Khi hoạt động ở Dresden, ông Putin đã "bất lực nhìn đồng minh Đông Đức của Liên Xô rời khỏi quỹ đạo của Moskva, thống nhất với Tây Đức và gia nhập nền dân chủ châu Âu". Các tổ chức do Liên Xô chi phối ở châu Âu- Khối hiệp ước Warsaw và Hội đồng tương trợ kinh tế (Comecon), tổ chức thương mại do Liên Xô chỉ huy- cũng biến mất. Putin sau đó chứng kiến ​​sự tan rã của Liên Xô, sự kiện mà ông sau đó mô tả là một trong những bi kịch lớn nhất thế kỷ 20. Các đồng minh của Liên Xô trước đây và các phần của đế quốc Liên Xô cũng gia nhập nền dân chủ châu Âu và rốt cuộc trở thành thành viên NATO và EU. Trong gần 3 thập kỷ, phương Tây được củng cố còn Đông Âu tan rã. Động lực hướng tới một châu Âu thống nhất và tự do mạnh tới mức các nhà lãnh đạo Nga trước đây thậm chí còn "ve vãn" để gia nhập. 

Nay xu hướng này đã đảo ngược. Quyết định của đa số cử tri Anh rút khỏi EU không phải là sự kiện đầu tiên trong sự đảo ngược này nhưng có lẽ gây ấn tượng nhất. Châu Âu đang suy yếu trong khi Nga, các đồng minh và tổ chức đa phương của họ đang củng cố, thậm chí có thêm các thành viên mới. Ông Putin đương nhiên không gây ra cuộc bỏ phiếu Brexit, nhưng các mục tiêu chính sách đối ngoại của ông thu lợi rất nhiều từ điều này. 

Điều quan trọng nhất là một trong những nước EU chỉ trích có nguyên tắc nhất hành động xâm lược của Nga ở châu Âu sẽ không còn được bỏ phiếu tại Brussels. Điều này có lợi cho ông Putin và có hại cho lợi ích quốc gia của Mỹ. "Brexit" cũng loại bỏ một trong những thành viên có khả năng nhất của EU. Dù là quân đội đẳng cấp thế giới của Anh hay lực lượng ngoại giao thiện chiến, Anh đã đóng góp rất lớn cho một loạt sứ mệnh của EU trong những năm qua, bất chấp mối quan hệ phức tạp của họ với Brussels. Loại bỏ những nguồn lực, nhân sự và tài sản đó khỏi EU rốt cuộc sẽ làm suy yếu tổ chức này. Hệ lụy này phục vụ cho các mục đích chính trị của Putin. 

Đương nhiên, Chính phủ Anh sẽ tiếp tục can dự với EU và các thủ đô châu Âu trong các vấn đề chính sách đối ngoại cùng quan tâm, như Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, việc có chỗ trên bàn với quyền bỏ phiếu và phủ quyết khác hẳn việc nỗ lực tác động đến những người ngồi trên bàn. Công việc của nhà ngoại giao các nước thành viên EU, tìm cách hòa giải hơn với Moskva, sẽ dễ dàng hơn. Công việc của nhà ngoại giao các nước thành viên EU nhằm chống lại hành động can thiệp của Nga, đặc biệt là các nước Estonia, Latvia và Lithuania, sẽ khó khăn hơn. 

Phép thử đầu tiên sẽ là các biện pháp trừng phạt Nga do nước này sáp nhập Crimea và hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine. Thị trưởng Moskva, Sergei Sobyanin, đã dự đoán: "Nếu không có Anh trong EU, sẽ không còn ai sốt sắng bảo vệ các biện pháp trừng phạt chống lại chúng ta (Nga)". 

Thứ hai, các phong trào và chính trị gia ủng hộ Putin, chống EU trên toàn châu Âu sẽ mạnh lên chút ít. Marine Le Pen và đảng Mặt trận Dân tộc của bà phần nào được một ngân hàng thân Điện Kremlin tài trợ sẽ ăn mừng kết quả trưng cầu tại Anh. Các nhà lãnh đạo và đảng theo chủ nghĩa dân tộc, bài ngoại, và theo chủ nghĩa biệt lập trên lục địa, có chung quan điểm với bà Le Pen, đã bắt đầu kêu gọi tiến hành trưng cầu ý dân rút khỏi EU tại nước họ. Thậm chí quá trình tranh luận về các sáng kiến ​​này cũng làm suy yếu sự thống nhất châu Âu. Và tại Mỹ, không phải ngẫu nhiên khi dự đoán ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa và thân Điện Kremlin, ông Donald Trump, sẽ đứng về phía bà Le Pen cũng như các đồng minh có ý thức hệ giống bà trong việc ca ngợi kết quả trưng cầu ý dân ở Anh. 

Thứ ba, những nghi ngờ mới về lợi ích của cương vị thành viên EU cũng làm suy yếu các đối thủ của Putin tại Ukraine. Những người tham gia Maidan mùa Thu năm 2013 đã đòi hỏi điều mà cử tri Anh từ chối- mối quan hệ gần gũi hơn với EU. Tư tưởng của những tiếng nói ủng hộ châu Âu tại Ukraine nay sẽ phải đối mặt với sự soi xét ngày càng tăng từ những người hoài nghi EU, vốn sẽ đặt câu hỏi tại sao Ukraine phải tìm cách gia nhập câu lạc bộ mà những người khác đang ra đi. Cuộc tranh luận như vậy cũng sẽ diễn ra ở các nước khác dự định trở thành thành viên EU. 

Thứ tư, đồng minh thân cận nhất của Mỹ khi bỏ phiếu trong các diễn đàn đa phương, gây sức ép ngoại giao trong các vấn đề an ninh toàn cầu và đấu tranh cho giá trị dân chủ sẽ yếu hơn một chút. Đó là một chiến thắng đối với Putin. Và ai biết được khi nào thiệt hại sẽ chấm dứt. Nền kinh tế Anh sẽ suy giảm trong ngắn hạn, và có thể lâu hơn. Scotland có thể chia tay Anh. Ngay cả tương lai của Bắc Ireland cũng không rõ ràng. Ít nhất, đối tác đặc biệt của chúng ta sẽ phân tâm trong nhiều năm do việc xử lý những thách thức nội bộ và cuộc đàm phán ra đi với Brussels. Nguy hiểm hơn là sự kết thúc của Vương quốc Anh khi Scotland đang cân nhắc tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý mới. Hành động hủy hoại như vậy sẽ làm giảm đáng kể sức mạnh và tầm vóc của một trong những đồng minh thân cận nhất của chúng ta.

Cùng với những rạn nứt ở châu Âu, ông Putin đang củng cố sức mạnh. Ông ngăn NATO mở rộng ở Gruzia vào năm 2008 và làm chậm quá trình mở rộng EU với hành động can thiệp vào Ukraine năm 2014. Ông gia tăng vai trò bá quyền kinh tế của Nga tại các phần lớn thuộc Liên Xô trước đây bằng cách xây dựng Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). Kết quả sự can thiệp quân sự tại Syria giúp ông Putin mở rộng sự hiện diện của Nga ở Trung Đông, bỏ lại châu Âu và Mỹ. Điều đáng ngạc nhiên nhất là mô hình chính phủ và phong cách lãnh đạo của ông đang truyền cảm hứng cho những người hâm mộ ở châu Âu, kể cả một vài chính phủ và xã hội. 

Liệu xu hướng kép về sự tan rã của châu Âu và hội nhập của (EAEU) có tiếp tục trong 30 năm nữa hay chỉ là hai xu hướng trái ngược nhau trong 3 thập kỷ? Có lẽ là không. Về lâu dài, Nga vẫn phải đối mặt với quá nhiều thách thức nội bộ và sự "đỏng đảnh" của các đối tác trong EAEU, trong khi ở phương Tây sẽ tìm ra cách xác định lại sự hợp tác của mình. Song sự thay đổi ngắn hạn trong cán cân quyền lực giữa châu Âu và Nga là hiển nhiên và đáng lo ngại.

Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga. Bài viết được đăng trên The Washington Post.

Trần Quang (gt)