Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ phản ánh đầy đủ sự hoạch định về mặt chiến lược quan hệ hai nước trong tương lai, mà còn thể hiện ở góc độ chiến thuật trong hợp tác và hiệp đồng để đối phó với một số vấn đề đang xảy ra ở châu Á-Thái Bình Dương. Trong "Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt-Mỹ" vừa qua, hai bên đều bày tỏ mong muốn thực hiện nguyên tắc 16 chữ "gác lại quá khứ, xóa bỏ khác biệt, tìm lợi ích chung, hướng tới tương lai", quyết tâm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. 

Kể từ sau khi bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ năm 1995, quan hệ hai nước về cơ bản đã trải qua ba giai đoạn. 

Giai đoạn một là trong những năm 1990, quan hệ hai bên chủ yếu tập trung vào khía cạnh "xoa dịu nỗi đau sau chiến tranh". Một mặt, Việt Nam tích cực hợp tác và hỗ trợ Mỹ tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong cuộc chiến tranh Việt Nam, mặt khác, Mỹ giúp Việt Nam giải quyết vấn đề chất độc da cam đã từng rải xuống Việt Nam trong cuộc chiến tranh. Ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã bàn giao cho Mỹ ba bộ hài cốt lính Mỹ từng bỏ mạng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. 

Giai đoạn thứ hai là từ cuối những năm 1990 cho đến đầu thế kỷ 21, quan hệ hai nước phát triển chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thương mại và đầu tư. Quan hệ thương mại song phương đã có sự phát triển nhanh chóng, kim ngạch thương mại từ 700 triệu USD những năm đầu thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay đã đạt 40 tỷ USD. Mỹ là nước tiếp nhận hàng hóa xuất khẩu lớn của Việt Nam đồng thời là một trong 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD. 

Giai đoạn thứ ba từ đầu năm 2003 trở lại đây, đánh dấu thời kỳ phát triển nhảy vọt trong quan hệ Việt-Mỹ. Năm 2003, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phạm Văn Trà thăm Mỹ, tăng cường hợp tác quân sự và an ninh với Mỹ, quan hệ hai bên chuyển từ lĩnh vực kinh tế sang lĩnh vực an ninh quân sự. Năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Mỹ, hai nước thiết lập khuôn khổ đối thoại, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, quân sự và ngoại giao. 

Năm 2012, Mỹ sau khi rút quân khỏi Iraq, ngay lập tức tuyên bố sẽ triển khai 60% lực lượng hải quân và không quân của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bắt đầu thực hiện chiến lược "tái cân bằng châu Á". Mỹ rất coi trọng vai trò và vị trí địa lý của Việt Nam trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhằm thực hiện hiệu quả hơn chiến lược "tái cân bằng châu Á", Mỹ tích cực thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với Việt Nam trên nhiều phương diện. 

Năm 2013, hai bên quyết định thành lập "quan hệ đối tác toàn diện", nhất trí duy trì các cuộc trao đổi cấp cao, tổ chức các đoàn đại biểu cấp cao thăm viếng lẫn nhau, thành lập các nhóm về chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh, dân chủ, nhân quyền… để định kỳ tiến hành trao đổi ý kiến về các vấn đề cùng quan tâm. Việc thiết lập "quan hệ đối tác toàn diện" mặc dù thời gian chưa lâu, song tốc độ phát triển đáng kinh ngạc: Quốc hội Mỹ thông qua "Hiệp định 123" giúp Việt Nam phát triển năng lượng hạt nhân phục vụ mục đích dân sự, ngoài ra Mỹ còn tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đổi lại, Việt Nam cũng đã ký Hiệp định chống phổ biến vũ khí sát thương hàng loạt. Hai nước còn ký "Tuyên bố về tầm nhìn chung" trong quan hệ quốc phòng để tăng cường hợp tác song phương trong khu vực và các vấn đề đa phương. Ngoài ra, các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam còn có các cuộc nói chuyện và trao đổi với đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa Mỹ. 

Trên cơ sở phát triển nhanh chóng quan hệ song phương 20 năm qua, chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này tập trung vào tương lai, nhằm thúc đẩy quan hệ song phương "sâu sắc hơn, lâu dài hơn, ổn định hơn và thực chất hơn". Hai nước quyết định coi việc tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị là nhiệm vụ cấp bách hiện nay, hai bên cũng quyết định tăng cường giao lưu ở cấp cao, mở rộng hơn nữa các cuộc giao lưu cấp cao này để xây dựng lòng tin lớn hơn giữa hai nước. Ngoài ra, chuyến thăm cũng tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như kinh tế thương mại, văn hóa giáo dục, khoa học công nghệ, y tế và bảo vệ môi trường. 

Theo báo Liên hợp Buổi sáng (Singapore)

Hoàng Lan (gt)