20161008_BRD001_0.jpg

Dưới đây là phần trả lời phỏng vấn của ba chuyên gia kinh tế và chính trị người Pháp, gồm ông Mathieu Plane - Phó Giám đốc Ban phân tích và dự báo thuộc Cơ quan nghiên cứu kinh tế Pháp (OFCE), ông Christophe Bouillaud - Giáo sư khoa học chính trị tại Viện nghiên cứu chính trị Grenoble từ năm 1999, và ông Mathieu Mucherie - chuyên gia kinh tế thị trường, sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn diện về vấn đề này.

Atlantico: Dưới sự tác động của nước Anh với việc thắng cử của bà Margaret Thatcher và của nước Mỹ với việc Ronald Reagan đắc cử Tổng thống Mỹ, các sự kiện đầu những năm 1980 đã đánh dấu bước chuyển đưa thế giới vào một kỷ nguyên kinh tế tự do mới. Vậy với sự kiện Brexit và việc ông Donald Trump thắng cử tổng thống Mỹ, liệu có đồng nghĩa với việc năm 2016 báo hiệu sự chấm dứt của chủ nghĩa tự do mới?

Mathieu Plane: Sự chấm dứt chủ nghĩa tự do mới ư? Tôi không biết. Dù sao đi nữa, các cuộc bầu cử tại Mỹ và Anh đã cho thấy một sự rạn nứt trong xã hội và một thái độ phản đối được đánh dấu bằng sự thu mình trong vỏ bọc quốc gia dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ phản đối thương mại tự do và toàn cầu hóa. Bởi toàn cầu hóa, vốn đã phát triển trong 30 năm qua, chắc chắn đã thúc đẩy tăng trưởng, nhưng nó cũng tạo ra những bất bình đẳng, sự thất vọng và bần cùng hóa đối với một số cộng đồng dân cư. Như vậy, sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ - đối với hàng hóa và con người - đang ngày càng được thể hiện rõ nét trong các bài diễn văn chính trị, và trong trường hợp của nước Anh và Mỹ, sự trở lại đó hiện diện trong các cương lĩnh chính trị. Giờ đây, chúng ta cần tự hỏi liệu sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ có gây ra tác động dồn dập và những phản ứng dây chuyền ở mọi khu vực trên thế giới hay không.

Christophe Bouillaud: Tôi cho rằng điều đó đặc biệt đánh dấu sự chấm dứt của chủ nghĩa tự do mới vốn tìm kiếm tính chính đáng trong nhân dân dưới những sắc màu riêng của nó có lợi cho một dạng thức chủ nghĩa tự do kiểu mới gắn kết với chủ nghĩa dân tộc, sự bảo vệ các giá trị truyền thống, chế độ độc tài và các hình thức bài ngoại. Nhà khoa học chính trị người Scotland, ông Mark Blyth, đã đề nghị gọi đây là kỷ nguyên của "chủ nghĩa dân tộc kiểu mới". Donald Trump và các đảng viên Cộng hòa Mỹ, cũng như nữ Thủ tướng Anh Theresa May và các đảng viên Bảo thủ Anh đã không ngừng ủng hộ nhiệt tình chủ nghĩa tư bản và các quyền tự do kinh tế, và do vậy họ đã không đánh mất sự ủng hộ đông đảo của những người giàu có nhất trong số các công dân của nước họ. Điều này đã được thể hiện rõ trong các cuộc thăm dò ngay sau khi kết thúc bầu cử ở Mỹ, tuy nhiên, chúng đã cho thấy lợi ích quốc gia và việc bảo vệ các tầng lớp nhân dân và các tầng lớp trung lưu trước những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa. Nói đúng ra, sự kết hợp này - giữa chủ nghĩa tự do kinh tế và chủ nghĩa dân tộc - đã được tìm thấy trong "học thuyết Thatcher" và "học thuyết Reagan". Sự khác biệt chủ yếu là do yếu tố thời đại: các nhà lãnh đạo mới này bị lên án là trung thành với những lời hứa nhuốm màu chủ nghĩa bảo hộ và bài ngoại, song chỉ bằng cách đó họ mới khích lệ được sự ủng hộ của đông đảo người dân đồng thời vẫn có thể trung thành với những tầng lớp giàu có ủng hộ họ.

Mathieu Mucherie: Người ta muốn chúng ta tin rằng Brexit và việc ông Trump thắng cử tổng thống đã đánh dấu sự kết thúc của trật tự tự do xuyên Đại Tây Dương dưới thời Reagan-Thatcher. Không có gì liên quan giữa hai sự kiện này. Có một cách hiểu rộng hơn về sự kiện Brexit: từ chối chung sống với "thanh gươm Damocles" là đồng euro lơ lửng trên đầu, không chấp nhận phụ thuộc một vài thành phần quá khích vùng Wallonie (Bỉ) trong mỗi cuộc đàm phán thương mại, phản đối chế độ hành chính quan liêu của EU và sự chi phối của bộ đôi Pháp-Đức… Còn không thể hiểu đối với trường hợp của Donald Trump. Ông là một người độc lập, theo chủ nghĩa bảo hộ, không phải là người theo trường phái tự do cổ điển như Ronald Reagan. Tôi biết kể từ khi đắc cử tổng thống, Donald Trump bỗng nhiên trở thành một nhà lãnh đạo thường xuyên xuất hiện trên các thị trường và gặp gỡ các nhà bình luận chính trị (những người đã dành phần lớn thời gian trong 12 tháng qua để bình luận những cơ hội thắng cử của Trump, cũng như khả năng thấy ông sẽ điềm tĩnh và tập trung vào những điều quan trọng hơn):

a) "Rốt cuộc, Trump sẽ không làm điều gì và không thực sự muốn thực hiện chương trình của mình". Ông Trump hiểu rằng sẽ phải áp dụng một phần cương lĩnh tranh cử của mình nếu như ông không muốn chỉ là một người thành công nhất thời, và cũng do ông sẽ không thể trục xuất 10.000 người Mexico về nước trong vòng 4 năm (bởi về mặt lôgích, đó là điều không thể). Chúng ta hãy chờ đợi Trump thực hiện đáng kể những lời hứa của ông trong các lĩnh vực (chủ yếu trong năm 2017) mà ông có không gian để hành động. Tôi đặc biệt lo ngại cho thương mại quốc tế, lĩnh vực mà Trump có thể tạo thế tam giác cho các biện pháp bảo hộ của ông với khối cử tri của Bernie Sanders và với một Quốc hội Mỹ ít ủng hộ thương mại tự do nhất kể từ nhiều năm qua. Mục tiêu của Trump là tạo ra 25 triệu việc làm trong vòng 10 năm. Chúng ta sẽ bước vào thời kỳ lạc quan. Như vậy, tốc độ tạo việc làm sẽ là 200.000 việc làm/tháng, một tốc độ không mấy hợp lý dù đã được khẳng định trong giai đoạn 2014-2015 (với điều kiện năng suất không tăng, lợi nhuận giảm, lương thực tế tăng nhẹ... nhưng quỹ việc làm không đủ lớn để đảm bảo một tốc độ như vậy). Trump cũng đặt tham vọng đầu tư 250 tỷ, 500 tỷ, rồi 1000 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng. Nước Mỹ thiếu sân bay và các công trình xây dựng công cộng, hiển nhiên là vậy. Về hội chứng NIMBY (ám chỉ những cá nhân, tập thể hoặc những quốc gia không hành động vì lợi ích chung, mà chỉ tìm cách bảo vệ, tránh gây tổn hại tới lợi ích của riêng họ) - rõ ràng đã cản trở mọi dự án chìm trong những "mớ bòng bong" pháp lý vô tận, tôi hình dung rằng nó sẽ biến mất đầy bí ẩn (khi mà tổng thống, người có thể nắm trong tay mọi quyền lực quân sự, và có nhiều tiền như chúng ta thấy, không thể làm gì để chống lại một thẩm phán địa phương hay một hiệp hội những người dân sở tại).

- Điểm đáng lưu ý là việc hạn chế xóa bỏ hoàn toàn Obamacare (Chương trình bảo hiểm sức khỏe bắt buộc của Chính quyền Obama) như Trump đã tuyên bố vào ngày 12/11 không phải là một tin tức mới; nhưng kế hoạch xóa bỏ hoàn toàn này từng là điểm tích cực duy nhất trong cương lĩnh tranh cử của Đảng Cộng hòa (và thật may mắn, tới thời điểm này, Trump dường như đã từ bỏ lời hứa của mình về Obamacare liên quan tới 2 đối tượng: những người dưới 26 tuổi sống cùng bố mẹ và những người mắc các bệnh nan y gần như không có khả năng chữa trị).

b) "Vậy thì trên thực tế, Trump sẽ bị ai cản đường?"

Ý kiến cho rằng Donald Trump sẽ không thể thực hiện cương lĩnh tranh cử của ông vì những thế lực đối kháng, thực sự hay giả định. Thế nhưng điều duy nhất mà Trump giành được đã cho thấy rằng những rào cản không còn quá lớn nữa. Hiến pháp Mỹ không tập trung vào việc hạn chế quyền hạn của tổng thống, và tổng thống không thể là một nhân vật theo trường phái dân túy. Điều đáng lưu ý là hầu hết mọi người đánh giá thấp tầm quan trọng của những sắc lệnh hành pháp (sắc lệnh của tổng thống), song trên thực tế, chúng tác động tới những vấn đề quan trọng trong nhiều lĩnh vực (chẳng hạn, Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Lincoln đã xóa bỏ chế độ nô lệ): Một tổng thống quyết đoán có thể làm được nhiều việc, đặc biệt là trong 18 tháng đầu tiên khi ông nắm trong tay Quốc hội. Chắc chắn đảng Cộng hòa sẽ gây trở ngại ngay khi có thể, và dù sao cũng xin chúc những người tiên phong mạo hiểm có được lòng dũng cảm! Vả lại đây cũng là lý do tại sao Trump, người vừa giành thắng lợi bằng cách đưa ra quan điểm chống lại chính đảng Cộng hòa, vẫn phải giành được sự ủng hộ của người dân, điều này ít ra có thể nhờ việc Trump áp dụng một phần cương lĩnh tranh cử của mình. Sự cản đường từ Tòa án tối cao? Tòa này sẽ bị làm rối tung lên nếu một thành viên quan trọng được… Trump chỉ định. Tòa sẽ chỉ can thiệp sau cùng, và có thể bị giật dây giống như rối cho tới năm 2020. Sự cản đường từ các phương tiện truyền thông xã hội? 85% trong số họ ủng hộ Clinton, do vậy khó có thể nói rằng họ không đủ khả năng gây cản trở cho Trump (một người của truyền thông đa phương tiện, ông không biết làm gì khác ngoài việc quản lý hình ảnh của mình), và thậm chí điều này vẫn đúng sau nhiều tháng Trump tự vấn lương tâm và ăn năn. Sự cản đường từ Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED)? Chủ tịch FED, bà Janet Yellen, sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2018, và Phó Chủ tịch FED, ông Stanley Fischer, cũng hết nhiệm kỳ một vài tháng sau đó. Và tổng cộng sẽ có 4 thành viên trong Hội đồng quản trị của FED mà Trump có thể sẽ bổ nhiệm. Xét ảnh hưởng của Ron Paul và một số thành viên thoái hóa biến chất khác trong các cuộc tranh luận về tiền tệ trong nội bộ đảng Cộng hòa, cần phải lo sợ điều tồi tệ nhất xảy ra với FED... chứ không phải với Trump. Điều đáng lưu ý là phản ứng của các thị trường khi Trump đắc cử tổng thống không phải là một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với ông, mà là một cơn thở phào nhẹ nhõm, và một hy vọng rằng sẽ không xảy ra mâu thuẫn quá lớn với FED. Điều nghịch lý là cần giảm 8% cổ phần để loại bỏ khả năng tăng lãi suất vào tháng 12 tới!

c) "Cuối cùng, tất cả điều đó không mấy quan trọng. Ông ấy yêu quý trẻ em và động vật". Chúng ta đang sống trong một giai đoạn chưa từng có, một giai đoạn cách mạng. Cuộc bầu cử điên rồ nhất kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 1896. Tôi muốn nói rằng nếu theo đuổi "vị trí bổng lộc" này, mà không áp dụng gói nới lỏng định lượng thứ ba hay một giải pháp tương tự để giảm bớt căng thẳng cho bầu không khí, thì e rằng đây sẽ thực sự là cú sốc lớn nhất kể từ cú sốc dầu mỏ lần thứ hai năm 1980 cho dù thị trường trong ngắn hạn có phản ứng thế nào đi nữa.

Atlantico: Chủ nghĩa tự do mới là gì? Và đâu là những bất ổn có thể nhận thấy?

Mathieu Plane: Trước hết, cần lưu ý rằng các nước không áp dụng các mô hình giống nhau. Vị trí của nhà nước bảo hộ ở Pháp, Mỹ và Anh không giống nhau. Theo quan điểm của tôi, chủ nghĩa tự do mới được đặc trưng bởi việc xóa bỏ dần nhà nước phúc lợi, một nền kinh tế dựa vào thị trường và "tự vận hành" sẽ là hiệu quả nhất vì nó cho phép phân bổ hoàn hảo các nguồn tài nguyên, nguồn vốn và lao động, hủy bỏ các quy định điều tiết thị trường hàng hóa và dịch vụ, cũng như thị trường lao động, thông qua việc đẩy mạnh tự do hóa nền kinh tế ở mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực tài chính. Chủ nghĩa tự do mới lên ngôi vào những năm 2000. Các nền kinh tế công nghiệp hóa của các quốc gia giàu có nhất đã được hưởng lợi từ toàn cầu hóa, một mặt nhờ các nước mới nổi sản xuất với chi phí thấp, và mặt khác, nhờ một nền tài chính được thả nổi quá mức. Nhưng điều này đã tạo ra những mất cân bằng lớn và tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng, và những giới hạn của hệ thống này cuối cùng đã lộ rõ qua một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn, và người ta nhận thức được rằng toàn cầu hóa và phi công nghiệp hóa đã gây ra rất nhiều tổn thất. Ở nhiều nước phát triển, việc ứng phó với khủng hoảng mang màu sắc của chủ nghĩa tự do hơn thông qua việc thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng và những cải cách mang tính cơ cấu để thị trường lao động trở nên linh hoạt hơn hoặc giảm bớt sự bảo trợ xã hội mà không thực sự cần phải điều tiết tài chính.

Christophe Bouillaud: Chủ nghĩa tự do mới được các nhà tư tưởng tự do như Hayek áp dụng khi hai cuộc chiến tranh thế giới vừa chấm dứt và chủ nghĩa tự do kinh tế sụp đổ. Đó là việc quay lại với sự vận hành hoàn toàn tự do của các thị trường, quốc gia và quốc tế, đồng thời đảm bảo rằng nhà nước làm tốt vai trò của mình để sự vận hành tự do của thị trường không dẫn đến một sự tập trung quá mức vốn vào tay một số người. Lý luận giải thích việc sử dụng thuật ngữ "mới" trong "tự do mới" là: Nhà nước không còn đơn thuần là "người gác đêm" như trong chủ nghĩa tự do thời kỳ đầu, mà từ nay đóng vai trò đảm bảo sự cạnh tranh tự do cho mọi thị trường. Theo các nhà lý luận của chủ nghĩa tự do mới, điều này sẽ chỉ mang lại những điều tốt đẹp cho người tiêu dùng, người tiết kiệm, nhà đầu tư, nhà sản xuất. Học thuyết này đã vận hành tốt ngay từ những năm 1970 và lên ngôi vào năm 1989 khi "chủ nghĩa xã hội thực sự" được coi là một thất bại vĩnh viễn. Trên thực tế, đang còn tồn tại rất nhiều điều bất ổn: Toàn bộ đời sống kinh tế của các nước phương Tây và thậm chí của toàn bộ hành tinh cuối cùng bị chi phối bởi một số lượng hạn chế các tập đoàn khổng lồ mà hoạt động như những tập đoàn độc quyền (như Google) hay các lĩnh vực độc quyền (như ngành dược hay viễn thông). Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường cáo buộc EU áp đặt các tiêu chuẩn kỹ thuật, điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng được các tập đoàn lớn trên thế giới đàm phán nhằm thu được lợi nhuận lớn nhất. Điều nghịch lý là nhiều nhà kinh tế và xã hội học đã nhận thức được rằng các thị trường theo chủ nghĩa tự do mới ít tự do hơn họ mong muốn. Hơn nữa, khiếm khuyết rõ rệt của kỷ nguyên tự do mới là các thị trường tự do này đã gây ra sự bùng nổ của những bất bình đẳng ở các nước phát triển và thậm chí chúng còn dẫn đến sự đình trệ hoặc giảm sút thu nhập của nhiều người. Tại Mỹ, người ta có thể phác họa một bức tranh biếm họa: Mức sống của tầng lớp có thu nhập thấp nhất xã hội đã không được cải thiện kể từ đầu những năm 1970. Chính Hayek đã nói rất rõ rằng không thể vì lý do kinh tế mà một công dân Anh kiếm được nhiều tiền hơn một công dân Ấn Độ nếu họ có hiệu suất lao động như nhau. Cho dù một số nhà kinh tế nói gì đi chăng nữa, việc chuyển giao các hoạt động công nghiệp ở các nước đang phát triển trước đây đã thực sự là một cú sốc đối với giới công nhân của các nước công nghiệp hóa trước đây. Cuối cùng, mặc dù nó không phải là một khía cạnh trọng tâm của chương trình tự do mới thời kỳ đầu, tiến trình tự do hoá thị trường vốn quốc tế, được cho là yếu tố cho phép phân bổ tốt hơn các nguồn vốn trên thế giới, đã dẫn đến việc tạo ra một sân chơi tài chính khổng lồ mà thực sự không mang lại nhiều lợi ích, nếu như không muốn nói là không mang lại bất cứ điều gì cho tăng trưởng toàn cầu.

Atlantico: Chúng ta có thể mong đợi điều gì từ cặp đôi Donald Trump-Theresa May? Kỷ nguyên mới này có thể được miêu tả như thế nào?

Mathieu Plane: Donald Trump và Theresa May đã đoạn tuyệt với quan điểm kinh tế truyền thống: Chúng ta có thể nhận thấy trong các bài phát biểu và các chương trình của họ những nét đặc trưng mang đậm thuyết ý chí, cùng với sự trở lại với các vấn đề về dân tộc và bản sắc. Trong khi giai đoạn đỉnh cao của tiến trình toàn cầu hóa chắc chắn đã lùi xa, thì rõ ràng mô hình - mà ở đó công nghệ đã được các nước phía Bắc và các nước phía Nam làm chủ và các nước mới nổi trở thành nhà máy của thế giới - sẽ không vận hành. Các nước phương Tây đã đánh giá thấp thực tế rằng họ dần bị cạnh tranh trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao: Một số nước mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, đã có những chính sách mang nặng chủ trương can thiệp, và trợ giá cho một số lĩnh vực, khiến đồng tiền của họ trở nên bất ổn…, trong khi châu Âu và Mỹ, trong một chừng mực nào đó, đã thả nổi thị trường. Do vậy, giờ đây phản ứng rõ rệt sau sự kiện Brexit hay cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là chống lại chủ nghĩa bảo hộ, giảm thuế cho doanh nghiệp, quản lý tỷ giá hối đoái. Chúng ta hoàn toàn không có chung một nguyên tắc thương mại tự do nữa, cũng như không còn trong tiến trình "toàn cầu hóa hạnh phúc". Tất cả điều này đặt ra nguy cơ leo thang: Năm 1929, trong giai đoạn khủng hoảng, phản ứng đầu tiên của Mỹ là bỏ phiếu thông qua đạo luật Hawley-Smoot vốn được xây dựng để tăng cường các hàng rào thuế quan. Điều đáng lo ngại không phải là chúng ta tiến tới tiến trình phi toàn cầu hóa, mà là liệu tiến trình phi toàn cầu hóa đó có bị gián đoạn hay không, bởi nếu gián đoạn, nó có thể sẽ dẫn đến một sự leo thang của chủ nghĩa bảo hộ ở tất cả các nước.

Christophe Bouillaud: Chương trình kinh tế của Donald Trump có nhiều nét giống với chương trình của Reagan: tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và giảm đánh thuế. Tuy nhiên, tôi tin rằng rất khó để biết Trump có thể sẽ thực thi chính sách kinh tế nào. Vả lại, các đảng viên Cộng hòa đã bị ám ảnh bởi nợ công. Mặt khác, cả Anh lẫn Mỹ là những nước đã tham gia mạnh mẽ các luồng tài chính và thương mại quốc tế. Trên thực tế, phần còn lại của thế giới cho hai nước này vay tiền, và cả hai nước đều đã đánh mất hình ảnh hào nhoáng của nước công nghiệp trước đây. Chắc chắn, Anh và Mỹ sẽ tìm cách thoát khỏi sự tài chính hóa quá mức đối với nền kinh tế của họ, và họ sẽ cố gắng thúc đẩy trở lại các hoạt động công nghiệp trong nước, có thể thông qua chủ nghĩa bảo hộ hay thông qua việc định giá thấp đồng tiền của họ. Tuy nhiên, do tất cả các nước đang cố gắng thực hiện cách làm này, câu hỏi vẫn là: Ai sẽ là người mua cuối cùng các sản phẩm trên hành tinh nơi mà tất cả các nước đều muốn là những nhà xuất khẩu ròng? Làm thế nào để cuộc chiến thương mại lan rộng này không kết thúc một cách tồi tệ? Và tại sao chúng ta lại vẫn có thể chịu đựng sai lầm của việc tìm kiếm sự tăng trưởng công nghiệp bằng mọi giá như vậy? Trái lại, tôi tin rằng liên quan tới vấn đề trong nước, hai nhà lãnh đạo sẽ đấu tranh mạnh mẽ chống lại tình trạng nhập cư, hoặc ít ra cho người ta thấy như vậy. Họ sẽ không xem cuộc chiến chống biến đổi khí hậu như là một công việc quan trọng, mà ngược lại. Tôi cũng cho rằng những giọng điệu chỉ trích trên các phương tiện truyền thông của Anh khó có thể được nghe thấy nếu như mọi thứ thực sự diễn biến theo chiều hướng xấu.
Mathieu Mucherie: Nhìn chung, cùng với chủ nghĩa dân túy, việc xóa bỏ các khoản nợ, giảm giá trị đồng USD hay giảm tỷ lệ lãi suất giống như là một sự trừng phạt kép - chủ nghĩa dân túy và thắt chặt tiền tệ. Đừng quên rằng cú sốc Roosevelt năm 1933 đã bị hạn chế một phần bởi sự mất giá 65% của đồng USD. Quan điểm theo thuyết tương đối của giới tinh hoa của chúng ta đôi khi phản ánh một sự thiếu nhận thức toàn diện về lịch sử, đôi khi khó hiểu, đôi khi đáng xem thường. Trong nhiều tháng, các ông chủ ngân hàng đã giải thích cho chúng ta về "mức độ độc hại" của Trump, và giờ đây họ lại giải thích cho chúng ta điều ngược lại. Một nhà phân tích (người luôn lớn tiếng ủng hộ thắt chặt tài chính) đã khẳng định rằng chương trình của Trump sẽ giúp tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ tăng gấp đôi trong nhiều năm. Các nhà kinh tế học phản đối một chính sách pha trộn gồm "nới lỏng ngân sách + thắt chặt tiền tệ" mà chúng ta đang hướng tới, họ ưa thích chính sách pha trộn của cặp đôi Greenspan-Clinton. Các thị trường đã làm những gì cần làm trong ngắn hạn (một sự thở phào sau nhiều tháng lo âu), và hướng tới một chính sách pha trộn đúng đắn. Với sự giúp đỡ của ba người con thông minh của ông, Donald Trump sẽ khiến chúng ta kinh ngạc, đó là điều chắc chắn. Nhưng cá nhân tôi không muốn bị sốc bởi những quyết định điên rồ trong 4 hay 8 năm ai đó làm tổng thống, nhất là sau 8 năm cầm quyền của Bush và 8 năm cầm quyền của Obama.

Atlantico: Liệu EU, mà ở đó những tư tưởng tự do mới đã tìm được sự đồng thuận, có lại rơi vào cô lập hay không? EU có thể phản ứng như thế nào trong dài hạn?

Christophe Bouillaud: Có thể trong quan điểm của hai nước Anh và Mỹ, sự khác biệt thực sự của EU là đã dứt khoát từ chối bất cứ sự phục hồi ngân sách nào của nền kinh tế châu Âu, và mong muốn người lao động châu Âu được tự do đi lại trong phạm vi EU. Có thể trong khi làm cho các nước châu Âu hiểu rằng từ nay họ tự vệ một cách đơn độc, Donald Trump đã kích động sự khôi phục các chi tiêu quân sự của châu Âu. Có lẽ chúng ta sắp đón nhận thời điểm mà quân đội Hy Lạp được nhìn nhận như tuyến phòng ngự đầu tiên của "pháo đài châu Âu" chống lại sự bất ổn ở Trung Đông... Và tôi đặt cược rằng người dân châu Âu cuối cùng sẽ đồng tình với cách giải thích rất hạn chế về tự do đi lại của người lao động trong không gian EU. Một số quyết định của Tòa án công lý Liên minh châu Âu (CJE) chống lại "du lịch xã hội" đã đi theo hướng này. Có khả năng thời đại được mở ra sẽ là thời đại của các quyền khác nhau của con người tùy thuộc đất nước mà họ sinh sống.

Mathieu Plane: Chẳng phải châu Âu đã đánh giá thấp tác động của toàn cầu hóa đối với một bộ phận dân cư, những bất bình đẳng, và cả nỗi lo sợ bị tụt hậu đó sao? Châu Âu, theo như cách nó đang vận hành, đã không nhận thức đầy đủ về những vấn đề này. Mô hình xây dựng châu Âu phần lớn dựa trên các tư tưởng tự do mới (cải cách cơ cấu, năng lực cạnh tranh, tính linh hoạt của thị trường lao động, tính chính thống của ngân sách, bãi bỏ các quy định, các vấn đề viện trợ nhà nước và sự bóp méo cạnh tranh). Làm thế nào để châu Âu có thể cải tổ, đồng thời thoát ra khỏi các tư tưởng tự do mới này mà không bị mắc kẹt vào các đề xuất của Trump, hay đứng nhìn các nước thành viên ra khỏi EU hay Khu vực đồng euro? Có nhiều khả năng tiến trình chuyển tiếp sẽ không diễn ra êm thấm, sự đoạn tuyệt với những gì đã được xây dựng trong quá khứ sẽ diễn ra rất mạnh mẽ. Thông thường phản ứng phải mang tính chính trị và phổ biến. Nhưng giờ đây, châu Âu đang dựa trên các quy tắc kỹ trị, và châu Âu chính trị không tồn tại, và vấn đề là ở chỗ chúng ta không có châu Âu chính trị đủ khả năng đối phó với những những thách thức./.

Theo trang Atlantico” (ngày 13/11)

Vũ Hiền (gt)