Mỹ nên tiếp cận bán đảo Triều Tiên và vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên như thế nào? Kể từ vụ thử ban đầu của Triều Tiên vào tháng 10/2006, nước này đã tiến hành thêm 5 vụ thử nữa, gia tăng đương lượng nổ ước tính sau mỗi vụ thử. Vụ thử hạt nhân tháng 9/2017 của Bình Nhưỡng - được họ tuyên bố là một thiết bị nhiệt hạch - có đương lượng nổ ước tính từ 50 kiloton đến 280 kiloton, một sự gia tăng đáng kể so với các vụ thử trước đó. Điều có lẽ đáng báo động hơn đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ là việc Triều Tiên xúc tiến mạnh mẽ chương trình tên lửa của nước này, tiến hành 15 vụ thử tên lửa trong năm 2015, 24 vụ trong năm 2016 và 19 vụ thử tên lửa trong 10 tháng đầu năm 2017. Chương trình tên lửa đã làm dấy lên quan ngại ở mức cao đối với chính sách của Mỹ vào tháng 7/2017, khi Triều Tiên thử thành công Hwasong-14, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thực sự đầu tiên của nước này, với tầm bắn ước tính lên tới 6.500 dặm (10.400 km). Sự bàn luận đã dấy lên về việc liệu Triều Tiên có thể kết hợp nhuần nhuyễn 2 công nghệ này và gắn thành công một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ lên một tên lửa tầm trung hoặc thậm chí là tầm xa hay không, hay ngày càng nhiều hơn là sự bàn luận về việc khi nào Triều Tiên có thể thực hiện được điều này. Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) đã kết luận rằng Bình Nhưỡng đã đạt tới cột mốc này, có tiềm năng đưa Los Angeles, Denver và Chicago vào trong phạm vi tấn công hạt nhân. Do vậy, thời gian là điều cốt yếu, và nó đứng về phía Triều Tiên một cách rõ ràng hơn khi nước này vững bước tiến tới một khả năng hạt nhân mạnh mẽ và gây đe dọa hơn một cách đáng kể. 

Đã có nhiều người bàn luận về các tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Mỹ phải đối mặt trên bán đảo Triều Tiên - những sự điều hòa khó khăn nhưng cần thiết giữa nhiều mục tiêu cạnh tranh lẫn nhau đi kèm với bất kỳ quyết định chính sách nào. Tuy nhiên, như đã được tạo dựng từ lâu và hiện nay vẫn vậy, Mỹ phải đối mặt với không chỉ một loạt tình thế lưỡng nan với chính sách Triều Tiên của nước này, mà với một “bộ 3 nan giải”: một tình huống mà trong đó nước này có 3 mục tiêu chính, nhưng vì những lý do về lôgích và thực tiễn mà trong tình huống tốt nhất, nước này cũng chỉ có thể đạt được cùng lúc 2 trong số đó. Chính sách đối ngoại của Mỹ từ lâu đã đồng thời tìm cách phi hạt nhân hóa Triều Tiên, duy trì liên minh Mỹ-Hàn và vị thế triển khai về phía trước của nước này trên bán đảo Triều Tiên, và tránh các phí tổn gắn liền với hành động quân sự chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy vậy, như phân tích dưới đây sẽ cho thấy, việc lựa chọn 2 phương án bất kỳ trong số đó có nghĩa là phương án thứ ba phải bị từ bỏ. Khi xét đến việc đó, phương án ít tốn kém nhất trong ngắn hạn có vẻ là Mỹ duy trì liên minh cũng như vị thế triển khai về phía trước của mình và tránh các phí tổn gắn liền với việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân bằng vũ lực. Tóm lại, có khả năng Mỹ sẽ phải từ bỏ việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên với tư cách thành phần mang tính xác định của cách tiếp cận của nước này đối với bán đảo Triều Tiên, và chấp nhận Triều Tiên như là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân. 

Phi hạt nhân hóa, triển khai và tránh chiến tranh 

Mỹ từ lâu đã có 3 mục tiêu chính trong cách tiếp cận của nước này đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Mục tiêu đầu tiên trong số này là kêu gọi việc xóa bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân Triều Tiên một cách có thể thẩm tra và không thể đảo ngược - được gọi là “CVID” dưới thời Chính quyền Bush. Ngay từ những ngày đầu nhận thức của Mỹ về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, cách tiếp cận của Mỹ đã được dẫn dắt bởi mục tiêu cơ bản này. Mục tiêu cuối cùng phi hạt nhân hóa là lực đẩy đằng sau “Thỏa thuận khung” của Chính quyền Clinton và đằng sau “Đàm phán 6 bên” của Chính quyền Bush. 

Với gần như mọi diễn biến lớn có liên quan đến chương trình hạt nhân ở Triều Tiên, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Mỹ đều chắc chắn nhấn mạnh mục tiêu phi hạt nhân hóa này. Sau vụ thử đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006, Tổng thống Bush khẳng định rằng các hành động như vậy sẽ không “làm suy yếu quyết tâm của Mỹ và các đồng minh của chúng ta đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. Sau vụ thử vào tháng 9/2016 của Triều Tiên, Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Rõ ràng là Mỹ không và sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên như là một nước sở hữu hạt nhân”. Và Tổng thống Trump, chỉ vài tuần sau vụ thử hạt nhân tháng 9/2017 của Triều Tiên, đã lưu ý tương tự rằng với “Triều Tiên, mục tiêu của chúng ta là phi hạt nhân hóa. Chúng ta không thể cho phép chế độ này đe dọa đất nước chúng ta hoặc các đồng minh của chúng ta bằng thiệt hại không thể tưởng tượng được về sinh mạng. Chúng ta sẽ làm những gì phải làm để ngăn chặn điều đó xảy ra”. Tóm lại, CVID đang và từ lâu đã là ưu tiên chính sách số một của Mỹ về bán đảo Triều Tiên. 

Mục tiêu thứ hai của Mỹ là duy trì liên minh của nước này với Hàn Quốc và vị thế triển khai về phía trước của nước này trên bán đảo Triều Tiên. Quân đội Mỹ đã được triển khai trên bán đảo này từ khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950, với trung bình khoảng 50.000 binh lính xuyên suốt hầu hết Chiến tranh Lạnh và hiện nay ở mức khoảng 24.000. Về phần mình, liên minh quân sự Mỹ-Hàn đã có hiệu lực từ năm 1953 và vẫn là một nền tảng - hay như cách nó thường được nhắc đến, một “nhân tố cốt yếu” - của chính sách đối ngoại của Mỹ ở Đông Á. Ngoài việc cho phép Mỹ triển khai lực lượng vào khu vực và răn đe một cuộc tấn công nhắm vào Hàn Quốc, liên minh và sự triển khai này thường được lập luận là có lợi ích bổ sung giúp duy trì tình trạng phi hạt nhân của Hàn Quốc. 

Các cam kết của Mỹ đối với liên minh và đối với việc triển khai về phía trước cũng thường được nhấn mạnh trong những thời kỳ khủng hoảng trên bán đảo. Chẳng hạn, trong chuyến thăm cuối cùng của mình tới châu Á với tư cách tổng thống, khi Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân, Tổng thống Obama đã chắc chắn “tái khẳng định rằng cam kết của chúng ta đối với quốc phòng và an ninh của Hàn Quốc, trong đó có sự răn đe mở rộng, là kiên định”. Và mặc dù Tổng thống Trump đã có một cách tiếp cận rất khác thường đối với liên minh Mỹ-Hàn, thường tập trung vào chỉ trích thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Hàn (KORUS-FTA), nhưng các thành viên trong nội các của ông lại có xu hướng tuân theo tiền lệ trong quá khứ. Trong một chuyến thăm tới châu Á vào tháng 4/2017, Phó Tổng thống Pence đã rõ ràng trong việc “bày tỏ sự hỗ trợ vững chắc của Mỹ đối với liên minh lâu đời của chúng tôi với Hàn Quốc”. Sau các vụ thử ICBM của Triều Tiên trong năm 2017, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cũng tái khẳng định “cam kết chắc chắn” của Mỹ đối với liên minh này, và Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nhấn mạnh rằng “quan hệ về phòng thủ là quan trọng hơn bao giờ hết”. Do vậy, việc triển khai về phía trước trên bán đảo Triều Tiên và duy trì liên minh Mỹ-Hàn được coi là các mục tiêu chính sách đối ngoại cốt yếu của Mỹ trong khu vực. 

Mục tiêu cốt lõi thứ ba của Mỹ là tránh những phí tổn gắn liền với một chiến dịch quân sự chống phổ biến vũ khí hạt nhân mà - khi xét đến quy mô, cấu trúc và mức độ tinh vi của chương trình hạt nhân của Triều Tiên - có khả năng kéo theo một cuộc xâm lược và sự thay đổi chế độ bằng vũ lực về phần Mỹ. Trong khi đây không phải là một mục tiêu thường được tuyên bố công khai, lựa chọn thay đổi chế độ bằng vũ lực đã “được đưa ra bàn thảo” trong nhiều thập kỷ, và vẫn liên tục bị lảng tránh khi Mỹ lựa chọn các phương án thay thế ít tốn kém hơn. Trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên 1993-1994, Tổng thống Clinton đã rất sửng sốt khi được biết rằng một cuộc Chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai sẽ gây ra thương vong cho 1 triệu người, tiêu tốn của Mỹ 100 tỷ USD và dẫn tới thiệt hại công nghiệp 1.000 tỷ USD. Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là William Perry đã gọi sự lựa chọn giữa một Triều Tiên có tiềm năng sở hữu hạt nhân với một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên là lựa chọn “giữa một thảm họa và một tai ương”. Kể từ đó, những sự cân nhắc về các phí tổn tiềm tàng đều mang tính cảnh tỉnh tương tự, với thương vong ước tính lên tới hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người, trong vài tháng chiến sự khốc liệt. 

Vấn đề đầu tiên đối với Mỹ là việc tìm kiếm và phá hủy các chương trình hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) khác của Triều Tiên sẽ là một việc không hề đơn giản. Không giống như các chương trình mới hình thành và tập trung cao độ về mặt địa lý đã bị phá hủy ở Iraq năm 1981 và ở Syria năm 2007, chương trình WMD của Triều Tiên bao gồm hàng trăm cơ sở được phân tán rộng rãi trên khắp đất nước, bao gồm các lò phản ứng, các cơ sở làm giàu, các địa điểm cất giữ và dự trữ đầu đạn, các điểm sản xuất vũ khí hóa học và sinh học, các điểm phóng và thử nghiệm, các sân bay, các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, và các cơ sở nghiên cứu và phát triển. Mặc dù tình báo Mỹ đã biết địa điểm của nhiều cơ sở trong số này, nhưng các cơ sở khác - chẳng hạn như các địa điểm cất trữ tới 30 đầu đạn hạt nhân - lại được giữ bí mật hơn nhiều. Và thậm chí trong sự kiện vốn rất không có khả năng xảy ra là Mỹ có thể tìm thấy và phá hủy chính xác toàn bộ cơ sở hạ tầng hạt nhân của Triều Tiên, Mỹ vẫn không thể phá hủy cơ sở kiến thức và bí quyết kỹ thuật của chương trình này. Điều này sẽ cho phép chế độ Triều Tiên sống sót rốt cục có thể xây dựng lại. 

Vấn đề thứ hai là pháo binh Triều Tiên cách Seoul khoảng 40 dặm về bên kia biên giới đóng vai trò một sự răn đe mạnh mẽ đối với hành động quân sự, có khả năng tấn công thủ đô Hàn Quốc chỉ trong vài phút, có thể giết hại hàng nghìn người, thậm chí hàng chục nghìn người chỉ trong vài giờ xung đột đầu tiên. Thứ ba, là một nước yếu với chương trình hạt nhân ở mức hạn chế và nhận thức được sự diệt vong sắp xảy đến của mình, Triều Tiên sẽ đối mặt với những sự khích lệ mạnh mẽ để phóng đi một hay nhiều thiết bị hạt nhân của nước này trong một hành động tuyệt vọng, và trong khi làm vậy có khả năng bắn trúng Hàn Quốc, Nhật Bản, Guam hoặc thậm chí Hawaii hay nước Mỹ lục địa. Tóm lại, trong khi sự cám dỗ của việc áp dụng một giải pháp quân sự vào vấn đề hạt nhân Triều Tiên đôi khi đã hiện diện, tất cả các tổng thống từ Clinton trở đi và bao gồm cả Clinton đã nỗ lực tìm cách tránh khỏi lựa chọn thay thế này. 

Như vậy, Mỹ từ lâu đã có 3 mục tiêu chính liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên: CVID, sự triển khai về phía trước, và tránh sự thay đổi chế độ bằng vũ lực tốn kém. Và nước này đồng thời duy trì các mục tiêu này, nhắm tới việc “được cả chì lẫn chài” trong chính sách Triều Tiên của mình. Quả thật, có thể đạt được mỗi mục tiêu trong số này một cách riêng rẽ. Trên thực tế, có thể cùng đạt được bất kỳ 2 mục tiêu nào trong số 3 mục tiêu này. Tuy nhiên, như tác giả chỉ ra ở phần sau, cách các mục tiêu này tương tác trên thực tế hiện nay có nghĩa là không thể có đồng thời nhiều hơn 2 mục tiêu khả thi. Đây là “bộ 3 nan giải” của Mỹ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. 

“Bộ 3 nan giải” của Mỹ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên 

Ý tưởng về một “bộ 3 nan giải” - còn được nhắc đến với tên gọi “bộ 3 bất khả thi” hoặc “bộ 3 mâu thuẫn” - là một ý tưởng cũ, nhưng thường đề cập tới một tình huống mà trong đó có 3 mục tiêu có lợi, nhưng chỉ có thể đồng thời đáp ứng được 2 trong số đó. Một ví dụ được nhiều người biết đến về một “bộ 3 nan giải” xuất phát từ lĩnh vực kinh tế vĩ mô. Lập luận ở đây là các nhà hoạch định chính sách trong nền kinh tế toàn cầu muốn có tỷ giá hối đoái ổn định, tính lưu động tự do của vốn, và khả năng kiểm soát chính sách tiền tệ của họ, nhưng chỉ có thể đồng thời có được 2 trong 3 lựa chọn này. Do vậy, việc có được sự ổn định của tỷ giá hối đoái và tính lưu động của vốn có nghĩa là phải từ bỏ sự kiểm soát chính sách tiền tệ, cũng như việc có được tính lưu động của vốn và khả năng kiểm soát chính sách tiền tệ kéo theo việc tỷ giá hối đoái phải được thả nổi. Lựa chọn bất kỳ 2 mục tiêu nào có nghĩa là từ bỏ mục tiêu thứ ba. 

Trong nỗ lực đối phó với hành động phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Mỹ phải đối mặt với tình thế khó xử tương tự. Khi xem xét đồng thời một cách cẩn thận 3 mục tiêu chính của Mỹ là phi hạt nhân hóa, triển khai về phía trước và tránh các phí tổn của việc thay đổi chế độ bằng vũ lực, điều trở nên rõ ràng là các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ phải chọn ra 2 mục tiêu. 

Trước hết, hãy xem xét các lựa chọn 1 và 2: CVID và triển khai về phía trước. Hai ưu tiên này có thể cùng được duy trì, nhưng chỉ nếu Mỹ sẵn sàng chấp nhận các phí tổn gắn liền với một chiến dịch chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đó là do hoạt động triển khai về phía trước của Mỹ và việc Triều Tiên tự nguyện từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này về bản chất là không phù hợp với nhau. Động cơ chủ yếu thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là sự hiện diện của nước bá quyền toàn cầu, tức là Mỹ, triển khai quân sự trên biên giới phía Nam nước này. Trong khi Triều Tiên có thể có các động lực khác để theo đuổi vũ khí hạt nhân - chẳng hạn như các chính sách đối ngoại cụ thể của Mỹ và Hàn Quốc, những sự khích lệ chính trị trong nội bộ Triều Tiên và các ý định mang màu sắc chủ nghĩa xét lại - bằng chứng cho thấy rằng những sự thật đơn giản về sức mạnh áp đảo của Mỹ và sự triển khai của nước này trên bán đảo Triều Tiên là các động lực quan trọng nhất. 

Hãy xem xét thực tế rằng việc Triều Tiên phổ biến vũ khí hạt nhân phần lớn không thay đổi qua nhiều năm, nhưng nhiều trong số các yếu tố khác này - chẳng hạn như sự can dự chính trị và kinh tế của Mỹ, các cuộc đàm phán và thương mại liên Triều và những sự liên kết chính trị trong nước của Triều Tiên - đã biến đổi rất nhiều. Điều này cho thấy rằng có sự tác động của một nguyên nhân bất di bất dịch, căn bản hơn (tức là sức mạnh và khoảng cách gần của Mỹ). Và bằng chứng rằng Triều Tiên có ý định xây dựng kho vũ khí hạt nhân của nước này như một lá chắn cho việc can dự vào chính sách đối ngoại mang màu sắc của chủ nghĩa xét lại cũng kém thuyết phục tương tự. Chẳng hạn, từ năm 1995 đến 2005, Triều Tiên có trung bình 6 hành động khiêu khích quân sự thông thường (không liên quan đến tên lửa và hạt nhân). Tuy nhiên, từ năm 2006 đến 2016, sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của nước này, con số này đã giảm xuống dưới 3, cho thấy rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã khiến nước này bớt khiêu khích trên phương diện quân sự thông thường, chứ không phải khiêu khích hơn. 

Tóm lại, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên dường như là nhằm thực hiện điều mà vũ khí hạt nhân làm tốt nhất, đó là răn đe các cuộc tấn công cả thông thường lẫn hạt nhân từ các đối thủ hùng mạnh bên ngoài. Do đó, việc duy trì binh lính Mỹ tại chỗ và liên minh Mỹ-Hàn có hiệu lực trong khi đòi hỏi phải phi hạt nhân hóa Triều Tiên về cơ bản có nghĩa là Mỹ sẽ phải sẵn sàng can dự vào việc thay đổi chế độ bằng vũ lực. Vì sự hiện diện của Mỹ khiến cho việc Triều Tiên tự nguyện từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này không có khả năng diễn ra, lựa chọn duy nhất để CVID thành công sẽ là việc loại bỏ bằng vũ lực hoặc việc Mỹ rời khỏi bán đảo và từ bỏ đồng minh Hàn Quốc của mình. 

Tiếp theo, hãy xem xét lựa chọn 2 và 3: triển khai về phía trước và tránh sự thay đổi chế độ tốn kém. Nếu 2 mục tiêu này là các mục tiêu chính của Mỹ, thì rõ ràng không thể bổ sung thêm CVID, vì - như đã được chỉ ra trên đây - chính sự hiện diện của Mỹ trên bán đảo là động lực thúc đẩy chính cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Một số người có thể hy vọng rằng một sự lừa gạt chiến lược là câu trả lời cho vấn đề này: với việc Mỹ đe dọa tấn công để gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình của nước này. Tuy nhiên, vì các phí tổn khổng lồ gắn liền với việc sử dụng vũ lực đã được nêu ra trên đây, những lời đe dọa như vậy trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ được coi là không đáng tin cậy và do đó phần lớn sẽ không có hiệu quả. Trong trường hợp xấu nhất, chúng sẽ được coi là đáng tin cậy, thúc đẩy những sự khích lệ “sử dụng nó hay là mất nó” ở Bình Nhưỡng và đe dọa dẫn tới một vụ phóng vũ khí hạt nhân phủ đầu từ phía Triều Tiên - chính là kết quả mà sự lừa gạt này được dự định để tránh khỏi. Do vậy, nếu Mỹ muốn đặt việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn làm mục tiêu chính sách đối ngoại nổi trội trên bán đảo Triều Tiên, thì nước này sẽ phải cân nhắc hoặc di chuyển binh lính Mỹ ra khỏi Hàn Quốc, và thậm chí bãi bỏ liên minh, hoặc sẵn sàng loại bỏ chương trình vũ khí hạt nhân - và có khả năng là chế độ Triều Tiên cùng với nó - bằng vũ lực, và chấp nhận mọi phí tổn sẽ kéo theo. Một lần nữa, chỉ có thể đồng thời thực hiện được 2 trong 3 lựa chọn này. 

Cuối cùng, hãy xem xét lựa chọn 2 và 3: CVID và tránh các phí tổn gắn liền với việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân bằng vũ lực. Hai lựa chọn này có thể được duy trì song song với nhau, nhưng điều này sẽ là không thể nếu Mỹ hy vọng vẫn giữ vị thế triển khai về phía trước của mình trên bán đảo Triều Tiên và liên minh của nước này với Hàn Quốc. Vì không có khả năng Triều Tiên tự nguyện từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này chừng nào Mỹ vẫn triển khai về phía trước và liên minh với Hàn Quốc, nên việc duy trì CVID và tránh khỏi sự thay đổi chế độ bằng vũ lực tốn kém trên thực tế có nghĩa là Mỹ sẽ phải di chuyển ra ngoài và thậm chí cân nhắc việc bãi bỏ các cam kết liên minh của nước này với Hàn Quốc. Không thể cùng lúc duy trì cả 3 mục tiêu này. 

Phản biện 

Một số người có thể ngần ngại trước các lập luận này. Họ sẽ tuyên bố rằng chắc hẳn phải có các cách mà theo đó, cả 3 lựa chọn này có thể được duy trì cùng một lúc. Chẳng hạn, một số người có thể lập luận rằng Trung Quốc là chìa khóa cho việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Những người này có thể lập luận rằng với tư cách quốc gia duy nhất có quan hệ ngoại giao, quân sự và đặc biệt là kinh tế quan trọng với Triều Tiên, Trung Quốc có vị thế phù hợp để sử dụng kiểu ảnh hưởng đòn bẩy mà sẽ cho phép Mỹ duy trì cả 3 mục tiêu trung tâm của nước này. Việc Trung Quốc có ảnh hưởng đòn bẩy quan trọng đối với Triều Tiên đương nhiên là đúng. Nhưng điều cũng đúng là Trung Quốc có các lợi ích của riêng nước này trên bán đảo Triều Tiên, và chúng mâu thuẫn gay gắt với các lợi ích của Mỹ. 

Trong khi Trung Quốc chắc chắn sẽ ưa thích hơn một Triều Tiên phi hạt nhân, có 2 điều tồi tệ hơn nguyên trạng theo quan điểm của Trung Quốc. Thứ nhất là sự sụp đổ thảm khốc của chế độ Triều Tiên, dẫn tới những dòng người tị nạn khổng lồ, vũ khí hạt nhân bị buông lỏng, và tiềm năng cho sự can thiệp quân sự quy mô lớn của các cường quốc bên ngoài. Và thứ hai là việc chia sẻ đường biên giới dài 880 dặm (1.420 km) với một “Triều Tiên lớn” cuối cùng được thống nhất, liên minh với Mỹ và có thể sở hữu hạt nhân. Do đó, theo quan điểm của Trung Quốc, việc có một Triều Tiên phụ thuộc sâu sắc, tương đối ổn định, nhìn chung thân thiện và được vũ trang hạt nhân với tư cách một “vùng đệm” giữa chính nước này và các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc sẽ tiếp tục là điều được ưa thích hơn so với bất kỳ sự thay đổi mạnh mẽ nào trên bán đảo. 

Những người chỉ trích cũng có thể lập luận rằng đây là vấn đề về chính sách. Họ có thể khẳng định rằng nếu Mỹ chỉ can dự với Triều Tiên một cách nghiêm túc - về chính trị, kinh tế và quân sự - Mỹ có thể duy trì đồng thời 3 lựa chọn này. Họ có thể lập luận rằng việc giảm bớt các mối đe dọa đối với Triều Tiên, can dự với nước này về chính trị và tạo ra các mối quan hệ kinh tế sâu sắc sẽ khiến cho khoảng cách gần của Mỹ bớt gây đe dọa, và chương trình hạt nhân bớt hấp dẫn đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, hồ sơ can dự của Mỹ với Triều Tiên đơn giản là không xác nhận điều này. Dù trong những năm của “Thỏa thuận khung” dưới thời Clinton, “Đàm phán 6 bên” dưới thời Bush, hay với việc Chính quyền Obama ban đầu lên nắm quyền với sự sẵn sàng “chìa tay giúp đỡ”, Triều Tiên đều không cho thấy sự sẵn sàng nghiêm túc từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Nhưng điều này hoàn toàn không đáng ngạc nhiên. Khi xét đến sức mạnh to lớn của Mỹ và vị thế triển khai về phía trước của nước này trên bán đảo Triều Tiên (chưa nói tới thiên hướng của nước này đối với việc lật đổ các chế độ phi hạt nhân tương đối yếu), bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm bớt những mối đe dọa và gia tăng sự khích lệ để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này có khả năng sẽ thất bại. 

Một số người cũng có thể lập luận rằng CVID, sự triển khai về phía trước và việc tránh thay đổi chế độ bằng vũ lực có thể được duy trì đồng thời vì việc Triều Tiên sụp đổ dưới sức nặng của chính nước này chỉ còn là vấn đề về thời gian. Họ có thể ấn định rằng vì lẽ đó, Mỹ đơn giản có thể “chờ thời” trong khi chế độ Triều Tiên tự đi đến hồi kết. Đương nhiên bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng khi nói tới sự sụp đổ của chế độ Triều Tiên, tác giả bài viết sẽ không trông mong vào điều đó trong thời gian tới. Sự sụp đổ nội tại của Triều Tiên đã được dự đoán từ ít nhất những năm 1990, và tuy thế nước này đã tìm cách thách thức mọi dự đoán trong nhiều thập kỷ, trụ vững qua 2 lần chuyển giao thế hệ của triều đại Kim. Hơn nữa, như đã lưu ý ở phần đầu, với việc Triều Tiên nhanh chóng tiến tới một khả năng răn đe hạt nhân mạnh mẽ hơn, thời gian dường như đứng về phía nước này một cách rõ ràng hơn. Khi xét đến các điều kiện này, có vẻ sẽ là không khôn ngoan khi để chính sách của Mỹ dựa trên dự đoán về sự biến mất đột ngột của chế độ Triều Tiên. Và khi xét đến tất cả các phí tổn và khó khăn mà một kịch bản “hạ cánh cứng” như vậy có khả năng sẽ kéo theo, đây không phải là điều mà chúng ta nên háo hức trông đợi. 

Cuối cùng, những người chỉ trích có thể lập luận rằng có các lựa chọn trung gian: Có lẽ có thể thuyết phục Triều Tiên tạm dừng tiến trình hạt nhân của nước này để đổi lấy những sự nhượng bộ chính trị, kinh tế và an ninh từ phía Mỹ. Điều này đã và đang là cơ sở của đề xuất “đóng băng kép” của Trung Quốc: Triều Tiên sẽ “đóng băng” việc phát triển hạt nhân và tên lửa của nước này, trong khi Mỹ và Hàn Quốc sẽ “đóng băng” các cuộc tập trận quân sự chung. Và sẽ có lập luận rằng việc đơn giản là ngăn chặn sự tiến bộ hạt nhân của Triều Tiên cũng là một bước tiến quan trọng. Tác giả bài viết nhất trí rằng việc “đóng băng” chương trình này sẽ là một diễn biến tích cực theo quan điểm của Mỹ. Tuy thế, điều này chỉ ủng hộ cho các lập luận được đưa ra ở phần trên. Nếu Mỹ sẵn sàng chấp nhận việc “đóng băng” chương trình hạt nhân như một kết quả chấp nhận được, thì trên thực tế, nước này sẽ từ bỏ CVID để ưu tiên việc triển khai về phía trước và việc tránh sử dụng vũ lực - một dấu hiệu rõ ràng của “bộ 3 nan giải” đang tồn tại. 

Thậm chí những lập luận của Mỹ phản đối “đóng băng kép” cũng cho thấy sự tồn tại của một “bộ 3 nan giải”. Nhiều người lập luận rằng việc tạm dừng các cuộc tập trận quân sự chung là không thể chấp nhận được vì nó sẽ gây tổn hại tới cam kết của Mỹ đối với đồng minh Hàn Quốc của nước này, cho thấy rằng hành động này ưu tiên việc tránh chiến tranh và sự tiến bộ rất không chắc chắn hướng tới việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên hơn sự tôn trọng của Mỹ đối với liên minh. Tuy vậy, bằng việc bác bỏ “đóng băng kép” để ủng hộ nguyên trạng, những người này chỉ kéo dài những sự mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trên thực tế, bằng việc đề xuất “đóng băng kép” - nhằm làm giảm bớt các nguy cơ xảy ra chiến tranh bằng một sự thỏa hiệp giữa các cam kết liên minh và các động thái hướng tới việc phi hạt nhân hóa - Trung Quốc dường như nhạy cảm hơn đối với sự tồn tại của một “bộ 3 nan giải” của Mỹ so với chính sách của chính nước Mỹ. 

Lựa chọn 

Tóm lại, Mỹ không chỉ đối mặt với một loạt tình thế tiến thoái lưỡng nan trong chính sách Triều Tiên của nước này, mà là với một “bộ 3 nan giải” mang tính căn bản. Nước này hy vọng đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên, duy trì vị thế triển khai về phía trước và liên minh Mỹ-Hàn, và tránh các phí tổn gắn liền với việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân bằng vũ lực. Nhưng Mỹ chỉ có thể cùng lúc đạt được 2 việc. Nước này sẽ phải lựa chọn. Nếu các lập luận trên đây là đúng, điều này chắc chắn làm dấy lên câu hỏi rằng Mỹ nên tập trung vào 2 lựa chọn nào. Trong 3 lựa chọn này, hai lựa chọn nào nằm trong lợi ích an ninh quốc gia lớn nhất của Mỹ và khu vực nói chung? Khi xét đến các phí tổn khổng lồ của việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân bằng vũ lực, tác giả bài viết cho rằng điều này hầu như hoàn toàn là một lựa chọn giữa phi hạt nhân hóa và triển khai về phía trước. Và lựa chọn giữa 2 phương án này phụ thuộc vào việc chúng ta đang đề cập tới trung đến dài hạn hay ngắn hạn. 

Trong trung đến dài hạn, điều chí ít cũng khả thi là Mỹ có thể duy trì yêu cầu của nước này đối với việc phi hạt nhân hóa và tránh sử dụng sức mạnh quân sự bằng một tiến trình đưa chính nước này rời khỏi bán đảo Triều Tiên và đàm phán lại hoặc giải tán hoàn toàn liên minh Mỹ-Hàn. Khi xét đến việc địa thế của bán đảo Triều Tiên tương đối có lợi cho hoạt động phòng thủ, và rằng Hàn Quốc giờ đây vượt trội hơn hẳn cả về kinh tế lẫn về quân sự so với nước láng giềng phương Bắc của mình, điều này chắc chắn là có thể thực hiện được. Tuy vậy, để tránh gây bất ổn lớn trong khu vực, bất kỳ động thái nào xa rời khỏi việc triển khai về phía trước và hướng tới việc giải tán liên minh Mỹ-Hàn sẽ phải diễn ra từng bước, có khả năng trong vòng khoảng 1 thập kỷ. Và rõ ràng, điều này không nói lên rằng nếu Mỹ rời khỏi bán đảo Triều Tiên thì Triều Tiên chắc chắn sẽ từ bỏ nhanh chóng toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Sau khi phải gánh chịu sự cô lập của quốc tế, các biện pháp trừng phạt kinh tế trên toàn cầu trong suốt nhiều năm, Triều Tiên sẽ khó có thể từ bỏ khả năng hạt nhân của mình một cách dễ dàng. Vấn đề chỉ là theo như tình hình hiện nay, với việc Mỹ đã triển khai về phía trước và liên minh với đối thủ của Triều Tiên ở phía Nam, khả năng Triều Tiên tự nguyện từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này trong ngắn hạn là gần như bằng không. 

Trong ngắn hạn, dường như lựa chọn ít tốn kém nhất của Mỹ là duy trì sự triển khai về phía trước và tránh thay đổi chế độ bằng vũ lực tốn kém, trong khi từ bỏ đòi hỏi của nước này về CVID. Khi xét đến những phí tổn khổng lồ gắn liền với việc sử dụng sức mạnh quân sự trên bán đảo Triều Tiên, và các tác động gây bất ổn của việc rời khỏi bán đảo Triều Tiên một cách quá hấp tấp, việc từ bỏ công cuộc phi hạt nhân hóa và chấp nhận Triều Tiên như một nước sở hữu vũ khí hạt nhân dường như là con đường hợp lý duy nhất trong ngắn hạn. Và thậm chí cách làm này có thể sẽ đem lại một số lợi ích tích cực nào đó. Việc đặt vấn đề phi hạt nhân hóa như điều kiện tiên quyết cho sự tiến bộ trong một số vấn đề quan trọng khác mà cả hai bên đều quan tâm, như những gì Mỹ đã làm từ lâu, có tác động như một sự cản trở đối với quan hệ tốt đẹp hơn ngay cả ở mức khiêm tốn giữa Mỹ và Triều Tiên. Nếu vấn đề phi hạt nhân hóa không đóng vai trò điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán, khả năng tiến bộ trong các lĩnh vực khác này - mặc dù đương nhiên không được đảm bảo - chắc chắn sẽ được cải thiện. Trong khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ có khả năng sẽ phản đối điều này - coi nó là “không thể chấp nhận được” hoặc “bất khả thi về mặt chính trị” - những mâu thuẫn căn bản trong số các ưu tiên chính sách hiện tại của Mỹ đòi hỏi phải đưa ra một số quyết định khó khăn. “Bộ 3 nan giải” của Mỹ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên đồng nghĩa với việc nước này đơn giản là không thể có được “cả chì lẫn chài”.

Nicholas D. Anderson, khoa Khoa học Chính trị, Đại học Yale, Mỹ. Bài viết được đăng trên The Washington Quarterly, Mùa đông 2018.

Trần Quang (gt)