dẫn đến tăng trưởng mới khắp nước Mỹ. Chúng ta không nên đe dọa hủy bỏ Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ hoặc Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn. Thay vào đó, chúng ta nên làm việc với các nước láng giềng và các đối tác của mình để hiện đại hóa các thỏa thuận này, mà cần thiết cho an ninh kinh tế và ảnh hưởng toàn cầu của chúng ta. Về thương mại, cũng giống như nhiều vấn đề khác, mục tiêu phải là tìm ra các giải pháp cùng thắng, chứ không phải đe dọa và tìm cách chia rẽ và chiếm đoạt.

Chống lại các mối đe dọa

Trong 18 năm làm việc trong Ủy ban quân vụ Hạ viện, tôi biết được rằng các liên minh của chúng ta mang tính sống còn đối với an ninh quốc gia. Nhưng thế giới đã thay đổi rõ rệt kể từ khi những quan hệ đối tác này lần đầu tiên hình thành. Giờ đây chúng ta phải đấu tranh không chỉ với các mối đe dọa thông thường và hạt nhân quen thuộc từ Nga mà còn với các mối đe dọa từ Trung Quốc, Iran và Triều Tiên; các mối đe dọa về không gian và không gian mạng; và các mối đe dọa từ các nhân tố phi nhà nước. Môi trường mới đòi hỏi các liên minh tinh gọn, nhạy bén hơn để giải quyết những vấn đề như vậy một cách nhanh chóng.

Tổng thống Donald Trump đã đúng khi cho rằng các đồng minh của chúng ta không còn là những quốc gia nghèo khổ như Chiến tranh thế giới thứ hai nữa. Họ có thể và phải có phần tham gia phòng thủ và an ninh lớn hơn, đặc biệt là ở chính khu vực của họ. Những đồng minh này, cùng với Mỹ, cần phải cẩn thận tránh quá nhấn mạnh bất kỳ mối đe dọa cá nhân nào, chẳng hạn như khủng bố, mà gây phương hại cho những thách thức dài hạn hơn, chẳng hạn như sự hăm dọa của Nga, chủ nghĩa bánh trướng Trung Quốc, hoặc sự phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tất cả chúng ta phải điều chỉnh với ngân sách của chúng ta, đầu tư vào những nỗ lực đối phó với các mối đe dọa mới trong không gian mạng và duy trì khả năng của chúng ta triển khai sức mạnh và bảo đảm hệ thống thương mại toàn cầu cởi mở. Và Washington phải đòi hỏi rằng các đồng minh của mình ở châu Âu và Thái Bình Dương đóng góp nhiều hơn cho những nỗ lực chung.

Là một người sinh ra trong thời Chiến tranh Lạnh, tôi nhớ rõ các bài tập “cúi xuống và che đầu” trong lớp học, một lời nhắc nhở luôn hiện hữu về nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Không có mối đe dọa nào có những hậu quả đối với tất cả nhân loại lớn hơn việc sử dụng vũ khí hạt nhân một cách vô tình hay cố ý. Việc hạn chế rủi ro đó vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng ta.

Các thỏa thuận Mỹ-Nga như Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987 và Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) năm 2010 được thiết kế nhằm đạt được sự ổn định và an ninh cao hơn khi nói đến vũ khí hạt nhân, và không nên từ bỏ mục tiêu đó một cách nhẹ nhàng. Với START mới hết hiệu lực vào năm 2021 và Hiệp ước INF đang trên bờ vực bị sự không tuân thủ của Nga làm xói mòn nghiêm trọng, chúng ta cần phải suy nghĩ thật lâu và kỹ càng về việc rời xa khỏi chúng. Trừ khi chúng ta được thuyết phục rằng chúng không thể cứu chữa được nữa, các thỏa thuận mà nói chung đã có tác dụng đối với hai nhà nước nắm giữ hơn 90% vũ khí hạt nhân của thế giới không nên được để cho sụp đổ.

Có nhiều vấn đề đã ảnh hưởng đến quan hệ của Mỹ với Nga. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải làm việc với Nga về kiểm soát vũ khí, bởi vì với khoảng 7.000 đầu đạn, nước này vẫn là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Nơi chúng ta có lợi ích chung, chúng ta nên hợp tác, trong khi không bao giờ nhắm mắt trước bản chất của các nhà lãnh đạo Nga, những ý định của họ, và việc họ coi thường các giá trị của chúng ta. Nơi chúng ta không thể hợp tác, chúng ta phải giữ khoảng cách với Moskva cho đến khi có một sự thay đổi về cách hành xử hoặc một sự thay đổi về ban lãnh đạo.

Việc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân vẫn là một mối quan ngại lớn nữa. Cho đến khi chúng ta có một hiệp ước cuối cùng, có thể kiểm chứng chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chúng ta sẽ cần phải duy trì áp lực buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân của nước này. Các biện pháp trừng phạt bổ sung có thể và nên được áp dụng. Các biện pháp đó gồm có các lệnh trừng phạt đối với các công ty lớn của Trung Quốc hỗ trợ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Người Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài để mang về cho Triều Tiên đồng tiền mạnh tài trợ cho chương trình đó nên nhanh chóng bị trả về nước. Mỹ và các đồng minh của mình cũng nên áp đặt một cơ chế chống phổ biến vũ khí hạt nhân chặt chẽ hơn đối với các chuyến hàng chuyển đến hoặc ra khỏi Triều Tiên.

Iran cũng gây ra một mối đe dọa phổ biến vũ khí hạt nhân lớn. Do thỏa thuận hạt nhân với Iran là một trong số ít những điều kiềm chế nước này sản xuất vũ khí hạt nhân, việc Tổng thống Trump từ bỏ thỏa thuận này sẽ là một sai lầm. Động thái của tổng thống đã tạo ra sự bất đồng và chia rẽ chúng ta khỏi đồng minh của mình tại một thời điểm khi chúng ta cần phải tập hợp lại để đối đầu với vô số thách thức khác.

Tôi đồng tình với những nỗ lực của cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, cựu Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Sam Nunn của bang Georgia, cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry, và cựu Ngoại trưởng George Shultz giải thoát thế giới khỏi vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trong các cuộc thảo luận của tôi với họ, đó rõ ràng là một mục tiêu chỉ có thể đạt được bằng những bước đi nhỏ. Và với sự phổ biến vũ khí hạt nhân ngày càng gia tăng, dường như giấc mơ đó giờ đã xa vời hơn bao giờ hết. Vì lý do đó, sự răn đe sẽ vẫn phải là một phần thiết yếu trong chiến lược quốc phòng của chúng ta trong tương lai gần. Theo đó, chúng ta sẽ phải tiếp tục hiện đại hoá vũ khí hạt nhân của mình và tăng cường chống lại các cuộc tấn công mạng mà các hệ thống điện tử kiểm soát chúng.

Hầu hết các hệ thống máy tính và mạng truyền thông của Mỹ đều có nguy cơ chịu các cuộc tấn công như vậy. Để ngăn chặn việc đánh cắp có hệ thống các công nghệ và ý tưởng của Mỹ, chúng ta sẽ cần phải tổ chức lại các hoạt động trên mạng của mình. Các cơ quan của quân đội Mỹ, Bộ An ninh nội địa và Cục điều tra liên bang (FBI), đối phó với các cuộc tấn công mạng phải được thống nhất dưới một cơ quan duy nhất do một quan chức cấp nội các đứng đầu. Cơ quan đó phải chịu trách nhiệm về cả tấn công mạng lẫn phòng thủ mạng, và phòng thủ mạng phải bao gồm cả các hệ thống chính phủ lẫn thương mại.

Ngoài ra, chính phủ có thể ủy quyền mã hóa dữ liệu nhạy cảm và cá nhân các cơ quan có thể tổ chức các cuộc luyện tập phòng thủ mạng và triển khai “các đội đỏ” để độc lập thử nghiệm khả năng hệ thống của họ chống trả các cuộc tấn công. Nhưng chúng ta không thể chỉ dựa vào phòng thủ. Washington phải sử dụng khả năng đang dần cải thiện của mình để xác định nguồn gốc của các cuộc tấn công mạng và sau đó trả đũa kịch liệt hoặc có chừng mực, tùy từng hoàn cảnh. Và do chiến tranh mạng có những ý nghĩa địa chính trị, ngoại giao sẽ là chìa khóa để tổ chức phòng thủ tập thể trong số các đồng minh của chúng ta - một NATO không gian mạng - một cách hiệu quả.

Khu vực tư nhân cũng đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động phòng thủ mạng. Các công ty công nghệ lớn của Mỹ thường xuyên thất bại trong việc ngăn chặn các nền tảng công nghệ của họ bị sử dụng cho các mục đích thâm độc, chẳng hạn như can thiệp vào cuộc bầu cử và truyền bá tuyên truyền về khủng bố. Công chúng nói chung và phần còn lại của khu vực tư nhân nên gây áp lực về kinh tế đối với các công ty này – chẳng hạn, từ chối quảng cáo và tránh kinh doanh với họ - cho đến khi họ thực hiện trách nhiệm của mình.

Tái cân bằng cuộc chiến chống khủng bố

Sau 17 năm, cuộc chiến chống khủng bố đã trở thành một loạt cam kết không hạn chế. Một số cam kết trong đó rõ ràng cần được xem xét lại. Ở Afghanistan, Tổng thống Barack Obama đã xử lý vi mô cuộc chiến tranh này và đưa ra một loạt biện pháp nửa vời, và Tổng thống Trump đã gửi thêm quân đến một cuộc xung đột không thể giải quyết bằng quân đội. Quyết định của cả hai vị tổng thống đều là những sai lầm. Hiện giờ thay vào đó chúng ta phải viện đến ngoại giao để thương lượng với tất cả các bên lợi ích liên quan ở Afghanistan về một lối thoát bền vững dành cho Mỹ.

Chúng ta nên tiếp tục huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng chính phủ Afghanistan để họ có thể nắm giữ các trung tâm dân cư quan trọng, nhưng chúng ta nên giới hạn ở bảo vệ 2 lợi ích cốt lõi của Mỹ: ngăn chặn Afghanistan một lần nữa trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố và đảm bảo rằng vũ khí hạt nhân của Pakistan vẫn an toàn. Cả hai mục tiêu đều không đòi hỏi phải có nhiều sự hiện diện của Mỹ trên thực địa. Lực lượng Mỹ ở vùng Vịnh và dọc biên giới phía Bắc Afghanistan có thể đạt được mục tiêu đầu tiên. Một giải pháp chính trị ở Afghanistan làm giảm nguy cơ hỗn loạn tràn qua biên giới, cùng với sự trợ giúp lâu dài ở Pakistan hỗ trợ các thể chế kiểm soát hạt nhân dân sự, có thể giúp đạt được mục tiêu thứ hai. Chúng ta không nên ảo tưởng về những khó khăn trong việc đạt được một giải pháp như vậy. Nhưng có lẽ đó là cách duy nhất để thoát khỏi một cuộc xung đột mặt khác là dường như không ngừng mà không có nguy cơ dẫn đến một cuộc tắm máu ở Afghanistan hay bất ổn ở Pakistan.

Tổng thống Trump xứng đáng được tin tưởng để cải thiện chiến lược của Tổng thống Obama chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq. Giờ đây, thành trì của những kẻ khủng bố gần như đã bị loại bỏ, lợi ích cốt lõi duy nhất còn lại của Mỹ đang bị đe dọa là ngăn cản IS sử dụng những quốc gia đó để tổ chức các cuộc tấn công chống lại chúng ta trong tương lai. Nhiệm vụ đó không đòi hỏi một cam kết lớn của quân đội Mỹ. Với sự giúp đỡ của chúng ta, các đồng minh có lợi ích ảnh hưởng trực tiếp hơn chính chúng ta - như Ai Cập, Israel, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu - nên dẫn đầu trong việc giảm thiểu mối đe dọa liên tục nhưng đã giảm bớt từ IS và hồi hương người tị nạn Syria.

Trong tương lai, chúng ta cần phải cẩn trọng hơn nhiều và tập trung vào cách chúng ta chiến đấu chống khủng bố. Chúng ta phải phát triển các tiêu chuẩn tốt hơn về việc khi nào thì can thiệp ở nước ngoài. Và khi chúng ta can thiệp, chúng ta cần những hướng dẫn rõ ràng hơn về cam kết những loại nguồn lực nào - ví dụ, quân chiến đấu so với các nhà huấn luyện quân sự. Chúng ta cũng cần các tiêu chuẩn rõ ràng hơn về việc khi nào thì chúng ta phải tăng cường các cam kết của mình và khi nào thì cần giảm bớt những tổn thất và rời đi. Đặc biệt, chúng ta nên giới hạn các nỗ lực chống khủng bố lớn của chúng ta ở các trường hợp mà trong đó tổ quốc của chúng ta trực tiếp bị lâm nguy. Khi nó không gây nguy hiểm, chúng ta nên tránh bị lôi kéo vào các cuộc nội chiến và thay vào đó sử dụng ngoại giao để tập hợp các đối tác quốc tế gánh vác vị trí dẫn đầu. Làm như vậy sẽ cho phép chúng ta tiết kiệm các nguồn lực của chúng ta cho những thách thức gây ra một mối đe dọa lâu dài lớn hơn nhiều đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Cách thức đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc

Đứng đầu trong số những thách thức đó là một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Bắc Kinh đang tìm cách biến sức mạnh kinh tế thành ảnh hưởng khu vực thông qua các dự án như Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ và Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, một đối thủ của các ngân hàng phát triển do phương Tây dẫn đầu. Tìm cách lấp đầy khoảng trống chính trị do vắng bóng sự lãnh đạo quốc tế của Mỹ gây ra, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đưa ra những khẳng định vô lý rằng quốc gia của họ sẽ xác định thế nào là quyền tự do.

Thách thức chiến lược chính đối với Mỹ là hội nhập Trung Quốc vào hệ thống quốc tế theo cách cho phép chúng ta bảo vệ lợi ích của mình ở châu Á và bảo vệ các thể chế quốc tế chống lại các cuộc tấn công của Trung Quốc nhằm vào các giá trị dân chủ. Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là chấm dứt cái nước này coi là sự thống trị của Mỹ và thay thế nó bằng một trật tự mới, trong đó Bắc Kinh có tiếng nói ngang bằng trong việc thiết lập các quy tắc. Nước này muốn đẩy Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương, làm suy yếu các liên minh của chúng ta trong khu vực, và tái tạo một phạm vi ảnh hưởng lấy Trung Quốc làm trung tâm ở châu Á mà không có những thách thức đối với sự cai trị độc đoán của nước này.

Làm xáo trộn những hy vọng và kỳ vọng của chúng ta, Trung Quốc đã xoay xở thực hiện tăng trưởng kinh tế mà không bị buộc phải thay đổi. Nhưng nền kinh tế nước này có những sai sót về cấu trúc nghiêm trọng, bao gồm các mức nợ quá cao, nhiều người về hưu gặp khó khăn trong việc chi trả các chi phí sinh hoạt và tiền lương ngày càng không cạnh tranh so với mức lương ở các nước láng giềng của Trung Quốc. Trung Quốc cũng không phải là một khối thống nhất: giống như Mỹ, đất nước này bị các phe phái cạnh tranh chia rẽ, dẫn đến việc tranh đấu nội bộ làm chệch hướng các nguồn lực sinh lợi. Trung Quốc không cần bị kiềm chế như Liên Xô từng như vậy, bởi vì hành xử khiêu khích của nước này đã đẩy một số nước láng giềng của nước này vào vòng tay của chúng ta. Thật vậy, thông qua các hành động của mình, người ta có thể tin tưởng Bắc Kinh tự kiềm chế.

Một sự khác biệt nữa giữa cuộc ganh đua với Trung Quốc ngày nay và cuộc ganh đua với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh là Trung Quốc và Mỹ rất phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Điều này không chỉ có nghĩa là hai nước sẽ vẫn cùng phụ thuộc trong tương lai gần mà còn có nghĩa là quan hệ giữa hai nước sẽ không phải là một trò chơi được mất ngang nhau. Có nhiều cơ hội để theo đuổi các chiến lược với Trung Quốc mà có thể điều chỉnh hệ thống thế giới để phản ánh vai trò quốc tế ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khi mang lại lợi ích cho cả hai bên. Những cơ hội này bao gồm việc kiềm chế Triều Tiên, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, thúc đẩy đầu tư quốc tế và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, có những giới hạn về số lượng thành quả có thể đạt được thông qua hợp tác. Chúng ta nên thừa nhận sự cạnh tranh của chúng ta với Trung Quốc một cách thẳng thắn hơn và chuẩn bị cho đất nước của chúng ta cạnh tranh một cách mạnh mẽ hơn. Điều này không nhất thiết có nghĩa là dấn thân vào một con đường hoàn toàn đối đầu. Thay vào đó, nó có nghĩa là ít ưu tiên hơn hy vọng về một sự tiến triển chính trị hòa bình ở Trung Quốc và khuyến khích Bắc Kinh đóng một vai trò mang tính xây dựng trong hệ thống quốc tế. Nó cũng có nghĩa là sẵn sàng kiên quyết chống lại những động thái của Trung Quốc đe dọa Mỹ và các đồng minh.

Sẽ không thể đạt được những mục tiêu này nếu chúng ta tiếp tục làm suy yếu Bộ Ngoại giao. Thay vào đó, chúng ta phải trao quyền cho nó và cho phép các nhà ngoại giao cấp cao dày dạn kinh nghiệm của chúng ta dẫn đường, sử dụng tất cả các công cụ sức mạnh Mỹ để khai thác những điểm yếu của Trung Quốc. Các quan chức Mỹ nên ủng hộ một cách thẳng thắn hơn những giá trị mà chúng ta yêu mến và lớn tiếng phê phán những thiếu sót của Trung Quốc. Họ cũng nên bảo vệ những lợi ích kinh tế của chúng ta một cách tốt hơn bằng cách chống lại việc bán phá giá và sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc, hợp lý hóa quá trình giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và nhấn mạnh sự nhân nhượng lẫn nhau đầy đủ trong việc tiếp cận thị trường.

Việc răn đe Trung Quốc cũng có một khía cạnh về mặt quân sự. Quân đội Mỹ cần triển khai nhiều lực lượng hơn ở phía Tây Thái Bình Dương và tiếp tục thách thức những nỗ lực bất hợp pháp của Trung Quốc mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ của nước này ở đó. Washington cần làm rõ rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào tài sản của Mỹ trong không gian sẽ phải trả giá đắt và mở rộng các khả năng tên lửa và phòng không của các đồng minh khu vực của chúng ta. Tuy nhiên, về lâu dài, cơ hội tốt nhất để có được hòa bình nằm ở một Trung Quốc tự mình chọn cải cách. Để khởi động quá trình đó, chúng ta sẽ phải hỗ trợ các nỗ lực đem lại cho thính giả đại chúng ở Trung Quốc sự tiếp cận nhiều hơn với sự thật hiển nhiên về những gì đang xảy ra trên thế giới.

Cùng với nhau chúng ta mạnh mẽ hơn

Mỹ cần một học thuyết an ninh quốc gia mà có thể xây dựng một sự đồng thuận xung quanh đó - cả giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa lẫn với những người chia sẻ những lợi ích và giá trị của chúng ta ở nước ngoài. Khi chúng ta tiếp tục tìm kiếm điều đó, chúng ta nên làm việc cùng nhau để đảm bảo tương lai kinh tế, làm mới và củng cố các hệ thống phòng thủ và các liên minh của chúng ta, và tập trung vào những thách thức chính đối với lợi ích quốc gia của chúng ta. Thay vì lùi lại và đi một mình, nước Mỹ phải hợp tác và lãnh đạo.

Đó là sự thật cho dù đất nước có vấn đề là Trung Quốc, Iran, hay Nga và liệu vấn đề đang gây nguy hiểm là phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh mạng, hay chống khủng bố. Nhưng để đạt được bất kỳ mục tiêu chính sách đối ngoại nào, chúng ta sẽ phải tiếp tục tỏ rõ sự lịch sự và thỏa hiệp ở trong nước. Nếu không làm vậy, chúng ta không thể hy vọng gương mẫu đi đầu. Chúng ta cũng sẽ không thể vượt qua được các cải cách về tài chính, giáo dục, lực lượng lao động và các cải cách khác cần thiết để khôi phục niềm tin của người Mỹ vào sự can dự quốc tế.

Tôi tin rằng những giá trị ăn sâu bén rễ của chúng ta sẽ hướng dẫn chúng ta đi đúng hướng. Khi chúng ta nhìn lại lịch sử, người Mỹ có thể tự hào về thực tế rằng chúng ta đã làm cho thế giới nhiều lần trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Chúng ta có thể có được sức mạnh cho tương lai từ những thành tựu trong quá khứ của mình. Làm việc cùng nhau theo tinh thần thỏa hiệp giữa hai đảng, những người theo chủ nghĩa lý tưởng và những người theo chủ nghĩa thực tế có thể giúp Mỹ tìm lại sự lạc quan để định hình vận mệnh của chúng ta và đảm bảo an ninh của chúng ta. Nước Mỹ sẽ mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn vì điều đó.

John Kasich , Thống đốc bang Ohio, Mỹ. Bài viết được đăng trên tạp chí Foreign Affairs.

Trần Quang (gt)