Horizon_2012jpg.jpg

Trong hai nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và những năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi), Mỹ và Indonesia đã nỗ lực để xây dựng một mối quan hệ song phương gần gũi hơn. Năm 2010, Mỹ và Indonesia đã ký hiệp định đối tác toàn diện giữa hai nước, tạo khuôn khổ để thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn về kinh tế, an ninh và giao lưu nhân dân. Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama sau đó vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách tăng cường quan hệ với Indonesia với Hiệp định Đối tác Chiến lược Mỹ - Indonesia hồi năm 2015. Các quan chức Mỹ hy vọng các mối quan hệ trên sẽ giúp thúc đẩy vai trò lớn hơn của Indonesia trong khu vực đối với những thách thức an ninh chủ yếu. Mỹ cũng hy vọng về một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương gần gũi với Indonesia giống như quan hệ của Washington với các đối tác khác trong khu vực như Malaysia và Singapore.

Tuy nhiên, mối quan hệ chiến lược song phương này đã không đạt được những mục tiêu cao siêu này. Thậm chí, trong khuôn khổ đối thoại chiến lược cấp cao hàng năm được thành lập hồi năm 2015, lãnh đạo hai nước vẫn chưa gặp nhau. Cựu Tổng thống Yudhoyono đã xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với Mỹ, nhưng Jakarta vẫn duy trì chính sách xây dựng tình hữu nghị khi không lựa chọn bất kỳ bên nào trong các cuộc cạnh tranh quyền lực khu vực.

Khi lên nắm quyền, Tổng thống Jokowi ít quan tâm tới vai trò của một nhà lãnh đạo khu vực và toàn cầu, đồng thời mối quan hệ kinh tế gần gũi với Mỹ nhìn chung cũng "giậm chân tại chỗ". Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Jokowi, các nhà đầu tư nước ngoài thường không biết chắc chắn về việc Tổng thống Jokowi có ý định khuyến khích đầu tư nước ngoài hay không, hay chỉ bó hẹp vào các chính sách dân tộc chủ nghĩa.

Tổng thống Jokowi vẫn cho thấy sự kín đáo về các vấn đề quyền, lập trường mà hiện nay trùng hợp với cách tiếp cận của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó tập trung vào chính sách đối ngoại dựa trên quyền lợi và chủ quyền. Thay vì nỗ lực để có vai trò lãnh đạo toàn tầu và thúc đẩy chính sách đối ngoại dựa trên giá trị, Chính quyền Tổng thống Jokowi ban đầu tập trung vào việc bảo vệ các lợi ích quốc gia như duy trì vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia trên Biển Đông.

Tuy nhiên, trong hai năm qua, Chính quyền Tổng thống Jokowi đã bắt đầu phải đối mặt với ba mối đe dọa an ninh nghiêm trọng hơn, bao gồm xung đột tiềm ẩn trên Biển Đông, sự lớn mạnh của các nhóm chiến binh Hồi giáo và nạn cướp biển. Các nhà lãnh đạo Indonesia nhận thức rõ việc Trung Quốc thể hiện sự quyết đoán ngày càng tăng ở Biển Đông trong khi Indonesia thiếu các tàu biển hiện đại. Với sự lấn át này, Bắc Kinh đang đe dọa các vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia. Các quan chức Indonesia cũng thường xuyên phải đau đầu với mối lo ngại Trung Quốc sẽ sớm có thể kiểm soát hoàn toàn giao thông đường biển ở Biển Đông.

Các chuyên gia an ninh cũng như các sĩ quan quân đội của Indonesia chuyên phụ trách theo dõi một số quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, dường như đã thừa nhận công khai rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ thống trị Biển Đông. Trong khi đó, các nhóm quân đội với những thành phần vừa tham gia các hoạt động chính trị cũng như các thành phần thường tiến hành các cuộc tấn công bạo lực trở thành lực lượng hùng mạnh ở Indonesia sau khi Chính quyền Tổng thống Yudhoyono giải quyết mối đe dọa của tổ chức khủng bố Jemaah Islamiahs có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

Trong hai năm qua, các binh lính đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tổ chức các cuộc mít tinh, gây ảnh hưởng lớn tới các cuộc bầu cử ở Indonesia, đáng chú ý nhất là cuộc chạy đua tranh chức thống đốc Jakarta năm 2017, trong khi đó chính quyền Tổng thống Jokowi cũng đang phải đối mặt với nguy cơ các cuộc tấn công của nhóm Hồi giáo cực đoan ngày càng gia tăng. Ngoài ra, Chính quyền Tổng thống Jokowi đang nỗ lực để có một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với nạn cướp biển và tội phạm xuyên quốc gia ở Đông Nam Á.

Kể từ khi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đánh bật khỏi khu vực chiếm đóng ở Trung Đông, một số tay súng nước ngoài từng tham gia chiến đấu ở Syria và Iraq có thể chạy trốn về nước hoặc tìm các cơ sở mới ở Đông Nam Á. Do đó, mối đe dọa về phiến quân Hồi giáo có thể tăng lên ở khắp Đông Nam Á trong những năm tới. Tới lúc đó, những tranh chấp về việc quân sự hóa nhanh chóng ở Biển Đông cũng có thể sẽ tăng lên.

Để cải thiện mối quan hệ chiến lược Mỹ-Indonesia, Washington và Jakarta - với sự trợ giúp của Úc và các cường quốc trong khu vực khác - nên tiến hành nhiều bước. Trước tiên, Mỹ nên khuyến khích Indonesia đi tiên phong trong việc thúc đẩy đạt được một quan điểm chung của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC). Chính quyền Trump cũng có thể sử dụng các cuộc đối thoại cấp bộ giữa Mỹ và Indonesia nhằm tập trung vào các mối quan tâm chung và mối đe dọa ở Biển Đông. Nhà Trắng cũng nên đưa ra các đề xuất tổ chức các cuộc tập trận chung với Indonesia trong vùng biển gần quần đảo Natuna vì Mỹ đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở Biển Đông với các đối tác khác trong khu vực. Việc tổ chức tập trận chung Mỹ - Indoneisa gần quần đảo Natuna sẽ giúp tăng cường quan hệ đối tác an ninh giữa hai nước và cho Trung Quốc thấy rằng Indonesia sẽ không còn áp dụng một cách tiếp cận thụ động đối với các mối quan tâm ở Biển Đông. Washington cũng có thể khuyến khích Indonesia đạt được mục tiêu tăng chi phí quốc phòng, đồng thời thúc đẩy Chính quyền Jokowi đầu tư nâng cấp hải quân và không quân của Indonesia.

Đối với cuộc chiến chống lại mối đe dọa từ các cuộc tấn công của tổ chức khủng bố liên quan đến IS, Mỹ sẽ giúp Indonesia ban hành các biện pháp mạnh mẽ để xác định vị trí, theo dõi những chiến binh từng tham gia IS từ lãnh thổ người Hồi giáo ở Trung Đông và xác định thêm các chiến binh Indonesia có mối liên hệ với IS.

Mối quan hệ an ninh giữa Jakarta và Washington thực sự có tiềm năng lớn và có thể trở nên mạnh mẽ hơn trong ba năm tới. Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế song phương lại không giống như vậy bởi chủ nghĩa dân tộc về kinh tế đang trở nên thịnh hành ở cả Mỹ lẫn Indonesia

Khi mối quan hệ kinh tế và chiến lược Mỹ - Indonesia tránh được những ảo tưởng và tập trung vào ba mục tiêu an ninh riêng biệt sẽ giúp thúc đẩy lợi ích của cả hai nước này. Ngoài ra, bằng việc tập trung định hình mối quan hệ về an ninh, Washington và Jakarta nên cùng nhau thúc đẩy hợp tác để duy trì mối quan hệ kinh tế hiện nay. Bất kỳ chiến lược kinh tế dài hạn nào của Mỹ đối với Đông Nam Á cần phải tính đến Indonesia là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực và vẫn là thị trường tiềm năng đối với các công ty Mỹ.

Joshua Kurlantzick là Nghiên cứu viên Cao cấp về Đông Nam Á thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Bài viết đăng trên “The Diplomat”.

Vũ Hiền (gt)