Theo tờ “Sankei”, Lào có kế hoạch xây đập thủy điện Xayaburi ở phía Bắc Lào với tổng công suất 1,26 triệu kw và sẽ xuất khẩu phần lớn lượng điện này cho Thái Lan. Lào là một đất nước có nhiều đồi núi, do vậy nước này tập trung vào chiến lược dùng thủy điện để sản xuất điện phục vụ phát triển kinh tế. Việc xây dựng đập Xayaburi là bước đi quan trọng trong mục tiêu biến khu vực này trở thành trung tâm điện lực của Đông Nam Á.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức môi trường trong và ngoài khu vực đã phản đối kế hoạch này vì lo ngại nó có thể ảnh hưởng tới môi trường và hệ sinh thái của sông Mêkông. Các nhà chuyên môn cảnh báo rằng đập Xayaburi sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nghề cá, trong khi cuộc sống của 60 triệu người dân hạ lưu sông Mêkông cũng bị đe dọa.

Việt Nam, người bạn thân thiết của Lào, cũng là nước phản đối kịch liệt kế hoạch xây dựng đập Xayaburi. Báo chí Việt Nam đăng tải rất nhiều đánh giá của các chuyên gia cảnh báo rằng đập Xayaburi có thể chặn dòng lưu thông của phù sa từ thượng lưu và tác động tới vùng đồng bằng do nước mặn xâm nhập. Tại cuộc họp Ủy ban sông Mêkông vào tháng 4/2011, phái đoàn Việt Nam đã yêu cầu Lào hoãn xây dựng đập Xayaburi ít nhất 10 năm để đánh giá thiệt hại của kế hoạch này. Sau đó, tại cuộc gặp thượng đỉnh hồi đầu tháng 5/2011, Thủ tướng Lào Thoongsing Thammavong đã thông báo kế hoạch quyết định tạm dừng dự án Xayaburi để đánh giá thiệt hại và sửa đổi một số nội dung, nhưng hoàn toàn không phải là hủy bỏ kế hoạch này. Ngoài Xayaburi, Lào còn có kế hoạch xây dựng thêm 10 đập nữa ở hạ lưu sông Mêkông nên có khả năng quan hệ giữa hai nước sẽ có những biến động xấu đi trong thời gian tới.

Là nước cũng có kế hoạch xây dựng 8 đập thủy điện (trong đó có 4 đập đã hoàn thành) ở thượng lưu sông Mêkông, Trung Quốc đã tỏ ý ủng hộ Lào và gây chia rẽ quan hệ Việt-Lào. Thời gian qua, Trung Quốc đang tăng cường sức ảnh hưởng tới Lào thông qua con bài kinh tế như viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật trong các dự án xây dựng đường bộ cao tốc, đường sắt và khu công nghiệp. Việc thể hiện quyết tâm xây đập Xayaburi cũng là một động thái thể hiện chiều hướng “nghiêng” về Trung Quốc của chính phủ Lào.

Trong khi đó, quan hệ đặc biệt với Lào là một điều kiện tiên quyết trong chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia của Việt Nam. Do vậy, Việt Nam nhiều năm qua đã có nhiều viện trợ kinh tế và xây dựng quan hệ giao lưu tình cảm với Lào. Trong bối cảnh cuộc tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông hiện nay ngày càng căng thẳng, sự “giành giật” trong quan hệ với Lào giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng sẽ là một “cuộc chạy đua” cần sự chú ý trong thời gian tới.

  Theo Sankei

 Viết Tuấn (gt)