Trong những ngày này, đại diện của hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế - trong đó có 21 nguyên thủ quốc gia - đang tập trung tại Indonesia để tham dự lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung. Tuy nhiên, báo chí Indonesia cho biết có nhiều nguyên thủ quốc gia đã hủy bỏ kế hoạch tham dự hội nghị này, trong đó có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, Thủ tướng Sri Lanka Maithripala Sirisena và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại cùng tham dự hội nghị, mở đường cho một cuộc "đấu khẩu" về tương lai của thế giới. 

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình đã đưa ra ba bước để tiếp tục duy trì tinh thần của Hội nghị Bandung (đoàn kết, hữu nghị và hợp tác) trong thế kỷ 21. 

Thứ nhất, thúc đẩy hợp tác Á- Phi bằng cách các quốc gia thuộc hai châu lục "gắn kết chiến lược phát triển và chuyển hóa tính bổ sung cho nhau về kinh tế để tạo thành động lực thúc đẩy phát triển chung". Hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên khi đây cũng là tôn chỉ của chiến lược "Con đường Tơ lụa" trên biển của Trung Quốc, với điểm kết thúc ở Kenya. 

Thứ hai, cần "mở rộng hợp tác Nam-Nam". Ông Tập Cận Bình cho rằng các nước đang phát triển cần "hợp sức để cùng tiến lên phía trước", một khẩu hiệu ám chỉ cả phát triển kinh tế lẫn đoàn kết chính trị. Trong thời gian qua, Trung Quốc vẫn luôn lớn tiếng kêu gọi sự có mặt nhiều hơn của các nước đang phát triển trong các tổ chức quốc tế, và vẫn luôn coi mình là người dẫn dắt nỗ lực này. Hãng tin Tân Hoa Xã đã miêu tả Hội nghị Bandung đầu tiên vào năm 1955 như một chương mới cho công cuộc đấu tranh giành độc lập và phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia đang phát triển, đồng thời tạo ra một trật tự thế giới cân bằng hơn. Đây cũng là những chủ đề chính của nền ngoại giao Trung Quốc hiện nay. Trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã, ông Tạ Phong - Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia - cho biết các nước châu Á và châu Phi cần hợp tác nhiều hơn về chính trị để đảm bảo tính công bằng, gia tăng tiếng nói của các nước đang phát triển, thúc đẩy dân chủ và sự hợp lý trong quan hệ quốc tế. 

Cuối cùng, ông Tập Cận Bình kêu gọi thúc đẩy hợp tác Nam-Nam dựa trên cơ sở "công bằng và tôn trọng lẫn nhau". Ông Tập Cận Bình cũng cho rằng các nước phát triển có nghĩa vụ thúc đẩy phát triển ở các quốc gia kém phát triển hơn, đồng thời thu hẹp khoảng cách Bắc-Nam. Đặc biệt, ông còn yêu cầu các khoản việc trợ cho các nước đang phát triển không được đi kèm với các điều kiện chính trị. Trung Quốc cũng chỉ ra những sáng kiến mà nước này đã đóng góp cho sự phát triển Á-Phi: "Một vành đai, một con đường", "Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á" và "Con đường Tơ lụa". Ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc có thể tạo ra "100.000 cơ hội đào tạo cho các nước đang phát triển ở châu Phi và châu Á trong vòng 5 năm nữa". 

Xét về bề nổi, kế hoạch của ông Tập Cận Bình không khác lắm so với những phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trả lời phỏng vấn tờ "Bưu điện Jakarta", ông Abe nhấn mạnh vai trò của Nhật Bản trong việc thúc đẩy "tinh thần Bandung" nói riêng và hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế nói chung. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đưa ra những cam kết đầu tư cho sự phát triển của các nước Á-Phi. Ông Abe khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của châu Phi và châu Á thông qua việc cung cấp vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA), thúc đẩy thương mại và đầu tư dưới hình thức liên kết công-tư và phát triển nguồn nhân lực. Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị, ông Abe cam kết giúp đỡ khoảng 350.000 người trong khu vực Á-Phi tiếp cận được với công nghệ và các kiến thức về công nghiệp trong vòng 5 năm tới. Có cùng ý kiến với Trung Quốc về sự cần thiết phát triển cơ sở hạ tầng, ông Abe hứa thúc đẩy đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao. 

Mặc dù chiến lược đối với hợp tác Á-Phi của Trung Quốc và Nhật Bản có vẻ giống nhau, nhưng trên thực tế khả năng thực hiện của mỗi nước lại khác nhau. Trung Quốc sẽ sử dụng chiến lược "Một vành đai, một con đường" để thúc đẩy hợp tác Á-Phi, trong khi Nhật Bản sẽ khó tham gia vào sáng kiến này. Thay vào đó, trong phát biểu của mình tại Hội nghị, ông Abe đã chỉ trích cách tiếp cận của Trung Quốc: "Chúng ta không bao giờ được chấp nhận việc sử dụng vũ lực của một nước mạnh để chèn ép các nước láng giềng yếu hơn. Thế hệ trước của chúng ta đã nêu lên quan điểm tại Bandung rằng danh dự của một quốc gia có chủ quyền, dù là nước lớn hay nước nhỏ, đều cần được bảo vệ". Có vẻ như phát biểu này ám chỉ những hành động của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông, vốn bị Nhật Bản coi là "gây lo ngại".

Bài phát biểu của ông Abe cũng không nhắc đến sự đoàn kết Nam-Nam như ông Tập Cận Bình, cũng như việc các nước phát triển có trách nhiệm phải giúp các nước đang phát triển thoát ra khỏi tình trạng nghèo đói và chia sẻ quyền quyết định các vấn đề của quốc tế với các nước này. Bên lề Hội nghị, ông Tập Cận Bình và ông Abe đã có cuộc tiếp xúc song phương lần thứ hai trong vòng 5 tháng qua. Nhiều ý kiến cho rằng việc hai nhân vật này tham dự Hội nghị, trong khi nhiều người đồng nhiệm khác vắng mặt, thể hiện sự nghiêm túc của Trung Quốc và Nhật Bản trong mối quan hệ với các nước Á-Phi. Ngoài ra, sự có mặt này cũng có thể cho thấy một cuộc cạnh tranh không công khai giữa hai nước, khi mà đôi bên đều không muốn bỏ lỡ cơ hội hình thành nên di sản của hợp tác Á-Phi cho 60 năm tiếp theo.

Theo The Diplomat

Trần Quang (gt)