ASEAN đang thu hút sự chú ý của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là sau sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hồi cuối năm ngoái. Khu vực này không chỉ giàu về tài nguyên thiên nhiên và đông dân mà còn có những cơ hội phát triển hết sức to lớn. Với Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) lên tới 2.600 tỷ USD, nền kinh tế của cả khu vực ASEAN đứng thứ bảy trên thế giới và dân số lớn thứ ba thế giới với 622 triệu người. Theo một báo cáo của Công ty kiểm toán KPMG, từ nay đến năm 2022, khu vực này cần khoảng 60 tỷ USD mỗi năm để đáp ứng các nhu cầu về hạ tầng cơ sở, trong đó các lĩnh vực năng lượng và vận tải chiếm phần lớn nhất. 

Tuy nhiên, Hàn Quốc dường như đang chậm chân trong cuộc đua toàn cầu giành lợi thế tại thị trường đầy hứa hẹn này. Điều này không phải là do Hàn Quốc thiếu các thương hiệu được biết đến trên toàn cầu hay một nền văn hóa mạnh mẽ mà là do sự hiện diện chính trị của Seoul tại khu vực này còn quá yếu. Nhiều chuyên gia ASEAN nhận định sự hiện diện về kinh tế và văn hóa của Hàn Quốc đang gia tăng rõ rệt tại đây nhờ sự bùng nổ của hiện tượng “làn sóng Hàn Quốc”, nhưng họ cũng chỉ ra rằng các mối quan hệ ngoại giao và chính trị của Hàn Quốc với ASEAN chưa được chặt chẽ. 

Một nhà phân tích chính trị tại Singapore, yêu cầu giấu tên, nói: “Hàn Quốc đã đạt được sự gia tăng mạnh mẽ trong việc mở rộng sự hiện diện về mặt kinh tế và văn hóa tại Singapore và các nước khác của ASEAN. Tuy nhiên, tôi không cho rằng các nhà lãnh đạo ASEAN có được cảm giác rằng Hàn Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với họ như Nhật Bản và Trung Quốc đang có”. Điều này cần phải được coi là một vấn đề nghiêm trọng bởi một thực tế như vậy có thể dẫn đến tình trạng Hàn Quốc đánh mất các cơ hội trong khu vực, thí dụ như để tuột mất các hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở- một việc rất cần đến ảnh hưởng chính trị và khả năng vận động hành lang. 

Nhiều người nhận định rằng chính sách đối ngoại của Tổng thống Park Geun-hye có thể là nguyên nhân của tình trạng trên và cho rằng bà chưa chứng tỏ được cam kết đối với việc tăng cường các mối quan hệ với ASEAN, trong khi lại chú trọng hơn đến bốn nước lớn xung quanh Bán đảo Triều Tiên là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. Lâu nay Nhật Bản và Trung Quốc vẫn đang theo đuổi một chiến lược lấy ASEAN làm trọng tâm, còn Nhật Bản thì đã trở thành một nhân tố lớn trong khu vực, trong khi Mỹ cũng đang chú ý nhiều đến các nước ASEAN. 

So với chính sách đối ngoại của các nước Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ, người ta có thể nói rằng chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đã tạo ra một ấn tượng là bà Park Geun-hye ít quan tâm tới ASEAN hơn các khu vực khác. Một ví dụ cho thực trạng trên là kể từ khi lên làm Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã đi thăm gần như tất cả các nước thành viên ASEAN, còn bà Park Geun-hye thì chỉ mới thăm rất ít trong số các nước này, trong đó một số chuyến thậm chí không phải là thăm cấp nhà nước mà chỉ là để dự các sự kiện đặc biệt như lễ tang của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. 

Ngoài ra, bà Park Geun-hye và chính quyền của bà cũng chưa tận dụng vai trò của báo chí tại ASEAN để cải thiện sự hiện diện chính trị của Hàn Quốc tại khu vực này. Một nguồn tin tại Singapore yêu cầu giấu tên nói: “Một trong những mạng lưới truyền hình có ảnh hưởng nhất tại Đông Nam Á là Channel NewsAsia có trụ sở tại Singapore đã xin được phỏng vấn bà Park Geun-hye một vài lần nhưng lần nào bà cũng từ chối. Sau đó họ xin được phỏng vấn Bộ trưởng Ngoại giao nhưng rồi cũng bị từ chối. Báo chí ASEAN đang tìm cách có thêm tiếng nói từ phía các nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhưng các cơ hội đều đang bị bỏ qua”. 

Trong khi đó, vào tháng 2/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đồng ý trả lời phỏng vấn Channel NewsAsia để chia sẻ quan điểm về ASEAN và nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường này, còn các quan chức cấp bộ của Nhật Bản cũng thường xuất hiện trên báo trí tại đây để nói lên tiếng nói của Tokyo. Tổng thống Park Geun-hye và các vị bộ trưởng của bà không có nghĩa vụ phải ngồi với báo chí ASEAN. Tuy nhiên, nỗ lực này rất có lợi cho việc củng cố các mối quan hệ và tăng cường sự hiện diện chính trị trong khu vực. 

Một khi Nhật Bản và Trung Quốc đã có chỗ đứng vững chắc hơn trong ASEAN thì việc Hàn Quốc “chen chân” vào khối này sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Chính phủ Hàn Quốc cần nhận thức được vai trò của mình là đặt nền móng giúp các công ty nước này giành được những thỏa thuận lớn của AEC bằng cách xây dựng các mối quan hệ và cải thiện hình ảnh của Hàn Quốc tại đây.

Theo The Korea Times

Văn Cường (gt)