Sự thay đổi trong cách tiếp cận Biển Đông của Ấn Độ gần đây không hoàn toàn đến từ những lời khuyến khích hoa mỹ và to tát nhất của Hoa Kỳ đại loại như Ấn Độ là đối trọng với Trung Quốc, hay như lãnh đạo chính trị và có vai trò mạnh mẽ hơn ở châu Á – Thái Bình Dương…Nguyên nhân chủ yếu chính là hành động kiềm chế mà Trung Quốc đang thực hiện đối với Ấn Độ.

Là hai quốc gia lớn tại khu vực cũng như trên thế giới, và cũng là hai quốc gia có mối quan hệ phức tạp kéo dài đến tận ngày nay. Trung Quốc với chính sách bành trướng, thậm chí là ngạo mạn luôn thực hiện chính sách kìm chế Ấn Độ bằng nhiều phương thức, chính sách khác nhau, và chúng được thực hiện xuyên suốt trong quá trình lịch sử.

Cuộc chiến chớp nhoáng năm 1962 Trung Quốc tiến hành đối với Ấn Độ với khẩu hiệu “Dạy cho một bài học” về khía cạnh nào đó đã thực sự tác động, hay đúng hơn là Trung Quốc đã dạy cho Ấn Độ một bài học đúng như khẩu hiệu. Thứ nhất, trong cuộc xung đột này, gần như mọi ngóc ngách, sự bố trí cũng như đường đi nước bước của quân đội Ấn Độ đã bị Trung Quốc nắm rõ như lòng bàn tay. Thất bại này là nỗi tủi hổ đối với Ấn Độ, thậm chí là nó tạo ra thái độ e dè đối với Trung Quốc cho đến tận ngày nay. Ấn Độ trong con mắt của Trung Quốc chỉ là một cái nhìn coi thường, là kẻ chiếu dưới. Điều này càng khiến cho Ấn Độ bức bối và thậm chí là nuôi hận. Bức bối và hận thù đã khiến cho Trung Quốc trở thành nỗi ám ảnh, là căn bệnh kinh niên đối với Ấn Độ. Thứ hai, qua cuộc chiến này Ấn Độ rõ ràng đã rút ra bài học xương máu cho mình, đó là phải phát triển mạnh về quân sự đủ sức răn đe, luôn luôn đề phòng ông bạn láng giềng, mở rộng các mối quan hệ tạo tư thế răn đe.

Hiện nay, các mối đe dọa chủ yếu về an ninh đối với Ấn Độ là (1) sự xói mòn ảnh hưởng chính trị tại khu vực; (2) ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng ở khu vực. Bởi vậy những cách tiếp cận của Trung Quốc gần đây đối với khu vực này đã khiến cho Ấn Độ đang hết sức lo ngại : những ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại các nước láng giềng như Bangladesh và Myanmar, mối quan hệ tiếp tục gần gũi với Pakistan, cũng như việc Trung Quốc xây dựng thiết bị nhạy cảm tại Ấn Độ Dương (căn cứ và cảng quân sự tại Myanmar và Pakistan). Đặc biệt liên quan đến Pakistan, việc Trung Quốc đã giúp đỡ xây dựng cho Pakistan hai lò phản ứng plutonium từ những năm 70, điều này tạo điều kiện thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân và việc triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật, những loại vũ khí được quân đội Pakistan sử dụng trên chiến trường mà sẽ đặt ra cho Ấn Độ nhiều vấn đề nghiêm trọng trong việc trả đũa nếu Delhi sở hữu những vũ khí nguy hiểm nhưng không cân xứng với Pakistan[1]. Sự lo lắng ngày một tăng khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan đang ngày càng phát triển, trở thành những đồng minh “trong mọi thời tiết” của nhau. Trung Quốc đang trong quá trình cung cấp 4 tàu hộ tống F-22 và hàng chục máy bay chiến đấu hiện đại JF-17 cho Ixlamabát. PLA hiện cũng đã triển khai khoảng 1.000 quân ở vùng Kashmir do Pakixtan kiểm soát để nâng cấp hệ thống đường Karakoram và mở rộng tuyến đường này tới các cảng ở Thành phố Karachi, Gwadar và Bin Qassim của Pakixtan. Một khi được hoàn thành, dự án này không những cho phép Trung Quốc có được chiều sâu chiến lược tại Pakixtan, mà còn tạo điều kiện cho PLA kiếm soát được Vịnh Pécxích[2]. Bên cạnh đó, Trung Quốc không ngừng gia tăng đầu tư về kinh tế bao vây Ấn Độ, hay như việc chưa đồng ý với nguyện vọng của Ấn Độ muốn trở thành thành viên thường trực HĐBA - một địa vị ngang bằng với Trung Quốc cho thấy chính sách kiềm chế, bao vây Ấn Độ trên mọi mặt trận

Trung Quốc là quốc gia có đường biên giới trên bộ tiếp giáp với nhiều quốc gia, Trung Quốc đã giải quyết những tranh chấp với tất cả ngoại trừ Ấn Độ. Những va chạm, xích mích, phô trương dọc biên giới hai bên vẫn thường xuyên xảy ra. Thời gian gần đây, quan chức chính phủ, báo chí Ấn Độ không ngớt phàn nàn về những vụ xâm phạm biên giới ngày càng leo thang từ phía Trung Quốc. Về những vụ xâm phạm biên giới, quân đội Ấn Độ đã ghi lại được 270 vụ xâm phạm biên giới và gần 2.300 trường hợp “tuần tra biên giới mang tính gây hấn” do Trung Quốc thực hiện năm 2008[3]. Vào tháng 5/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K Antony, Cố vấn An ninh Quốc gia Menon, đã cảnh báo đến Thủ tướng Manmohan Singh  về nguy cơ đối với đất nước, trong bản báo cáo, Bộ trưởng A.K Antony cho rằng Trung Quốc hiện có khả năng triển khai hơn nửa triệu quân dọc Tuyến kiểm soát thực tế (LAC) trong một tháng khi có mối nguy cơ đe dọa cao từ Ấn Độ, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện đã có khả năng triển khai 34 sư đoàn (mỗi sư đoàn có 23.000 lính) dọc LAC bằng cách điều quân đội từ các quân khu Chengdu và Lanzhou. Trong khi đó, quân đội Ấn Độ chỉ triển khai 9 sư đoàn dọc biên giới phía Bắc[4].

Không thể phủ nhận những chính sách hành động trên đang gây ra những mối lo ngại không những giới cầm quyền Ấn Độ, mà nó đã tác động đến cả những học giả và người dân. Năm 2009, Bharat Verma, một lãnh đạo trong quân đội và biên tập viên của tờ báo danh tiếng Indian Defense Review, đã tuyên bố rằng “Trung Quốc sẽ tấn công Ấn Độ trước năm 2012… để dạy cho Ấn Độ bài học cuối cùng, từ đó khẳng định uy thế của Trung Quốc ở châu Á trong thế kỷ này.”[5]. Theo điều tra độc lập của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) năm 2010 chỉ ra rằng chỉ có 34% người Ấn Độ có quan điểm tốt về Trung Quốc (giảm so với 46% năm 2009), và 4 trong số 10 người được hỏi coi Trung Quốc  như “một mối đe doạ rất nghiêm trọng”[6]. 

Với những hành động như trên của Trung Quốc, chẳng có lý do gì buộc Ấn Độ phải “đứng im chịu trận”. Rõ ràng họ cần phải hành động trước khi quá muộn.

Ấn Độ hành động

Chính sách kiềm chế của Trung Quốc đối với Ấn Độ tập trung vào các quốc gia láng giềng và những quốc gia có những xích mích với Ấn Độ. Đáp lại, Ấn Độ cũng sẽ có những hành động tương tự đối với Trung Quốc. Những tranh chấp giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng tại Biển Đông và Hoa Đông sẽ được Ấn Độ tận dụng, điều này là động lực thôi thúc Ấn Độ đẩy mạnh chính sách “Hướng Đông” của mình[7].

Bharat Karnad, hiện ở Trung Tâm Nghiên cứu Chính sách, là cựu thành viên của Ban Tham vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ (India’s National Security Advisory Board) và tham gia vào việc viết dự thảo đầu tiên của học thuyết hạt nhân Ấn Độ đã kêu gọi “giúp đỡ Việt Nam gia tăng các lực lượng chiến lược của nước này, hợp tác với Đài Loan trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích “hòa bình”, và thăm dò các biện pháp chiến lược với Nhật Bản để bóp nghẹt tham vọng bành trướng của Trung Quốc, như sự trả đũa cho việc Trung Quốc giúp đỡ Pakistan”[8]. Trong bối cảnh văn hoá kiềm chế chiến lược của Ấn Độ, chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ mang tính cứng rắn này thể hiện tầm nhìn rộng mở và khá quả quyết trong chính sách Trung Quốc của Ấn Độ[9]. Trong nhiều năm, Ấn Độ và các cường quốc khu vực khác đã kiềm chế tránh công khai đối đầu với Trung Quốc vì sợ rằng sẽ kích động Bắc Kinh. Nhưng tính toán đó đã thay đổi khi Trung Quốc, bằng việc thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận nguy cơ leo thang bằng những tuyên bố công khai cứng rắn về đòi hỏi những lợi ích, thậm chí không ngại đối đầu va chạm với Mỹ và các nước khác. Và điều này đã ra hiệu cho công chúng và giới chiến lược Ấn Độ rằng cần phải hành động ngay nếu không sẽ phải trả giá rất nhiều trong tương lai. Và năm 2010 đánh dấu những sự thay đổi lớn về thái độ ở mực công khai của Ấn Độ đối với Trung Quốc.

Bình luận trên tờ Thời báo Ấn Độ (Times of Indian) ngày 7/9/2010, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nói rằng “người Trung Quốc có sự quyết đoán mới … vì vậy, chúng ta cần thiết phải chuẩn bị,”[10]. Điều này đánh dấu một sự xa rời đáng kể khỏi sự trầm lặng mà đã ngự trị trong các phát ngôn của chính quyền ông về Trung Quốc[11]. Trong Thông cáo cuối cùng về chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tới Ấn Độ vào tháng 12/2010 đã không đề cập đến cụm từ “Một Trung Quốc” (One China)[12] – một sự công nhận và ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Tạng và Đài Loan như các Thông cáo trước vẫn thường nhắc đến. Cột mốc thể hiện bước chuyển trong chính sách can dự Biển Đông là quyết định hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu khí tại Biển Đông giữa Công ty dầu khí quốc doanh Ấn Độ (ONGC) với Việt Nam bất chấp sự phản đối từ phía Trung Quốc[13]. Trong cuộc họp báo của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ sang Việt Nam, ông Vishnu Prakash trả lời báo chí về sự phản đối của Trung Quốc đối với dự án khai thác dầu giữa hai nước rằng “Đây là chương trình hợp tác thương mại và kinh tế thiết thực với Việt Nam. Một trong những mặt hợp tác đó là về lĩnh vực năng lượng, hydrocarbons, cũng như năng lượng tái chế. Công ty ONGC Videsh Ltd đã phối hợp với Việt Nam thăm dò dầu khí ngoài khơi trong một thời gian và họ (Việt Nam) đang trong quá trình mở rộng hợp tác và một công ty khác là Essar Oil Ltd cũng đã được cấp phép thăm dò một lô khí đốt tại Việt Nam. Đây (năng lượng) là lĩnh vực hợp tác quan trọng và chúng tôi muốn phát triển việc này. Hợp tác giữa chúng tôi với Việt Nam hay với bất cứ nước nào khác trên thế giới đều tuân thủ luật pháp, quy tắc và công ước quốc tế". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh quan điểm của Ấn Độ về việc "ủng hộ tự do hàng hải tại Biển Đông[14]. Phát biểu của ông Vishnu Prakashn mặc dù không trực tiếp phản đối sự phi lý về yêu sách của Trung Quốc, nhưng rõ ràng nó đã gián tiếp phản đối yêu sách Đường chữ U (Đường lưỡi bò) và ủng hộ yêu sách của Việt Nam khi ông cho rằng “Hợp tác giữa chúng tôi với Việt Nam hay với bất cứ nước nào khác trên thế giới đều tuân thủ luật pháp, quy tắc và công ước quốc tế"[15]. Chủ tịch ONGC ông A.K. Hazarika nói rằng “Chúng tôi có kế hoạch khởi động lại việc khoan dầu tại đó [Biển Đông]. Bộ Ngoại giao [Ấn Độ] đã thông tin cho chúng tôi biết rằng lô dầu khí đó hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Việt Nam và vì vậy sẽ không có vấn đề gì trong vấn đề khai thác dầu khí tại đây”[16]. Tuyên bố này của ông A.K. Hazarika mặc dù không thuộc về phát ngôn của chính phủ, nhưng cũng có thể hiểu rằng dự án này đã được chính phủ Ấn Độ hậu thuẫn.

Bên cạnh việc tự nâng cao khả năng kinh tế và quân sự, Ấn Độ tích cực thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng với khu vực Đông Á, Đông Nam Á thông qua các cơ chế, phương thức để củng cố và phát triển các mối quan hệ. Điều này cho phép Ấn Độ trực tiếp tham gia cạnh tranh ở các khu vực chiến lược của Trung Quốc như Đông Nam Á, Đông Bắc Á…Việc can dự vào Biển Đông một mặt nhằm tìm kiếm chỗ đứng trong khu vực, mở rộng môi trường chiến lược an ninh, mặt khác tạo thế cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc, tạo áp lực lên Trung Quốc buộc nước này phải điều chỉnh chiến lược trong các vấn đề tại Ấn Độ Dương, Nam Á (trong đó nổi bật là vấn Trung Quốc hỗ trợ Pakistan nhằm đối phó với Ấn Độ) và các vấn đề tranh chấp lãnh thổ tồn tại giữa hai nước hiện vẫn chưa được giải quyết.

Một trong những lợi thế của Ấn Độ trong việc cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực đó là việc Ấn Độ không có, hoặc chí ít là không thể hiện tham vọng bá quyền như Trung Quốc. Điều này giúp cho Ấn Độ tạo được nhiều thiện cảm, sự tin tưởng hơn là những mối nghi ngờ, e ngại trong các mối quan hệ của các quốc gia khu vực đối với Trung Quốc. Trong khoảng thời gian hai năm trở lại đây, các quan chức quốc phòng Ấn Độ liên tiếp có những chuyến viếng thăm cấp cao đến các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á: Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản…Nhằm tăng cường và thúc đẩy sự hiện diện trên  Biển Đông , hải quân Ấn Độ thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận thường niên với các quốc gia khu vực: cuộc tập trận thường niên Malabar giữa Ấn Độ và Mỹ luân phiên tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cùng với sự có mặt của hải quân Singapore, Nhật Bản và Australia; tập trận thường niên SIMBEX với Singapore…Các cuộc viếng thăm chính thức của các tàu hải quân Ấn Độ tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng được tiến hành thường xuyên với mật độ ngày càng tăng: tới Việt Nam, Philippin (1998 và 2001) và Malaysia (2000), các tàu chiến hải quân Ấn Độ tiếp tục thực hiện nhiều chuyến thăm tới nhiều quốc gia ở toàn khu vực Đông Nam Á như Campuchia (2008), Indonesia (2004, 2008), Malaysia(2005, 2008), Philippin (2004), Singapore (2005), Việt Nam ( 2004, 2005, 2006, 2008) và Đông Bắc Á như Hàn Quốc (2004), Nhật Bản (2004). Giai đoạn này các cuộc tập trận hải quân chung cũng được thực hiện giữa Ấn Độ với Trung Quốc (2003), với Nhật Bản và Mỹ (2007). Từ năm 2007, các cuộc tập trận hải quân chung giữa Ấn Độ và Hàn Quốc được tổ chức thường niên.

Trong chính sách “Hướng Đông”, Việt Nam chiếm vị trí quan trọng. Theo đánh giá của P.K. Patasani, thành viên Hạ viện Ấn Độ (Lok Sabha) thì “Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường các lợi ích chính trị, kinh tế và an ninh của Ấn Độ ở Đông Nam Á, cũng như đối với sự thành công của chính sách “Hướng Đông”[17]. Với sự nổi lên của Trung Quốc thời gian gần đây, cùng với những thách thức mà nước này đặt ra đối với lợi ích của Ấn Độ, mối quan hệ song phương giữa hai nước đang ngày càng được củng cố mạnh mẽ. Trong chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Fernades tới Việt Nam năm 2000, hai bên đã nhất trí “đào tạo hải quân chung, diễn tập chống cướp biển chung ở Biển Đông, đào tạo chiến tranh rừng rậm, đào tạo chống bạo động; đào tạo phi công của không quân Việt Nam tại Ấn Độ, các chương trình sửa chữa phi cơ chiến đấu của Không quân Việt Nam, Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam trong việc thiết lập các cơ sở sản xuất trang thiết bị quân sự”[18]. Năm 2007, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ  A.K. Antony, Ấn Độ thông báo sẽ cung cấp gần 5000 phụ tùng quan trọng dùng cho tàu chiến chống ngầm lớp Petya của Hải quân Việt Nam và đầu năm 2008 cử một 4 chuyên gia sang đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình  để tham gia các sứ mệnh của Liên Hợp Quốc[19]. Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã thăm Ấn Độ (5-9-11/2009) với mục tiêu thúc đẩy quan hệ hợp tác trong khuôn khổ Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược mà lãnh đạo hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã ký vào tháng 7/2007.  Quan hệ hai nước đã được nâng thành Quan hệ Đối tác Chiến lược trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 7-2007), các cuộc viếng thăm của các quan chức cấp cao thường xuyên được tiến hành: chuyến thăm của ngoại trưởng Ấn Độ S.M.Krishna từ ngày 15 – 17/9/2011, chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang sang Ấn Độ ngày 11 – 12/10/2011 với nhiều thỏa thuận, tuyên bố chung liên quan đến việc thúc đẩy mối quan hệ song phương trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế cũng như tình hình an ninh trên biển được thảo luận…

Ấn Độ cần chủ động trong vấn đề Biển Đông

Mặc dù về an ninh, năng lượng, Biển Đông không phải là ưu tiên hàng đầu đối với Ấn Độ, nhưng chắc chắn Ấn Độ có những lợi ích chiến lược tại đây.

Thứ nhất, việc chủ động can dự Biển Đông của Ấn Độ buộc Trung Quốc phải suy tính và từ đó điều chỉnh chính sách mà nước này đang thực hiện đối với Ấn Độ. Việc thêm một bên thứ ba dính líu vào tranh chấp Biển Đông là điều Bắc Kinh không hề mong muốn. Sự can dự của Ấn Độ càng củng cố thêm cục diện “một chọi tất cả” mà Trung Quốc hiện nay đang gặp phải trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Rõ ràng Ấn Độ sẽ tạo thế chủ động hơn đối với Trung Quốc trong cuộc chơi này hơn là việc chỉ đối phó một cách bị động đối với sự trợ giúp của Trung Quốc với Pakixtan.

Thứ hai, sẽ là một lời cảnh cáo gián tiếp đối với Pakixtan. Mối quan hệ giữa Pakixtan và Mỹ đang xấu đi kể từ khi Mỹ hạ sát trùm khủng bố Biladen ngay trên lãnh thổ Pakixtan, Trung Quốc lại không mặn mà với vai trò thay thế Mỹ tại đây. Nếu Ấn Độ chủ động và đóng vai trò tích cực tại Biển Đông để buộc Trung Quốc phải suy nghĩ và điều chỉnh chiến lược kiềm chế Ấn Độ, thì nó cũng buộc Pakixtan phải suy nghĩ về mối quan hệ tích cực với Ấn Độ hơn là đối đầu trong tương lai.

Thứ ba, vai trò, vị thế và khu vực ảnh hưởng sẽ tăng lên. Trong tranh chấp Biển Đông hiện nay, mọi dư luận quốc tế đều phê phán và không  ủng hộ yêu sách cũng như cách thức thực hiện nhằm củng cố yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Là nước lớn trong khu vực, việc thể hiện vai trò trách nhiệm đối đối với an ninh, lợi ích chung luôn được cộng đồng quốc tế chào đón và khuyến khích

Thứ tư, ngăn chặn từ xa đối với chiến lược mở rộng ảnh hưởng ra Ấn Độ Dương của Trung Quốc. Sẽ như thế nào nếu Trung Quốc độc chiếm được Biển Đông? Liệu khi đó Ấn Độ Dương có còn là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ? Khi đó, những mối đe dọa an ninh không chỉ đến từ đất liền, mà cả biển cũng sẽ là mối đe dọa đối với an ninh của Ấn Độ.

Thứ năm, đây là cơ hội không thể tốt hơn để Ấn Độ xóa bỏ tâm lý e ngại trước Trung Quốc và hơn thế nữa là “dạy cho Trung Quốc một bài học” để khẳng định vị thế của mình tại khu vực. Với nguồn lực, vị thế như hiện nay, Ấn Độ hoàn toàn có thế thực hiện điều này. Một bài học cho Trung Quốc không những buộc Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách với Ấn Độ, mà nó còn xóa bỏ những ký ức về cuộc chiến 1962, cảnh cáo Pakixtan, tự tin trước Trung Quốc cũng như khẳng định vị thế của một nước lớn.

Biển Đông không phải là ưu tiên an ninh, năng lượng hàng đầu nhưng sẽ là lá bài chiến lược đối với Ấn Độ. Trước một Trung Quốc đang không ngừng phát triển, không ngừng mở rộng ảnh hưởng, Ấn Độ cần có phải hành động ngay từ bây giờ nếu không muốn nhận thêm một bài học nữa từ Trung Quốc trong tương lai.

Văn Cường

 



[1] SHASHANK JOSHI, Why India is becoming Warier of China?

[2] Tin tức quốc phòng, Ấn Độ. Xem tại http://www.defencenews.in/defence-news-internal.asp?get=new&id=459

[3] Báo New York Times ngày 3/9/2009. Xem tại đây http://www.nytimes.com/2009/09/04/world/asia/04chinaindia.html?pagewanted=all

[4] Theo Tin tức quốc phòng, Ấn Độ. Xem tại đây http://www.defencenews.in/defence-news-internal.asp?get=new&id=459

[5] Unmasking China, Indian Defence Review. Xem tại  http://www.indiandefencereview.com/2009/08/unmasking-china.html

[6] Theo điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Pew 2010. Xem tại đây http://pewglobal.org/files/2010/10/Pew-Global-Attitudes-India-Report-FINAL-October-20-2010.pdf

[7] Sau khi quyết định tiến hành cải cách toàn diện nền kinh tế vào năm1991, chính phủ Ấn Độ đã triển khai chính sách “Hướng Đông” vào năm 1992

[8] Bharat Karnad, India’s Nuclear Policy, Vol. 33, No. 6, November 2009, 918-930

[9] SHASHANK JOSHI, Why India is becoming Warier of China?

[11] SHASHANK JOSHI, Why India is becoming Warier of China?

[12] Thông cáo về Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, 16/12/2010. Xem tại đây http://www.mea.gov.in/mystart.php?id=530516879

[13] Ngày 15.9, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du tuyên bố tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng: "Tôi muốn tái khẳng định rằng Trung Quốc được hưởng chủ quyền không thể tranh cãi trên Biển Đông và các hải đảo. Vị trí của Trung Quốc là dựa trên những sự kiện lịch sử và luật pháp quốc tế. Chúng tôi phản đối bất kỳ quốc gia nào tham gia vào các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc”. Họp báo của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/9/2011. Xem tại đây http://www.fmprc.gov.cn/eng/xwfw/s2510/t860126.htm

-    Theo  báo Hindustan Times, Bắc Kinh đã gửi công hàm ngoại giao cảnh báo rằng nếu không có sự cho phép của Trung Quốc thì hoạt động thăm dò của công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) tại các lô dầu 127 và 128 là bất hợp pháp. Xem tại đây http://www.sgtt.com.vn/Thoi-su/152974/Trung-Quoc-phan-doi-An-Do-khai-thac-dau-khi-tren-bien-Dong.html

[14] Họp báo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ sang Việt Nam. Xem tại đây http://www.mea.gov.in/mystart.php?id=530318274

[15] Như 14

[17] P.K. Patasani, India and its Look East Policy, NAM Today, Vol. XXVII, No. 4, tháng 4/2010, tr. 18.

[18] Subhash Kapila, India-Vietnam Strategic Partnership Needs Political Impetus From India, South Asia Analysis Group, Paper no. 1397, ngày 1/6/2005,

http://www.southasiaanalysis.org/%5Cpapers14%5Cpaper1397.html

[19] India-Vietnam military ties taking shape. Xem tại http://www.indianexpress.com/news/indiavietnam-military-ties-taking-shape/251420/