Thực tế cho thấy, dù Barack Obama hay Mitt Romney thắng cử, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc không tốt hơn được và cũng chẳng thể xấu thêm. Tuy nhiên, do đã có 4 năm “dùi mài” và cọ xát, nếu Obama liên nhiệm sẽ có lợi hơn đối với những nhu cầu hiện thực của hai nước Trung-Mỹ. Như lời Giáo sư Chu Phong (thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Đại học Bắc Kinh) từng nói, từ năm 1991 đến nay Mỹ đã tiến hành 6 cuộc bầu cử tổng thống, song chưa bao giờ lại khó đoán định về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc như lần này. Trên thực tế, nếu nói trên phương diện tình cảm, người Trung Quốc có thiện cảm với Obama hơn và khá phản cảm với Romney, người chủ trương chính sách mang kiểu "tấn công” đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế 4 năm qua lại cho thấy Obama không hề “hữu hảo” như trong tưởng tượng. Lên nắm quyền không lâu, Obama đã khởi động chiến lược “trở lại châu Á”, mà chiến lược này lại biểu hiện ở các mặt bao vây và kiềm chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Từ cuộc tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku gần đây, cho tới tranh chấp ở Biển Đông, rồi nguy cơ chiến tranh thương mại và tỷ giá hối đoái Trung-Mỹ, người Trung Quốc đều có thể thấy rõ thế áp bức của Mỹ đối với nước khác. Tuy nhiên, Romney cũng không phải là người “hữu hảo” gì, khi cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ mới bắt đầu, ông ta đã công kích Trung Quốc, thậm chí không tiếc lời tuyên bố “khi trúng cử sẽ quy kết Trung Quốc là nước thao túng tỷ giá”, giảm thiểu sự dựa dẫm mậu dịch vào Trung Quốc... Cho dù Romney trước đây có tích cực tiến hành trao đổi thương mại với Trung Quốc, song chỉ với những ngôn từ chỉ trích trong cuộc tranh cử cũng khiến người Trung Quốc không thể ủng hộ. 

Nếu như loại bỏ nhân tố tình cảm, khách quan mà nói, lần này cho dù Obama hay Romney trúng cử, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc cũng đều không có thay đổi lớn. Do sự điều chỉnh kết cấu kinh tế của Mỹ và sự điều chỉnh kết cấu kinh tế của Trung Quốc gần như được tiến hành đồng thời, sự cọ xát và xung đột hai bên trong lĩnh vực mậu dịch và tiền tệ là khó tránh khỏi. Nếu Obama liên nhiệm, điều đó có nghĩa là đa số cử tri Mỹ tin tưởng ông ta có năng lực làm cho kinh tế Mỹ chuyển biến tốt đẹp thêm một lần nữa, tức là tất nhiên sẽ phải tiếp tục chính sách “ép Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc trò chơi” được áp dụng suốt 4 năm qua. Ngược lại, nếu Romney thắng cử, có nghĩa là chính sách "mạnh tay" với Trung Quốc sẽ được triển khai sâu sắc hơn nữa, chiến tranh mậu dịch gần như là không thể tránh khỏi. Điều này không phải là quan điểm của cá nhân người thắng cử tổng thống, cũng không phải là đại cương chính sách của Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, mà là phản ánh hiện trạng của nước Mỹ hiện nay và cách nhìn của người dân Mỹ đối với tương lai. Theo kết quả điều tra mới đây của Công ty PEW, chủ đề chính sách đối thoại mà hơn 70% người dân Mỹ lo lắng nhất đó là Trung Quốc nắm giữ nợ của Mỹ, xuất siêu của Trung Quốc sang Mỹ và đầu tư của Mỹ đối với Trung Quốc. Mặc dù đa số người Mỹ chủ trương tăng cường quan hệ Trung-Mỹ, song có tới 63% người Mỹ chủ trương chính sách đối với Trung Quốc cần phải “cứng rắn hơn”. Điều này đủ để nói rằng ý nghĩa của Trung Quốc đối với Mỹ đã có sự thay đổi mang tính căn bản. Nếu nói rằng mười mấy năm trước Trung Quốc chỉ là một “thực tế” mang ý nghĩa địa chính trị đối với Mỹ, thì nay, Trung Quốc đã là yếu tố quan trọng đối với vị trí siêu cường của Mỹ. Cho dù Mỹ có thể khắc phục được những khó khăn hiện nay hay không, có thể vực được dậy hay không, tất cả đều cần đến Trung Quốc và cũng cần phải “bao vây” Trung Quốc, hai bên đã hình thành một khối chung lợi ích khác với trước đây. Do vậy, chính sách tranh cử của các ứng cử viên không thể vượt quá nhu cầu quốc gia hiện nay của Mỹ. 

Trên thực tế, dù là cuộc tranh cử năm 2008 hay cuộc tranh cử hiện nay, Obama đều luôn nhấn mạnh rằng hai nước có lợi ích chung, chủ trương hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Trong vấn đề Đài Loan, Đảng Dân chủ nhất quán chủ trương nguyên tắc một Trung Quốc, chủ trương duy trì hòa bình và ổn định khu vực biển Đài Loan. Ông Obama cho biết sẽ phản đối tình trạng cơ hội việc làm của Mỹ “chạy” sang Trung Quốc, phản đối chính sách tỷ giá của Trung Quốc… điều này cho thấy cọ sát mậu dịch Trung-Mỹ sẽ gia tăng nhiều sau khi Obama thắng cử. Tuy nhiên, do quan hệ hợp tác song phương trước đây đã rất sâu sắc, các vấn đề trên chỉ là những mối lo nhỏ. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, xu thế Obama ra sức xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác Trung-Mỹ mang tính xây dựng sẽ không có nhiều thay đổi.

Theo “Đại Công báo” (Hồng Công) (ngày 6/1)

Lê Sơn (gt)