Đề xuất về một TPP11 nhằm mục đích giữ cho TPP tồn tại bởi đây là một thỏa thuận lịch sử được ra đời sau gần một thập kỷ đàm phán giữa 12 quốc gia. Ngoài ra, TPP còn được coi là một thỏa thuận thương mại hiện đại, toàn diện và có tiêu chuẩn cao, mang lại lợi ích đáng kể về kinh tế cho các nước thành viên kể cả không có sự tham gia của Mỹ.

Những bên thắng cuộc

Để thấy được "người thắng, kẻ thua" cần mô phỏng kịch bản qua việc sử dụng "Dự án phân tích thương mại toàn cầu" (GTAP) được sửa đổi trong quá trình nghiên cứu các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Kết quả cho thấy có 2 nhóm nước "thắng cuộc" nếu TPP11 hình thành.

Thứ nhất, đó là các nước đã có FTA với Mỹ trong khuôn khổ song phương hoặc đa phương. Canada và Mexico là hai thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cùng với Mỹ cũng sẽ là những nước hưởng lợi hơn về kinh tế trong TPP11. Bên cạnh đó, 4 thành viên TPP đã có FTA song phương với Mỹ gồm Úc, Chile, Peru và Singapore cũng sẽ được hưởng lợi hơn trong TPP11. Điều này một phần là bởi khi TPP không được thông qua thì Mỹ không thể mở rộng tiếp cận thị trường ưu đãi tương tự với các công ty từ các nước thành viên TPP.

Nhóm nước thứ hai được hưởng lợi từ TPP11 là các nước không tham gia TPP. Nói chung FTA tạo ra thương mại giữa các nước ký kết hiệp định trong khi chuyển hướng thương mại khỏi các nước không phải thành viên. Trong TPP, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) ước tính sẽ giảm 0,2% mỗi nước. Những nước này sẽ hưởng lợi trong TPP11 bởi các sản lượng kinh tế của họ sẽ giảm ít hơn.

Những nước "thua cuộc"

Tương tự, cũng có 2 nhóm nước chịu "thất bại" từ việc Mỹ rút khỏi TPP. Nước hứng chịu thất bại nặng nề nhất chính là Mỹ. Nước Mỹ được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn nhất từ TPP nhưng với TPP11, GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể giảm 0,2%. Quyết định rút Mỹ khỏi TPP của Tổng thống Donald Trump có thể "cứu" một số việc làm trong các ngành công nghiệp chế tạo và khai khoáng nhưng đổi lại nước Mỹ có thể sẽ phải chịu tổn thất cho việc mất việc làm trong các ngành nông nghiệp và dịch vụ.

Các nước vốn hy vọng thiết lập được mối quan hệ thương mại ưu đãi với Mỹ và đang trong quá trình cải cách cơ cấu trong nước thông qua TPP cũng sẽ trở thành bên thua cuộc với TPP11. Nhóm này gồm các nước như Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam. Theo ước tính, lợi ích của TPP11 mang lại cho GDP của các nước này lần lượt là 0,5%, 04% và 1,1%. Mặc dù lợi ích này thấp hơn so với kỳ vọng mà TPP mang lại nhưng vẫn có sức hấp dẫn trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang giảm sút và sự bấp bênh của nền kinh tế thế giới.

Các bước đi tiếp theo

Về tổng thể, vẫn có những lợi ích để các nước thành viên TPP còn lại tiếp tục thỏa thuận và thúc đẩy hình thành TPP11. Theo tính toán, lợi nhuận ròng mà TPP11 mang đến cho các thành viên sẽ là 0,4% tổng GDP của các nước. TPP11 cũng sẽ làm tăng thêm khoảng 5 tỷ USD cho phúc lợi toàn cầu.

Vậy các bước tiếp theo cần phải được thực hiện trong đàm phán và triển khai TPP là gì? Trước tiên, không nên thay đổi quá nhiều nội dung thỏa thuận TPP được ký kết vào đầu năm 2016 để TPP11 có thể được triển khai một cách nhanh chóng và thuận lợi. Điều này có nghĩa sẽ là không khôn ngoan khi đề nghị xem xét mở rộng thành viên tới các nước như Indonesia và Trung Quốc. Nguyên nhân là do quá trình xóa bỏ hàng rào thuế quan của các thành viên đã được lên lịch trình và việc thêm thành viên mới trong thời điểm này sẽ phải tiến hành mở lại tiến trình đàm phán, gây ra sự chậm chễ.

Thứ hai, khi tiến hành TPP11, các thành viên nên để mở sự lựa chọn cho Mỹ tái gia nhập thỏa thuận trong tương lai bởi đó là nước chịu thiệt hại nhiều hơn bất kỳ nước nào khác khi rút khỏi TPP. Kể từ những năm 1980, nền kinh tế Mỹ mở cửa, trở thành nơi mà 4/5 hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc từ các nước TPP được miễn thuế khi qua biên giới Mỹ, trong khi đó hàng hóa xuất xứ từ Mỹ phải chịu hơn 18.000 loại thuế và các trở ngại tại các nước đối tác của TPP. Các điều khoản ủng hộ Mỹ mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã đàm phán trong TPP có thể tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ.

Thứ ba, các cơ quan chính phủ và hiệp hội doanh nghiệp tại các nước thành viên TPP cần phải cung cấp các hỗ trợ về thể chế (phổ biến thông tin, huấn luyện và tư vấn kỹ thuật) cho các công ty trong nước để họ có thể thực hiện đầy đủ và tận dụng tốt hơn những ưu đãi mà TPP mang lại. Các công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Á thường không nắm bắt được những ưu đãi dành cho họ trong trường hợp không được hỗ trợ phù hợp.

Do đó, 11 nước thành viên của đề xuất TPP11 cần phải nhanh chóng hành động để làm hồi sinh một thỏa thuận thương mại tham vọng nhất mà thế giới từng có và tiếp tục quá trình nuôi dưỡng một thỏa thuận thương mại minh bạch, và dựa trên luật lệ trong một môi trường châu Á-Thái Bình Dương hiện đang phát triển nhanh chóng. Mặc dù không có Mỹ, TPP vẫn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khu vực.

Tác giả là Giáo sư Pradumna B. Rana thuộc Chương trình nghiên cứu chính trị và kinh tế quốc tế thuộc Viện nghiên cứu chiến lược (RSIS). Bài viết đăng trên “RSIS."

Anh Thư (gt)