Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Canada, Nguyễn Đức Hùng (giữa)

1/.  Thảo luận về sự hợp tác trên cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông không thể không bắt đầu từ Luật Biển 1082 (UNCLOS 1982) và những văn bản luật pháp quốc tế liên quan khác. UNCLOS có hiêu lực từ 1994 và đến 2007 đã có 153 quốc gia tham gia, bao gồm cả những nước tranh chấp ở Biển Đông (Trung Quốc, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippin). Tuy nhiên, khi áp dụng để xử lý vấn đề tranh chấp chủ quyền, ranh giới trên biển và các quyền tài phán khác ở Biển Đông thì lại bộc lộ những hạn chế nhất định. Thí dụ như:

·      Chúng không có điều khoản qui định giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, đá, bãi nổi ngoài biển khơi. Nếu tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, đá, bãi nổi ngoài biển được giải quyết bằng quyết định của tòa án quốc tế thì sẽ được xử theo qui định của thông lệ quốc tế liên quan đến những lãnh thổ bị chiếm giữ hoặc xóa bỏ. Do ý nghĩa vị trí chiến lược quan trọng và tài nguyên dầu khí to lớn ở Biển Đông, ít khả năng các bên tranh chấp đồng thuận đưa vấn đề ra giải quyết ở trọng tài quốc tế.

·      Luật Biển có những qui định giải quyết tranh chấp biên giới trên biển và quyết định có giá trị ràng buộc, song đồng thời lại có những ngoại lệ. Ngày 25/08/2007, Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận bất cứ một giải pháp ràng buộc nào như nêu trong khoản 1 điều 298 của Luật biển (xem  www.un.org/Depts/los/convention_agreements/convention_declarations.htm). Như vậy, hầu như không thể có một giải pháp ràng buộc theo Luật biển đối với những tranh chấp về biên giới trên biển với Trung Quốc.

·      Các bên tranh chấp hầu như đều coi các đảo, đá, bãi nổi chiếm giữ là những đảo, đá, bãi nổi có đời sống kinh tế và từ đó qui định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trong khi nhiều đảo,đá, bãi nổi chỉ có thể xếp loại như những cơ cấu địa lý và chỉ có thể xác định lãnh hải. Do những cách giải thích còn lỏng lẻo như vậy nên các bên tranh chấp dường như thiên về xu hướng thương lượng, dàn xếp trực tiếp việc quản lý và khai thác hơn là dưa ra tòa án quốc tế giải quyết bằng pháp lý.

2/. Tuy vậy, Luật Biển 1982 cũng có những qui định theo đó các bên tranh chấp có thể vận dụng để xây dựng cơ sở pháp lý cho hợp tác. Đó là:

·      Điều 74, xác định vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia ở vị trí đối diện hoặc có vùng duyên hải tiếp giáp. Theo điều 74, trong khi chờ đợi một hiệp định trên cơ sở luật pháp quốc tế, các bên cố gắng tìm kiếm những dàn xếp thiết thực tạm thời trong giai đoạn chuyển tiếp. Những dàn xếp tạm thời đó không ảnh hưởng đến sự phân định cuối cùng.

·      Điều 123, đặt ra những nghĩa vụ hợp tác chung đối với những quốc gia có chung biên giới trong vùng “biển nửa kín“ . Theo đó các bên sẽ:

v Phối hợp quản lý, thăm dò, khai thác các nguồn tài nguyên sống

v Phối hợp thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong việc bảo vệ môi trường biển.

v Phối hợp chính sách nghiên cứu khoa học và cam kết những chương trình nghiên cứu khoa học chung phù hợp.

3/.  Đồng thời cũng có những công cụ pháp lý khác có thể áp dụng như những cơ sở pháp lý góp phần vào quá trình tìm kiếm giải pháp cho những tranh chấp ở Biển Đông. Đó là:

·   Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC – 2002). Đây là một công cụ pháp lý quan trọng bởi vì Trung Quốc và ASEAN :

+ Khẳng định tôn trọng và cam kết bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông như những nguyên tắc được thừa nhận trong luật pháp quốc tế kể cả UNCLOS 1982. Điều này có nghĩa là các tranh chấp sẽ không ảnh hưởng đến tự do hàng hải của Ấn độ, Nhật bản, Mỹ và những quốc gia khác ở biển khơi và vùng đặc quyền kinh tế.

+ Cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ và pháp lý thông qua thương lượng hòa bình.

+ Cam kết kiềm chế không có những hành động làm phức tạp thêm tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình ổn định.

+ Trong khi chờ đợi giải pháp cuối cùng, cam kết tăng cường nỗ lực trên tinh thần hợp tác và hiểu biết, xây dựng lòng tin giữa các bên.

+ Trong khi chờ đợi một giải pháp toàn diện và lâu dài, có thể xúc tiến những hợp tác như: bảo về môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an toàn giao thông liên lạc trên biển, hoạt động tìm kiếm cứu nạn, hợp tác đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia.

Đồng thời, còn có những công cụ pháp lý khác có giá trị tham khảo trong quá trình tìm kiếm giải pháp trước mắt và lâu dài cho tranh chấp ở Biển Đông như:

·      Hiệp ước Châu Nam Cực 1959 “đóng băng“ các tuyên bố tranh chấp của 7 quốc gia ( Achentina, Úc, Chile, Pháp, New Zealand, Na uy, Anh) và tuyên bố châu Nam cực chỉ được sử dụng vào những mục đích hòa bình, cho phép tiến hành các nghiên cứu khoa học ở Châu Nam cực.

·      Hiệp định Việt – Trung về phân định Vịnh Bắc Bộ và hợp tác nghề cá – 2004. Đây có thể được coi như một tiền lệ giải quyết những tranh chấp song phương khác trong khu vực.

·      Hiệp định hợp tác “thăm dò tiền khai thác“ giữa các công ty dầu khí quốc gia  Trung Quốc, Philippin và Việt Nam năm 2005. Đó là hiệp định giữa các công ty nên tránh được vấn đề tranh chấp chủ quyền.

·      Các hiệp định về hợp tác phảt triển chung trong vùng chồng lấn giữa Malaysia – Thái lan (1979); Úc – Indonesia (1989); Việt Nam - Malaysia (1992).

·      Tuyên bố chung Achentina – Anh về hợp tác trên biển ở Tây Nam Đại tây dương năm 1995.

4/.  Trong quá trình tìm kiếm giải pháp trước mắt và lâu dài cho những tranh chấp ở biển Đông, cơ sở pháp lý là hết sức quan trọng không thể thiếu song những nhân tố địa – chính trị lại có ý nghĩa rất quyết định. Đó là những vấn đề liên quan đến lãnh thổ quốc gia, tài nguyên thiên nhiên và sự phân chia quyền lực.

Ở Đông nam Á nói cách khác là sức mạnh quân sự, lợi ích kinh tế, chủ nghĩa dân tộc và những di sản lịch sử do chiến tranh thế giới II và chiến tranh Lạnh để lại. Những nhân tố này liên quan khăng khít, không thể tách rời và ở mức độ khác nhau sẽ phải thể hiện trong một giải pháp lâu dài hoặc một thỏa thuận tạm thời hai bên hoặc nhiều bên. Những thăng trầm trong tình hình Biển Đông khi phức tạp, căng thẳng (những năm 1980 và nửa đầu những năm 1990) khi tương đối ổn định (nửa sau những năm 1990 và đầu những năm 2000) đều liên quan đến chính sách và quan hệ giữa Trung Quốc, Mỹ, ASEAN.

Hiện nay đang diễn ra cục diện vừa hợp tác vừa cạnh tranh Mỹ - Trung ở khu vực. Tính chất và mức độ hợp tác, cạnh tranh trong quan hệ Mỹ - Trung sẽ thay đổi linh hoạt trên từng vấn đề, từng thời điểm khác nhau và sẽ tác động hết sức quan trọng vào sự hình thành trật tự khu vực cũng như các vấn đề hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á, Châu Á – Thái bình dương.

Trung Quốc và Mỹ khác biệt về cơ sở. Việc Trung Quốc đòi chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông, Trung Quốc cho rằng họ có "chủ quyền không thể tranh cãi" trên Biển Đông và thềm lục địa tại vùng biển này dựa theo phát hiện lịch sử và thực tế chiếm đóng. Quan điểm của Mỹ là "Mỹ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông... Theo luật pháp quốc tế, các đòi hỏi hợp pháp đối với không gian Biển Đông chỉ có thể xuất phát từ đòi hỏi hợp pháp đối với thềm lục địa". Giới quân sự Trung Quốc nhiều lần đánh tiếng về khả năng có thể sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để bảo vệ chủ quyền của mình. Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã tuyên bố Mỹ phản đối các nước đòi chủ quyền sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và khẳng định Mỹ có "một lợi ích quốc gia trong việc tự do đi lại và tự do tiếp cận với các vùng biển chung của châu Á".

Như vậy, có thể thấy rằng tranh chấp Biển Đông không chỉ giới hạn trong khuôn khổ song phương giữa TQ với một hoặc vài nước ASEAN, giữa một số nước ASEAN với nhau mà đã trở thành vấn đề  liên quan đến lợi ích của các nước lớn và trước hết đang được cả Trung quốc và Mỹ sử dụng vừa để phục vụ những lợi ích kinh tế cụ thể vừa nằm trong tính toán địa – chính trị rộng lớn hơn của họ. Do đó, đối sách và ứng xử của  chúng ta cần phải được thực hiện với một tư duy linh hoạt về sách lược và nhìn xa trông rộng về chiến lược. Theo đó chúng ta cần:

4.1/. Trước hết cần phải tạo ra và dựa vào sức mạnh Việt Nam. Sức mạnh đó bao gồm sức mạnh của cả nước và toàn dân, sức mạnh nội lực và ngoại lực kể cả người Việt nam ở nước ngoài và sự ủng hộ quốc tế.

4.2/. Xử lý vấn đề biển Đông cần được đặt trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Mỹ và ASEAN. Tăng cường gắn bó với ASEAN, củng cố quan hệ chiến lược toàn diện với Trung quốc, đổi mới và xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện với Mỹ. Hết sức chú ý những giới hạn không thể vượt qua và những lợi ích nguyên tắc không thể thỏa hiệp để tránh gửi tín hiệu sai với các nước lớn.

4.3/. Có cách tiếp cận mới  phù hợp với tình hình thực tế: Lợi ích dân tộc là tối thượng song cũng cần nhìn nhận hết sức thực tế và quan tâm thích đáng lợi ích của các bên liên quan khác; tranh thủ mọi cơ hội giải quyết từng bước, từng bộ phận trên các diễn đàn hai bên hoặc nhiều bên liên quan trực tiếp. Tạo đồng thuận cao trong nội bộ về cách tiếp cận mới.

4.4/.  Hết sức tránh đối đầu quân sự song cũng sẵn sàng chủ động ứng phó trong những tình huống bị lấn chiếm; Ứng xử linh hoạt trong các kịch bản khác nhau và tập trung mọi nỗ lực cao nhất cho mục tiêu giữ vững hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở Biển Đông./.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Canada, Nguyễn Đức Hùng

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.