hires_080531-N-2296G-009BB.jpg

Tuy nhiên, một ẩn ý trong chính sách đề cập ở trên là Mỹ cần mở rộng mức độ phù hợp chiến lược trong mối quan hệ của mình với New Delhi và Tokyo. Độ phù hợp chiến lược ở đây được hiểu là Washington không thể hành xử như kiểu “Lãnh chúa chiến lược” khi đề cao những lợi ích an ninh quốc gia của mình và kỳ vọng Nhật Bản và Ấn Độ “ngoan ngoãn” coi những lợi ích an ninh quốc gia tương ứng của họ trùng với những lợi ích của Mỹ. Sự tôn trọng lẫn nhau là một yêu cầu cấp thiết không thể chối bỏ đối với mối quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ. Mỹ cần nhận ra rằng trong môi trường địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng trong cấu trúc an ninh châu Á năm 2018, bất kỳ bước đột phá và định hình chính sách “Nước Mỹ trước tiên” nào cũng cần tính đến tính chất nhạy cảm chiến lược của Nhật Bản và Ấn Độ, nếu Washington muốn Tokyo và New Delhi trở thành những đối tác chiến lược của Mỹ trong quá trình duy trì cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bên cạnh những giới hạn về địa lý, việc Nhật Bản bị “bủa vây” trong một môi trường gồm các nước láng giềng có ưu thế nổi trội về vũ khí hạt nhân và lực lượng quân sự hiện đại nhưng lại có mối quan hệ đối đầu căng thẳng với Nhật Bản có thể khiến Tokyo dễ dàng chấp nhận các lựa chọn chiến lược và định hình chính sách của Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ với vị thế là một cường quốc đối trọng với Trung Quốc ở châu Á không thể bị Mỹ nhiễm nhiên coi là một nước tầm trung. Những đặc điểm của một cường quốc thể hiện trong nguồn tài nguyên, nguồn nhân lực và sức mạnh quân sự cũng như vũ khí hạt nhân đã trao cho New Delhi một “vầng hào quang chiến lược” mà cả Mỹ, Nga hay Trung Quốc đều không thể bỏ qua.

Do đó, với những ưu điểm mang tính chất một cường quốc đề cập ở trên kèm theo lợi thế quân sự trong năm 2018 được đưa ra trong học thuyết không liên kết của mình, Ấn Độ là một thực thể chiến lược độc lập và là một “người chơi” đầy quyền lực trong tính toán chiến lược ở châu Á và cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Vì vậy, trong quá trình hoạch định chính sách, Washington cần nhận ra rằng Ấn Độ đã lựa chọn mối quan hệ Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn sau hàng chục năm lạnh nhạt với nhau, và rằng New Delhi làm như vậy dựa trên “sự ưu tiên chính sách” chứ không phải “sự cần thiết chính sách”.

Trong khi đó, một thực tế nổi trội trong năm 2018 là không chỉ Mỹ cần Ấn Độ với tư cách là một đối tác chiến lược mà cả Nga cũng cần Ấn Độ. Còn Trung Quốc thì lại tỏ ra “thờ ơ” hơn với Ấn Độ và không chịu nhún nhường New Delhi. Trong hàng chục năm qua, Mỹ có thể nghiễm nhiên coi Nhật Bản nằm trong các chính sách an ninh của mình song Washington lại không thể áp dụng cách nhìn nhận như vậy đối với Ấn Độ.

Quá trình hình thành chính sách của Mỹ cần rũ bỏ mọi hoang tưởng rằng Mỹ có các lựa chọn chiến lược khác ngoài lựa chọn Tokyo và New Delhi là hai trụ cột trong cấu trúc an ninh châu Á và trong tầm nhìn về an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nếu Mỹ có những lựa chọn khác thì nước này đã thực hiện các lựa chọn đó từ lâu. Điều này dẫn đến một thực tế là khi Mỹ đưa ra quan điểm về những vấn đề chính trị, quân sự và kinh tế có ảnh hưởng đến toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thì Washington chỉ có thể làm được như vậy sau các cuộc thảo luận với Ấn Độ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng đối với Washington vì việc “gạt sang một bên” các lợi ích của Ấn Độ và Nhật Bản liên quan chính sách với khu vực này thì sẽ hủy hoại lĩnh vực hợp tác chung. Điều này cũng hủy hoại uy tín và sự gắn kết mối quan hệ chiến lược của Mỹ với Ấn Độ và Nhật Bản. Ngoài ra, có một vấn đề phức tạp khác tồn tại lâu nay trong mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Mỹ với Ấn Độ và Nhật Bản. Đó là sự can thiệp của Quốc hội Mỹ đối với các vấn đề liên quan chính sách đối ngoại. Có những lúc Quốc hội Mỹ bất đồng quan điểm với quá trình hoạch định chính sách của chính quyền. Do đó, nhiệm vụ của mỗi Tổng thống Mỹ là cần để Quốc hội nắm và hiểu được những vấn đề nhạy cảm vốn có thể gây rạn nứt quan hệ giữa Washington với Tokyo và New Delhi cũng như gây phương hại những lợi ích của Mỹ.

Mỹ cần hiểu rằng việc “o ép” Nhật Bản và Ấn Độ về các vấn đề kinh tế và thương mại như đã làm với Trung Quốc là phản tác dụng. Bởi Bắc Kinh là một đối địch của Washington, còn New Delhi và Tokyo là những đối tác chiến lược của Mỹ mà Washington muốn “bấu víu” trong nỗ lực loại bỏ mối đe dọa mang tên Trung Quốc đối với an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Do dó, Tokyo và New Delhi xứng đáng, nếu không muốn nói là đòi hỏi, có được sự tôn trọng của Mỹ trong quá trình Washington hoạch định chính sách để tầm nhìn về an ninh khu vực dựa trên đôi vai của các đối tác chiến lược thiện chí Nhật-Ấn, chứ không phải trên đôi vai miễn cưỡng của hai nước này.

Theo “Eurasia review”

Anh Thư (gt)